5491056729_7e4424daee_z-1

Tìm gì ở Nhật (Phần 2)

Ở kì 1, chúng ta đang bàn đến vụ người Nhật vận hành. Trước khi sang kì 2, tôi muốn cảm ơn bạn đọc Mann up rất nhiều. Trước tiên là sự thích thú của bạn với nhiều điều nhỏ nhặt tưởng chừng như giản đơn đến chả có gì mới mẻ của về Nhật Bản của tôi. Thứ hai là các comment gợi ý của bạn khiến cho kì 2 Nhật Bản của tôi rẽ nhánh khác hẳn, trái ngược hoàn toàn với mọi gạch đầu dòng định sẵn. Cuộc sống còn gì thú vị hơn là những ngạc nhiên bất ngờ gợi mở! Tôi nghĩ, thay vì chỉ 2 kì Nhật, tôi có thể viết nhiều hơn.

Người Nhật vận hành không ngơi nghỉ. Hiệu quả? Tất nhiên! Điều này khỏi bàn cãi. Điều tôi thấy đáng quý chính là cách người già Nhật vận hành. Một cách tự nhiên, tự nguyện và rất có ích. Tôi có dịp dạo qua cả thành thị lẫn nông thôn lẫn vùng núi Nhật, và đều thấy người già Nhật tỉ mẩn làm những việc ý nghĩa.

Vườn trên núi ở Kyoto
Vườn trên núi ở Kyoto

Một sớm ở Kyoto, đang thăm thú ở một khuôn viên vườn – chùa rộng lớn um tùm yên tĩnh. Lùm xùm trong bụi cây ngay sát chỗ tôi đứng, cỏ hoa bỗng nhiên cựa quậy. Hệt như có ma. Tôi hết hồn. Nhìn quanh quất, chả có con chồn con sóc nào cả. Thấy mà đám cây cứ rung bần bật hệt như trêu ngươi. Thói quen ngủ ít dậy sớm khiến tôi thường là vị khách mở hàng đầu tiên trong ngày ở khắp các chùa chiền thắng cảnh bên Nhật. Thật chủ quan khi nghĩ mình là người thức giấc sớm nhất trong ngày. Từ lùm cây, bỗng… nhảy phắt ra một cụ già lưng còng, tay lăm lắm cái kéo cắt cỏ. Tôi giật bắn mình, hết hẳn cảm giác ngái ngủ. Vừa buồn cười vừa thích thú lại xen lẫn thắc mắc, mình dậy từ lúc trời tờ mờ, leo trèo từ đường bằng phẳng lên khu chùa chiền trên cao. Vậy mà vẫn thua một cụ già lưng còng nhỏ bé. Nhỏ bé vậy, sao lại có thể đi bộ thoăn thoắt vượt trướng ngại vật đường xá bậc thang cây cối bụi lớn bụi nhỏ, lên khu chùa vắng lặng chỉ để tỉa tót mấy nhành lá cọng cỏ trước lúc bình mình?

Một cách chỉnh chu tỉ mẩn và hoàn toàn “hưởng thụ”. Ông cụ khiến tôi nghĩ ngay đến các nhân vật “tiền bối” trong manga 1/2 Ranma và Inu-Yasha, phiên bản đời thực tử tế, chứ không… hentai hài hước như trong truyện. Tôi đã được gặp một người già biết tiếng Anh, không phải ở những đô thị sầm uất ở Nhật, mà ở Kyoto, khi ông cụ chủ động bắt chuyện với tôi. Ông cũng ngạc nhiên khi thấy có một người trẻ dậy sớm như ông, và nói xin lỗi vì đã làm tôi tỉnh ngủ theo cách hơi khác lạ. Ông nói ông không phải người trong chùa, cũng không được trả tiền cho công việc chăm sóc cây cối. Ông kể ở Kyoto có nhiều người già, và thậm chí người trẻ, yêu truyền thống yêu thiên nhiên: họ chủ động đến những ngôi chùa yêu thích, và nâng niu gìn giữ những giá trị Nhật. Họ có thể tụ tập thành nhóm, hoặc đi riêng lẻ như ông, có xin phép những người giữ chùa giữ vườn, và làm công việc quét lá hay thu dọn rác, một cách hoàn toàn tự nguyện.

Tôi có dịp về Kyoto vài lần. Tuy nhiên, không lần nào tôi không… bị lạc, và phải hỏi đường. Ở những đường phố chính, ở các ngã tư đèn xanh đèn đỏ, từ sáng sớm cũng có một nhóm vài ba cụ đứng làm công việc gỡ rối đường xá cho khách du lịch. Chúng tôi trò chuyện với nhau bằng nụ cười, sự cởi mở, và… bo-đì len-uýt, vì như bạn đã biết, ở Nhật, thông thường người ta không dùng tiếng Anh. Trước, tôi cứ nghĩ biết ngoại ngữ thật vô cùng hữu ích, đi du lịch đây đó sẽ không bị tự ti. Sau tôi nhận ra, chính sự mở lòng mới là thứ ngôn ngữ không rào cản.

