noah-buscher-m19qtooxpks-unsplash-2

Thế giới bên ngoài chỉ là một tấm gương

Tính ra đến hiện tại, tôi chuyển nhà từ Hà Nội tới Đà Lạt sống cũng đã được hơn 1 năm. Nhưng từ khi tới vùng đất mới, tôi mới được kiểm chứng nhiều hơn sự liên quan giữa thế giới bên ngoài và thế giới bên trong của con người. Có những trải nghiệm lặp lại diễn ra khiến tôi phải tự hỏi rằng liệu có phải thái độ và ngưỡng năng lượng bên trong sẽ quyết định sự biểu hiện của ngoại cảnh xung quanh không (chứ không phải ngoại cảnh là một thứ gì đó hú họa, không có nguyên nhân)? Vì mọi lần tôi đi chơi đâu đó với một tâm thế vô tư khám phá thì tôi luôn gặp được những cảnh đẹp xuất sắc của Đà Lạt. Đồng thời, mọi trải nghiệm ở đó diễn ra rất trơn tru thuận lợi và để lại cảm xúc vui sướng hân hoan. Nhưng tôi cũng để ý rằng lần nào mình muốn đi chơi với mong cầu được trải nghiệm lại những cảnh đẹp ấy thì tôi đều toàn gặp thất vọng. Nước suối thì đục hơn và chảy xiết cuồn cuộn, bầu trời thì âm u không có một mảng xanh trong nào, và đến giữa chuyến đi chúng tôi thường hay gặp mưa và những sự kiện trục trặc khác. Không chỉ với chuyện đi chơi thăm thú này kia, mà ngay cả với việc viết lách cũng vậy. Hễ khi nào tôi vui sướng vô tư ngồi vào bàn thì những dòng cảm xúc cứ tuôn trào một cách dễ dàng, tôi cứ việc viết ra mà không cần phải suy nghĩ đắn đo gì, kể cả về nội dung hay cách sắp xếp câu. Còn khi nào tôi ngồi xuống và muốn viết được một cái gì đó thật hay, thì tâm hồn tôi bỗng dưng lạnh ngắt, đầu óc tắt lịm không đào đâu ra được một mảnh ý tưởng. Ngày xưa, tôi còn nhớ rằng những ý tưởng truyện ngắn thường đổ vào đầu tôi lúc tôi đang tắm, đang đạp xe chạy bộ, đang nói chuyện vui đùa với mọi người, hoặc đang mơ màng sắp đi vào giấc ngủ. Nó chẳng liên quan gì đến ý muốn của tôi với chuyện đó cả, mà dường như chỉ liên quan đến trạng thái tinh thần của tôi lúc đó.

Càng quan sát và để ý hơn về quy luật này, tôi mới nhận ra rằng nó có một ý nghĩa rất quan trọng đối với cuộc đời của mỗi người. Chúng ta có thể kiến tạo hạnh phúc bằng cách thay đổi tính chất của hạt nhân nơi gốc rễ, là thái độ, tâm thế và năng lượng bên trong. Chỉ cần như vậy là ngoại cảnh sẽ tự chuyển động để ăn khớp với những điều đó. Hay nói cách khác là bạn chính là chủ nhân kiến tạo nên những gì bạn đang được trải nghiệm. Điều này cũng lý giải tại sao trong nhà thờ bạn nghe thấy câu “hãy nâng tâm hồn lên”, vì khi tâm hồn đã thanh thoát và hưng phấn, thì cuộc đời hẳn nhiên sẽ lưu thông trôi chảy. Lúc đó, ta thậm chí không cần phải tính toán kiểm soát những biến cố vụn vặt ngay trước mắt, vì ta biết rằng huyền cơ đang thực sự vận hành ở một bình diện cao hơn.

Trong Kỳ thư Kybalion có mô tả một nguyên tắc nền tảng của vũ trụ đó là

“Trên làm sao, dưới cũng vậy; dưới thế nào, trên thế ấy.” (As above, so below; as below, so above.)

