134045449_3752320501455311_2574431509623635976_n

Kinh Vệ Đà là vĩnh cửu – Brahma Sutras là Khoa học về Linh hồn

“Kinh Vệ-đà là vĩnh cửu. Chúng không được viết bởi bất kỳ cá nhân nào. Chúng phát ra từ hơi thở của Brahma. Vedanta là phần cuối hoặc ý chính của kinh Vệ-đà. Nó đề cập đến phần tri thức. Vedanta không phải chỉ đơn thuần là những suy đoán. Nó là bản ghi chân thật về những trải nghiệm siêu việt hoặc sự nhận thức trực tiếp của những Rishis hay Thánh Nhân Hindu vĩ đại.

Brahma Sutras là Khoa học về Linh hồn. Sutras (Kinh) là những câu cách ngôn súc tích. Chúng đưa ra bản chất cốt lõi của các lập luận về một chủ đề. Các tư tưởng được nén lại hoặc cô đọng trong những Sutras này bằng ít từ nhất có thể. Rất dễ để nhớ chúng. Chỉ những người có trí tuệ vĩ đại, đã giác ngộ, mới có thể soạn Kinh. Chúng là những manh mối hay sự hỗ trợ cho trí nhớ. Chúng không thể được hiểu nếu không có một bình luận sáng suốt (Bhashya). Phần bình luận cũng cần được giải thích thêm. Do đó, việc giải thích Kinh điển đã làm nảy sinh nhiều loại tác phẩm văn học khác nhau như Vrittis và Karikas. Các Acharya khác nhau (những người sáng lập các trường phái tư tưởng khác nhau) đã đưa ra những cách giải thích Kinh điển của riêng họ để thiết lập học thuyết riêng.

Bhashya của Sri Shankara về Brahma Sutras được gọi là Sariraka Bhashya. Trường phái tư tưởng của ông là Kevala Advaita. Tiếng Phạn là một ngôn ngữ rất linh hoạt. Bạn có thể rút ra từ nó nhiều loại Rasas khác nhau tùy theo tầm cỡ trí tuệ và kinh nghiệm tâm linh của bạn. Do đó các Acharya khác nhau đã xây dựng những hệ thống tư tưởng hoặc giáo phái khác nhau bằng cách giải thích Kinh điển theo cách riêng của họ và trở thành người sáng lập ra các giáo phái.

Toàn bộ mục đích của Brahma Sutras là nhằm loại bỏ sự đồng nhất sai lầm Linh hồn với thân xác, chính là nguyên nhân gốc rễ của những đau khổ và bất hạnh của bạn, là sản phẩm của Avidya (vô minh), và giúp bạn đạt được sự giải thoát cuối cùng thông qua tri thức về Brahman. Quan điểm của các Acharya khác nhau đều đúng về khía cạnh cụ thể của Brahman mà họ bàn tới, mỗi người theo cách riêng của mình. Shankara đã nhìn nhận Brahman ở khía cạnh siêu việt của Ngài, trong khi Sri Ramanuja chủ yếu nhìn nhận theo khía cạnh nội tại của Ngài.

Mọi người đã mù quáng tuân theo các nghi lễ trong thời Sri Shankara. Khi viết tác phẩm bình luận của mình, ông đã có ý định chống lại những tác động xấu mà chủ nghĩa nghi lễ mù quáng gây ra. Ông ấy chưa bao giờ lên án con đường vị tha phục vụ hay Nishkama Karma Yoga. Ông lên án việc thực hiện các nghi lễ với động cơ ích kỷ.

Tri thức về Nirguna Brahman là phương tiện giải thoát duy nhất. Những người biết về Νirguna Brahman đạt được giải thoát cuối cùng ngay lập tức hay còn gọi là Sadyomukti. Họ không cần phải đi theo con đường của thần thánh hay con đường của Devayana. Họ hợp nhất trong ParaBrahman. Họ không đi đến bất kỳ cõi giới nào. Brahman của Sri Shankara là Nirvisesha Brahman (Phi cá nhân Tuyệt đối) vô thuộc tính.”

— Swami Sivananda, Brahma Sutras

(Prana – SUYNGAM.VN dịch)

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top