(2217 chữ, 9 phút đọc)
Cuốn tiểu thuyết kinh điển của nền văn học Anh này kể về mối tình dữ dội, cực đoan của một đứa trẻ bị bỏ rơi có tên Heathcliff với con gái người cha nuôi của mình – Catherine Earnshaw. Sự phức tạp, ngang tàng và nổi loạn khủng khiếp của hai nhân vật này từ thuở nhỏ cứ thế lớn dần theo năm tháng cùng tình yêu da diết họ dành cho nhau. Nhưng bởi chính những sự mâu thuẫn dằng xé trong nội tâm và sự non dại bồng bột của tuổi trẻ nên hai người họ đã phải chia lìa nhau trong sự đột ngột và đau đớn.
Nỗi đau dai dẳng như cực hình với cả hai được mô tả với tất cả những lời lẽ day dứt, u uất, phẫn nộ, điên khùng nhất. Và chúng được thể hiện ra bằng cả những hành động cực đoan đáng sợ. Tất cả những nỗi thống khổ và bất an cao trào khiến cho người con gái lâm vào cảnh rối loạn tâm thần, còn người con trai thì trở thành một kẻ thù hận dày đặc. Thay vì bày tỏ yêu thương bằng sự ngọt ngào thì Heathcliff dồn nén hết chúng vào sự căm phẫn và chối ghét cuộc đời lẫn con người, thậm chí oán hận ngay chính bản thân mình.
Hắn làm đau Catherine bởi nàng đã làm tan nát trái tim hắn khi lấy một người khác, trong khi trước đó chính hắn làm vụn vỡ tâm hồn nàng khi bất ngờ bỏ đi biệt tăm. Sau đó, nàng lại đày đọa hắn bởi chính những sự khốn khổ mà hắn gây ra cho nàng. Cứ như vậy, những sự dằng xé, tra tấn lẫn nhau giữa hai người cứ liên tục chồng chất hết cả câu chuyện. Nó lan sang cả những nhân vật liên quan khác, khiến tất thảy họ trở thành nạn nhân của mối tình oan trái khắc nghiệt. Tác phẩm này như thể một biển cực hình của sự thiếu thốn tình yêu của con người với những làn sóng bung tỏa từ thế hệ này đến thế hệ khác mà không sao dừng lại được.
Cuốn sách có gần 500 trang nhưng phải đến 400 trang là những câu chuyện bi kịch, những lời lẽ căng thẳng, dữ dội – chửi bới, nguyền rủa, hăm dọa, than khóc, van lạy, dày xéo. Nói chung, tất cả những gì tồi tệ nhất của một cuộc trò chuyện có thể xảy ra, bị kịch nhất của một tình huống có thể xảy ra thì tác phẩm Đồi gió hú này có hết. Nếu một người bình thường vốn dĩ tích cực lạc quan chẳng may lạc vào câu chuyện tình của Heathcliff và Catherine thì chắc hẳn họ sẽ bị dội ngược ra ngoài vì không tài nào hiểu nổi tại sao mọi diễn biến truyện hay suy nghĩ của các nhân vật lại có thể trầm trọng, nghiêm túc và cực đoan đến thế.
Cá nhân tôi khi đọc cuốn sách này đã cố gắng tưởng tượng rằng đây là một vở bi kịch trên sân khấu. Nhưng tất cả những lời lẽ và những chi tiết trong truyện được kể ra với một xúc cảm rất chân thực nên tôi khó lòng tin rằng đây chỉ là một câu chuyện tưởng tượng. Nó thật sự muốn nói rằng trên đời này có một nỗi đau đớn khủng khiếp khi hai linh hồn đã hòa quyện vào nhau bị cắt lìa. Tôi tạm trích một đoạn thoại của Heathciff nói với Catherine trong khoảnh khắc họ gặp nhau nơi tận cùng tuyệt vọng và nhung nhớ:
“Trong khi không một thứ gì Thượng đế hay quỷ Satan có thể gây ra – lầm than, hay sa sút hay chết – chia rẽ nổi đôi ta, thì em, chính em đã tự nguyện làm điều đó. Tôi không làm tan vỡ tim em – chính em đã làm nó tan nát đồng thời làm tan nát luôn cả tim tôi. Ừ, tôi khỏe, thế lại càng tệ hại hơn cho tôi. Tôi có muốn sống không? Sẽ là cái kiểu sống gì, khi mà em… Ôi lạy Chúa! Ai còn thiết sống khi mà hồn mình đã ở dưới mồ.”
