jc-gellidon-6mpm1d4uxfk-unsplash

Dịch bệnh và sự tồn vong của loài người

Nếu tính theo thời gian tôi sống đến nay, có lẽ đây là khoảng thời gian đặc biệt và cam go nhất từng xuất hiện. Mọi thứ đều đảo lộn, từ cuộc sống, các mối quan hệ và cách chúng ta đi chợ. Khó khăn và rủi ro rất nhiều, tuy nhiên nhìn từ góc độ khác, tôi cảm nhận một điều tương đối rõ ràng. Đây có thể là một liều thuốc đắng của tự nhiên, của đạo về sự sinh tồn đối với loài người khi sự cân bằng của tự nhiên đang bị con người tác động mạnh mẽ.

Đã bao lâu kể từ khi loài người bùng nổ dân số sau phát hiện kháng sinh, độ tuổi cũng người dân cũng tăng lên 30~40% so với hàng chục thập kỷ trước, điều kiện vật chất gia tăng. Chúng ta sống trên sự tự tin về sức mạnh của mình, về mong muốn thống lĩnh và làm chủ mọi thứ. Đó là một thời kỳ huy hoàng tính về lịch sử loài người. Ai ai trong chúng ta cũng mong muốn kéo dài mãi và phát triển cao hơn.

Nhưng rồi, những trở ngại bắt đầu xuất hiện nhiều hơn. Từ thời điểm trước, ít ai nói về ung thư. Nhưng với sự phát triển xã hội, dân số già hơn, cách thức sống tập trung mật độ cao, vệ sinh môi trường yếu kém, lối sống kém lành mạnh đã nuôi dưỡng căn bệnh này, thách thức sự sống của loài người. Chúng ta bắt đầu nhìn lại năng lực bản thân.

Từ năm 2017-2020 chiến tranh thương mại bùng nổ, người người lo lắng, các nền kinh tế chao đảo tuy nhiên chỉ số chứng khoán Mỹ vẫn tăng điểm và đạt mức cao nhất lịch sử. Kinh tế tuy rất quan trọng nhưng nó không quyết định sự tồn tại của chúng ta. Rồi mùa đông đến, mùa đông khắc nghiệt nhất trong vài thập kỷ trở lại đây, năm 2019 chúng ta chứng kiến khủng hoảng tồi tệ bắt đầu từ Trung Quốc (hay như báo chí nói vậy). Nó bùng phát kéo hầu hết các quốc gia vào vòng xoáy dịch bệnh. Các quốc gia, thành phố ngăn sông cấm chợ, tính từ thời thế chiến đến giờ, châu Âu chưa bao giờ đưa ra lệnh giới nghiêm. Nhưng tất cả đã thay đổi, kẻ thù lớn nhất đã lộ diện, COVID-19.

Hơn lúc nào hết, chúng ta ý thức được điều vốn quý nhất là sức khỏe. Tiền bạc, danh vọng, địa vị đều bị xóa nhòa. Mỗi chúng ta bây giờ không được xác nhận bằng từ “ông chủ”, “người làm thuê”,… Ta đều được xác nhận chung bằng từ “cá thể”, “một đơn vị sống cơ bản.”

Nguy cơ và rủi ro xuất hiện đầy rẫy, nhưng mọi thứ đều có hai mặt để duy trì sự tồn tại của sự vật hiện tượng. Sau mọi khó khăn, sự sàng lọc của tự nhiên, chúng ta thấy có cơ hội để nhìn lại mình. Đây có lẽ là thời điểm thích hợp nhất để loài người thay đổi mô hình tăng trưởng, mối quan hệ giữa các cá nhân các quốc gia, dân tộc và với muôn loài.

Với sự tự mãn về khả năng vô biên của mình cộng với lòng tham lam, loài người đã khai thác cạn kiệt tài nguyên, sử dụng phung phí mọi thứ mẹ trái đất ban cho, xả thải ra đại dương. Chính con người đã góp phần khiến môi trường sống trở nên tiêu cực nhanh hơn, tự đẩy mình và muôn loài vào vòng diệt vong. Chúng ta không có phương cách phát triển kinh tế khác hài hòa với tự nhiên? Câu trả lời là có, nhưng chúng ta đã quen với cách cũ. Đã có những người tư duy mới triển khai các dự án thân thiện môi trường, những người trẻ đã ý thức hơn về trách nhiệm của họ để duy trì sức khỏe cho thế hệ sau. Tuy nhiên các nhà hoạt động chính trị thì chậm chân hơn. Họ đang bị giữ lấy bởi các ràng buộc về lợi ích ngắn hạn, các quy định lỗi thời. Tôi tin chúng ta sẽ dần thay đổi để tốt hơn, nhưng sẽ là đến khi nào nếu tốc độ thay đổi vẫn diễn ra như hiện tại. Có lẽ cần gắn thêm turbo tăng áp để nâng công suất cao hơn nữa, vì tôi cho rằng thời hạn của chúng ta sắp hết rồi.

Giờ đây, khi dịch bệnh kéo đến chúng ta mới hiểu hơn lúc nào hết, tính sống còn của con người không phải là khư khư giữ lợi ích của mình mà là sự hợp tác và thấu hiểu. Nếu một cá nhân, dân tộc tự tách khỏi khối liên minh chung là cộng đồng thì trước hết họ sẽ tự cô lập và tiêu vong. Ngoài ra chính các rủi ro họ gặp phải quay sang tấn công lại các cá nhân, dân tộc còn lại. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần xích lại gần nhau, không phải ở khoảng cách địa lý, cái bắt tay mà chung ý thức về trách nhiệm cộng đồng, trách nhiệm với muôn loài.

Quay lại câu hỏi từ đầu bài viết, dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đến sự sinh tồn của chúng ta như thế nào. Theo quan điểm của tôi, COVID 19 khó kết thúc lịch sử loài người, nó cũng sẽ như SARS, Ebola kết thúc trong sự kiểm soát của con người. Nhưng sau nó là gì? Không ai có thể biết, nó có thể là một biến dị vô cùng khủng khiếp của một phân nhánh nhỏ của một chủng virus nào đó, và có thể lúc đó chúng ta không còn cơ hội để rút kinh nghiệm lần hai.

Mẹ tự nhiên đang nhắc nhở chúng ta, có lẽ lần tới mọi thứ sẽ khốc liệt hơn rất nhiều. Là đồng loại, chúng ta hãy đoàn kết để sinh tồn thuận theo tự nhiên! Con người cần cân bằng với muôn loài.

Tác giả: iliadvn

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top