Ngồi khóc trên cây - “Tẩm ướp” tâm hồn bằng gia vị yêu thương

Ngồi khóc trên cây – “Tẩm ướp” tâm hồn bằng gia vị yêu thương

Ngồi khóc trên cây – cuốn tiểu thuyết dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên xuất bản lần đầu tại Việt Nam vào ngày 27 tháng 6 năm 2013 bởi Nhà xuất bản Trẻ. Là sáng tác thứ 41 của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, “Ngồi khóc trên cây” như tiếng đàn vang lên giai điệu về những rung cảm đầu đời thông qua mối tình đầy hồn nhiên và trong trẻo giữa cô bé Rùa và chàng trai Đông trong chính tác phẩm.

Ngồi khóc trên cây - “Tẩm ướp” tâm hồn bằng gia vị yêu thương

Trong kí ức của nhiều độc giả nhà văn Nguyễn Nhật Ánh – với những tác phẩm xuất sắc đi vào lòng của biết bao thế hệ, thực sự là một tên tuổi gạo cội trong nền văn học nước nhà. Được mệnh danh là “nhà văn thiếu nhi” khi những sáng tác của ông đa số đều dành riêng một sự trân trọng đặc biệt cho lứa tuổi thiếu nhi, nhi đồng thông qua những nét ngây ngô, hồn nhiên của tuổi học trò mới lớn. Qua những trang sách từng kí ức về tuổi thơ được chính nhà văn khắc họa, mở ra với biết bao xúc cảm chạm đến những góc sâu nhất nơi tâm hồn mỗi người. Đọc truyện của Nguyễn Nhật Ánh người đọc luôn có cảm giác thời gian hình như ngừng trôi mà cô đọng lại chính phút giây ấy, nhường chỗ cho những dư âm thân thuộc chậm rãi và từ tốn, bao phủ trọn cả tâm hồn của chính bản thân bạn bằng thứ nguyên liệu mà cả đời mỗi con người chỉ ngắn ngủi phút giây được nếm trải – thanh xuân.

Một nét văn rất “lạ” từ người nhà văn gạo cội.

Bên cạnh sự nghiệp được in dấu bằng những tác phẩm hay dành cho lứa tuổi học trò như: Kính vạn hoa, Cho tôi một vé về tuổi thơ hay Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh,… Thì khi viết về những tác phẩm có nội dung nói về tình yêu – một chủ đề muôn thuở đối với thi ca nhạc họa, cái nhìn của tác giả cũng thể hiện những nét độc đáo và rất riêng biệt. Đó có thể là thứ tình yêu mới lớn, hồn nhiên của tuổi học trò trong “Cô gái đến từ hôm qua”, hay là thứ tình đầu dở dang nhưng đầy khắc khoải và ngang trái qua tuyệt phẩm “Mắc biếc”. Nhưng có lẽ, vượt lên trên những giới hạn về mặt ngôn từ, chan chứa và cuốn hút người đọc bằng thứ cảm xúc của tình yêu thương thì có lẽ không tác phẩm nào trong danh sách văn chương đồ sộ từ người đàn ông năm nay đã bước qua 65 tuổi ấy có thể làm được.