PicsPlay_1383989613299

Người Nhật vận hành bất kể tuổi tác thời gian, và coi công việc mình làm là sự thích thú, là trách nhiệm cần hoàn thành. Và họ vận hành đúng giờ. Người Nhật chuẩn xác giờ giấc, điều mà ai cũng biết cả. Đi làm hay đi chơi, họ đều nhất nhất đúng giờ. Có lần, tôi cười như méo khi vô tình “gặp” một nhóm du khách người Việt bực tức không tiếc lời rủa xả “lão già xe bus Nhật” vì đã không biết đường đợi họ thêm vài ba phút, để họ lỡ chuyến xe lỡ đủ thứ. Bạn nhớ nhé, chúng ta cần tập dần thói quen chuẩn xác giờ giấc, để có dịp đi Nhật, chúng ta sẽ không thấy bực tức trước những cái đúng. Liên quan đến cái xe bus, lần khác, tôi phì cười khi xe chuẩn bị chạy, một phụ nữ trẻ đến trước nhường cho một bà già đến sau lên xe. Hai người gập người liên tục mời người kia lên trước. Người đến sau nhất quyết để người đến trước lên xe trước. Người trẻ thì nhất nhất nhường bước người già. Cuối cùng, cả hai người cảm ơn nhau rối rít rồi… cùng chen lên cửa xe bus nhỏ hẹp, sau đó lại gập người xin lỗi nhau vì người này ảnh hưởng đến người kia. Đó là phiền toái khi phép lịch sự va chạm lễ nghĩa. Xong tôi nghĩ, đó là cái phiền toái dễ mến đáng yêu.

Một bạn đọc có thắc mắc với tôi chuyện shopping ở Nhật. Tôi bỏ qua khu Ginza xa xỉ sầm uất giữa Tokyo, bỏ qua vô vàn những tòa nhà mua sắm sang trọng trên khắp đất Nhật. Đồ hiệu đắt tiền thì ở đâu cũng giống nhau. Ở Nhật thì… đắt hơn hẳn. Tôi thì lại ấn tượng Daiso, và sẽ dẫn bạn dạo một vòng Daiso. Giờ, ở nhà cũng có Daiso. Ở Úc, ở Anh, ở khắp nơi có Daiso có cửa hàng đồng giá. Lần đầu tiên tôi đi Nhật, khi ấy tôi nhớ ở nhà chưa có khái niệm cửa hàng 100 Yên. Vào Daiso, tôi ngáo ngơ đến ngỡ ngàng. Tính cách người Nhật thể hiện rất rõ nét trong các cửa hàng Daiso lớn nhỏ. Tỉ mẩn chu đáo nhỏ nhặt tinh tế. 100 Yên có đủ thứ bát đĩa dầu ăn hạt tiêu sữa tắm thông dụng… cho đến những thứ mà thoạt nhìn, bạn chả hiểu nó là gì cả.

banana-holder-case-daiso
Vâng… đồ đựng chuối.

Tôi nhớ như in lần đầu đi Nhật và mua sắm ở Daiso. Cái gì tôi cũng muốn vác về. Một phần vì rẻ, đã thế còn chễm chệ dòng thương hiệu Made in Japan, lại còn… mới lạ chưa bao giờ nhìn thấy. Ví dụ: thứ để bạn giúp bạn… mở nút chai La Vie; hộp đựng… 1 quả chuối để tránh chuối bị va đập bị hỏng bị nhão; dụng cụ hẹn giờ để giúp bạn luộc trứng lòng đào hay trứng chín như ý; thứ chuyên dụng để giúp bạn cắt những loại dây nhựa dây ni lông bao quanh các kiện báo… Tóm lại là toàn những thứ khó nghĩ ra ít dùng tới nhưng sẽ có lúc người ta cần đến. Lần đầu đi Nhật vào 100Yên, tôi hào hứng nhặt về Việt Nam đủ thứ, rồi “bi hài” nhận ra là mình đã tha “chổi cùn rế rách” về nhà. Việt Nam không phải Nhật, và tôi chẳng bao giờ sờ đến những vật dụng chu đáo ấy.

