natalia-sobolivska-rqixu5pw8ro-unsplash

Tại sao phụ nữ không nên kiểm soát mọi thứ?

Bài viết này không chỉ dựa vào việc quan sát những người xung quanh mà còn dựa vào trải nghiệm cá nhân khi tôi trong quá trình chuyển hóa sự cứng nhắc, cực đoan và cương cường bên trong mình. Hy vọng nó đến được với những ai đang cần, đặc biệt là những người phụ nữ.

Trong cuộc sống, tôi để ý thấy rằng một người phụ nữ căng thẳng sẽ có xu hướng kiểm soát rất nhiều thứ, nào là chồng phải thế này, con phải thế kia, đường sự nghiệp công danh phải thế nọ, v.v… Tại sao tôi lại nói người phụ nữ căng thẳng thì như vậy? Vì một người phụ nữ chan hòa, điềm đạm và thoải mái, thì luôn cảm thấy yên ổn và tin tưởng rằng sẽ có lối thoát dù trong bất kỳ tình huống bí bách nào. Khi nội tâm yên ổn vững vàng, cô ấy sẽ không có nhu cầu kiểm soát, không có nhu cầu phải thay đổi hay điều hướng chuyện gì ở xung quanh. Mà thay vào đó, cô ấy gắn bó với bản năng diệu kỳ của mình đó là thích nghi và hợp tác. Ở trong tinh thần này, người phụ nữ nhìn ra được những khớp nối với thực tại đang diễn ra và biết uyển chuyển đưa mình vào đó để hòa nhập cùng điệu vũ chung. Cô ấy không gồng lên để chiến đấu với con sóng cuộc đời mà biết lựa đà để cưỡi sóng. Nên kết quả là cô ấy không phải chịu đựng tổn thương (suffering), mà được hân hoan lướt đi trên biển (surfing). Tôi gọi đây là cách tiếp cận thông minh, linh động và mang tính xây dựng của một người phụ nữ.

Không khó để phân biệt người phụ nữ cương cường và người phụ nữ nữ tính. Đó là một bên dùng lực để kiểm soát thế giới theo ý mình, còn một bên thì dùng sự khiêm nhường để đáp ứng những yêu cầu của thế giới. Một bên sống vì lợi ích của chính mình, một bên sống vì lợi ích của tha nhân. Một bên toan tính và không được ngơi nghỉ, một bên thư giãn và được Đất Trời bù đắp, dẫn lối.

Tôi cho rằng những hiệu quả đời sống sinh ra không phải do người phụ nữ cố gắng kiểm soát ngoại cảnh, mà là nhờ sự khiêm nhường và biết phối hợp của nàng với những giá trị của cuộc đời. Cụ thể hơn, ý tôi đang muốn nói đó là người phụ nữ chân chính điều tiết cuộc sống không phải bằng ngoại lực (force) mà bằng nội lực (power) chính là sự uyển chuyển của cô. Ông bà ta đã có câu “lạt mềm buộc chặt” là vậy. Hay một câu nói khác cũng thể hiện ý tưởng này đó là “Một cái cây không thể uốn nắn được thì dễ dàng bị bẻ gãy.”

Nếu người phụ nữ nào từng ở trong trạng thái mềm mỏng và ôn hòa thì hẳn sẽ thấy rõ rằng những người xung quanh sẽ tự khắc cư xử mềm mỏng và ôn hòa với mình. Thậm chí, họ thể hiện ra phần tốt đẹp nhất của họ để tương xứng với năng lượng bình an đang được tỏa ra từ người nữ. Ở đâu cũng vậy, năng lượng ẩn đằng sau sẽ quyết định mọi chuyện, và bạn không thể làm giả được năng lượng nữ tính hay nam tính.

Tôi để ý thấy rằng những đứa trẻ lớn lên một cách bình an và ngoan ngoãn là do nó có một người mẹ mang năng lượng êm đềm. Hay một người chồng điềm tĩnh, kiên cường cũng là do một phần ảnh hưởng bởi người vợ dịu dàng, ngọt ngào. Trong sao ngoài vậy, nếu thế giới bên ngoài người phụ nữ đang nhìn thấy là hỗn mang, rối loạn và không bình yên thì điều đó chỉ chứng tỏ một điều rằng thế giới nội tâm của cô ấy cũng đang như vậy.

Trong đời sống thực tế, tôi từng biết một số gia đình mà người mẹ thường xuyên bực dọc, quát tháo, kiểm soát đứa con. Nó đi chơi nhà hàng xóm cũng sang tận nơi la lối, gào thét bắt nó về, hay thường xuyên không công nhận hành động của đứa con vì nó không làm theo ý mình. Trong khi đó, đứa con thì rất hay gào khóc, không nghe lời, bất kham, nổi loạn, và cứng đầu cứng cổ.