Câu chuyện tình yêu như bước ra từ “thế giới cổ tích” – giữa nhân vật Rùa và Đông trong tuyệt phẩm “Ngồi khóc trên cây”, thông qua ngòi bút của chính tác giả, người đọc được đưa đến với những chiều cảm xúc mới lạ và đầy sinh động. Câu chuyện kể về Đông một sinh viên thành phố về quê chơi nhân kì nghỉ hè, ở đây anh bắt đầu quen với Rùa- một cô gái với tuổi thơ bất hạnh, bị bạn bè xa lánh nhưng đáng trân quý ở cô gái này là một tình yêu đối với thiên nhiên, muông thú. Dần qua thời gian tìm hiểu, giữa họ bắt đầu xuất hiện tình cảm dành cho đối phương nhưng rồi sau tất cả chuyện tình cảm của họ vẫn phải gặp những ngăn cách từ sự khốc liệt của thực tại cuộc sống. Cái chết của ba Rùa khiến cho cô bé phải thu mình trước những bất hạnh của bản thân. Còn về phần Đông, anh đau khổ khi biết mình và Rùa có quan hệ huyết thống lúc tình cảm của cả hai đang dần sâu đậm, Đông quyết định quay lại thành phố và sẽ không quay trở lại bởi mặc cảm tâm lý sẽ bị dày vò khi trông thấy Rùa. Nhưng rồi Đông vẫn quay trở về quê khi bản thân biết mình đang bị bệnh hiểm nghèo, mục đích của chuyến đi không gì khác là để nói lời tạm biệt. Lần thứ hai trở về quê, tuy không muốn gặp Rùa nhưng hình bóng của Rùa một lần nữa lại khiến anh thương nhớ và còn vui mừng hơn khi biết mình và Rùa không phải mối quan hệ “anh em họ” như mình vẫn nghĩ, hy vọng lại đến với Đông khiến cho anh chàng có thêm vững tâm để chống lại căn bệnh hiểm nghèo.

Trở về thành phố với sự hy vọng khác xa lần trước đó là những chán chường trong tâm trạng, Đông càng vui mừng hơn khi biết mình chỉ mắc bệnh thiếu máu một căn bệnh dễ nhầm tưởng với ung thư máu như chẩn đoán từ trước của bác sĩ. Quay trở về quê để báo tin vui với Rùa nhưng bi kịch lại một lần nữa xảy đến cho một mối tình đẹp giữa Đông và Rùa, khi trong lần cứu giúp những đứa trẻ lúc cơn lũ ập đến Rùa đã bị cơn lũ cuốn trôi và mất tích. Quá đau khổ và tuyệt vọng, Đông cùng hai đứa em là Thục và Loan vào rừng để tìm và ôn lại những kỉ niệm của Rùa, trong lúc đau xót nhìn ngắm cảnh vật xưa cũ, Đông nghe như có tiếng hát của Rùa vang vọng. Anh leo lên một cây bứa để quan sát kỹ hơn và rơi những giọt nước mắt khi bắt gặp bóng dáng người mình yêu thương.

Ngồi khóc trên cây - “Tẩm ướp” tâm hồn bằng gia vị yêu thương

Điều đặc biệt và cũng là điều khác biệt nhất trong “Ngồi khóc trên cây” so với các sáng tác trước đó của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, mà bạn nếu không phải là một độc giả quen thuộc với các tác phẩm của ông sẽ khó lòng mà nhận ra, đó chính là cách mà tác giả xây dựng tuyến nhân vật phản diện cho tác phẩm này.

Thông thường trong các tác phẩm văn học hay trong những bộ phim điện ảnh, thì nhân vật phản diện là một phần không thể thiếu đối với mỗi tác phẩm, thường thì vai trò của những tuyến nhân vật này sẽ là làm nền cho tuyến nhân vật chính diện và góp phần tạo nên những xung đột, mâu thuẫn qua đó góp phần tạo nên một mạch truyện có thể lôi cuốn được người đọc cũng như người xem. Chính vì điều đó, nhân vật phản diện sẽ là tuyến bị ghét nhiều hơn là được thương. Bên cạnh vai trò như đã nói ở trên, việc xây dựng tuyến nhân vật phản diện cũng là cách hiệu quả nhất để nhà văn có thể truyền tải những “góc tối sâu thẳm” trong lòng của mỗi con người hay từ chính những vấn đề trong cái xã hội mà con người chúng ta đang tồn tại. Nếu như ở nhân vật phản diện Dũng trong Mắt Biếc là hiện thân của tầng lớp giàu có, dám nghĩ và dám làm để đạt được mục đích (lên kế hoạch để “cưa đổ” Hà Lan), nhưng cũng có mặt đáng thương như chịu những áp lực từ gia đình khi không có quyền quyết định hạnh phúc cho bản thân (cưới Hà Lan) hay như nhân vật Điền trong tác phẩm Đi qua hoa cúc dù đã có vợ con nhưng vẫn lừa gạt Ngà –  nhân vật nữ chính trong truyện, qua tác phẩm phần nào đó cũng phản ánh những mặt tối của tình yêu, nên khi yêu đừng chỉ để ý đến nhịp đập của con tim mà còn phải biết chừa chỗ cho lí trí hoạt động.

