tumblr_nuc87eyhht1t3i5pro1_540

Chọn một cuộc đời qua ‘Quyển sách của cuộc đời’ (Krishnamurti)

Chúng ta sinh ra với một trạng thái tinh khiết, theo dòng thời gian, chúng ta được uốn nắn sao cho phù hợp với nhu cầu và mong muốn, trước hết là của người sinh ra ta, sau đó là hoà hợp với xã hội; chúng ta nỗ lực trở thành ai đó, gắn bó với một người nào đó, có quan hệ thân mật với đối tượng khác giới; chúng ta khép chặt trái tim mình, dùng lý trí để duy trì sự tồn tại của bản thân thông qua những ràng buộc trong một mối quan hệ mà ta đã thiết lập. 

Vậy đấy! Chúng ta vẫn đang tự lừa dối bản thân rằng mình đang sống, đang hy sinh, đang có giá trị chí ít là với gia đình mình, với con cái mình; nhưng ta không thể lừa dối bản thân trước sợ hãi về cái chết, về những biến cố xảy đến với ta. Ta quá mỏng manh đi. Trong phút chốc,cảm giác cô độc nhấn chìm ta, chưa bao giờ đứng trước ranh giới giữa sống-chết, ta lại thấy mình bơ vơ, trơ trọi đến thế. 

Sau khi rời khỏi thân xác, Nếu ai đó đến và hỏi ta đã sống thế nào ở hành tinh của mình, thật lòng khó để cảm thán rằng “ôi, một chuyến du hành tuyệt vời”. Không. Ta chỉ bối rối mà rằng, “Xin lỗi nhưng tôi chỉ toàn thấy nỗi đau.” Vì ta chưa bao giờ nghĩ rằng mình đến với cuộc đời là để tận hưởng. Ta chỉ vô thức tham gia vào trò đời với một ý tưởng khuôn mẫu được dung nạp xuyên suốt quá trình ta sinh ra và lớn lên: “Tìm kiếm một cuộc đời ý nghĩa bằng cách trở thành một ai đó có nghĩa.”

Cuộc hành trình bồi đắp những ý nghĩa cuốn ta vào trận chiến giữa hưởng ứng và đấu tranh, giữa tán thành và phủ nhận. Ta chống đối những người chống đối ta. Những kẻ bị ta chống đối lại tiếp tục tìm cách chống đối ngược lại. Và ta – những kẻ đang tranh đấu vì một xã hội thiếu vẹn toàn, đầy mâu thuẫn và nhiều căm phẫn, ta đột nhiên biến thành thứ mà ta đang tranh đấu. 

Đứng trước những bất công, ta buộc phải thiếu công bằng để đòi lại công lý. Bởi chỉ một người không thể gây ra tội ác, màn kịch chém giết bao giờ cũng bị chi phối bởi hai người, kẻ sinh ra trở thành người thủ ác và người sinh ra đã là nạn nhân. Ta đóng đinh những kẻ bị cho là tội đồ nhưng tóm lại, nếu không là tội đồ làm sao ta thấu tỏ được động cơ nào phải bị bài trừ. 

Thời trung cổ, đỡ rắc rối hơn: Tội đồ là tội đồ. Những kẻ phản bội, tên trộm cướp hay giết người đều phải bị thanh trừng, hắn không được quyền bào chữa cho hành vi sai trái của mình. 

Ngày nay lại khác, con người được quyền biện minh cho hành động của mình. Nếu động cơ của chiến tranh là để mang lại hòa bình, thì kẻ phạm tội dễ dàng hợp tình hóa động cơ thủ ác của hắn. Nghĩa là, không một tên điên nào giết người vì hắn muốn thế. Phải ẩn giấu đằng sau tội ác đó một động cơ tâm lý, có thể đó là hệ thống niềm tin vững chắc mà hắn đeo đuổi. Với hắn thì mọi sự đều đúng đắn và có ý nghĩa – cùng là ý nghĩa để tạo nên một cuộc đời có nghĩa. 

Có thể với số đông, những kẻ thái nhân cách như Hannibal Lecter hay Hitler đáng phải chết. Đúng, phải kết liễu những kẻ như thế. Giết kẻ đã giết. Giết kẻ không cho ta giết. Nhưng giết chết một sinh thể dễ dàng hơn giết chết đi một ý tưởng. Ta có thể tiễn Hitler xuống hỏa ngục nhưng không thể tận diệt cái lý tưởng kiêu hãnh của ổng về một quốc gia sở hữu hình mẫu đàn ông sắc đá, tàn nhẫn và lạnh lùng. Thậm chí ta ngày càng thiện cảm hơn với những tay phản diện điên rồ kiểu thế. Để đấu tranh, ta chỉ có thể dùng ý tưởng để đè bẹp ý tưởng; dùng ngôn từ để tiêu diệt ngôn từ.

