“Bạn là vũ trụ đang biểu diễn chính mình như một con người trong chốc lát.” — Eckhart Tolle
Bạn không phải là cơ thể này, mà là thứ thẩm thấu và ngập tràn trong cơ thể đó, chính là linh hồn hay Thần khí. Đây là thông điệp của tất cả những vị Thánh, những bậc đạo sư mang đến cho nhân loại trong suốt lịch sử. Nhưng hầu hết con người chưa thức tỉnh được nhận thức này, còn sống trong ảo tưởng thì đều cho rằng mình là cơ thể hay chỉ được giới hạn trong cơ thể vật chất như những cá thể tách biệt, rời rạc.
Trong những văn bản cổ hay các truyền thống tôn giáo cổ xưa đều có những minh chứng ngụ ý rằng con người có bản chất thiêng liêng vượt trội. Trong đó, cơ thể được xem là chốn cư ngụ, đền thờ, hay phương tiện của linh hồn. Việc nghiên cứu và tìm hiểu về ý nghĩa biểu tượng của cơ thể (physical body) cũng là một cách gợi nhắc lại dấu ấn nhận thức tâm linh của chúng ta, giúp chúng ta nhớ về bản chất cội nguồn của chính mình.
Từ thuở sơ khai, “Thượng Đế, Đức Chúa Trời nặn lên loài người từ bụi đất, hà sinh khí vào lỗ mũi và người trở nên một linh hồn sống.” (Gen 2:7)
Sau đó, cái chết trong Kinh thánh tiếng Hebrew đã mô tả rằng thể xác được trả về cát bụi, trong khi sinh lực được thở trở lại với Đức Chúa Trời khi hết hạn cuối cùng (theo nghĩa đen).
“Khi Ngài lánh mặt đi, Chúng kinh hoàng; Khi Ngài cất sinh khí đi, Chúng chết và trở về bụi đất.” (Thi thiên 104:29)
Cơ thể con người đã có trong suốt lịch sử, và tiếp tục cho đến ngày nay, là một trong những biểu tượng chính của sự thiêng liêng, và là một trong những biểu tượng nền tảng dẫn đến sự thức tỉnh tâm linh. Vì bất kỳ ai khi tìm về Cội Nguồn hay tìm hiểu về bản chất của chính mình đều sẽ đi qua cột mốc cơ thể. Sáng thế ký đề cập đến loài người như đã được tạo ra “theo hình ảnh và giống của Đức Chúa Trời.” Các tác giả Tân Ước gọi cơ thể là “đền thờ của Chúa.”
“Bạn không có một linh hồn, bạn là linh hồn, và có một cơ thể.” — Unknown
Để khẳng định một lần nữa ý tưởng này, Ấn giáo sử dụng hình ảnh hai người ngồi trên một chiếc xe ngựa để trả lời câu hỏi “Tôi là ai?”
“Hãy biết rằng Chân ngã (Atman) chính là chủ xe, và thân xác là cỗ xe. Cũng hãy biết rằng lý trí (Buddhi) chính là tài xế và tâm trí (mind) là dây cương. Các giác quan là những con ngựa, đối tượng của giác quan là những con đường.” – Katha Upanishad
Chưa kể, trong tiếng Phạn, cơ thể được gọi là deham. “De” có nghĩa là bảo vệ. “Aham” có nghĩa là Chân ngã. Vì vậy, deham có nghĩa là cái bảo vệ Chân ngã. Deham là nơi mà Bản thể sống. Do đó, mỗi cơ thể (deham) được mô tả trong thánh kinh là nơi ở của Chúa (devalam).
Về chủ đề này, tôi cho rằng thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng đã từng ngụ ý trong sự hướng dẫn một người an trú và chánh niệm đó là anh ta cần thực tập “nương tựa vào ốc đảo tự thân.” Ốc đảo này nếu không hàm ý muốn nói là Chân ngã (Self) thì khả năng cao sẽ là cơ thể vật lý.