Nhưng trong “Ngồi khóc trên cây” sự khác biệt trong tạo hình tuyến nhân vật phản diện được nhà văn thể hiện thông qua những người thợ săn – những con người được sinh ra từ vùng quê nghèo, thiếu những nhận thức cơ bản về cân bằng tự nhiên, về bảo vệ môi trường, chính trong sự nghèo khó ấy đã hình thành nên sự ích kỉ che mờ mắt của những con người đó, để rồi khi những biến cố xảy đến với Rùa thông qua cơn lũ đã giúp cho những người thợ săn quay đầu và hoàn lương. Nhà văn thật sự đã rất sâu sắc khi dùng một thảm họa thiên nhiên từ cơn lũ để giáo dục con người về ý thức bảo vệ môi trường sống, đặc biệt là môi trường thiên nhiên hoang dã. Và Rùa với tấm lòng cao thượng của mình cũng đã cảm hóa được những phận đời tội lỗi từ chính vùng quê nghèo nơi cô sinh ra.

Có lẽ điều tạo nên thành công cho “Ngồi khóc trên cây” không chỉ dừng ở nội dung tác phẩm khi viết ra những câu chữ mang nặng nét suy tư về sự rung cảm đầu đời thông qua mối tình ngây thơ và trong trẻo giữa Đông và Rùa. Mà ở đó điều khiến cho tác phẩm để lại những dấu ấn khó phai trong lòng người đọc chính là sự mới lạ trong việc xây dựng hình tượng nhân vật nữ trong một tác phẩm viết về tình yêu của Nguyễn Nhật Ánh, nếu như trong các tác phẩm về tình yêu trước đây của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, nhân vật nữ ngoài để lại những ấn tượng khó phai thì sự ác cảm và gây tranh cãi đến từ độc giả là điều khó có thể tránh khỏi.

Ngồi khóc trên cây

Nhưng với nhân vật Rùa trong “ ngồi khóc trên cây” là một câu chuyện khác, nhân vật Rùa trong truyện được nhà văn xây dựng mang cái hồn rất riêng của người con gái miền Trung: sâu lắng, dịu dàng và biết chịu đựng. Không phải là sự hướng ngoại của Hà Lan trong “Mắc biếc”, càng khác xa sự khờ khạo và ao ước một tình yêu đẹp bằng sự hiến dâng tất cả cho tình yêu, để rồi nhận lấy đắng cay từ sự không chính chắn của bản thân mình như nhân vật Ngà trong “Đi qua hoa cúc”, hay cũng không hề yếu đuối và thiếu quyết đoán như Quỳnh trong “Còn chút gì để nhớ”. Ở Rùa là một nhân vật có nội tâm sâu sắc, có những tính cách kì lạ, có sự lầm lì ít nói, nhưng rồi khi theo dõi một hành trình dài từ lúc truyện được lật từ những trang sách đầu tiên cho đến cái cảm giác bồi hồi khi cuôn sách cuối cùng cũng được gấp lại, người đọc sẽ dần có thiện cảm với chính nhân vật Rùa – có lẽ đây là nhân vật nữ mạnh mẽ nhất của Nguyễn Nhật Ánh, để rồi yêu quý nhân vật ấy lúc nào không biết.