Khác với Chí Phèo ngày xưa, chẳng ai còn nhớ mà đòi hỏi lương thiện một cách bất lực như vậy nữa. Điều đó có nghĩa rằng ta, những cá nhân còn lại khác, sẵn sàng đạo đức hóa tội ác bằng cách trở thành kẻ mà ta chống đối. Và trí thông minh của ta dư sức thao túng điều mà ta muốn thao túng. 

Mức độ và quy mô khủng hoảng hiện sinh ngày càng trầm trọng. Chúng ta ít nhiều đã Ý thức đôi chút về vấn đề này. Nhưng tôi xin chia buồn là, chúng ta chỉ đang tạo ra thêm hàng chục vấn đề khác chỉ để giải quyết một vấn đề cũ kỹ và cốt lõi: “Tại sao phải sống và sống vì điều gì?”

Thế thì ta sống vì điều gì?

Trước đây, tôi được hỏi câu này, khi ấy, một kẻ đầy nhiệt huyết khám phá cuộc đời như tôi không đủ bình tĩnh để ngồi xuống, uống chén trà, thong dong luận bàn cùng người hỏi, tôi chỉ kịp thở hắt ra và chốt lại rằng: “Tôi ấy mà, tôi sống vì điều gì thì kệ bố tôi đi.” Dĩ nhiên rồi, câu trả lời chỉ nằm trong suy nghĩ chứ nào dám khởi phát thành âm thanh, nhưng cái vẻ hoà nhã của tôi khi bị đánh đố như vậy đều tiêu biến ngay lập tức. 

Rút kinh nghiệm từ bản thân, tôi không thể vào đề bằng câu hỏi ‘bạn sống vì điều gì?’ để làm cái cớ mà giới thiệu bạn đọc đừng chần chừ mà hãy mau đọc cuốn sách ‘Quyển sách của cuộc đời’ (của Krishnamurti). Tôi chỉ có thể gợi ý cho bạn những điều bạn đang băn khoăn, những mặt tích cực (tôi dám chắc bạn sẽ tích cực và lạc quan hơn) khi kinh qua lời của Krishnamurti. Mà để cởi mở với hệ thống nhận thức từ Jiddu Krishnamurti – bậc hiền giả Ấn Độ được Time Magazine xếp vào một trong số năm vị thánh của thế kỷ 20, tôi phải lưu ý với bạn một điều tuy dễ hiểu nhưng không dễ thực hiện rằng: Vứt bỏ thành kiến đi!

Hầu hết những thứ bạn tri nhận hiện nay không thể giúp bạn hiểu được ý nghĩa cuộc đời mình.

Bạn biết đó, thành trì vững chắc từ niềm tin vào một hệ thống luân lý nào đó khó có thể giúp bạn linh hoạt đón nhận thêm nhiều điều bạn chưa biết ngoài kia. Nhân loại đều sợ thứ họ chưa biết, để chế ngự nỗi sợ, chúng ta ra sức tích lũy kiến thức như một loại vũ khí để chống chọi lại mọi bất định và bí ẩn từ thế giới này. Điều này không hẳn là không có tác dụng. Nó hiệu quả lắm chứ. Nhưng vẫn có tác dụng phụ mà chưa được nhiều người cảnh báo. 

Krishnamurti, ông ấy đã dành cả phần đời của mình để góp phần nâng cao nhận thức cho nhân loại, đặc biệt, ông muốn chỉ ra cho ta hiểu về điều mà ai cũng vờ như mình thật sự hiểu. Tại sao ta khao khát điều mà ai nấy đều khao khát? Và tại sao ta không hỏi tại sao với chính mình?

Ta luôn thắc mắc với những người xung quanh nhưng chưa hề nghĩ đến việc thắc mắc với chính mình. Ví như những cảm xúc khó hiểu khi đứng trước một người nào đó, họ phải lòng ta theo thời gian, ta cũng phải lòng họ, cả hai phải lòng nhau. Cũng dòng thời gian đó, không lâu sau, cả hai thôi phải lòng nhau, nhưng vấn đề không phải là tại sao ta hết yêu. Chết tiệt. Cái ý tưởng về câu hỏi này chẳng mảy may xuất hiện trong đầu ta, thay vào đó, mỗi người đều ném câu hỏi vào đối phương: Tại sao họ lại đối xử với ta như thế? 