Bên cạnh đó, Đức Krishna cũng từng nói rằng:
“Người nào có khả năng rút các giác quan của mình khỏi các đối tượng của giác quan như con rùa rụt tứ chi vào mai, người đó có ý thức toàn thiện.” (Chí Tôn Ca, 2:58)
Ở đây, con rùa và tứ chi là biểu tượng cho ý thức và hướng đi của ý thức, và cái mai tượng trưng cơ thể vật lý. Ý thức được an trú “bên trong” cơ thể tương đương với việc nó không phóng chiếu ra ngoài nên không tạo ra “thế giới” kích thích các giác quan, nên người đó không (có khả năng) bị tổn thương, đau khổ.
Ngoài ra, trong cuốn Power vs. Force, tiến sĩ David Hawkins đã mô tả cấp độ năng lượng 700-1000 (Khai sáng) như sau:
“Ở cấp độ nhận thức này, cảm thức về sự tồn tại của con người đã vượt qua cả thời gian và tất cả tính cá thể. Không còn sự đồng nhất với cơ thể vật chất như là ‘tôi’ nữa, và do đó, định mệnh của nó không còn là một mối bận tâm. Cơ thể chỉ được coi là công cụ của ý thức thông qua sự can thiệp của trí não, giá trị cốt yếu của nó là truyền tải thông điệp. Bản thể sáp nhập trở lại với Bản thể.”
Bình thường, con người chỉ nhận biết được phần ngoài của cơ thể là những gì được nhìn thấy và có tương tác với thế giới vật lý, đại diện là 5 giác quan. Phần thân xác khi nhìn dưới góc độ này sẽ dễ bị kích động, thèm muốn và bị cám dỗ bởi các lạc thú. Nhưng khi tuệ giác khai mở, người đó bắt đầu nhìn thấy phần sâu thẳm hơn của cơ thể, là phần ẩn bên trong. Phần này như nội tại của một ngôi nhà, cách biệt với bão tố sóng gió nắng mưa trần tục bên ngoài. Đây chính là phần được mô tả là nơi trú ngụ và an nghỉ của linh hồn, là nơi đền thánh thanh tịnh và đẹp đẽ vô ngần.
Carl Jung đã có câu:
“Ai nhìn ra ngoài, mơ. Ai nhìn vào trong, thức tỉnh.”
Chỉ người nào có sự thực tập an trú thường xuyên trong cơ thể và đưa ý thức soi rọi nội tâm, người đó mới có khả năng nhận ra mảnh địa đàng bị lãng quên chính là cơ thể vật lý của mình, thứ trước kia anh ta từng coi là thấp kém, nặng nề và dơ bẩn. Anh ta sẽ thấy rằng cơ thể là khu vườn tuyệt diệu, và linh hồn là nàng tiên xinh đẹp đang trú ngụ ở đó với hào quang tỏa rạng. Tính chất thiêng đường từ linh hồn đã thẩm thấu vào khắp phần cơ thể, như ánh sáng mặt trời làm rạng rỡ hoa lá chim muông. Khi an trú trong cơ thể, anh ta mới có được sự một mình tuyệt đối, có được sự an toàn tuyệt đối và có được sự bình an tuyệt đối, đồng thời cắt đứt mọi mối dây ràng buộc với thế giới hiện tượng, với những cám dỗ dục vọng. Nhờ ở trong đền thánh này, niềm vui, sự thư thái, cảm hứng và các phẩm hạnh mới bung nở mãnh liệt.
Sự biểu hiện bên trong của thân thể là phúc lạc và bình yên. Ngược lại, biểu hiện bên ngoài thân thể là khoái lạc và kích thích. Người an trú bên trong cơ thể thì không còn thèm khát bất kỳ điều gì bên ngoài và có sự bình thản tự nhiên, trong khi người đứng bên ngoài cánh cửa địa đàng thì luôn như đứng trong biển bão tố, khao khát bình an tịch lặng nhưng lại tìm kiếm nó thông qua sự thỏa mãn dục vọng không có hồi kết.
