Không biết các bạn đã từng nghe đến câu nói này bao giờ chưa?
“Sữa cho trẻ con; thịt cho người trưởng thành.” (Milk for babes and meat for strong men.)
Trong bài viết này mình muốn nói về khía cạnh học tập, hấp thụ trí tuệ của con người thông qua câu nói này. Thông thường, các giá trị tinh thần lớn lao thì chỉ dành cho những người có nội lực mạnh, người dám đổ mồ hôi sôi nước mắt để tìm kiếm, cày xới và thực hành. Còn những ai yếu ớt, ưa “mì ăn liền”, ngại học, ngại đọc, ngại động não thì chỉ có thể hấp thụ những kiến thức hời hợt, bề nổi và không có giá trị cao. Điều đặc biệt đó là những thành phần tinh hoa trong xã hội lại là “strong men”, họ là thiểu số thâu tóm, kiểm soát và lãnh đạo toàn bộ tầng lớp “babes” yếu kém hơn. Vị trí nào thì cũng có cái giá của vị trí đó, và hiển nhiên không ai muốn sống ở tầng đáy cả. Nhưng câu hỏi đặt ra là trong cuộc sống này, có mấy ai đặt mục tiêu vươn lên và thực hiện bằng được mục tiêu đó?
Không biết ở ngoài kia các bạn tìm kiếm điều gì, tiền bạc, sự nổi tiếng hay sự chú ý từ người khác? Các bạn có bao giờ tìm kiếm trí tuệ, nội lực hay sự giác ngộ không? Có bao giờ bạn nghĩ rằng khi có trí tuệ và sức mạnh tự thân thì những mục tiêu khác bạn cũng sẽ đều đạt được không? Giống như là để chơi thắng một trò chơi thì trước tiên ta cần thông thạo luật trước đã. Vậy quy luật của cuộc sống, bản chất của vũ trụ, thực tại, con người, mối quan hệ của con người với thế giới, việc sống tiến hóa hơn bạn có quan tâm không? Và có dành sự quan tâm bậc nhất cho chúng không? Đó là những câu hỏi quan trọng.
⭐️ 8 lý do vì sao tâm linh quan trọng
Mình để ý thấy rằng số người đặt sự quan tâm đến trí tuệ hay các tri thức tâm linh nền tảng, hay mục đích sống để trở thành phiên bản tốt hơn ngày hôm qua là rất ít. Con người chúng ta thường có xu hướng đi ngang (inertia) hoặc đi xuống (entropy). Chúng ta ưa thích những gì có tính giải trí, vui vẻ, dễ ăn, dễ nuốt, dễ hiểu, ít phải suy nghĩ và vận động nhất có thể. Đặc biệt, những nội dung nào cần óc phân biệt, phán đoán hay phản biện để nhận diện bản chất thì chúng ta hầu như mù tịt. Giống như một người không thể ăn được một món ăn ngon khi đã quá quen ăn những món dở, không thể thưởng thức được một bài viết hay khi đã quen đọc những bài viết dở, hay không thể suy nghĩ sáng suốt khi đã quen với việc lười động não.
Ngày nay xung quanh chúng ta đầy những cám dỗ để thu hút thời gian và sức lực, thỏa mãn những thú vui hời hợt của con người. Nào là điện thoại thông minh với hàng loạt các ứng dụng, TV với đầy các chương trình gameshow giải trí, mạng xã hội thì chẳng ít những chuyện drama giật gân hài nhảm, v.v… Nếu để ý kỹ, bạn sẽ nhận ra đặc điểm chung của chúng là kích thích, cường điệu hóa, cực đoan và nhất thời. Bạn càng đầu tư nhiều thời gian cho chúng thì bạn càng trở nên giống chúng: hời hợt, dễ kích động và yếu đuối. Rồi khi có chuyện gì đó xảy ra, bạn cần sức mạnh để chống đỡ, để lao động, để làm những điều mang lại hạnh phúc và giá trị, bạn không biết tìm sức mạnh đó ở đâu cả. Dù ngoài kia, những cuốn sách hay rất nhiều, các website hữu ích cũng không hề ít. Nhưng bạn đã không còn khả năng đọc và học được nữa. Vì bạn đã đốt hết thời gian và sức lực của mình vào những thú tiêu khiển rồi. Đây là điều mà mình đã chứng kiến ở không ít những bạn trẻ thời nay. Đây cũng là “lời tiên tri” được nói trong Kinh Thánh ở câu chuyện dân Ai Cập có 7 năm được mùa và 7 năm mất mùa.
