yulia-pantiukhina-yoycsgkakqe-unsplash

Không ai chịu trách nhiệm cho hạnh phúc của bạn

Thuở nhỏ, tôi là đứa trẻ được ba mẹ cưng chiều và che chở hết mực. Có lẽ vì khi mới sinh ra, tôi đã nhỏ bé hơn nhiều so với những đứa trẻ cùng lứa khác và sự sống của tôi phải đấu tranh để có được chứ không phải chuyện dễ dàng gì. Việc có được bao bọc của gia đình từ tấm bé đã khiến cho tôi có được một nền tảng no ấm, an toàn và sung túc. Tuy nhiên, tôi cũng đã trải nghiệm mặt trái của câu chuyện khi lớn lên sau này.

Trong một lần rơi vào khủng hoảng, bao nhiêu những mâu thuẫn và khốn khổ bên trong lòng tôi trỗi dậy. Tôi nhận thấy mình là một đứa hèn nhát, yếu đuối và run rẩy trước mọi chuyện. Tôi sợ làm phật lòng cha mẹ, sợ cha mẹ trách mắng khi không đi theo đường hướng của gia đình. Rồi tôi lại sợ mình sẽ trở thành một đứa thất bại, không thực hiện được đam mê và khát vọng của bản thân. Lúc đó, trong tâm trí tôi chỉ toàn những suy nghĩ tiêu cực và tuyệt vọng, tôi thấy mình chẳng làm được gì nên hồn. Tôi chửi rủa thế giới và hờn trách cha mẹ rằng đã quá nuông chiều tôi khiến tôi thành ra yếu ớt như thế này. Lúc đó, tôi chẳng biết gì khác ngoài những lời trách móc, đổ lỗi cho mọi thứ trong cuộc đời mình. Tuy nhiên trong lúc rối ren ấy, chỉ có một người duy nhất được thoát khỏi cái trách nhiệm mang đến hạnh phúc cho tôi, đó là chính tôi.

Sau này khi chủ động dấn thân vào cuộc đời và chịu đựng những va vấp tổn thương, rồi lọ mọ tìm cách vượt qua, tôi đã nhìn lại những ngày xưa cũ khi mình còn đang than vãn, đổ lỗi cho mọi thứ. Tôi thấy rằng tư tưởng ngày đó mình mang theo đúng thật là yếu đuối. Tôi đã không biết rằng hạnh phúc là bản chất bên trong của mỗi người và nó không hề phụ thuộc vào điều gì bên ngoài cả.

Có một lần, bạn tôi phát ngôn ra một điều gì đó khiến tôi không hài lòng. Lúc đó, tôi đã chực tỏ thái độ khó chịu bằng cách nói qua nói lại đôi ba lời cho bõ tức. Nhưng chẳng hiểu sao, tôi không làm vậy. Có một tiếng nói bên trong tôi khẽ thầm thì mà tràn đầy sức mạnh rằng:

“Người ta cư xử thế nào cũng chẳng can hệ gì đến bạn. Vui vẻ là do bạn tự có sẵn bên trong mình. Đừng trao cho ai cái quyền có thể làm hỏng nó và cũng đừng để hạnh phúc của chính mình phụ thuộc vào một ai.”

Tôi đã rất ngạc nhiên khi lắng nghe được thông điệp đó từ nội tâm, vì bình thường theo thói quen, tôi sẽ nghĩ rằng “người ta động chạm đến tôi, vậy thì tôi phải bực bội và đấu tranh để bảo vệ chính mình.” Nhưng lúc ấy như một ngoại lệ, tôi chẳng thấy bực tức gì. Tôi chỉ thấy cuộc hội thoại với người bạn chỉ là đang diễn ra như vậy, nó hoàn toàn trung tính và chẳng can hệ gì đến tôi. Khi nhìn vào bên trong, tôi thấy mình vẫn thản nhiên chẳng bị lay động, hoàn toàn khác với nhiều lần trước kia trong một bối cảnh tương tự. Thế là bỗng nhiên, tôi thấy chuyện trở nên bực tức với người bạn thật là nực cười và tôi không còn mảy may nhớ gì về ý định cau có với câu nói của người bạn nữa.

Nhờ trải nghiệm này, tôi chợt nhớ lại những lần mình đã từng trách móc cha mẹ ra sao, đổ lỗi cho trường lớp và xã hội thế nào vì sự trưởng thành chậm chạp của bản thân. Tôi thấy chuyện đổ lỗi ấy thật là phi lý. Đành rằng những người xung quanh có tương tác ảnh hưởng lẫn nhau, nhưng quyết định phản ứng thế nào, trở thành một người ra sao là việc của tôi chứ? Tại sao tôi lại không nhận trách nhiệm ấy về mình mà lại đặt nó lên vai những người khác, những người cũng có trách nhiệm tương đương trong việc trở nên hạnh phúc với chính con người họ?