Một dạng shopping khác ở Nhật, kì thú không kém, và cũng nói lên được nhiều về tính cách của dân tộc này, nếu có dịp đến Nhật, hẳn bạn sẽ thấy cực thích thú và… tốn kém. Đó là phong cách mua đi bán lại rất thực tế và hữu dụng. Ở nhà mình gọi là đồ xê-cần hen đồ si-đa. Tôi nghe thấy giảm giá trị quá, tôi gọi đúng hơn là đồ hiệu lướt lát. Đại loại là mai nhân viên quèn tôi có buổi ăn tối sang trọng với các sếp. Tôi cần phải sắm một bộ cánh phù hợp. Tôi sẽ shopping một vòng những YSL, Tom Ford, Dior Homme, Cartier… đại loại phô trương thế. Ăn tối xong, ngày hôm sau, tôi đem đống đồ hiệu ấy ra một cửa hàng Buy&Sell, bán lại những món đồ tôi vừa mua, thu hồi tiền về. Những Dior Tom Ford xa xỉ đó được làm mới lại một cách cực Nhật, tức là sạch bóng nuột nà gần như 100%, bày trong các cửa hàng mua đi bán lại, đợi chủ mới đến rước về. Khắp nước Nhật có rất nhiều dạng cửa hàng này. Thượng vàng hạ cám đủ cả. Từ những cái quần cái áo dưới 100.000 đồng cho đến cả lố những túi những ví của Louis Vuittons Hermes Chanel, những đồng hồ Rolex Patek Philippe Hublot, quần áo phụ kiện Diesel, Comme des Garcons, Kenzo… đủ mọi thứ. Và rất nhiều của hiếm bản hiếm số lượng ít hoặc chỉ có ở Nhật.

Bên trong Book-off
Bên trong Book-off

Mỗi lần sang Nhật, bản thân tôi cũng tốn không ít thời gian và tiền bạc vì “vô tình” lạc vào những shop dạng Buy&Sell ở khắp Tokyo, Nagoya, Osaka, Fukuoka… Thậm chí, dân nhà giàu mới nổi Trung Quốc còn rồng rắn nối đuôi nhau sang Nhật theo dạng du lịch kết hợp sắm đồ hiệu xa xỉ lướt lát. Các cửa hàng kiểu này thường có thêm cả nhân viên biết nói tiếng Tàu để đón tiếp khách Trung Quốc chịu chi, mua những đồng hồ những túi xách giá vài ba chục nghìn đô trở lên. Đó là chuyện về đồ hiệu đắt tiền được sử dụng hiệu quả thế nào ở Nhật. Trong trường hợp bạn là dân mọt sách nghiện manga ám ảnh game, hệ thống cửa hàng Book-off sẽ đáp ứng cơn khát của bạn. Book-off bán các thể loại dùng rồi: PS3, Vita, đĩa game đĩa nhạc đĩa phim, các thể loại đồ chơi kiểu One Piece, DragonballZ hay Pokemon, các thể loại sách văn học, sách tra cứu, hay cả truyện hentai… Tôi cũng hay bị lạc vào các cửa hàng Book-off, ngắm người Nhật đắm mình trong các giá sách đủ thể loại tử tế có, nổi loạn có, sex có… Ở Book-off, đồ chơi sách vở dùng rồi mà được giữ như mới, với giá cả rất dễ gật đầu. Tôi mua từ Book-off rất nhiều đồ chơi Dragonballz, thậm chí cả bộ manga Dragonballz tiếng Nhật nhìn đẹp mê mải.

Một store của Comme des Garcons ở Nhật.
Một store của Comme des Garcons ở Nhật.

Cuối cùng, có bạn hỏi tôi Nhật có mùi gì? Giống như tính cách người Nhật, nhẹ nhàng, không thích làm phiền ai, người Nhật dùng nước hoa theo tôn chỉ ấy. Đi đường, bạn sẽ thấy đường phố sạch sẽ không mùi, vào các khu trung tâm thương mại, hay quán cà phê, cũng hầu như không ngửi thấy mùi nước hoa. Có đôi lúc, tôi bất chợt ngửi thấy chút mùi hoa nhè nhẹ dìu dịu rất nữ tính rất mỏng mảnh. Lúc khác lại thấy chút mùi nam man mát dìu dịu nơm nớp. Chỉ vậy thôi. Nhật không như Pháp dùng nước hoa một cách điệu nghệ, đa dạng, và lôi cuốn. Người Nhật coi mùi hương như một chút tô điểm, không cầu kì, không gây mất lòng ai. Thật dễ dàng để nhận ra người Nhật chuộng thương hiệu nước hoa BVL bởi sự thỏ thẻ nữ tính lại không quá “đường phố”. Các khu nước hoa luôn bày biện BVL ở vị trí dễ thấy và bắt mắt nhất. Tôi thì thấy chán ngấy kiểu hoa hoét nhè nhẹ rất đỗi cam chịu này. Tuy nhiên, nếu bạn là tuýp người tỉ mẩn mùi hương, nước Nhật cũng chính là kho báu. Bạn có thể gặp các cửa hàng Comme des Garcons bán nhiều sáng tạo mùi hương độc đáo ở khắp nước Nhật. Nếu bạn ở Tokyo, hãy tạt qua khu Shinjuku, thánh địa nước hoa cao cấp, bạn có thể thử mùi hương của Diptyque, Le Labo, Serge Lutens, Creed, The Different Company… cùng vô vàn các nhãn hiệu cầu kì khác.

(còn tiếp)

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top