elijah-m-henderson-koqxb6taola-unsplash

Làm sao để sở hữu một kỹ năng hoàn hảo?

Chơi đàn, vẽ tranh, nấu ăn, nhảy múa, đấu võ, viết văn, chơi cờ v.v… thậm chí là mở nút chai, đóng bao bì, hay vặn một con ốc, tôi cho rằng tất cả mọi kỹ năng trên đời đều có thể đạt được đến mức điêu luyện hoàn hảo. Sự thông minh nhanh nhạy hay năng khiếu bẩm sinh của con người chỉ là một phần. Nhưng chính sự cần cù và rèn luyện liên tục đều đặn mỗi ngày mới là chìa khóa đi tới sự hoàn mĩ. Người Tây thì nói là “Practice makes perfect”, còn người Việt thì nói “Cần cù bù thông minh” là vậy.

Càng lớn lên sau này, tôi càng được quan sát và được tự mình trải nghiệm nguyên tắc này để có thể khẳng định hiệu quả của nó. Cụ thể câu chuyện của tôi gần đây nhất là về việc học đàn organ.

Thông thường thì một người càng lớn tuổi thì các ngón tay càng cứng nên càng khó học đàn. Nhưng tôi không quan tâm đến chuyện này mà chỉ tập trung vào phương pháp của mình, đó là chia nhỏ từng đoạn và tập thật nhiều lần. Cứ như vậy khi tất cả các đoạn mượt mà thì tôi ghép dần chúng lại thành bài hoàn chỉnh và tiếp tục “nhai đi nhai lại” cho tới khi nhuần nhuyễn cả bài dài thì thôi.

Có một bài nhạc thiếu nhi ngắn mới đây tôi tập hơn 300 lần, dù về cơ bản tôi đã thuộc nó. Thấy vậy, người bạn của tôi bảo rằng tôi có thể chuyển sang tập bài mới được rồi nhưng tôi không chịu. Vì thực ra có một điều tuyệt vời bí mật ẩn sau việc cố nán lại tập thêm vài trăm lần nữa, đó là tôi sẽ dần cảm nhận được càng rõ các nốt nhạc hơn, trong khi các ngón tay tôi càng mềm dẻo hơn và cảm hứng càng dâng trào nhiều hơn. Môn gì cũng vậy, nếu ở giữa lưng chừng luyện tập, có thể bạn sẽ chán nản. Nhưng khi đi qua cột mốc thử thách sự kiên trì, khi ý tưởng tập luyện cả nghìn lần không còn là vấn đề với bạn nữa, thì lúc này phần thưởng sẽ được mở ra dành cho bạn là một sự tập trung và ngưỡng năng lượng cực kỳ mãnh liệt. Nó là một trạng thái hoàn toàn khác, như một kiểu thăng hoa hay lên đỉnh vậy. Đây chính là lý do khiến tôi nán lại luyện tập, chứ không phải chỉ vì thành tích bên ngoài là tập được một bài nhạc nào đó. Tôi cho rằng, đây cũng là lý do mà Lý Tiểu Long có câu nói rằng:

“Tôi không sợ người thực tập 1000 cú đá chỉ một lần, nhưng tôi sợ người thực tập một cú đá 1000 lần.”

Hay

“Chiến binh thành công là một người bình thường, với một sự tập trung như laser.”

>>> 29 thông điệp đỉnh cao từ Lý Tiểu Long

Cách đây rất lâu, tôi từng chơi cờ vua để thi đấu. Trong quá trình luyện tập, các thầy giáo không dạy các học trò của mình một cách bừa bãi ngẫu nhiên. Họ đã chia nhóm các bài học và tập trung vào từng loại để học trò thực hành nhuần nhuyễn. Ví dụ trong 10 ngày đầu tiên, tôi chỉ được học về cách khai cuộc. Rồi 10 ngày sau được học về cách chơi tàn cuộc. Tôi phải chơi đến khi nào hiểu được ra nguyên tắc và quy luật thì thôi.

Còn các bạn khác chơi môn bóng bàn cũng vậy. Chỉ một động tác duy nhất, ví dụ phát bóng, họ phải tập nhiều ngày lặp đi lặp lại, mỗi ngày vài tiếng, cho tới khi thật thuần thục mới được chuyển sang các kỹ năng khác. Nhờ đó dần dà, họ có được phản xạ hoàn hảo ở tất cả các tình huống bóng. Lúc đó, họ mới được thầy cho vào luyện tập đối kháng trong một trận đánh cụ thể để phối hợp các kỹ năng với nhau.