Đồng thời, tôi cũng quan sát thấy có những người mẹ rất linh hoạt và mang lại cho đứa con cảm giác an toàn. Thay vì cố gắng kiểm soát đứa bé theo ý mình, người mẹ tập chơi với con trong những tình huống cô ấy từng nghĩ là nguy hiểm hay không tốt cho con. Đứa con nghịch thùng nước thì người mẹ không hoảng hốt mà cầm cái gáo nước ra dạy con múc nước ở trong thùng để tưới cây. Đứa con cầm ngược sách thì người mẹ dạy hình cho con theo chiều lộn ngược. Tôi cho rằng đây mới là biểu hiện tuyệt vời của sự nữ tính, đó là khả năng thích nghi và tìm thấy giá trị trong những tình huống có vẻ như “bất thường.” Người mẹ nữ tính thì sẽ có dòng năng lượng tuôn chảy hiền hòa, điều đó tạo sự tin cậy to lớn ở đứa con, vì nó biết nó được an toàn và được phát triển tích cực khi ở bên cạnh mẹ. Đứa con không hề cảm thấy một sự bức bách, căng thẳng hay hẹp hòi nào từ người mẹ của mình.

Bên cạnh đó, tôi cũng từng chứng kiến nhiều hơn một gia đình người chồng đi ngoại tình với các cô gái trẻ đẹp, còn người vợ ở nhà thì hay cáu bẳn, hà khắc, nhăn nhó, lúc nào cũng kiểm soát chồng đi đâu, làm gì, thậm chí kiểm soát cả điện thoại của chồng. Trong khi tôi cũng nghe câu chuyện có thực rằng có những người vợ biết chồng ngoại tình chơi bời nhưng vẫn khéo léo thức tỉnh đánh động chồng, khiến anh ta vừa giữ được sĩ diện, vừa biết quay đầu trở về làm trụ cột gia đình, và vừa rất nể phục vợ.

Ở trong tâm lý nạn nhân, sự căng thẳng và lý luận một chiều, người phụ nữ thường sẽ nhìn nhận rằng vì đứa con thế này mà tôi mới thế kia, vì người chồng thế kia mà tôi mới phải thế nọ, để biện minh cho những hành động và thái độ tiêu cực của mình. Khi xem xét kỹ lưỡng hơn, tôi chợt nghĩ rằng tại sao người phụ nữ không có cách tiếp cận như: nhờ đứa con thế này mà tôi nhớ lại bản năng linh động, nhờ người chồng thế kia mà tôi biết phát huy sự tinh tế, nhờ cuộc đời thế nọ mà tôi được rèn luyện sự mềm mỏng? Tôi cho rằng nếu ai đó phải sống trong một thực tại tiêu cực thì do chính góc nhìn của người ấy có vấn đề chứ không phải hoàn cảnh.

“Thay đổi những khái niệm về bản thân và bạn sẽ tự động thay đổi thế giới nơi bạn sống. Đừng cố gắng thay đổi người khác; họ chỉ là những người đưa tin đang nói cho bạn biết bạn là ai. Hãy thiết lập lại giá trị của bạn và họ sẽ xác nhận sự thay đổi.” – Neville Goddard (Tác giả nổi tiếng về Luật Hấp Dẫn)

Vì vậy, một người phụ nữ có trí tuệ sẽ biết việc cần làm trong những lúc chao đảo khó khăn, đó là đưa nội tâm trở về trạng thái dịu dàng bằng sự tự ý thức, quay vào bên trong để nhớ lại bản tính cầu thị khiêm nhường. Cô ấy biết rằng chỉ cần một thay đổi ở chính mình thì thực tại xung quanh cũng sẽ biến đổi theo. Thay vì cáu gắt lớn tiếng với đứa con thì cô tập nói nhẹ nhàng dịu giọng. Thay vì bực bội, xét nét người chồng thì cô tập luyện sự ngọt ngào, bao dung. Thay vì hờn trách, tránh né cuộc đời thì cô biết tin tưởng và dựa cậy.

Để kết thúc bài viết này, tôi sẽ kể câu chuyện ngụ ngôn về con chó trong nhà gương, một câu chuyện tuyệt vời để minh họa sự kiểm soát của con người nói chung, và của người phụ nữ nói riêng.

“Ngày xửa ngày xưa có một con chó đi lạc vào một căn phòng có treo đầy những tấm gương. Con chó nhìn xung quanh và thấy tất cả những con chó khác. Nó bắt đầu nhe răng, gầm gừ.

Nhìn thấy những con chó kia cũng làm như vậy, nó sợ hãi và co rúm lại. Khi nó để ý thấy những con chó kia cũng co rúm, nó lại một lần nữa gầm gừ và bắt đầu sủa. Phản ứng tương tự từ những con kia lại khiến nó co rúm và trở nên rất sợ hãi.

Chuyện này tiếp tục lặp đi lặp lại cho tới khi con chó cuối cùng cũng ngã quỵ và chết vì kiệt sức tinh thần và thể xác. Chúng ta hãy ngừng câu chuyện lại ở đây và suy xét xem chuyện gì sẽ xảy ra nếu con chó chỉ một lần biết vẫy đuôi.”

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top