Toàn bộ câu chuyện được người quản gia mang tên Nelly Dean kể lại với một vị khách nhân vật “tôi”– người đến thuê Ấp Thrusheross, một trong những tài sản mà Heathcliff chiếm đoạt được từ gia đình Linton – nơi Catherine về làm dâu. Nelly chính là người đã dõi theo tất cả những biến chuyển trên dòng đời của những số phận trong cuộc, tất thảy là ba thế hệ từ đời cha mẹ của hai nhân vật chính, rồi tới họ và đời con cháu của họ. Có thể nói, trong tác phẩm này thì bà Nelly là người tỉnh táo và khách quan nhất khi không bị dính líu vào cuộc tình oan nghiệt dữ dội nào cả.
Nếu xét về mức độ chi tiết đến phi thường trong lời kể của bà quản gia thì ta có thể thừa sức đưa ra nhận định rằng với trí nhớ siêu việt và lời văn sâu sắc tường tận đến thế, Neally Dean nên làm một nhà văn lỗi lạc thay vì làm quản gia trong những gia đình tù tội kia. Nhưng dù sao thì, Đồi gió hú là một tác phẩm nghệ thuật, nên ở đây ta có thể chấp nhận được các tình tiết vượt mức thực tế. Thậm chí cả những cực đoan của cuốn sách cũng có thể được chấp nhận như một hình thức nghệ thuật ẩn dụ cho một điều gì đó mà tác giả Emily muốn truyền đạt. Phải chăng nếu tác giả viết tất cả một cách gần gũi và chân thực ngang với cuộc sống đời thường thì người đọc có thể chỉ dừng lại ở các chi tiết theo đúng nghĩa đen mà không nghi ngờ hay tò mò đến các tầng ý tứ khác của tác phẩm?
Đồi gió hú đã miêu tả thế giới nội tâm của những kẻ điên yêu một cách trần trụi, nếu như không nói là phi thực. Chính những sức mạnh khủng khiếp của tình yêu và sự khao khát hòa quyện đã làm trỗi dậy trước hết những phần bóng tối trong những kẻ tham gia – sự ích kỷ, thù hận, ghen tuông và sợ hãi. Và trong sự non dại thơ trẻ của mình, các nhân vật không đủ sức để chuyển hóa những phần gai góc đớn đau đó để có thể chạm tới được tình yêu thanh khiết nhất còn lại sau cùng.
Hiếm có một cuốn sách nào mà các nhân vật nói trực diện vào cõi linh hồn mình, nơi nằm sâu hơn cả những ý tưởng hay những cảm xúc yêu ghét thông thường. Có một cái gì đó xuyên thấu vào tận tâm can, những lời thoại như được hút ra hết từ trong bản thể, bất chấp mọi hình hài mà nó có.
“Tạo hóa sinh ra em để làm gì, nếu như em hoàn toàn bị chứa trong cái vỏ xác này? Những cơ cực lớn của em trong thế gian này là những cơ cực của Heathcliff, em đã theo dõi và cảm thấy từng nỗi cơ cực ấy từ đâu, lẽ sống lớn của em là bản thân anh ấy. Nếu tất cả mọi người khác chết mà anh ấy còn thì em sẽ còn tiếp tục tồn tại; nếu tất cả mọi người khác còn mà anh ấy mất, thì vũ trụ sẽ thành một cái gì hết sức xa lạ và em sẽ không còn có vẻ như một bộ phận của nó.” – Catherine nói với Nelly Dean.
Cuốn sách như bắt người ta phải đối mặt, phải đối diện với bão bùng có thể xảy ra bên trong thế giới nội tâm của một người, bắt họ phải tháo cởi tất cả các lớp mặt nạ hời hợt để thấu cảm. Và tất nhiên, chỉ có nỗi đau đớn mới có khả năng xé toạc những rào cản xúc cảm của một con người. Đồi gió hú là một cơn đau kinh hoàng nhất. Những lời thoại dào dạt và sắc nét đến khó tin khi một nhân vật nói về cõi lòng của chính họ khiến cho ta cảm thấy như cả cuộc đời họ sống ở trong đó với tất cả những đam mê cháy bỏng nhất. Thử hỏi rằng mỗi người trong thời đại ngày nay có thể miêu tả được thế giới nội tâm của mình như thế nào hay không? Có thể diễn đạt được chính xác mình đang cảm thấy đau khổ hay sung sướng ra sao không? Nói đến đây tôi lại nhớ đến câu nói của Terence McKenna:
“Chúng ta đã lên được mặt trăng, vẽ được biểu đồ độ sâu đại dương và hạt nhân của nguyên tử. Nhưng chúng ta vẫn còn sợ hãi nhìn vào nội tâm của mình vì chúng ta cảm nhận được đó là nơi mọi mâu thuẫn tồn tại.”
