Chúng ta quá nhiều người thần tượng nước Nhật, si mê nước Nhật. Báo chí ca tụng giới thiệu nước Nhật cũng nhiều. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn chia sẻ với bạn bè tôi ở Mann up một nước Nhật theo cách riêng tôi cảm nhận. Có thể có một vài trùng lặp, song tôi nghĩ, sẽ có nhiều nhỏ nhặt đáng để bạn đọc ồ lên thích thú. Và bạn đọc, đừng ngại ngần chia sẻ những thú vị bạn nhặt được ở Nhật Bản. Tôi nghĩ, cuộc sống đa dạng, tình yêu muôn màu, và cảm xúc của mỗi người dành cho nước Nhật cũng vậy, không ai giống ai hoàn toàn.
Ở bài Tìm gì ở Paris, tôi chia sẻ rất thật lòng những mảng xám của Paris mà tôi nhặt được. Một vài bạn đọc khá bức xúc. Tôi hiểu chứ, có thể các bạn có dịp học hành làm việc định cư ở Pháp, cũng có thể chưa kịp đến Pháp. Các bạn có tình yêu nước Pháp nồng nàn vô bờ bến. Khi đọc những mảng tối nhỏ nhoi, có thể khiến các bạn không vui, thậm chí bực bội và bình luận đáp trả khá gay gắt. Những ý kiến với giọng điệu lịch sự, tôi đều trả lời đầy đủ, một vài giọng điệu không lễ độ, tôi xin phép để tất cả bạn đọc đánh giá và có thái độ giúp tôi. Trong một số ít các bình luận thiếu lịch sự, tôi nhớ nhất là câu kết luận, đại loại là người Pháp là người lịch sự nhất thế giới. Xin lỗi, khi đọc bình luận ấy, tôi đã phì cười. Tôi không được tiếp xúc với nhiều người Pháp ở khoảng thời gian dài kiểu một vài năm hay dài hơn. Tôi chỉ có rất nhiều lần những một vài ngày đắm chìm Paris. Tuy nhiên, không biết người Pháp tại chính quốc thế nào, chứ khi người Pháp đi du lịch, họ “được” liệt kê là đối tượng khách du lịch lỗ mãng nhất. Thay vì bực bội và phán tôi quy chụp, những ai không tin vào sự thật phũ phàng này có thể google, sẽ thấy cực kì nhiều bài báo bài báo cáo liên quan đến lối hành xử của du khách Pháp. Đối nghịch với lỗ mãn, hẳn phải có lịch sự. Tất nhiên, không ai khác ngoài người Nhật xứng đáng được tôn trọng và công nhận là đất nước-con người hiền hòa thanh lịch nhất.
Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên được đặt chân đến nước Nhật, năm năm về trước. Tôi háo hức đến không thể ngủ. Không phải đợi đến khi đặt chân đến nước Nhật để thưởng thức để khám phá, tôi bắt đầu cảm nhận Nhật ngay từ Việt Nam, từ Hà Nội.
Sân bay, chuyến bay đêm, khách châu Á châu Âu đủ cả. Nhộn nhịp có hỗn loạn có. Không khó để nhận ra những du khách Nhật. Trẻ hay già, cũng đều một phong thái. Bạn có thế khiếp sợ bởi lối ăn mặc “dị” và không tuân theo thời tiết của người trẻ Nhật. Bạn có thể thấy hài hước khi thấy các ông bà già Nhật nhỏ bé chỉ cao già nửa chúng ta, nhanh thoăn thoắt di chuyển. Tuy nhiên, bạn sẽ thấy người Nhật không ề à uể oải lăn lê bò toài ngả ngốn chiếm cả băng ghế sân bay để nằm ngồi hỗn độn. Người Nhật không thô lỗ nói năng ồn ã. Họ gọn gàng, và đặc biệt sợ làm phiền người khác. Họ hoàn toàn không có khái niệm mình là vật cản của xã hội.
Lên máy bay, bạn sẽ nhận ra ngay người Nhật bởi tác phong dịch chuyển chuyên nghiệp. Nhanh nhẹn định vị ghế ngồi. Hành lý xách tay nhỏ gọn không mớ lớn mớ nhỏ như những người châu Âu khổng lồ. Không điện thoại í ới ngang nhiên bất chấp mọi luật lệ như rất nhiều người Việt. Người Nhật là người yêu du lịch nhất thế giới. Người ta làm nhiều cuộc khảo sát, và đều có chung một kết quả. Trong bộ phim rất hay và đa cảm Up in the air của George Clooney, nhân vật chính là một người đàn ông có kinh nghiệm dịch chuyển đã chia sẻ, khi xếp hàng ở sân bay, bạn chớ dại dột xếp sau một gia đình có con nhỏ, xếp sau những người châu Âu, mà hãy chọn xếp hàng kế người Nhật.
