Chắc hẳn ai ở cái lứa tuổi đầu 9x như tôi đều không xa lạ gì mấy với các tác phẩm của cố nhà văn Kim Dung nữa. Từ tiểu thuyết tới các bộ phim phỏng theo từng làm mưa làm gió trên sóng truyền hình, nào là Xạ Điêu Tam Bộ Khúc, Thiên Long Bát Bộ, Tuyết Sơn Phi Hồ… Cái hay trong truyện của Kim lão là các nhân vật đều được ông tô vẽ bằng các gam màu độc lập với nhau, chẳng ai giống ai. Có đấng nam nhi nào từng rơi lệ khi tới phân cảnh Nhất Đại Anh Hùng-Nhất Đại Quân Tử Tiêu Phong khi ông tự sát để vẹn cả đôi đường? Hay vốn dĩ một phần nào đó của ông đã chết từ khi ông tự tay đánh chết hồng nhan tri kỉ A Châu? Có ai phải phì cười, vỡ đùi đánh đét, khen hay dành cho sự lươn lẹo của chân tiểu nhân Vi Tiểu Bảo? Có ai đọc mà muốn vả vài cái cho giáo chủ Minh giáo Trương Vô Kỵ vì sự thiếu chính kiến của anh chàng này?
Lần này tôi xin mạn phép bàn về gã trai họ Lệnh Hồ, tên chỉ có một chữ là “Xung”. Để tóm tắt về Lệnh Hồ, xin mạn phép dùng một câu hát của nghệ sĩ Nguyễn Đức Cường aka Đen Vâu:
“Cũng chẳng tự do đến mức, buông lơi như DSK.”
Vâng, gã tự do và buông lơi, như làn khói, như điếu thuốc chưa từng cháy. Tôi thích gã nhất trong dàn đại hiệp của Kim lão, hay cả những tác gia khác. Vì gã rất “người”, hay vốn dĩ gã đại diện cho cái phần mong lung và bay bổng cho cánh mày râu chăng?
Lược qua về Lệnh Hồ Xung, gã được miêu tả có ngoại hình bình thường, tính tình tùy tiện, phóng túng, là đại đệ tử của chưởng môn phái Hoa Sơn – Ngụy Quân Tử Kiếm Nhạc Bất Quần.
“Lãng tử vô hạnh, thanh danh tàn tạ.”
Gã mê đánh bạc, mê uống rượu, còn hay ra vào chốn lầu xanh, khác xa những gì người ta mường tượng sẵn về hình ảnh đại sư ca của danh môn chánh phái. Tôi thấy gã như con cá đang cố bơi ngược dòng, không phải vì gã muốn khác biệt để tạo sự chú ý, gã chỉ đơn giản sống thật với bản tâm của mình. Gã hành sự Trời biết, Đất biết, Quỷ Thần hai vai biết, chỉ cần không thẹn với lòng là được. Tự hỏi trong dòng đời hối hả, mấy ai đủ can đảm. Tôi luôn nghĩ, phải chi ở một vũ trụ nào đó, Lệnh Hồ nhà ta được ngồi chén chú chén anh với Tiêu Phong, vì ông này cũng là hũ hèm chính hiệu, cũng là một hán tử coi Trời bằng vung vậy.
Xuyên suốt tác phẩm, hay cuộc phiêu lưu ngang trời dọc đất của Lệnh Hồ Xung, tôi thấy chữ “Tình” được Kim lão vẽ ra thật đẹp, nó như duy trì thế cân bằng cho khúc Tiếu Ngạo vốn dĩ đầy đủ các nốt thăng trầm.
