petr-sevcovic-qe1jxyxiwoa-unsplash

Dậy sớm để thành công hay dậy sớm để hưởng thụ cuộc sống?

Thế quái nào một đứa ưa ngủ nướng mà nay tự giác bước khỏi giường, đánh răng, rửa mặt, tắm rửa thơm tho, chọn bộ đồ xuống phố trong thật dễ thương, make up sương sương rồi dấn thân xuống đường làm một ly cafe đen đá không đường để đón màu hường của bình minh vào lúc 6h30 sáng được chứ? Tôi cảm khái về tiến bộ nho nhỏ của mình, thứ mà tôi luôn mất uy tín với chính mình sau hàng ngàn lần tự hứa vào mỗi tối trước khi đi ngủ rằng, mai mày phải dậy sớm để uống cafe và đọc sách nghen Duyên. Thậm chí, tôi cố rủ rê bạn cùng phòng dậy chung cho có động lực nhưng kết quả vẫn y như cũ, vẫn xay ke và thao tác thành tạo cái động tác bấm tắt báo thức. 

Bảnh mắt lúc nào cũng là 8-9h. Cảm giác uể oải và tội lỗi cứ đan xen khiến tâm trạng tôi lúc nào cũng căng thẳng. Đôi lúc bạn sẽ cảm nhận như tôi, luôn thoả mãn bản thân bằng cách thoả hiệp rằng nếu mình ngủ thêm chút nữa mình sẽ đỡ vật vờ hơn, “mình phải chiến đấu đến tận khuya lận, mình ngủ thêm tí có sao đâu.” Với những ai làm nghệ thuật và làm nghề tự do thì lại càng có đặc quyền dậy muộn bởi “Đêm qua là khoảng thời gian sáng tạo đầy táo bạo và cháy hết mình của tớ cơ mà.” 

Điều đó hoàn toàn hợp lý nếu các bạn là người trong cuộc, cảm nhận được thói quen, giờ giấc sinh hoạt như thế là phù hợp với công việc và thể trạng của mình. Chỉ cần bạn không bị cái cảm giác lấn cấn và đừng thường xuyên hứa là mình phải dậy sớm vì tự thất hứa với chính mình sẽ mang lại dấu ấn không tốt, nếu tích lũy ngày này qua tháng nọ, e rằng nó sẽ trở thành hành vi mất uy tín và nó là tiền đề cho việc “hứa lèo” và giờ giấc giây thun của mình. 

Sau quá nhiều lời cảnh báo về thái độ không giữ lời hứa với bản thân thì chẳng có cơ sở gì là mình sẽ uy tín với những người xung quanh. Tôi cần chấn chỉnh hành vi của mình ngay lập tức. Thất bại với việc đặt áp lực cho bản thân nên tôi chọn cách nhẹ nhàng hơn. Tôi tìm cái tôi thích làm nhất vào mỗi sáng, nghĩ về nó, hình dung và cảm nhận về nó tồi quyết định triển khai thử một vài ngày thực tế. 

Cụ thể, tôi yêu cafe (Một số nhà nghiên cứu chỉ ra rằng caffeine (phải là cà phê sạch, nguyên chất) ngăn chặn hợp chất adenosine khiến ta buồn ngủ, chán nản đồng thời làm kích thích sản sinh dopamine, glutamine trong não giúp ta dễ đạt trạng thái vui vẻ, sảng khoái từ đó chất trắng có trong não sẽ giảm nguy cơ mất đi sự vẹn toàn và cải thiện tình trạng trầm cảm). Tôi thích thích cầm trên tay ly cafe, liên tưởng đến cảnh các diễn viên trong mấy bộ phim yêu thích của mình thường xuyên làm là lúc nào trên tay của họ luôn có một ly cafe nắp cầu đen siêu xinh, vừa tản bộ đi làm hoặc ngồi trên xe nhâm nhi hoặc trên bàn làm việc lúc nào cũng có một ly, thế là tôi ăp cắp nó. Đó là hành động thi vị. Tôi thích nó. Buổi sáng của thành phố mà ngồi cafe ngắm xe cộ qua lại thì tuyệt thật chứ không đùa đâu. Đó là cảm nhận của tôi sau một ngày quyết liệt ứng dụng.

Thế là trước khi đi ngủ, tôi sẽ hình dung lại cảnh mình yên vị tại một quán cafe pha máy, trên một vỉa hè, ngay ngã tư đường nơi mình sống (cách chừng 700m nên tôi lại được tản bộ đến đó như trong phim luôn), một tay cầm quyển sách, tay còn lại cầm ly cafe, thi thoảng đặt xuống bàn, rời khỏi trang sách, ngẫm những gì mình vừa đọc, vừa quan sát cách con người đang vận hành mỗi sáng. 