Trước kia, Đức Phật đã chỉ ra cách để một người có thể đi tới cấp độ cao nhất của trí tuệ và phẩm hạnh, đó là giữ giới. Từ giới sinh ra định, từ định sinh ra (trí) tuệ. Những người theo học đạo Phật có thể hiểu giới kia là thực hành những điều răn và nguyên tắc của nhà Phật. Nhưng trong nội dung chủ đề thân thể này, tôi có một cách hiểu khác rằng giới chính là giới hạn của cơ thể. Không phải là ngưỡng đau, ngưỡng mệt, ngưỡng kích thích, mà là ngưỡng cửa để phân biệt đâu là phần bên ngoài và phần bên trong của thân thể. Giữ giới chính là không đi ra khỏi giới hạn đó, luôn an trú bên trong địa đàng thân thể. Khi ấy, giới, định và tuệ sẽ trở nên là một, là sự hiện hữu không thể lay chuyển của linh hồn.
Ngày nay, con người đang ngày dần cách xa cơ thể của chính mình. Cách xa không phải ở việc không chăm nom về mặt sức khỏe, mà cách xa ở việc không tiếp cận đúng vị trí và bản chất của thân xác. Chúng ta đã đồng hóa cơ thể là chính mình, và đã tự đẩy mình ra ngoài ranh giới địa đàng. Chúng ta coi chính mình bắt đầu từ làn da này trở đi. Còn ẩn sau làn da đó, gương mặt đó là gì, chúng ta không biết và không muốn biết. Trong khi trớ trêu thay, mọi trí tuệ và ánh sáng lại nằm ở nơi mà ta đã bỏ qua.
Và kết quả của việc tưởng lớp áo là người mặc áo, tưởng cỗ xe là người lái xe, tưởng ngôi nhà là người chủ nhân là gì? Là ta tự giáng mình xuống số phận của cái áo, của cỗ xe và của ngôi nhà. Chúng bị thay bỏ, bị xé nát, bị va đập, bị xây xước hủy hoại trước thiên nhiên thời tiết. Khi sống trong ảo tưởng maya đó, con người sẽ liên tục cảm thấy bị tổn thương, bị xâm hại, bị kích động, bất an, và run rẩy trước vòng xoay cuộc đời. Ở đó không có một chút bình yên nào của một người đang ở trong nhà tránh bão, không có một chút tự chủ nào của một người đang lái xe, và không có một chút điềm tĩnh nào của một người đang mặc quần áo. Chúng ta trần truồng trước những va đập của đời, như một nàng thiếu nữ trần truồng bước vào bụi gai rậm rạp.
Và điều tồi tệ nhất vẫn chưa dừng lại ở đó. Điều tồi tệ nhất đó là khi tự giáng mình xuống số phận của cái áo, của cỗ xe và của ngôi nhà, ta đã vô tình xóa đi sự tồn tại của người chủ. Điều này có nghĩa là gì? Có nghĩa là chúng ta sẽ không còn thấy linh hồn, và cho rằng linh hồn không tồn tại. Giống như một người đi ra khỏi nhà mình, quay lại nhìn và bảo rằng ở đó không có ai cả. Đây là câu chuyện con người tự phủ nhận sự tồn tại của chính mình, tự đưa tay bóp cổ mình, tự đóng cửa đốt nhà mình.
Nói tóm lại, thông qua bài viết này, tôi muốn nhắn nhủ rằng cơ thể vật lý là mảnh địa đàng cho con người hay là nơi ngục tù đọa đày chúng ta, tùy thuộc vào góc nhìn của mỗi người đối với nó, tùy thuộc vào định hướng tâm linh và sự thực tập của từng cá nhân. Qua mỗi kiếp sống, cơ thể vẫn được trao ban, giống như cơ hội thức tỉnh vẫn còn được Thượng Đế để dành cho mỗi con người.
Tác giả: Vũ Thanh Hòa