Đầu tiên, là tình sư đồ giữa Xung ca nhà ta và sư phụ Nhạc Bất Quần. Lệnh Hồ vốn mồ côi, từ nhỏ đã được sư phụ hắn nhận về và truyền thụ cho một thân võ công. Trong thâm tâm của gã, hơn cả một người Thầy, Nhạc Bất Quần còn như là Cha. Vốn dĩ tính tình của gã đã không hợp ông Thầy này một chút nào, gã thì “Người” quá, còn họ Nhạc kia thì khác gì robot không. Ngay cả việc dụng kiếm cũng phải theo từng lí, từng tấc, răm rắp theo sách vở. Ông này thì thôi khỏi bàn, tôi thấy chữ ngụy quân tử dành cho tay này còn quá nhẹ nhàng. Lệnh Hồ, tôi nghĩ là gã biết, chỉ là gã không tin, hay là không muốn tin, tới lúc tranh đoạt chức chưởng môn của Ngũ Nhạc Kiếm, gã vẫn răm rắp nghe lời của sư phụ mình, vẫn ôm ấp một nỗi niềm nho nhỏ là được về lại phái Hoa Sơn, về lại mái nhà thuở ấu thơ của gã. Như mọi đứa con khác, lớn lên muốn đi xa nhà, đi mãi rồi lại muốn về nhà, nhà thì vẫn ở yên đó…
Nếu hỏi tôi trong truyện ai thương họ Lệnh Hồ nhất ngoài vợ hắn, thì không ai qua được sư mẫu của gã, bà Ninh Trung Tắc. Người ta hay nói công sinh không bằng công dưỡng. Bà nhìn gã lớn lên, gã có khác gì đứa con trai cưng của bà đâu. Lúc gã rơi vào điểm tối nhất của đời mình ở thành Lạc Dương, ai cũng xoay lưng, mỗi bà vẫn ở đó, vẫn tin hắn, vẫn bênh vực hắn. Không ai xót con bằng Mẹ, câu này vốn dĩ từ trước giờ không hề sai. Gã thà nhờ bà khâu lại bộ quần áo đã rách chứ nhất quyết không nhận đồ từ nhà ngoại của Lâm Bình Chi. Không ai hiểu tính con bằng Mẹ, bà biết con trai bà ngang tàng vậy thôi, phóng túng vậy thôi, nhưng hơn ai hết, con trai bà quân tử không ai sánh bằng. Tôi nghĩ hẳn bà phải tự hào lắm, khi nuôi dạy được một đứa đáng đồng tiền bát gạo như Xung ca nhà ta. Mẹ mà, ai mà không muốn con trai mình có một người Vợ tốt, sau khi bà gặp được Doanh Doanh, bà vui biết bao nhiêu, tại vì cuối cùng sau lúc bà đi rồi, cũng có một người phụ nữ thật lòng yêu thương thằng con lắm tài, nhiều tật của mình. Con gái bà mất, chồng bà biến thái, mối lo duy nhất của bà là thằng con trai, giờ đã gửi gắm cho Doanh Doanh, bà chọn cách ra đi. Cuộc đời bà đau lắm rồi. Bà đi, để lại Xung ca ngồi gào khóc như đứa trẻ nít…
Gã lớn lên cùng với sư muội mình, tiểu thư Nhạc Linh San. Hẳn ai cũng vậy rồi, ai mà không muốn ca bài ca già cùng anh là được với mối tình đầu của mình đâu. Huống hồ là người tử tế, đàng hoàng như Lệnh Hồ Xung. Gã yêu cô này lắm, ai không tin gã, gã mặc kệ. Đụng tới cô này phát là Xung ca giảy nãy lên liền. Tình đầu là tình đau nhất mà, ai mà không vậy. Có người nói Linh San thực dụng, tôi không đồng tình. Tôi thích dùng chữ thực tế hơn. Con gái phải sống thực tế như vậy. Trong vô vàn sự lựa chọn, tại sao không cho mình quyền được chọn cái tốt? Nhưng mà mây tầng nào gặp gió tầng đó thôi, đừng buồn nha Xung ca, Linh San không thưởng thức được anh thì Nguyệt Lão đã cột sẵn cho anh mối mới rồi. Cũng chỉ có Doanh Doanh mới xứng với họ Lệnh Hồ mà thôi.