Từ Việt Nam bay thẳng sang các thành phố của Nhật Bản, chỉ mất xấp xỉ 4 tiếng. Một thế giới khác dần hiện ra trước mắt bạn chỉ sau có 4 tiếng giờ bay. Nếu đọc Doraemon, hẳn bạn còn nhớ, có tập các nhân vật phát hiện ra một nước Nhật trái ngược với nơi họ sinh sống. Nơi đó, kẻ dốt thành giỏi, kẻ chăm thành lười, kẻ mạnh thì lại mít ướt… đại loại thế. Ở đây, sau 4 tiếng giờ bay, chúng ta sẽ hạ cánh để đến với một đất nước trái ngược với nơi chúng ta sinh sống. Hạ cánh ở bất kì một sân bay Nhật nào, bạn cũng sẽ thấy ngỡ ngàng bởi sự ngăn nắp yên ắng, hoàn toàn không giống với những sân bay bạn mà bạn biết. Sự trái ngược bắt đầu rõ rệt hơn khi bạn… đi bộ. Như tôi đã từng chia sẻ trên fanpage của Mann up, người Nhật đi bộ bên trái, tốc độ nhanh. Sang đến Nhật, bạn cần phải làm quen với thói quen ấy, nếu không muốn biến bản thân thành vật cản của cả đất nước Nhật.
Tôi đi bộ lang thang, cố tình để mình “được” lạc giữa những Tokyo, Osaka, Kyoto, Nagoya, Fukkuoka… chìm đắm trong không khí Nhật trầm lắng, nhưng cuồn cuộn chảy tích cực và hiệu quả. Từng dòng người dài không hồi kết, trôi nhanh nhịp nhàng ở khu trung tâm hành chính Shinjuku, chiều nào ra chiều ấy. Đi bộ thêm chút là đến khu Harajuku. Khu phố tưng bừng sắc màu của thời trang cosplay đủ mọi phong cách lãng mạn có vui mắt có dữ dằn có lập dị có… Đi bộ sang đường, bạn cần phải đợi đèn đi bộ bật sáng xanh, chứ không thể ngạo nghễ đi bộ kiểu ở nhà được. Từng khối người bận rộn nhưng vẫn hài hòa xếp hàng chờ sang đường. Chiều nào ra chiều ấy. Đèn xanh sáng, tôi sải bước, cứ thấy có âm thanh “Chíp! Chíp!” kêu lanh lảnh. Chả hiểu đó là tiếng gì. Đi đâu cũng thấy. Thành phố nào cũng nghe thấy. Chíp chíp là sang đường.
Tôi nghĩ, rõ là cầu kì cẩn thận. Người ta thấy đèn người ta đi, đây lại còn phải thêm tiếng kêu, chắc sợ người đi đường quên nhìn không để ý. Sau vài lần để ý, tôi lại càng thấy yêu nước Nhật hơn. Âm thanh chíp chíp là dành cho những người khiếm thị, nghe thấy ấm thanh là họ biết để sang đường. Tương tự vậy, các thành phố Nhật mà tôi biết, còn có những con đường nhỏ tiện lợi cho người tàn tật. Thật tuyệt vời! Tôi chả quan tâm đến những chỉ số phát triền này nọ kia hàng ngày báo chí nhà ta rao giảng. Tôi chỉ biết thước đo cho một đất nước văn minh, nó nhỏ nhoi thôi, nhưng thật tình người và dễ hiểu. Anh văn minh là khi anh ý thức và biết quan tâm đến những công dân thiệt thòi, chứ không chỉ nhăm nhăm phục dịch một số ít nhưng người giàu có. Nhà mình các trung tâm thương mại mọc lên như núi. Trong các trung tâm thương mại đài các đó, một cái toilet cho người tàn tật là điều hiếm hoi xa xỉ. Không giống như nước Nhật đất đai đắt đỏ này, ở những tòa nhà mua sắm cũ kĩ lỗi thời, họ cũng chu đáo với người tàn tật. Người thường có thể dùng loại nhà xí bệt truyền thống. Tuy nhiên, người tàn tật luôn được chăm sóc thật kĩ càng chuẩn mực.