Ta không sẵn sàng và cũng chẳng có ý định hỏi bản thân mình rằng tại sao mình lại bắt đầu và kết thúc cảm xúc đó. Ta đã mong chờ gì ở đối phương? Không. Chúng ta không ai sẵn sàng hỏi bản thân những câu hỏi mà tự thân câu trả lời, ta biết mình có thể bị tổn thương. Ta né tránh cảm xúc thảm hại đó bằng cách ném nó ra ngoài. Ta không muốn đối mặt với chính mình, với chính những nguồn cơn dẫn đến tuyệt vọng và đau khổ. Ta không muốn không phải do ta sợ những gì ta không biết, ta không muốn bởi ta quá ham muốn. Và chính khao khát vị kỷ đó được ta mỹ hóa thành “tình yêu”. 

Thật đáng thương khi ta lạc lối và cô đơn trong chính cảm xúc của mình. Ấy vậy, chúng ta nhất quyết phủ nhận và huyễn hoặc rằng vì ta thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm để rồi điên cuồng lao vào truy tầm và tích lũy chúng. Điều này có thể liên tưởng qua việc, ta cứ việc ngồi đếm lá, và sau khi biết chắc mình không bỏ sót chiếc lá từ bất kỳ cái cành nào, ta có thể tự hào nhưng bạn vẫn mơ hồ trước bộ rễ siêu hình của nó. Ta biết cây có lá vì ta đã thấy và nó đã được khoa học niêm yết. Nhưng còn rễ, tại sao rễ bị cắm sâu vào lòng đất, tại sao rễ phải cắm sâu vào lòng đất?…

Thật không dễ dàng gì khi ta vẫn chỉ là một sinh vật bậc cao sở hữu nhận thức tuyệt vời nhưng lại không thể tự mình đạt đến tầm nhìn bao la và siêu hình để thấy và hiểu sâu sắc về bộ rễ của một cái cây, nghĩa là, ta có thể trả lời được rằng điều gì giúp ta có một cuộc sống tốt hơn, tiện lợi hơn nhưng vì sao phải sống thì lại không biết. Hoặc không muốn biết.

Khi nói về sự thật/chân lý – giá trị cốt lõi sau cùng mà Krishnamurti muốn hướng đến trong suốt cuộc đời truyền đạt thông điệp của mình, ông chia sẻ rằng bất kỳ ai cũng có thể tìm thấy sự thật (sự thật về ý nghĩa hiện hữu của ta) và, theo lời ông (thông qua dịch giả Lê Tuyên):

Bản chất của sự thật

 “Sự thật là một cái gì đó không thể gom góp tích lũy được. Tất cả những gì mà chúng ta có thể gom góp tích lũy được đều luôn luôn bị hủy diệt biến mất theo thời gian; chúng sẽ tự khô héo và chết đi. Sự thật không bao giờ có thể khô héo bởi vì sự thật chỉ có thể được tìm thấy trong từng giây phút của mỗi suy nghĩ, trong từng mối quan hệ, trong từng từ ngữ, trong từng cử chỉ điệu bộ, trong từng nụ cười, trong từng giọt nước mắt. Và nếu các bạn và tôi có thể tìm được sự thật trong chính những giây phút chúng ta đang sống là những giây phút chúng ta đang tìm kiếm nó – thì chúng ta sẽ không phải tuyên truyền rộng rãi làm gì; chúng ta sẽ là những con người đầy sáng tạo – không phải là những con người hoàn hảo, một con người hoàn hảo rất khác xa với một con người sáng tạo…

Quyển sách của cuộc đời’ được chia nội dung theo từng tháng, mỗi tháng, sẽ có những mục gắn liền với cuộc sống của con người. Từ việc khởi đầu năm mới với chủ đề bàn về việc lắng nghe, nghiên cứu học tập, quyền lực và sự tự biết mình cho đến những ẩn khuất tăm tối của một cái tôi thiếu hiểu biết mà nảy sinh ra đau khổ và sợ hãi. Tất cả những rắc rối của việc là một con người đều được tác giả diễn giải chi tiết, theo sự kiện diễn ra ở dòng thời gian. Khởi đầu – kết thúc rồi lại bắt đầu – kết thúc, chúng ta cứ thế, vẫn cứ mãi khấp khởi hy vọng trong niềm hân hoan, để rồi ưu phiền trong đống hoang tàn đổ nát của tuyệt vọng. 

Càng truy tìm hạnh phúc (ở sai chỗ), con người càng đau khổ. Hình thái của khổ đau ngày càng vi tế và dễ tiếp cận ở mọi độ tuổi khác nhau. Và để trả lời cho những rắc rối nội tại, thông qua ‘quyển sách của cuộc đời’, chúng ta hãy dành thời gian cùng Krishnamurti chiêm nghiệm xem điều gì mới là cốt lõi nhất cho cuộc đời này, nói đúng hơn điều gì đã khiến ta là một con người?

Tác giả: Lê Duyên
Biên tập: SUYNGAM.VN

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top