n-mc3a0y-bie1babft-gic3a1-tre1bb8b

Đến ăn mày cũng biết giá trị của họ

Em gái tôi vừa quyết định chuyển lên sống Đà Lạt, từ bỏ nghiệp vụ dược sĩ để đầu quân cho một quán cà phê nằm biệt lập ở một vùng hoang sơ trong núi. Sẽ bắt đầu tập tành pha chế những ly cà phê, làm những bước sơ khai trong việc nhào nặn bột để cho ra những chiếc bánh, sáng ra phải lau dọn chùi rửa. Người thân cô ấy bảo rằng đó là một lựa chọn ngớ ngẩn. Tương lai của một cô gái rồi sẽ về đâu khi nhốt mình trong cái chốn rừng rú đó, rồi công việc thấp hèn chỉ dành cho những người không học hành đến nơi đến chốn. Họ lo sợ cô ấy rồi sẽ tàn tạ xuống cấp khi phải hạ mình xuống một đẳng cấp thấp kém hơn những xa hoa, vẻ hào nhoáng bên ngoài của cuộc sống đô hội chốn Sài Gòn mà gia đình cô ấy đang khoác lên mình.

Tôi nghĩ đến cô ấy cũng như thân phận của tất cả con người tồn tại giữa cuộc đời này. Nếu một thế giới chỉ toàn những nhà tri thức, bác sĩ, giáo sư, kiến trúc sư…toàn thể một thế giới chỉ muốn ngồi trong phòng lạnh được sưởi mát bằng điều hòa, ai cũng chỉ muốn là người mang sứ mệnh kiến thiết xây dựng thế giới trên mô hình, bằng con chữ, bằng hình ảnh được phóng chiếu ở nơi bóng mát. Liệu còn ai để đóng vai người thợ hồ thực thi biến những bản vẽ đó thành công trình vật chất. Lấy ai đứng ra bưng bê phục vụ mỗi khi bác sĩ giáo sư vào nhà hàng ăn. Lấy đâu ra người pha cà phê cho kiến trúc sư uống trong mỗi buổi thuyết trình. Rõ ràng bằng một câu trong lời bài hát mà tôi rất yêu thích.

“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai.”

Tôi luôn tự hỏi tại sao xã hội lại có cái nhìn khinh miệt với những nghề lao động chân tay? Ánh mắt miệt thị dành cho những tầng lớp thấp kém khi tự phong mình vượt trội ở một đẳng cấp cao hơn. Nghề nghiệp được mang ra để quyết định một con người mà không phải bằng phẩm chất nhân cách của người đó. Có gì sai nếu tôi là một người quét rác? Có gì sai trong nhân cách của một người bán vé số? Và có gì sai trong trường hợp em gái tôi khi cô ấy thực sự chỉ muốn được sống với công việc mà cô ấy yêu thích.

Một hôm tôi bước vào một tiệm cơm cùng một chị bạn tôi. Cô bán cơm khi nhìn bộ dạng và cách ăn mặc của chúng tôi liền nghĩ rằng chúng tôi làm nghề phụ hồ. Bạn hiểu nghề phụ hồ làm gì không? Là sẽ phụ giúp những anh thợ xây trong công việc bưng bê cát sạn, rồi bốc gạch… Chúng tôi mỉm cười vui vẻ vì sự hiểu lầm đó của cô. Thực ra thì tôi đã muốn giải thích, tôi muốn tường tỏ để cô hiểu rằng tôi không làm nghề phụ thợ hồ.

Nghề nghiệp chính của tôi là một nhân viên dọn vệ sinh. Còn bạn tôi, chị ấy là một cô gái giỏi giang hiểu biết sâu rộng, từng từ bỏ công việc có mức lương tính bằng nghìn đô để sống ở Đà Lạt, suốt ngày luẩn quẩn trong nhà làm hết sản phẩm tự nhiên cho đến việc chăm sóc cho lũ chó mèo. Tôi chưa bao giờ gặp ai lanh lợi, hiểu biết mà lại sâu sắc đến vậy.

Khi tôi bước ra đường và có người hỏi tôi đang làm gì. Nếu là trước đây, tôi sẽ tự ti, tôi sẽ mặc cảm vì xấu hổ. Tôi hổ thẹn vì tôi không thể là một nhà văn nổi tiếng, tôi không phải là một nhân viên văn phòng, một bác sĩ, đại loại là những nghề nghiệp có thể trang điểm cho tôi vẻ tự hào.

Nhưng giờ tôi đã bước qua rồi cái thời kỳ ngớ ngẩn đó của mình. Giờ đây tôi vui vẻ trả lời tôi là một nhân viên dọn vệ sinh, trong một khu nghỉ dưỡng ở Đà Lạt. Sáng nào tôi cũng phải ấp mặt vào bồn cầu để cọ rửa, tôi phải lau sàn, tôi phải giặt giũ chăn màn. Tôi thấy họ dành cho tôi ánh mắt mỉa mai, họ đã nghĩ gì trong đầu, tôi luôn tự hỏi chính tôi khi trông thấy vẻ mặt thất vọng của họ.