Lệnh Hồ Xung và Nhậm Doanh Doanh. Một trong những thiên tình sử đẹp nhất trong vũ trụ kiếm hiệp. Họ hợp nhau ngay từ cái tên. Chữ Xung nghĩa là rỗng không, chữ Doanh nghĩa là đầy đủ, không phải kếp hợp lại sẽ ra sự viên mãn đủ đầy, không thừa, không thiếu sao. Doanh Doanh vốn là tiểu thư có số má nhất phe hắc đạo. Nếu xét tất cả mọi thứ, từ gia cảnh, xuất thân, tướng mạo này kia. Xung ca à, anh biết anh và cái nhà khác nhau thế nào không, là anh không có cửa đâu, đó là ngoài đời. Trong này, chính cô là người theo đuổi gã trước. Lược lại một chút, lúc gặp cô, là lúc Lệnh Hồ Xung rách và nát nhất. Gã vác một thân bệnh tật, quần áo rách rưới, không một ai bên cạnh, đi lang thang ở thành Lạc Dương. Đọc đoạn này, tôi chợt nhớ có câu thơ “Quan cái mãn kinh hoa. Tư nhân độc tiều tụy” Chốn phố thị phồn hoa là thế, gã ôm những nỗi niềm riêng, tách biệt hoàn toàn với cái xô bồ nhốn nháo ngoài kia. Tôi nghĩ trải nghiệm này không mấy thú vị là mấy, tôi cũng có những ngày in dấu giày mình khắp các con phố ở Osaka, rồi Tokyo này kia, nói buồn thì chắc là không, cái tư vị đó vốn dĩ nó đã như vậy rồi, nó mang sắc thái chán chường và mệt mỏi nhiều hơn.
Rồi gã gặp cô, gã đem hết những uất ức, tủi hờn của mình đem kể cho vị bà bà đáng kính đó nghe. Khi bắt đầu một mối quan hệ mới, bài học vỡ lòng là đừng tự biến mình thành bệnh nhân, con gái ai mà rảnh rỗi ngồi nghe một trời tâm sự sặc mùi u ám của mấy ông. Vậy mà cô lại đi yêu gã từ những ngày này. Cô yêu gã vì tâm hồn thiện lương, yêu gã vì gã sống chí tình chí thành, yêu gã vì gã vẫn còn rất chung tình với người yêu cũ – Nhạc Linh San. Nói chung là không cần đúng sai gì hết, người yêu cô là nhất.
Nói về Doanh Doanh chỉ có 4 chữ “thập phần tinh tế” là miêu tả chính xác nhất. Cô biết rõ nên làm gì trong những trường hợp gì, làm gì cho người yêu mình là tốt nhất. Cô yêu gã hơn chính bản thân mình nữa, nguyện bị giam lỏng ở Thiếu Lâm 10 năm để xin nhà chùa truyền Dịch Cân Kinh cho tình quân của mình… Người ta nói hai người yêu nhau thì tính tình gì ít nhiều cũng bị ảnh hướng. Lệnh Hồ vốn tính bộp chộp, sau này đã biết phân tích thiệt hơn, bớt lỗ mãng. Doanh Doanh vốn người đứng đắn, ban đầu bị Xung ca ghẹo vài câu là đỏ mặt tới tận mang tai, vậy mà sau này còn vào vai diễn kỹ nữ cặp kè với tướng quân dỏm Lệnh Hồ tình biết bao nhiêu. Cô làm tất cả cho người mình yêu, và trên hết, tin tưởng và ủng hộ tình quân mình hết mực. Thiết nghĩ, tìm được một người vợ tinh tế như Doanh Doanh đây, không chỉ là ước mơ của riêng mình tôi, nhỉ?
Có một quan điểm sống mà cố nhà văn Kim Dung đưa vào bộ truyện này rất hay. Lệnh Hồ không chạy theo tiền, không chạy theo danh vọng, không tìm kiếm hay truy cầu bất cứ thứ gì. Thứ Lệnh Hồ làm duy nhất là đón nhận, theo tâm thế không phấn khởi quá khích, cũng không tuyệt vọng đến mức cùng cực. Tôi tự ngẫm liệu Kim lão đang nói tới cái Trung Đạo của Đức Phật Cồ Đàm truyền lại cho muôn đời, hay thuyết Vô Vi của Lão Tử cũng được đề cập đến chăng. Trung Đạo là gì, là giữ cho mình ở trạng thái cân bằng của con lắc, việc của bạn là đón nhận, chỉ đón nhận và nhìn ngắm, không phán xét, không lên án, không cổ vũ. Thật là, một người không truy cầu như Lệnh Hồ lại nhận được tất cả mọi thứ mà người khác truy cầu. Hay Chân Lí đâu cần phải đi tìm, Chân Lí vẫn luôn hiện hữu trong bạn, có phải hay không?
Tác giả: Nguyễn Minh
Biên tập: SUYNGAM.VN