Đọc đến đây có thể có bạn sẽ nghĩ rằng tập đi tập lại một động tác như vậy thì lâu lắm, chán lắm. Nhưng chán lắm thì có thể đúng trong một số trường hợp, nhưng lâu lắm thì lại chưa chắc. Vì nếu so với việc tập ngẫu hứng hú họa cả một kỹ năng lớn, thì việc tập trung vào từng động tác nhỏ sẽ rút bớt thời gian tổng thể hơn rất nhiều. Một người sẽ nhanh chóng nắm bắt được nguyên lý của vấn đề. Mà người chơi thắng chính là người nắm được luật chơi sớm nhất. Hay nói cách khác, chia công việc ra làm thành nhiều phần nhỏ, nhiều tầng lớp (layers) có cùng bản chất để giải quyết là cách nhanh nhất để đi đến thành công. Và thực tế thì thành công sẽ không quan tâm đến việc bạn có chóng chán hay không trong quá trình luyện tập, nó chỉ quan tâm rằng bạn đã “thấm” được nguyên tắc cơ bản vào trong máu hay chưa.

Về chuyện kỷ luật và chăm chỉ này, trong cuốn “Edgar Cayce giải luận về sách Khải huyền” của tác giả John Van Auken, nhà thần bí Edgar Cayce đã nói về cách trầm tư/cầu nguyện để mang lại hiệu quả nhất. Đó là bạn nên đi tới cùng một vị trí, cùng một thời điểm mỗi ngày để thực hiện việc đó. Vì “điều này tạo ra những nhịp điệu và những khuôn mẫu đưa tới sự phát triển từ từ nhưng vững chắc. Nhiều người đã nhận thấy rằng nếu họ không tuân theo thời biểu cầu nguyện và trầm tư của họ, thì sẽ mất nhiều ngày luyện tập để quay lại những mức độ hòa hợp và rung động đã có trước khi bị gián đoạn trong tập luyện.” Ông cũng nói rằng “bất cứ điều gì bạn sẽ và có thể thực hiện thì đều tốt hơn là không luyện tập gì hết.”

Hiện tại bây giờ, tôi vẫn đang sử dụng nguyên tắc này không chỉ để học bộ môn mới hoàn toàn là đàn organ, mà còn dùng nó cho một bộ môn đã quen thuộc hơn, đó là viết lách. Tôi cố gắng duy trì mỗi ngày viết một bài hơn 1000 chữ, vừa để tương tác chia sẻ các ý tưởng đến mọi người, vừa để rèn luyện tay bút và óc tư duy. Kết quả của việc này đó là tôi không cần đợi cảm hứng để có thể viết được như trước kia nữa, vì bây giờ cảm hứng đã được neo vào trong thói quen. Đồng thời tốc độ hoàn thành bài viết cũng được tăng lên theo thời gian. Nếu hồi đầu tôi mất khoảng 3-4 tiếng chia làm 2 ngày để viết xong một bài khoảng hơn 1000 chữ với nhiều lỗi cần sửa, và khi viết xong tôi thường thấy rất mệt đầu. Nhưng bây giờ, khi đã xác định rõ chủ đề, tôi chỉ mất khoảng hơn 1 tiếng liên tục để có thể làm xong tất cả mà không còn mệt mỏi và cũng không phải sửa chữa lại quá nhiều.

Vậy nên, nói tóm lại, nếu bạn muốn đọc sách, hãy bắt đầu đọc vài trang mỗi ngày. Nếu bạn muốn học đàn, hãy luyện một đoạn ngắn mỗi ngày. Nếu bạn muốn học tĩnh lặng tâm trí, hãy ngồi thiền vài phút mỗi ngày… Bạn đừng e ngại phải lặp đi lặp lại một việc gì đó cỏn con tầm thường, mà hãy biết ơn chúng vì chính nhờ sự những bước chân bé nhỏ tưởng như nhàm chán ấy mà bạn đang tiến gần hơn tới mảnh đất của sự hoàn hảo, nơi không thể chạm tới nổi đối với những người không chịu đựng được sự chán chường.

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top