Xuyên suốt từng trang truyện của “Ngồi khóc trên cây” người đọc sẽ được cảm nhận lối hành văn không lẫn vào đâu được từ chính nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, dí dỏm nhưng vẫn đậm chất từng trải, ngôn ngữ được chính bản thân ông viết ra như cuốn hút từng giác quan của người đọc, không chỉ dừng lại ở trải nghiệm đọc của độc giả mà câu chuyện và hình ảnh qua từng trang sách cũng hóa thành một cuốn phim quay tròn trong tâm trí mỗi người, chậm rãi và từ tốn kèm theo đó là chút cảm giác lâng lâng khó tả, để rồi khi có dịp nhớ về những sáng tác ấy của ông thì “cuốn phim” ấy sẽ lại bắt đầu với công việc của mình- tự động kích hoạt những tiềm thức xa xăm trong con người bạn.

Thông điệp tình yêu từ sự dở dang

Điều sẽ mãi ám ảnh người đọc khi qua những trang sách của “Ngồi Khóc trên cây” chính là phải tìm câu trả lời cho những câu hỏi trong lòng mỗi người. Vì sao tình yêu đẹp thì luôn trắc trở? Phải chăng tình chỉ đẹp khi còn dang dở? hay bởi vì tình dang dở nên mới đẹp? Tin rằng sẽ chẳng có câu trả lời nào để có thể thỏi đáng cho những thắc mắc trên đây, hoặc nếu có cũng chỉ là ý kiến chủ quan của mỗi người. Chẳng có tình yêu nào trên thế gian là trọn vẹn bởi suy cho cùng tình yêu chính là kết hợp từ nhiều thứ gia vị cảm xúc đan xen, sẽ có lúc vui, sẽ có ngày buồn,  có những lúc chán chường, hay những ngày có cảm giác cần nhau,…

Nhưng điều đáng buồn là đôi khi chúng ta thường để những thứ cảm xúc kia đánh lừa rằng điều đó chính là thử thách trong tình yêu để rồi dễ đánh mất nhau vì những điều nhỏ nhặt.Sau cùng từ chính những tổn thương và đau khổ ấy, chúng ta tự huyễn hoặc chính bản thân mình khi cố tìm những lý do để cuộc tình không thành đó mang một kí ức đẹp, trở thành một quá khứ xa xôi mà mỗi lần nhớ về người ta thường tìm về những xúc cảm của tháng ngày mộng mơ để nuối tiếc và hoài niệm, để rồi quên mất đi một điều rằng sẽ chẳng có thứ tình yêu nào đẹp nào khi đã dính vào hai chữ “chia ly”.

Ngồi khóc trên cây - Nguyễn Nhật Ánh

Sau tất cả đây là một câu chuyện cổ tích dễ thương được cân bằng hơn giữa các yếu tố thực và ảo, điều mà không phải tác phẩm nào cũng làm được. Câu chuyện tình yêu trong “Ngồi khóc trên cây” thực sự đã cuốn hút người đọc thông qua cách truyền đạt và dẫn dắt vô cùng tuyệt vời của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Để rồi khi những trang sách của tác phẩm được lật hết cũng là lúc người đọc cảm nhận được cái dư vị bồi hồi càng sót lại nơi những miền kí ức thân quen. Không chỉ dừng lại ở đó, thông qua những nút thắt, những bí mật, những tình tiết hồi hộp của câu chuyện và một kết thúc gợi mở để người đọc có thể tự vẽ nốt câu chuyện cho riêng mình, thì bên cạnh đó sáng tác của nhà văn cũng gửi gắm đến nhiều độc giả những thông điệp ý nghĩa về tình yêu chân thành giữa người và người, giữa con người với thiên nhiên và bồi đắp thêm niềm tin ở những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

  • Review Mắt Biếc Nguyễn Nhật Ánh – Yêu và chẳng được yêu!
  • Review sách: Cô gái đến từ hôm qua – Nguyễn Nhật Ánh
  • Review tiểu thuyết cho tôi xin một vé đi tuổi thơ

Review Ngồi khóc trên cây của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh by Duy Dương

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top