me1bb99t-mc3acnh

Học cách nói chuyện một mình thay vì chém gió với thế giới

Bạn tôi: “Sao cậu cứ suốt ngày lủi thủi một mình mãi vậy?”

Tôi: “Vì tớ không muốn nói chuyện với ai cả.”

Bạn tôi: “Đó là dấu hiệu của bệnh tự kỷ.”

Tôi: “Thích một mình không muốn nói chuyện là cứ bị gán ghép vào bệnh tự kỷ, tớ thấy thật mắc cười.”

Bạn tôi: “Cậu phải gặp gỡ, trò chuyện cùng mọi người thì cuộc sống của cậu mới rạng rỡ lên được.”

Tôi: “Tớ nghĩ nó sẽ rạng rỡ hơn, bớt phiền phức hơn, nếu tớ đừng nói chuyện với bất kỳ ai. Họ chỉ toàn mang lại rắc rối cho tớ.”

Bạn tôi: “Lại cực đoan.”

Tôi: “Cậu không hiểu sao, bất kể cậu nói chuyện với ai, cậu luôn nghe chỉ điều cậu muốn nghe mà thôi. Cậu chưa bao giờ lắng nghe điều người khác nói, cậu chỉ hiện diện trước mặt người đó, trong khi bận loay hoay với những luyên thuyên đang phát ra trong đầu cậu.”

Bạn tôi: “Tớ có nghe những điều đối phương nói.”

Tôi: “Nhưng cậu đã không bận tâm. Cậu sẽ nghe tai này lọt qua tai kia. Khi người đó vừa quay đi, cậu sẽ lãng quên tất cả. Cậu luôn chỉ giữ lại những điều cậu cho là đúng. Phớt lờ lời nói người ta. Vậy thì vấn đề đặt ra ở đây, tại sao cậu lại phải tiêu tốn thời gian cho những câu chuyện mà không hề quan tâm.”

Bạn tôi: “Tớ có quan tâm.”

Tôi: “Cậu quan tâm với thái độ hời hợt. Cậu quan tâm như đó là một phương tiện giúp cậu duy trì mối quan hệ đó. Còn tận trong tâm can, cậu chỉ quan tâm đến cậu mà thôi. Người ta cứ nói với tớ về những yêu thương, quan tâm lẫn nhau. Nhưng khi một tình huống xảy đến đe dọa đến lợi ích của bản thân họ, rồi cậu sẽ thấy, cái vị kỷ bị che đậy sẽ lộ diện.”

Bạn tôi: “Chúng ta đang nói đến vấn đề giao tiếp với mọi người xung quanh. Hình như cậu đang thái quá.”

Tôi: “Mọi người nên tự học cách nói chuyện với chính mình.”

Bạn tôi: “Cậu nghĩ ai cũng bị tâm thần như cậu sao?”

Tôi: “Ai cũng muốn nghe chỉ điều họ muốn nghe. Vậy thì tự nói cho mình nghe. Không cần phải rước thêm rắc rối vào những cuộc tranh luận.”

Bạn tôi: “Chúng ta vẫn có thể học hỏi từ những cuộc tranh luận.”

Tôi: “Tại sao lại phải cần tranh luận trong khi thời đại công nghệ cậu có Google? Bất kể cái gì cậu muốn, cậu đều có thể hỏi nó. Còn tớ, thay vì tiêu hao thời gian cãi cọ, tớ muốn đọc sách. Luôn có tất cả những điều tớ quan tâm nằm trong sách, tớ chỉ cần đọc sách. Nếu tớ thấy quan điểm trong đó là đúng, tớ tiếp thu. Nếu không cảm thấy hài lòng, tớ gấp sách lại. Tớ chưa bao giờ phải tranh luận cãi cọ với sách như khi nói chuyện với người khác.”

Bạn tôi: “Cậu có thể tìm được những niềm vui khác từ việc trò chuyện với mọi người.”

Tôi: “Đó là với những người có nhu cầu với nó. Người ta cần những mối quan hệ, để thuận tiện hơn trong công việc. Tớ hiểu điều này, chẳng hạn những nhà kinh doanh cần đối tác, vậy nên cần có những bàn nhậu được bày biện. Không ai chịu hợp tác với một đứa không biết điều. Tính chất công việc của họ đòi hỏi những cuộc gặp gỡ giao tiếp. Còn tớ, tớ chẳng cần bản hợp đồng nào được ký kết. Tớ chẳng cần những mối quan hệ để thuận bề giải cứu những lúc nguy cấp. Điều đó không có nghĩa tớ cực đoan. Tớ muốn cậu hiểu rõ khi một người thích sự cô độc, là bởi họ cảm nhận nó phù hợp. Người đó cảm thấy một mình thực sự thoải mái hơn là phải ngồi đỏm dáng giữa đám đông. Đó không phải là tự kỷ. Đó là tự do lựa chọn cách sống.”

Bạn tôi: “Cậu thậm chí còn không biết cậu đang bị cầm tù trong những suy nghĩ đó.”

Tôi: “Có lẽ cậu đang nghĩ tớ bị giam hãm trong cái nhà tù đó, lại còn đi đâu cũng mang nó theo. Còn cậu, cậu là gì trong cuộc sống của cậu. Ai mà chẳng đang trong nhà giam. Không chỉ một nhà giam, mà trong rất nhiều nhà giam. Lý tưởng của cậu là nhà giam, tình yêu của cậu là nhà giam, những mối quan hệ của cậu là nhà giam. Chúng ta di chuyển, tự đày ải mình từ nhà giam này sang nhà giam khác. Tớ biết rằng chúng ta chẳng khác gì nhau, nhưng một điều an ủi mà may ra tớ còn thấy hài lòng với chính bản thân tớ, đó là việc tớ yêu thích khi sống trong nhà giam của tớ.”

Tác giả: Ni Chi

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top