posters9

Brave New World (Aldous Huxley) – Cuốn sách đã từng bị chính phủ nhiều nước cấm xuất bản

Chào mọi người, mình vừa đọc lại Brave New World nên review cho những ai thích tiểu thuyết văn học Sci-fi có thể xem qua, ngoài ra Brave New World đã từng bị chính phủ nhiều nước cấm xuất bản nữa. Let’s take a look.

Brave New World: Tiểu thuyết phản địa đàng tiên tri tương lai

Đánh giá cá nhân: 9/10

Bài review của mình chỉ bao gồm góc nhìn và cảm nhận cá nhân, phân ra thành các mục riêng cho dễ đọc. Anh em ai lười thì đọc TL;DR là đủ rồi.

TL;DR: Nhiều hình tượng hay, triết lý hay, thế giới sáng tạo, có điều lắm chữ và khó hiểu, phần cuối có thể sẽ chán.

Về mặt ý tưởng

Đã nhắc đến Brave New World (được viết năm 1932) là phải nhắc đến cái thế giới của nó, bởi đây là một trong những thứ đáng nhớ nhất trong truyện, đầy rẫy những ý tưởng mà đến tận bây giờ vẫn rất nhiều tác giả Sci-Fi sử dụng lại. Có thể nói nó đại khái Brave New World là 1984, phiên bản anh hai phê cần (literally).

Giống 1984, Brave New World lấy bối cảnh một thế giới toàn trị “Dystopia”, đó là London tương lai (World State), và nó được Huxley dành ra gần 1/3 quyển sách chỉ để mô tả và xây dựng rất chi tiết. Thế giới của Brave New World đã “cách tân hoá” rất nhiều thứ cốt lõi của thế giới loài người, ví dụ như:

Về cơ chế sinh đẻ

Trẻ con được thụ thai trong ống nghiệm, đỡ công mang nặng đẻ đau cho phụ nữ. Ngoài ra, bọn nó trưởng thành nhanh hơn, và nhờ công nghệ “đào tạo trong giấc ngủ” mà thời gian dạy dỗ được rút xuống, đỡ tốn tiền nuôi và còn bổ sung lực lượng lao động được nhanh.

Về vấn đề giai cấp

Mọi đứa trẻ đều được tinh chỉnh cho phù hợp với giai cấp của mình. Những đứa cấp thấp sẽ được làm cho thấp bé nhẹ cân, cấp cao sẽ trẻ đẹp cường tráng. Ngay từ trong ống nghiệm, tất cả bọn trẻ con đều đã được luyện cho đam mê và yêu thích cái giai cấp sau này của mình, thế nên khỏi lo có chuyện bất mãn.

Vậy còn an sinh xã hội ra sao?

Tình dục chẳng còn là vấn đề cấm kị nữa. Không cần chung thuỷ, không cần vợ chồng, chỉ cần thích thì chịch thôi. Đến bọn trẻ con từ nhỏ đã được dạy các trò chơi tình dục để làm quen, không ngại ngần chuyện giới tính. Bên cạnh đó soma, một dạng ma tuý tổng hợp (phần này mình khá thích nên sẽ nói thêm ở cuối review), được ban bố tràn lan khắp nơi. Ai chán đời cứ lấy một viên bỏ vào miệng là lại hạnh phúc ngay.

Kinh tế phát triển như thế nào?

Mọi thứ trên đời đều phải làm ra giá trị kinh tế. Trẻ con từ nhỏ được luyện cho cứ sờ đến hoa cỏ là bị điện giật tung người, bởi vì những thứ như thế sẽ làm chúng nó thấy thích thú, thấy mãn nguyện. Mà nếu đã mãn nguyện rồi thì còn tiêu thụ hàng hoá kiểu gì? Mọi hoạt động phải giúp tăng trưởng kinh tế. Đến các trò chơi hết sức phổ thông cũng bị phức tạp hoá, đòi hỏi phải sử dụng thứ thiết bị đồ nghề, bởi có thể người ta mới đi mua, mới cho kinh tế phát triển. (Đẩy mạnh chủ nghĩa tiêu thụ, consumerism.)