Có một điều tôi vẫn không thể hiểu nổi, đó là một người có thể nói ra được toàn bộ nỗi lòng dữ dội nhất mình mà lại không đủ sức mạnh để yêu thương người khác khi có cơ hội. Họ đem tất cả những ý chí sắt đá đó để làm tổn hại lẫn nhau. Sự bức bách và mâu thuẫn này tác giả Emily tạo nên có phải là một sự cố tình để độc giả tự nhận ra điều đúng đắn cần thực hiện khi một người đứng giữa hai ngả đường, một là ánh sáng, một là bóng tối?
Những phút giây ngọt ngào trong tác phẩm chỉ kéo dài ngang một giờ đồng hồ, còn những đớn đau thì đằng đẵng choán hết cả một đời người. Có một điều đáng nói ở đây, đó là các nhân vật chỉ chạm đến được sự dịu êm của tình yêu ấy ở nơi tận cùng của khổ sở, đi hết trăm vạn những tăm tối u mê để biết gọi tên những sáng trong ngọt ngào. Có lẽ điều này cũng thể hiện lẽ thường rằng khi một kẻ chịu đựng đủ đau thì mới nhận ra đâu là hạnh phúc chân thực, phải lạc lối ngàn lần mới nhận ra đâu là con đường đúng đắn.
Tác giả Emily còn xây dựng các tình huống truyện éo le và đầy mâu thuẫn cho chính các nhân vật. Heathcliff lại căm ghét chính người mà hắn cần phải yêu thương nhất – con trai mình vì thằng bé lại mang đặc điểm của người hắn đay nghiến nhất. Còn Hareton đáng lẽ phải cay nghiệt Heathcliff như kẻ thù vì đã đày đọa gia đình cậu bé thì lại tỏ lòng yêu mến và quy phục hắn hơn cả cha ruột của mình. Các mối quan hệ cũng được giao thoa gần gũi với nhau khi có những đám cưới cận huyết thống giữa anh em họ. Và rồi cặp đôi yêu nhau này lại lấy cặp anh em trai nọ. Mọi sự cứ chồng chéo lên nhau khiến cho tình yêu và thù hận lẫn lộn hết thảy trong một mớ bòng bong. Để rồi sự phức tạp tâm lý của mỗi con người trong truyện hòa cùng với sự nhiễu loạn của các mối quan hệ khiến cho mọi thứ càng trở nên rối rắm, mờ mịt. Người yêu và người ghét là một, người đánh và người đau trùng nhau, người sống và người chết cũng chẳng còn khác biệt. Vậy thì thử hỏi, trong sự hỗn độn ấy thì điều gì là quan trọng nhất? Trong sự nhập nhằng ấy thì điều gì là sáng suốt nhất?
Đồi gió hú là một đỉnh cao của nghệ thuật văn chương với ngôn từ biến đổi linh hoạt và đa dạng. Những màn miêu tả nội tâm phức tạp và phũ phàng, những nhân vật đặc sệt sự cực đoan và tiêu cực đòi hỏi người đọc phải sẵn sàng một tinh thần thép để thưởng thức. Các tình huống được dẫn dắt khéo léo để khơi gợi trí tò mò của độc giả và để đẩy câu truyện lên đến những điểm cao trào, hệt như những cơn sóng xúc cảm điên rồ của các nhân vật.
Phải đi đến cái kết sau cùng của tác phẩm này thì ta biết rằng cuốn sách đã hoàn thiện. Một cái biết không thể chối cãi như khi ta chứng kiến một vòng tròn khép lại trong sự hoàn hảo. Đã nhiều lần trong quá trình đọc, tôi đã định bỏ cuộc. Nhưng rồi lại cố nán lại thêm chút nữa, chút nữa thôi như thể đang tự thuyết phục mình kiên nhẫn trong một cơn nguy kịch. Và quả nhiên, cuốn sách đã đền đáp sự chờ đợi của tôi bằng một điều ngọt ngào – thứ duy nhất thiếu thốn trong tất cả các nội dung bi kịch trước đó. Chính là tình yêu.
8.5/10 là điểm dành cho tác phẩm kinh điển dữ dội này.
Tác giả: Vũ Thanh Hòa
Featured Image: Sadie Pices
📌 Ủng hộ tác giả và ➡️
📌 Tham gia viết bài cùng ➡️