quan-c491ie1bb83m-ce1bba7a-be1baa1n

Quan điểm của bạn không phải là vấn đề của tôi

“Làm sao tôi có thể đứng trước đám đông mà không bị run rẩy?” “Làm sao tôi có thể phát biểu mà không sợ hãi trăm ngàn lời đánh giá chỉ chực bung ra?” “Làm sao tôi có thể hàn gắn trái tim đã bị băm nát bởi miệng lưỡi xỏ xiên của người đời?”

Đã bao giờ bên trong các bạn hiện ra những câu hỏi như vậy chưa? Đã bao giờ các bạn cảm thấy bận lòng bởi suy nghĩ, quan điểm hay ý kiến của người khác về mình chưa? Họ khen, họ chê; họ tung hô, họ đá đểu; họ ủng hộ, họ tranh cãi. Tất cả mọi động thái của thiên hạ được bưng ra trước mắt và chúng làm bạn xáo động. Có bao giờ chưa?

Tôi cho rằng nếu một cuộc sống mà không có dư luận thì ở đó, chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được thế nào là ồn ào. Một khi không hiểu được ồn ào thì làm sao ta có thể chạm vào thẳm sâu tĩnh lặng được? Nhưng vấn đề ở đây đó là: làm cách nào có thể thật-sự-chạm vào cái chốn đang giãy lên trước mặt ta với đủ mọi loại hình thái từ hoa lá màu mè cho tới dao gươm sắc lẹm phết đầy đầy độc tố?

Câu trả lời, vẫn như mọi khi, đó là: “DELL QUAN TÂM.” Vì quan điểm của người khác không phải là vấn đề của bạn. Tôi nói thế không có nghĩa bảo rằng bạn tuyệt đối không được tiếp thu một lời phê bình để trau dồi học hỏi, hay cảm nhận một lời khen tặng để tận hưởng chút niềm vui đồng cảm. Ý tôi muốn truyền đạt ở đây đó là quan điểm của ai là vấn đề của người nấy, ta không-nhất-thiết phải lôi chúng vào người mình.

Thấy câu nói của bạn thật ngu xuẩn và bị khó chịu thì đó là vấn đề của đứa hater, không phải của bạn. Nếu có, vấn đề của bạn trong trường hợp này là giãy lên bực bội với lời bình luận của nó; đêm ngày trằn trọc suy nghĩ rằng “mình ngu vậy sao” và cảm thấy tuyệt vọng với bộ não không thể nghĩ thông vấn đề; hoặc hoang mang tột độ khi cả thế giới quay lưng chống lại mình vì họ tất thảy là những người có IQ 9000.

Đó mới là vấn đề của bạn. Thứ duy nhất bạn cần quan tâm giải quyết là chính bản thân mình, bao gồm thái độ, cách nhìn nhận vấn đề của mình. Còn tất cả những gi gỉ gì gi của người khác không phải là vấn đề của bạn, không phải là mảnh đất bạn nên nhúng mũi vào. Địa hạt của họ cứ để họ tự xoay xở và vùng vẫy tùy nghi. Đường ai người nấy đi. Đây là bước đầu tiên để bạn trở về với bình an nội tâm, trở về vững chãi với ngôi nhà tự thân vậy. Từ đó, bạn mới có khả năng thấu hiểu chính mình và cải tiến chính mình (nếu muốn.)

Theo tôi, việc ngắt sự dính mắc với thế giới quan của người khác không phải là việc dễ dàng khi một người đã đánh mất ranh giới của chính mình, mất đi vị trí hay trọng lực của bản thân. Người đó dễ dàng bị đồng hóa với hoàn cảnh, với môi trường xung quanh như một kiểu gió chiều nào xoay chiều đó. Nếu gió thổi vào villa biệt thự thì thấy sướng vui rộn ràng, cố gắng níu giữ những xa hoa. Nếu gió thổi vào nhà tranh vách đất thì thấy ủ dột u sầu, muốn giãy lên để thoát khỏi những nghèo hèn, khốn khổ.

Việc đoạn tuyệt những liên đới ấy đòi hỏi bạn phải có được một điểm nhìn mới, một góc độ thứ hai nằm ngoài hoàn cảnh. Có nó bằng cách nào? Trước tiên bằng việc hiểu ra rằng mỗi người là chủ nhân của vũ trụ riêng mình, chẳng ai CÓ THỂ lấn sang lãnh địa của nhau cả, trừ phi bạn cho phép điều đó xảy ra.