Câu nói này cũng khẳng định sự đồng bộ và thống nhất của con người với vũ trụ ở trên mọi tầng cấp. Đối với các nhà Hermetic cổ đại, họ coi đây là quy luật Phổ quát, có thể sử dụng nó để suy luận từ cái Đã biết đến cái Chưa biết. Cụ thể hơn trong phạm vi bài viết này, tôi cho rằng, chúng ta có thể biến đổi cái Đã biết (nội tâm) nhằm đạt được sự chuyển hóa tương đương ở cái Chưa biết (ngoại cảnh).

>>> 7 nguyên lý Hermetic vĩ đại – Giáo huấn của Thoth

Bạn cứ thử nghĩ mà xem, nếu gặp chuyện bế tắc dường như không thể giải quyết nổi, bạn có tiếp tục lao đầu vào nó trong vô vọng và trở nên bực bội bứt rứt không, hay là bạn nên tạm dành ra một khoảng thời gian thư giãn để dòng chảy sự sống có cơ hội để thoải mái uốn lượn và đưa đến chiếc chìa khóa bạn cần? Nếu bạn hay phán xét và bực dọc với người khác thì bạn có thể có được tình bạn hay những mối quan hệ đáng giá được không, hay là bạn nên tập trở nên đáng yêu và hòa nhã? Nếu bạn muốn sống trong sung túc giàu có, thì bạn có nên ngày đêm đuổi bắt toan tính kiếm tiền không, hay bạn nên tập sống với tâm thế như thể mình đã đầy đủ và luôn được Đất Trời nâng đỡ?

Theo tôi, thay đổi thế giới bên trong chính là điều tiên quyết để thế giới bên ngoài có thể thay đổi. Vì “con người sống trong một thế giới không là gì khác ngoài tâm thức của họ được hiện thực hóa.” (theo cách nói của Neville Goddard, một tác giả nổi tiếng về Luật Hấp Dẫn.)

Ngày nay, đa phần chúng ta không được tiếp cận thường xuyên hay có một thái độ nghiêm túc về nguyên tắc này, trong khi nó lại là “đá tảng góc tường”, thứ nền tảng, phổ quát. Vì thế, chúng ta coi thường nó và cứ tiếp tục sống một cuộc đời luẩn quẩn trong những điều tiêu cực và hỗn độn. Chúng ta thường không luyện tập để có ý thức đưa ra sự nhận định, kiểm duyệt và lựa chọn những ngưỡng năng lượng và thái độ bên trong chính mình. Giống như một anh chàng được ban cho một mảnh đất màu mỡ cùng với vô vàn hạt giống, nhưng anh ta cứ gieo rắc bừa bãi hạt xấu hạt tốt tùm lum trong vườn và phải suốt ngày đi sửa chữa, cắt tỉa, nhổ bỏ các cây của vườn để có thể thu về những lương thực thiết yếu mình cần. Đấy là còn may, chứ nếu gặp xui thì cỏ dại, cây gai mọc đầy vườn lấn chiếm hết không gian sống của những loài cây hữu ích, thậm chí lấn sang luôn ngôi nhà anh ta đang sống ở gần đó. Trong khi, ngay từ ban đầu, anh ta chỉ cần lựa chọn kỹ càng và gieo xuống những hạt tốt là đủ. Để từ đó về sau anh ta sẽ đỡ rất nhiều công sức sửa chữa khu vườn và thường xuyên được sống trong vụ mùa sung túc.

Nói tóm lại, thế giới nội tâm là của bạn và do bạn quyết định, còn thế giới bên ngoài ngoài chỉ là tấm gương phản chiếu lại tất cả. Đừng như dã tràng xe cát biển Đông khi chỉ biết cố gắng đuổi bắt và kiểm soát thế giới bên ngoài. Vì thế giới ấy chưa bao giờ bị mất kiểm soát, vấn đề là do bạn đã quên mất vị trí thực sự của người làm chủ.

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top