Một nhân viên dọn vệ sinh, có thể họ cho rằng tôi chỉ biết có chừng đó việc dọn dẹp kỳ cọ, không có những quyển sách, không có những kiến thức vĩ mô để họ phải dành ra thời gian cho tôi. Họ không thể tốn thời gian chỉ đê bàn luận về một cái bồn cầu được tôi làm sạch bằng cách nào. Cách tôi sử dụng máy hút bụi, hay cách tôi là thẳng những tấm chăn màn.

Khi tôi trở về Huế, những cô bạn hot girl của tôi, họ thậm chí không còn nhận ra tôi. Họ hỏi tôi đang mặc cái thể loại quần áo gì đây, họ bảo tôi đang làm gì với cuộc đời tôi vậy. Còn họ hàng của tôi, họ cứ tỏ vẻ tiếc nuối với bố mẹ tôi. Cũng thông minh, cũng lanh lợi, mặt mày sáng sủa dễ thương, vậy mà lại chôn vùi tương lai của mình trong cuộc sống đó. Họ nói thế với bố mẹ tôi. Tôi chẳng hiểu họ đang nói gì nữa, tôi chẳng hiểu họ đang tiếc nuối gì cho cuộc sống của tôi nữa. Họ không thấy tôi đang rất thoải mái với cuộc sống này sao? Tôi đang hài lòng với cuộc sống tôi mà. Chỉ vì nó không giống với một chuẩn mực thành công mà họ đã tạo ra nên họ bày tỏ sự tiếc nuối với thất bại của tôi sao?

Năm em trai tôi sáu hay bảy tuổi gì đấy. Tôi nhớ căn phòng tôi chưa được bố lắp cửa ra vào. Tôi nhớ em trai tôi đã thủ thỉ vào tai tôi rằng lớn lên nó sẽ trở thành một thợ mộc. Nó muốn trở thành một thợ mộc để đóng cho tôi một cái cửa phòng, vì nó cứ nghe tôi phàn nàn với bố về việc tại sao phòng của tôi lại không thể được ngăn cách với thế giới bên ngoài. Ước mơ đó thật vĩ đại, tôi chưa từng biết đến một ước mơ nào tuyệt vời hơn thế. Ước mơ của trẻ em luôn thuần khiết, xuất phát từ những điều chúng yêu thích.

Nhưng tại ai mà chúng phải trở thành những nhà tri thức chán ngán đến thế kia? Con muốn trở thành tài xế lái xe máy cày, con muốn trở thành người chăn trâu, con muốn trở thành nông dân. Hai từ “con muốn” luôn bị bố mẹ gạt phăng ra một cách thẳng thừng. Bởi bố mẹ luôn cho rằng những đứa con của họ còn quá nhỏ để thực sự hiểu được đâu mới là điều tốt nhất cho nó. Và suy nghĩ đó của họ, dù đứa con đã bước vào tuổi đủ để tự lo liệu cho bản thân, thì đối với bố mẹ con cái họ vẫn còn quá nhỏ để hiểu đâu mới là điều nên làm.

Nếu một người dọn vệ sinh như tôi cảm thấy hài lòng vui vẻ với công việc tôi đang làm, điều đó thì có gì xấu hổ? Với tôi, chỉ có hệ thống tư tưởng cổ lỗ mục ruỗng của xã hội mới là điều đáng xấu hổ. Nếu tôi không cảm thấy bất an về cuộc sống của tôi, tôi cần gì lòng tự hào được trao tặng từ phía người khác? Khi tôi cọ rửa bồn cầu, khi tôi quét rác, khi tôi thu dọn rác rưởi mà khách khứa bày bừa, tôi chưa bao giờ cảm thấy tổn thương và bị sỉ nhục bởi công việc này.

Khi một căn phòng được chỉnh chu gọn gàng, tôi luôn ngắm nghía nó rất lâu, cảm giác mình vừa làm xong một việc ý nghĩa, sẽ có một vị khách tiếp theo được thoải mái trong căn phòng sạch sẽ tươm tất này. Tôi thấy mình thật có ích. Tôi được cần tới trong cuộc sống của căn phòng này. Nhưng nếu lúc này tôi đang ngồi trong văn phòng, đối mặt với đống sổ sách giấy tờ, những thứ hỗn loạn mà tôi mệt mỏi phát ngán khi chỉ vừa liếc mắt qua. Thật phí thời gian, tôi không được cần đến cho công việc đó. Tôi không nên cướp mất cơ hội của những người khác phù hợp hơn.

Có một cảnh phim ăn mày đóng cửa treo bảng nghỉ ngày chủ nhật không nhận tiền bố thí mà tôi vẫn luôn rất ấn tượng. Tôi chưa bao giờ đánh giá một con người qua nghề nghiệp của họ. Độ sâu sắc của trái tim một con người, tình yêu của người đó đối với công việc họ đang làm, duy nhất chỉ điều đó mới có thể thu hút tôi. Kiến thức, sự hiểu biết rộng rãi, hay những thành công đạt được, ừ thì họ thật tài hoa. Nhưng nếu trái tim họ rỗng tuếch, xin lỗi tri thức của họ cũng chỉ đáng là rác rưởi đối với tôi.

Đừng bao giờ mặc cảm với công việc bạn yêu thích. Bởi đến cả ăn mày, họ cũng biết cái giá của họ.

Tác giả: Ni Chi

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top