Tôi đi bộ ở Nhật. Ai cũng đi nhanh đi đúng chiều. Tuy nhiên, không ai dẫm chân lên ai. Việc ai nấy làm. Có vô tình bạn rơi mất đồ đạc, vài tiếng sau quay lại, đồ đạc của bạn vẫn nguyên đó. Thế mới lạ kì! Có lần đi loanh quanh ở Nagoya, lớ ngớ thế nào, tôi… lạc đường thật. Điện thoại cháy pin vì chụp hình nhiều quá, không thể dùng Google Map. Tôi lại chủ quan không cắp theo cái bản đồ bằng giấy. Người Nhật ở đâu cũng vậy, đi lại trên đường nhanh thoăn thoắt. Và… không biết tiếng Anh. Tôi vớ đại một cô gái trẻ, hi vọng cô biết tiếng Anh, rồi hỏi cô đường về khách sạn. Cô điềm tĩnh lắng nghe kĩ càng. Rồi cuối cùng cô… lắc đầu, ra dấu không hiểu tiếng nước ngoài. Tôi nói cảm ơn bằng tiếng Nhật, cô thì cứ đứng tần ngần một lúc. Khiến tôi cũng thấy… ái ngại theo. Dường như cô thấy thật không phải khi không thể giúp một người nước ngoài xa lạ.
Tôi quan sát, và lần này thử chọn một phụ nữ già đi nhanh còn hơn phụ nữ trẻ, để hỏi. Bà cũng lại không biết tiếng Anh, nhưng cũng không chịu đầu hàng. Bà ngẫm nghĩ vài phút, rồi ra hiệu tôi đi theo. Chưa kịp phản xạ, tôi đã bị kéo theo bà. Đi bộ gần 10 phút, qua vài ba cái đèn xanh đèn đỏ, hóa ra bà dẫn tôi đến… trạm cảnh sát. Thực sự ngỡ ngàng và cảm kích, tôi cảm ơn bà rối rít. Và rút ra kết luận, ở một đất nước thời gian đúng nghĩa quý hơn vàng, ai cũng đi nhanh đi có mục đích, không ai cản trở ai dẫm chân lên ai, nhưng nếu cần sự giúp đỡ, sẽ nhận được sự giúp đỡ rất nhiệt tình. Trạm cảnh sát cũng không ai biết tiếng Anh cả. Bản đồ thì khá lằng nhằng. Cuối cùng, tôi được… xe cảnh sát hộ tống về đến khách sạn. Một cách thân thiện vui vẻ không gượng ép. Kể thêm một kinh nghiệm hỏi đường khác! Tôi định vị trái phải kém, nên hay lạc đường thật. Có lần đứng ở khu ăn chơi Shinjuku với qua với lại với tới với lui chọn đủ kiểu phụ nữ hỏi đường mà không được. Ức không thể tả khi mình cần sự giúp đỡ lại chỉ toàn nhận được những phớt lờ những xua tay. Đứng tuyệt vọng quan sát một lúc mới nhận ra, mình đứng ở ngay “điểm nóng”, khu này tua tủa các quán bar quán cafe quán karaoke giải khuây cho chị em phụ nữ. Xung quanh tôi, đầy rẫy nam giới đỏm dáng đang mồi chài nữ giới đi bộ qua lại “hưởng thụ” dịch vụ tâm tình.
Nhắc đến vấn đề nam giới làm đẹp, tôi có thể khẳng định, không đâu nam giới lại có ý thức chăm chút bản thân và bỏ cực nhiều tiền cho vẻ bề ngoài như ở Nhật. Áp lực công việc là nguyên nhân chính khiến nam giới Nhật không chỉ thật giỏi, mà còn phải có ngoại hình sáng và bắt mắt. Ra đường, thanh niên công sở sơ mi cà vạt chỉnh chu vừa vặn, đồng bộ quần áo giày tất cặp. Trông rất đẹp. Nhìn đã thấy thành công. Đặc điểm nhận diện giản đơn và dễ thấy nhất của đàn ông nhật chỉnh chu, đó chính là… cặp lông mày được tỉa gọn và sắc. Tôi nhìn không quen, thấy rất buồn cười. Để bạn đọc dễ mường tượng hơn, nếu bạn đọc manga Bleach, thì cặp lông mày của Ichigo đang là mốt ở bên Nhật đấy.
Đi bộ mãi cũng mỏi, tôi leo lên tàu điện ngầm. Luật bất thành văn. Người Nhật ngồi lên tầu điện, nếu hết chỗ thì sẽ đứng. Đứng hay ngồi thì cũng không gây tiếng động. Họ nhắm mắt ngủ. Hoặc đọc sách. Mặc nhiên không cười nói ồn ào. Và đặc biệt là không điện thoại di động inh ỏi. Tiếng kêu điện thoại di động ở nơi công cộng là cấm kị và bất lịch sự lắm. Tôi quan sát người Nhật ngủ trên tàu điện ngầm sau một ngày vắt kiệt sức làm việc. Bản thân họ giống một chiếc máy đã shut down, nhưng kịp cài báo thức, đi qua 8 ga, 10 ga, đến ga cần xuống, họ mở mắt đúng lúc và tiếp tục vận hành.
(To be continue)