kal-visuals-ak4ipnyipnu-unsplash

Phúc lạc vs. Khoái lạc – Đâu mới là hạnh phúc chân thực?

Mỗi người chúng ta ai cũng mong muốn một điều gì đó. Niềm mong muốn là năng lượng khởi thủy nằm đằng sau mọi hành động của chúng ta trong cuộc đời này, hoặc đúng hơn nó tạo ra ý nghĩa cho sự sống.

Có nhiều người nói rằng họ chẳng mong muốn điều gì. Thật ra việc không mong muốn đó cũng là một mong muốn, chỉ là họ không biết cách gọi tên nó, nên họ phủ định những gì không phải nó. Vậy nên xác định ta đang mong muốn điều gì là cực kỳ quan trọng, nó cho ta một cuộc sống nhất quán và có phương hướng, để chúng ta không mắc phải những sai lầm không đáng có, làm hao phí năng lượng và thời gian.

Từ cổ chí kim, mong muốn tối cao của con người luôn là hạnh phúc, và họ xem đây là kim chỉ nam cho cuộc đời. Vấn đề là hầu hết lại không hiểu rõ hạnh phúc là như thế nào, làm thế nào để có hạnh phúc. Mơ hồ về hạnh phúc đôi khi khiến một con người dành cả đời để theo đuổi hạnh phúc giả tạo, cuối cùng chỉ thấy mình đã phí thời gian quý giá vì những điều vô nghĩa.

“Hạnh phúc” là một danh từ tương đối, nó được định nghĩa khác nhau bởi nhiều người khác nhau. Dựa theo cách nhiều người theo đuổi hạnh phúc từ xưa cho tới nay, thì “hạnh phúc” căn bản có thể chia thành hai trường phái: Phúc lạc (Bliss) hoặc Khoái lạc (Pleasure), mọi hành động của chúng ta đều bắt nguồn từ một trong hai năng lượng mong muốn này.

Phúc lạc là một cảm giác mang tính tinh thần, tâm linh, trực giác. Những ai trải nghiệm phúc lạc đều cảm thấy một trạng thái tự do, kết nối, cao cả, bình an, tràn đầy, mãn nguyện, mạnh mẽ, sống động,… Những cảm giác này đều gắn liền với những hành vi gần gũi với Chân-Thiện-Mỹ như là cho đi, tình yêu vô điều kiện, lòng bao dung và trắc ẩn với người khác, làm chủ bản thân, vượt qua giới hạn của chính mình, tâm trí thư thái nhẹ nhàng… Phúc lạc thường bền lâu và cách để tìm kiếm nó đa phần là đi vào bên trong nội tâm, do đó nó không phụ thuộc nhiều vào điều kiện bên ngoài.

Trong khi, khoái lạc là một cảm giác được trải nghiệm bằng nhận biết của các giác quan. Trải nghiệm của Khoái lạc đó là sung sướng thể xác, sự kích thích, thỏa mãn,… Hành vi dẫn đến khoái lạc thường gắn với những ham muốn bản năng của thể xác và tâm trí như tình dục, ăn uống, nhàn hạ, sự công nhận, danh tiếng, địa vị,… Khoái lạc là những thứ tạm thời, có điều kiện, phải liên tục tìm kiếm sự đáp ứng từ bên ngoài.

Có ai đó hỏi: Có thể chọn cả hai để theo đuổi không? Câu trả lời dường như là không trong hầu hết trường hợp. Ở đây có sự đánh đổi, khi muốn tìm kiếm phúc lạc, chúng ta phải buông bỏ những khoái lạc tạm thời, và việc đắm mình trong khoái lạc sẽ đánh mất phúc lạc. Một ví dụ, việc ai đó thủ dâm hằng ngày sẽ làm anh ta khoái lạc cực độ, nhưng nếu muốn có phúc lạc, anh ta phải làm chủ bản thân khỏi vòng xoáy vô độ đó. Khoe mẽ và được ca tụng tất nhiên là rất thỏa mãn, nhưng nếu muốn có được sự bình thản trong tâm hồn, anh ta phải thật sự khiêm tốn. Chúng ta chỉ có thể chọn phúc lạc hoặc khoái lạc, lý do là hai thứ này dường như tương phản nhau ở nhiều khía cạnh.

Phúc lạc gắn với trạng thái tần số rung động cao (can đảm, bao dung, bình an,…) và khiến con người ta trở nên thánh thiện. Khoái lạc thường đẩy người ta vào tần số rung động thấp sau khi đắm mình vào đó (dằn vặt, sợ hãi, bất mãn,…) Phúc lạc nuôi dưỡng một con người trở nên có ích và thánh thiện hơn vì cho đi và kết nối là những gì khiến họ hạnh phúc, do đó vô tình làm họ tác động tích cực đến những người xung quanh. Khoái lạc thường bào mòn và phá hủy sinh lực của một người. Để có được nhiều khoái lạc hơn, họ thường hành động trong tham vọng, ích kỷ, và từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến người khác. Phúc lạc khiến người ta tự do và cao cả, khoái lạc cầm tù họ, biến họ trở thành nô lệ. Phúc lạc thì bền vững và không giới hạn, khoái lạc là một vòng luẩn quẩn giữa khởi điểm thèm khát và kết thúc chán nản. Phúc lạc luôn mới mẻ, khoái lạc thì nhanh chóng nhàm chán và chỉ có thể làm mới bởi sự thay thế và gia tăng mức độ. Phúc lạc là mục tiêu của những người tìm kiếm tâm linh và Thượng Đế, khoái lạc là mục tiêu của những người duy vật vô thần.