Mỗi người chúng ta sinh ra ai cũng có 24 giờ mỗi ngày để sống, nhưng hướng đi hay mục đích sống của mỗi người lại khác nhau. Vì mục đích khác nhau nên hành vi, lối sống cũng khác nhau, và hiển nhiên, kết quả thu lại cũng khác nhau nốt. Có một điều rất mâu thuẫn ở đây đó là con người ai cũng mong muốn có được hạnh phúc, nhưng lại chẳng có mấy ai sống để thực hiện ước muốn ấy cả. Chúng ta dường như đang sống một cuộc đời để hủy hoại và thiêu đốt hạnh phúc trong các lạc thú và sự dễ chịu. Tập thể dục mỗi ngày? Không. Đọc một bài viết hay mỗi ngày? Không. Ngồi thiền mỗi ngày? Không. Giúp đỡ một ai đó? Không nốt. Chúng ta chê bài viết ấy dài quá và ngại chẳng đọc nữa, chê rằng cuốn sách nói nhiều câu phức tạp cao siêu nên ta chẳng bỏ công ra để tra cứu nữa, chê rằng ngồi thiền mỏi chân quá nên chẳng ngồi nữa, chê rằng tập thể dục đau người quá thôi cũng chẳng tập thêm nữa, chê rằng mấy món rau củ nhạt nhẽo quá thôi chẳng động đũa nữa, v.v… Nhưng ta lại không hề biết rằng những thứ mà ta từ chối nhất lại chính là những thứ ta cần nhất. Hay theo cách nói của Joseph Campbell thì là “Cái hang bạn sợ bước vào đang nắm giữ kho báu bạn đang kiếm tìm.” Bạn cứ thử nhìn lại mà xem, có phải những người ốm yếu thì chẳng nuốt nổi được món gì, ăn uống kiêng khem dè chừng đủ thứ không? Còn người khỏe mạnh thì họ ăn khỏe như hùm và ăn đa dạng món không?
Nên nếu bạn thấy mình “không nuốt trôi” được một tri thức nào đó, thì không phải là do nội dung đó, mà là do khả năng hấp thụ của bạn có vấn đề. Đứng trước chướng ngại này, bạn lại đưa ra quyết định ngừng học, ngừng đọc, ngừng tư duy và đào xới thì cũng không khác gì bạn ngừng nhai, ngừng nuốt, ngừng tiêu hóa. Bạn sẽ không có “chất dinh dưỡng”, tinh thần của bạn sẽ càng ngày càng yếu đuối, đói nghèo hơn. Rồi bạn lại tìm cách bù lấp những sự thiếu thốn đó bằng những thú vui nhanh chóng khác. Đó là một vòng luẩn quẩn không bao giờ kết thúc. Thực tế thì, một em bé chỉ có thể trở thành người trưởng thành khi nó bắt đầu cai sữa và tập ăn các món ăn như người lớn. Răng nó sẽ dần mọc, hàm nó sẽ chắc khỏe, dạ dày của nó sẽ mạnh mẽ và cơ thể của nó sẽ được tưới tắm nhiều nguồn sự sống.
Những người thành đạt và có sức ảnh hưởng lớn mà mình từng biết trong cuộc sống là những người đọc và học rất nhiều. Họ không học vẹt như kiểu học hành ở trường lớp, họ không đọc để lấy số lượng, mà đọc để rút ra quy luật chung của nhiều lãnh vực khác nhau, học để bồi bổ những phần mình còn yếu kém. Dường như, họ luôn có một sự khao khát kiến thức cồn cào. Chưa kể, họ trải nghiệm cũng rất nhiều và lao động ở cường độ lớn chứ không phải uể oải chây lười, ngồi 1 tiếng tập trung liên tục cũng không nổi. Cách đây vài năm, mình hỏi một người trong số họ rằng “làm sao bạn có thể lao động ở cường độ lớn như vậy mà không mệt mỏi?” thì mình đã rất ngạc nhiên khi nhận được câu trả lời rằng “một người mệt mỏi không phải vì họ thiếu năng lượng, mà là năng lượng (dư thừa) của họ không được đặt vào sự lao động đúng đắn.”
Và mình nhìn thấy vòng xoáy của những người thành đạt ấy là sự sản sinh và hấp thụ rất nhiều giá trị sống. Càng học, càng làm, càng luyện tập, họ lại càng dạn dĩ, giỏi giang và thông minh. Giống như một cái máy tính được liên tục nâng cấp, lên đời thì càng chạy được nhiều chương trình “hạng nặng” chất lượng cao. Niềm vui của họ không nằm ở sự thỏa mãn của thân xác khi nó được giải trí, mà ở sự bứt phá khỏi những giới hạn con người và sự cống hiến những giá trị sống cho xã hội.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, đó là con đường của “người trưởng thành” hiển nhiên không phải là con đường của sự dễ dàng. Hay nói cách khác, đó là con đường phải hy sinh những thứ dễ dàng để vươn tới một mục đích lớn lao hơn. Nếu đã muốn có một thân thể khỏe mạnh, họ phải hy sinh những quãng thời gian ngủ nướng, hay sự ưa thoải mái của cơ thể. Nếu đã muốn có một trí phân biệt và óc phản biện sắc sảo, họ phải hy sinh việc đọc những bài viết kém chuyên nghiệp, hay những nội dung “lá cải” giật gân. Nếu đã muốn có một trí tuệ của hiền nhân, họ phải hy sinh việc tiếp cận với những điều tiêu cực và lối sống không lành mạnh, thậm chí phải hy sinh cả bản ngã cá nhân.
Vậy nên, làm “trẻ con” trong nhận thức thì bạn sẽ được sung sướng một chút lúc đầu nhưng khổ dài về sau, thậm chí còn gây hệ lụy đến người xung quanh. Còn làm “người trưởng thành” thì bạn buộc phải chịu đựng những cuộc lột xác đau đớn và khó chịu lúc ban đầu, nhưng bù lại, bạn sẽ được sống ở một tầng cao mới gần với những giá trị vĩnh cửu và mang lại lợi lạc cho cộng đồng xung quanh. Sách hay, sách dở vẫn ở đó; sự thật, dối gian vẫn ở đó, sự cứu rỗi và những cám dỗ vẫn ở đó, nhưng câu hỏi đặt ra đó là ngay bây giờ, con mắt bạn đang hướng về nơi nào?
Tác giả: Vũ Thanh Hòa