Ai đó nói bạn là đồ con bò, bạn có thể chấp nhận ngay và bắt đầu đi nhai cỏ nhồm nhoàm, hoặc bạn có thể đáp rằng “xin chào anh bạn biết nói” và tiếp tục trải nghiệm chui đầu qua hai song sắt cửa sổ bé tí với cảm giác khám phá thú vị lạ thường.

Ai đó khen rằng bạn là nàng thơ kiều diễm, bạn có thể chấp nhận ngay và tham gia vào cảm giác đê mê khi được mơn trớn bởi ngôn từ, cảm giác mình ở một tầm cao vượt qua những thô bỉ hèn hạ của thế gian, vượt qua những thứ phàm phu xôi thịt bẩn thỉu. Hoặc bạn có thể chỉ nói rằng “cảm ơn” và tiếp tục làm một con đĩ nổi loạn như bạn vẫn thường cảm thấy về chính mình trong sự hài lòng cao độ.

Đến cuối ngày, hay đến cuối đời, tóm lại là cuối cùng, chẳng ai quan tâm đến bạn đâu ngoại trừ chính bạn. Vì cái gì cũng hướng về mình, cái gì cũng nghĩ là nó dành cho mình nên bạn mới sa vào ảo tưởng rằng thế giới bận lòng hay rung động bởi sự hiện diện của bạn. Không có đâu, người mơ ạ. Suốt đời bạn chỉ ở với chính mình thôi. Nên đứa đập gậy vào đầu bạn là chính bạn, đồng thời, đứa mang dầu ra xoa bóp vết thương kia cũng không ai khác ngoài chính bạn.

“Mày không bị đau bởi quá khứ hay tương lai. Vì thời gian không hề tồn tại. Mày đau bởi những suy nghĩ và sự tưởng tượng của chính mình.” – Khuyết danh

Hay nói cách khác ngắn gọn hơn:

“Mày bị giết bởi người khác không nhiều bằng chính những hoang đường của bản thân.”

Và gọn hơn nữa:

“Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình.” – Đức Phật

Đôi khi tôi thấy một sự mỉa mai và nực cười khi nhận ra bản thân vốn dĩ luôn tự chơi đùa với bản thân như vậy, 100% thời gian (nếu có) trên đời. Nó sẽ tạo ra đau khổ khi tôi vô thức, còn nó sẽ chất chứa vô vàn niềm vui nếu việc chơi đùa kia được xảy ra trong sự nhận biết rõ ràng.

Nên quan điểm của người khác, dần dần, tôi không còn quan tâm nhiều nữa. Vì tôi nhận ra rằng đó chỉ là quan điểm của chính mình về bản thân nhưng được diễn đạt bởi một bóng hình phóng chiếu. Khi càng bớt giãy đạp với người khác, tôi càng trở về gần gũi với con người thật của mình. Và trong sự gần gũi như vậy, tôi mới có khả năng bẻ khóa hay đập vỡ những lời nhận định, định nghĩa về chính mình. Kết quả là, thế gian ngoài kia sẽ lấy những nhầy nhụa nào để phóng chiếu khi bên trong này đã sạch sẽ và trơn tru?

Tóm lại, quan điểm của bạn không phải là vấn đề của tôi, và ngược lại, quan điểm của tôi cũng không phải vấn đề của bạn. Chỉ khi nào hai ta có một sự độc lập, thì trí khôn mới được vun vén tập trung mà nảy nở. Khả năng phản biện truy dấu những kẽ hở cũng sẽ được tăng cường. Và kẻ nào có được khả năng này thì mới có thể đi tới mảnh đất tự do. Họ là người đã biết lắng nghe lời trí tuệ của Đức Phật: tự thắp đuốc lên mà đi.

Tất cả những gì tôi đang nói ở trên là sự tương quan giữa hai con người riêng biệt. Nhưng khi nhìn sâu hơn, bạn cũng có thể thấy nó trùng khớp giữa chính bạn và những suy nghĩ, xúc cảm của mình. Mỗi khi chúng giãy lên như kẻ tù đòi vượt ngục, chúng nhảy chồm chồm như con sóng muốn nuốt chửng kẻ hạ hèn, bạn có còn thấy chúng là “vấn đề” nữa không?

Bạn cứ nhìn với góc độ như vậy thật lâu và sâu, rồi đến một ngày đẹp trời, tôi thách bạn tìm ra một “vấn đề” nào đó ở trên đời với khoản cược là 30 tỷ USD. Nếu bạn nhận kèo thì chắc hẳn rằng tài khoản của mình đã có sẵn (tối thiểu) 31 tỷ.

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top