Không chỉ đối với gia đình, tôi đã từng có góc nhìn phụ thuộc yếu đuối đối với người yêu. Tôi đã từng nghĩ yêu nhau là phải mang lại hạnh phúc cho nhau, phải có trách nhiệm làm người kia thoải mái dễ chịu. Nhưng tôi đã lầm. Những gì người yêu tôi làm khi hai chúng tôi ở trong một mối quan hệ đó là ảnh chỉ tập trung chăm sóc cho thái độ của chính anh. Còn mọi không gian và phần việc của tôi, anh ấy để tôi tự do quyết định. Anh ấy chẳng bao giờ bảo là “em phải làm thế này, phải cư xử thế kia cho hợp ý anh, để cho anh vui.” Mà đơn giản, ảnh “mặc kệ” tôi chịu trách nhiệm cho những hành vi của mình và học hỏi từ những kết quả của những hành vi ấy, bất kể nó tiêu cực đến cỡ nào.

Lúc ban đầu, tôi đã tưởng điều đó là một sự phũ phàng, khắc nghiệt và lạnh lùng của người yêu. Tôi đã thấy rất tổn thương và thu mình lại, chẳng thiết tha yêu đương gì nữa. Nhưng dần dà, khi tự thuyết phục chính mình thay đổi góc nhìn, tôi đã ráng tập luyện làm cho bản thân bình an và tích cực hơn, tự vực dậy sau những trải nghiệm bộc lộ sự yếu đuối của mình. Từ đó, tôi mới ngỡ ngàng nhận ra rằng người yêu đã dành cho tôi “tough love.” Dù tình yêu ấy rất khắc nghiệt, và có vẻ ngoài đối lập với sự bao bọc của cha mẹ tôi, nhưng nó đã khiến tôi trưởng thành về mặt nhận thức rất nhiều. Đồng thời, nó khiến tôi trân trọng, ngưỡng mộ anh, và có được sự thấu hiểu, biết ơn sự chở che của gia đình dành cho mình.

Tôi dần hiểu ra rằng việc mang lại hạnh phúc cho nhau là một sự tự nguyện, không phải sự bắt buộc. Nhờ vậy, tôi không còn sống như một đứa èo uột hay than vãn nữa, mà tôi bắt đầu biết tập chịu đựng những áp lực khi bản ngã bị vùi dập, và biết tận hưởng cuộc đời khi sóng yên biển lặng. Tôi cũng không còn cho rằng gia đình, người yêu, hay bất kỳ ai phải chịu trách nhiệm cho hạnh phúc của tôi nữa. Mà tôi đã hiểu ra rằng mỗi người nên tự phấn đấu để trở thành một cá thể độc lập, mạnh mẽ. Và khi đứng gần nhau, mối quan hệ ấy mới là lành mạnh và cộng hưởng những giá trị tích cực. Chứ không phải chúng ta tìm đến nhau chỉ để dựa dẫm, để khỏa lấp những yếu đuối và thiếu sót bên trong mình. Rồi khi đối phương không còn ở đó hay không được như ý, ta vừa đau khổ, vừa mất hết phương hướng.

Trước đây, tôi từng đọc được một thông điệp của Will Smith về sự độc lập trong mối quan hệ. Đến bây giờ tôi mới thật sự thấm thía.

“Hạnh phúc của cô ấy không phải là trách nhiệm của tôi. Cô ấy nên hạnh phúc và tôi cũng nên hạnh phúc một cách độc lập. Rồi chúng tôi sẽ đến với nhau để cùng chia sẻ hạnh phúc của cả hai. Trao cho ai đó trách nhiệm làm bạn hạnh phúc trong khi bạn không thể làm được điều đó cho chính bản thân mình là một sự ích kỷ.”

Vậy nên tóm lại, nếu bạn thật sự muốn hạnh phúc trong cuộc sống, nơi chứa đựng rất nhiều các mối quan hệ và sự tương tác, thì hãy bắt đầu làm bạn với chính mình trước tiên. Rồi khi bạn ở giữa gia đình, bạn bè, công việc, hay các chuyến phiêu lưu,… bạn sẽ không bao giờ đánh mất bản thân vì sự phụ thuộc sức mạnh, hay vì những suy nghĩ nạn nhân đầy tiêu cực chỉ biết đổ lỗi cho ngoại cảnh. Chịu trách nhiệm cho hạnh phúc của mình không phải là việc của bất kỳ ai khác trên đời, ngoại trừ chính bản thân mỗi người.

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top