Văn hoá trở thành cơn mê man tập thể

Sách vở toàn là những quyển mang tính cung cấp thông tin thuần. Các tác phẩm văn học như Shakespeare sẽ không được đọc, bởi vì nó khiến người ta phí thời gian nghĩ ngợi lung tung, không làm gì có ích cho xã hội. Tôn giáo đã chết sạch, bởi vì nó là thứ vô dụng, và thứ duy nhất cần tôn thờ đó là khoa học vì nó giúp thế giới phát triển.

Bùng nổ tổ chức

Khi công nghệ trở nên phức tạp hơn, ta càng cần có nhiều tổ chức quy mô hơn, phân cấp rõ rành hơn, và vô hình chung đồng hành cùng bước tiến của công nghệ sẽ là bước tiến của khoa học tổ chức. Tại Brave New World, con người đã có thể tạo ra những tổ chức quy mô lớn hơn bao giờ hết, và thế là ngày càng có nhiều người trở thành một mắt xích trong chuỗi hệ thống phân cấp do các cơ quan đoàn thể kiểm soát, hoặc là do tập thể các tập đoàn lớn hoặc cao hơn nữa là liên minh giữa các chính phủ.

Ngoài ra còn vô số ý tưởng nữa, khó có thể kể hết ra. Nhưng nhìn chung, thế giới World State của Brave New World là nơi tư bản chủ nghĩa (capitalism) và xã hội chủ nghĩa (socialism) đã được đẩy lên đến cực điểm, giúp tăng trưởng kinh tế hiệu quả, đói nghèo đã bị triệt tiêu, mà người dân thì vẫn vui vẻ nhờ nhục dục và soma. Đổi lại, mọi thứ thừa thãi như xúc cảm, các giá trị tinh thần sâu sắc, tự do lựa chọn cuộc đời của cá nhân đều bị vứt bỏ hết.

Chốt hạ 1 số quote hay trong truyện đã được mình tạm dịch

“Nhưng tôi không muốn khoái lạc. Tôi muốn Chúa, tôi muốn thi ca, tôi muốn những mối nguy đời thực, tôi muốn tự do, tôi muốn thiện lương. Tôi muốn tội lỗi.”
“Thực ra,” Mustapha Mond nói, “anh đang đòi hỏi quyền được bất hạnh.”
“Đúng nó rồi!” John đáp lời, “tôi đang đòi hỏi quyền được bất hạnh.”

“Chưa kể quyền được già đi, yếu ớt rồi lọm khọm; quyền dính bệnh giang mai và ung thư; quyền có quá ít thực phẩm để ăn; quyền sống cảnh bần tiện; quyền sống trong cái nỗi sợ liên miên chẳng biết ngày mai sẽ xảy ra những chuyện gì; quyền mắc bệnh thương hàn; quyền được tra tấn bởi đủ kiểu đau đớn không tả xiết.”

Cũng như mọi tác phẩm về các thế giới Utopia/Dystopia, Brave New World là hành trình “lật mặt” thế giới đó.

Nói thêm về Soma

Trong Brave New World, Aldous Huxley chế ra một thứ drug gọi là ‘soma,’ một loại thuốc rất đa năng. Liều lượng nhỏ sẽ hiến người dùng thấy phấn chấn, liều lượng trung bình sẽ gây ảo giác, và liều lượng lớn sẽ khiến người dùng lăn ra ngủ…. Nếu muốn duy trì quyền lực vô thời hạn, chính phủ chỉ cần sự ủng hộ của tầng lớp bị trị, và chất thuốc cấm sẽ là cách những phe độc tài dùng để thực hiện như Aldous Huxley tiên đoán, và một phần khác là dùng công cụ tuyên truyền. Chúng sẽ tiến hành vượt qua phần não có lý trí của con người và dụ dỗ phần tiềm thức cùng những xúc cảm sâu xa của người dân, và thậm chí tác động đến cả những khía cạnh sinh học của họ, và nhờ vậy mà khiến họ trở nên yêu thích bị làm nô lệ.

Soma không có thật đâu đừng lên google tìm chỗ bán =))

Nếu các bạn đã kiên nhẫn đọc đến đây, thì như mọi lần, cám ơn các bạn đã dành thời gian quý báu để đọc review, have a nice day. Love y’all 💋🧠❤️

*  *  *

Tác giả: Khải Phạm

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top