Tôi cảm thấy mình quá may mắn khi không bỏ lỡ khoảnh khắc quý giá này của cuộc sống. Chúng thật tuyệt vời không thua kém những thước phim Hàn tẹo nào. Rồi bỗng một chút mơ mộng thoáng qua, giả sử giờ mà crush của mình bất thình lình ghé ngay quán này mua một ly cafe mang đi thì sao nhỉ? Tôi còn sợ nó xảy ra thật nên tôi phải học cách biểu lộ cảm xúc sao cho tinh tế và thể hiện bản sắc cá nhân nữa. Theo đó, những trải nghiệm cảm xúc bằng mọi giác quan của tôi cứ thế diễn ra từ ngày này sang ngày nọ, tôi thấy hiệu quả và khả năng phân tích và sáng tạo của mình tiến bộ hẳn ra. Nếu theo thói quen cũ, 8h mở mắt, 9h ngồi trên bàn làm việc, thì làm gì tôi có được 2 tiếng trải nghiệm cafe sách ngắm bình minh thú vị như thế được. Cảm giác như mình vừa hoàn thành một công việc nằm trong danh sách cần làm trong ngày, nó giúp bạn bớt mất uy tín với bản thân và rằng bạn có thêm năng lượng sáng tạo từ cafe nữa. 

Tôi nhận ra, mình tự giác thức dậy dớm để có được những buổi trải nghiệm cafe sáng như thế là do mình thích. Hoàn toàn không làm với tư tưởng:  Những người thành công và giàu có họ thường thức dậy sớm. Tôi muốn giàu có như họ, tôi cũng buộc phải dậy sớm. Bạn biết mà, làm với tâm lý như thế có thể kiệt sức, nó khiến bạn luôn trong trạng thái lo lắng, nơm nớp lo sợ nhỡ mình không thực hiện đúng như vậy mình sẽ nghèo. Rồi bạn trễ nãi thiệt, bạn lại tự đổ lỗi, trách cứ bản thân khiến tinh thần mất tập trung. Bạn vô tình so sánh cuộc sống không giống mong đợi của mình với cuộc sống của những người thành đạt. Và đặt nhầm câu hỏi: Tại sao tôi không được như họ? Thay vì mình cần hỏi: Tôi cần phải làm như thế nào cho phù hợp?

Điều tôi thật sự muốn nói ở đây là gì? Bạn hãy làm thứ bạn thật sự thích. Bạn phải làm nó. Đó là thứ công bằng nhất bạn đáng được hưởng. Thích ngủ nướng. Trước tiên bạn ngủ cho đã đời đi. Đừng cảm thấy tội lỗi chỉ vì ai đó liên tục nhắc nhở bạn rằng: “DẬY SỚM ĐỂ THÀNH CÔNG.” Thành công thế quái nào được chỉ bằng việc dậy sớm. Bạn phải yêu thích nó. Yêu thích việc hưởng thụ buổi bình minh. Bạn làm gì với khoảnh khắc đó? Nó là quyền quyết định của bạn kia mà. Bạn dùng nó cho việc gì thì phải bắt nguồn từ sở thích của bạn trước đã. Bạn muốn dùng nó để ngủ tiếp. Cứ ngủ. Bạn dùng nó cho việc chạy bộ. Cứ chạy. Bạn dùng nó cho việc ngồi thẩn thờ ngắm người qua lại. Cứ ngồi và ngắm. Chỉ khi làm điều mà bạn thích bạn mới duy trì nó được lâu dài. Bạn phải thích. Bạn không thích thì việc bạn làm là một hình phạt. Cuộc sống không khắt khe đến mức hành hạ bạn làm những thứ bạn không thích. Chính cái khoảng bối rối trước những lời răn dạy cho hợp xu hướng kiểu “bí quyết để thành công”, “bí quyết để giàu có” đã khiến bạn luôn mặc cảm về trạng thái uể oải và trì trệ của mình. 

Thôi nào. Thử một tháng mặc kệ cái thông điệp “DẬY SỚM ĐỂ THÀNH CÔNG” đáng ghét đó để chây lì đến mức bạn chán ghét cái sự vô nghĩa của việc chây lì của mình xem nào. Tôi dám cá đó là một trong những quy luật hiệu quả ngược  thực sự đáng cân nhắc. Nếu bạn muốn đi sâu hơn vào quy luật này. Chúng ta cùng bàn ở phần sau nhé. Giờ thì sao? Dậy sớm để thành công hay dậy sớm để hưởng thụ cuộc sống đây.

Tác giả: VRSP

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top