220484599_3018231128410557_2674078289734120479_n

Sự thay đổi đến từ bên trong

Mấy ngày nay mình đang đọc cuốn Power vs Force của Tiến sĩ David Hawkins. Dù chưa đọc hết nhưng mình có linh cảm rằng đây là một cuốn sách tuyệt vời. Có một đoạn này trong những phần mở đầu nói về sự thay đổi của một người khiến mình rất thích thú và tâm đắc nên muốn chia sẻ với các bạn.

“Con người có thể tự kéo mình lên bằng dây giày của mình không? Tại sao không? Tất cả những gì anh ta cần làm là tăng sức nổi của mình và thế là anh ta dễ dàng được nâng lên tới một vị trí cao hơn. Sức lực (force) không thể thực hiện điều đó trong khi sức mạnh (power) không chỉ có khả năng đó mà lúc nào cũng đang làm điều đó.”

>>> David Hawkins – Các mức độ tâm thức

Trước kia, khi còn nhỏ, mình đã có lần thử nghiệm tự cầm tóc trên đầu của mình hoặc cầm dây giày của chiếc giày đang đeo dưới chân để thử nhấc mình lên xem có được không. Hiển nhiên là mình không thể làm được và thấy bản thân lúc đó trông khá ngớ ngẩn với ý định này. Nhưng ngày đó mình không hiểu được tại sao lại như vậy và không thấy được ẩn ý nằm sau hành động thất bại ấy là gì. Nhưng bây giờ khi đọc đoạn trích trên của cuốn sách, mình chợt nhận ra rằng các lực ở bên ngoài không thật sự mang lại thay đổi đối với một người. Sự thay đổi diễn ra khi chính bản chất của người đó biến đổi, nó đến từ bên trong.

Tại sao mình muốn nói về ý tưởng này? Vì mình thấy rằng đa phần con người mới chỉ biết dùng sức lực để tác động bên ngoài hiện tượng (cố kéo sợi dây giày), chứ chưa biết dùng sức mạnh để chuyển hóa cái lõi của hiện tượng. Tác động từ bên ngoài là việc rất mệt nhọc, khổ sở nhưng không mang lại ích lợi gì, nếu không nói là còn tạo ra những xung đột và phản ứng tiêu cực. Không ít người hay có xu hướng kiểm soát người khác theo ý mình, bực bội với những gì diễn ra nằm ngoài kế hoạch và mất kiên nhẫn với bản thân khi không làm được một điều gì đó như kỳ vọng.

Khi thấy một người không được hoàn hảo ở một điểm nào đó thì ta tỏ vẻ khó chịu và tìm cách “uốn nắn” họ theo ý mình, đôi khi ta không hề quan tâm họ có thật sự sẵn sàng cho sự thay đổi đó không, và cũng không quan tâm rằng họ có thấy điểm đó thật sự cần phải cải thiện không. Như Hippocrates đã từng nói:

“Trước khi bạn chữa cho một người nào, hỏi anh ta xem có sẵn sàng từ bỏ những thứ đã làm anh ta bệnh không.”

Nếu chỉ biết đến ý muốn của bản thân mà không quan tâm đến người kia, sự tác động của chúng ta có thể khiến người đó cảm thấy áp lực và tiêu cực nhiều hơn trước kia. Họ có thể trở nên tệ hơn và thường trực phải sống trong sự phán xét từ phía ta và từ chính bản thân họ. Đây là hiện tượng mình quan sát thấy rất nhiều ở xung quanh. Cá nhân mình cũng đã từng rơi vào cách tiếp cận tiêu cực như vậy.

Trước kia, mình muốn cha mẹ mình phải hiểu những ước mơ của mình. Khi cha mẹ không hiểu thì mình đau khổ buồn phiền và dần trở nên xa cách. Mình muốn anh trai mình phải có những thói quen tốt, nhưng khi nhìn ảnh chưa được như vậy thì mình thấy chán nản, thất vọng. Mình muốn người yêu phải dịu dàng ngọt ngào, nhưng khi ảnh vô tình nói nghiêm khắc chuyện gì thì mình cảm thấy bị tổn thương, bực dọc. Khi còn chưa hiểu ra vấn đề, mình chỉ có ý muốn thúc ép, đẽo gọt, uốn nắn mọi người ngay lúc đó, hoặc ngấm ngầm thao túng họ theo ý mình. Nhưng kết quả thì không hề như những gì mình tưởng tượng. Trong quá trình dùng sức lực từ bên ngoài, mình dẫn trở thành người hà khắc, khó tính, khó cảm thông hơn, không chỉ với những người thân yêu nhất, mà với cả những người quen khác. Trong khi họ thì vẫn vậy, không thật sự có thay đổi nào đáng kể.

Nhưng giờ thì mình đã hiểu ra rằng sự biến đổi của một người không đến từ bên ngoài, vì lực bên ngoài chỉ là thứ đánh động tạm thời, như một cái gõ cửa. Thứ làm nên thay đổi thực sự là khao khát tự nguyện và ngưỡng năng lượng bên trong của chính người đó. Nên thay vì cố gắng kiểm soát người khác theo ý mình, mình tập chờ đợi, thương yêu, cảm thông, tâm sự, động viên và cố gắng sống tốt nhất ở phần mình. Thói bạo lực và hà khắc trước kia không phải là năng lượng tích cực có tính nuôi dưỡng, mà chúng có tính hủy diệt, cả bản thân mình và mọi người. Nếu có khi nào theo quán tính chúng còn xuất hiện thì mình sẽ không tập trung vào “điều chưa hoàn hảo” của đối phương, mà coi đây là cơ hội để thấy “điều chưa hoàn hảo” ở bản thân mình, để có thể chuyển hóa chính mình thành một người an bình hơn và biết thương yêu hơn.

(Trích đoạn 990 chữ đầu tiên trong bài viết full 1366 chữ đã đăng trong SUYNGAM.VN Deep Club vào tháng 8, 2020)

Tác giả: Vũ Thanh Hòa
Ảnh: Amy Shamblen | Unplash

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top