Vấn đề ở đây là việc tìm kiếm khoái lạc hay phúc lạc rất dễ nhầm lẫn trong động cơ. Đơn thuần trong mối quan hệ, chúng ta thường hay nhầm lẫn giữa tình yêu và sự chiếm hữu. Ví dụ ta thấy một người phụ nữ, nếu ta muốn chiếm hữu cô ta cho riêng mình vì sắc đẹp hay sự hấp dẫn, thì động cơ của ta là khoái lạc. Còn nếu chúng ta đến với cô ấy bởi tình yêu, chúng ta muốn bảo bọc và cho đi mà không đòi hỏi bất cứ sự thỏa mãn hay đáp trả nào thì động cơ của ta chính là phúc lạc. Sự nhầm lẫn này trải rộng lên bất cứ lĩnh vực nào. Trong nghề nghiệp: liệu ta đến với nó vì tình yêu, sự cống hiến tạo ra giá trị hay để đạt được gì đó từ nó – tiền bạc, sự công nhận, ca tụng. Trong việc kiếm tiền, liệu ta kiếm tiền để duy trì nhu cầu căn bản, giúp đỡ những người xung quanh vì trách nhiệm và tình thương, hay để có thật nhiều tiền để thỏa mãn lạc thú. Ngay cả các nhu cầu thường ngày cũng sẽ nhầm lẫn nếu không biết giới hạn của nó. Ăn uống và nghỉ ngơi để duy trì sức khỏe, thưởng thức hương vị thức ăn, nhưng nếu quá mức thành ăn uống vô độ và nhàn hạ bê tha, nó sẽ gây hại.

Việc nhầm lẫn này là từ sự thiếu nhận thức và thiếu hiểu biết về bản thân. Có thể ta muốn một tình yêu đích thực, nhưng ta lại tìm chúng bằng cách chiếm hữu và ràng buộc đối phương. Có thể chúng ta muốn hạnh phúc đích thực viên mãn, nhưng ta lại tìm ở bên ngoài, thông qua thỏa mãn giác quan và tâm trí. Điều này vô tình khiến chúng ta liên tục mâu thuẫn với chính mình, bối rối mất phương hướng và sống một cuộc sống sai lầm. Rõ ràng trong tâm tưởng và thấu hiểu chính mình là chìa khóa ở đây.

Trong Chí Tôn Ca, Đức Krishna gọi phúc lạc là hạnh phúc trong hiền tính, còn khoái lạc là hạnh phúc trong dục tính và hạnh phúc trong si tính:

“Cái ban đầu dường như độc tố, nhưng cuối cùng hóa ra là tiên tửu và cái thức tỉnh con người tự chứng ngộ được gọi là hạnh phúc trong hiền tính.

Hạnh phúc nảy sinh từ sự tiếp xúc của các giác quan với các đối tượng của chúng và ban đầu dường như là tiên tửu, nhưng sau hóa ra độc tố là hạnh phúc trong dục tính.

Còn hạnh phúc làm con người mù quáng chẳng còn khả năng tự chứng ngộ, cái chỉ là hão huyền từ đầu chí cuối, cái sinh ra từ những giấc ngủ, từ tính lười biếng và ảo tưởng được gọi là hạnh phúc trong vô minh” – Chí Tôn Ca (18:36-38)

Nói theo cách bình thường thì khoái lạc là thứ bị thôi thúc từ dục vọng (dục tính) và sự thiếu nhận thức (si tính), phúc lạc sinh ra từ sự nhận biết và sự hướng thiện (hiền tính). Hay nói cách khác, tìm kiếm khoái lạc là bản năng của thể xác, tìm kiếm phúc lạc là bản năng của linh hồn. Xem mình là linh hồn hay chỉ đơn thuần là thể xác sẽ quyết định ta lựa chọn cái nào.

Khoái lạc và phúc lạc đâu mới là hạnh phúc chân thực? Đối với tôi là phúc lạc, và tôi đang trên hành trình trải nghiệm nó. Còn với những người khác thì câu trả lời là khác nhau tùy theo cảm nhận của riêng họ. Lựa chọn cái nào sẽ có những trải nghiệm tương ứng. Ai cũng có những bài học riêng để học hỏi và tiến hóa, chúng ta có quyền Tự do ý chí riêng là để phục vụ cho điều này.

“Nếu bạn theo đuổi phúc lạc, bạn đặt bản thân mình lên một con đường đã luôn có ở đó, đang chờ đợi bạn, và cuộc đời bạn nên sống là cuộc đời bạn đang sống. Đi theo phúc lạc và đừng sợ hãi, và những cánh cửa nơi bạn không ngờ tới sẽ mở ra.

Theo đuổi phúc lạc rồi vũ trụ sẽ mở ra cho bạn những cánh cửa nơi từng chỉ có những bức tường.” – Joseph Campbell

Tác giả: Bá Kỳ

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top