chang-duong-sj0imtq_z4w-unsplash

Tại sao con người nên hướng tới Tâm linh thay vì Vật chất?

Theo tôi quan sát hiện nay 90% con người đang đuổi theo tư duy vật chất (TDVC) và 10% thuộc về thái cực còn lại, tư duy tâm linh (TDTL). Con người chạy theo tiền bạc, tích lũy xây dựng của cải cho riêng mình, truy cầu danh tiếng và sự chú ý của xã hội, thu nạp thật nhiều kiến thức – các dạng của vật chất (kể cả kiến thức, kiến thức không phải trí tuệ, kiến thức chỉ là cái biết, khi nào cái biết được vận dụng và trải nghiệm thì nó mới trở thành trí tuệ – một dạng của tâm linh). Rồi biến tất cả thứ vật chất đó gom góp thành một cái “tôi” mang tên họ. Để rồi ai lấy mất của cải của họ, họ lo âu. Danh tiếng họ phai tàn, họ thất vọng. Ai đó chứng minh cái biết của họ sai, họ nổi cáu. Đây là phản ứng tự nhiên của họ khi cái tôi/ego mà họ coi là chính họ bị đe dọa. Mất cái tôi/ego – thứ họ đã gầy công xây dựng thì họ chẳng còn gì cả, họ chơi vơi, lạc lõng và vô định.

Dù một người theo TDTL hay TDVC thì họ cũng đang nằm trong tầng vật chất, họ vẫn đang mang thân xác vật chất và hiển nhiên phải tuân theo Luật. Không có gì nằm ngoài Luật, họ vẫn phải ăn uống, ngủ nghỉ sinh hoạt. TDTL tin rằng khi họ trau dồi trí tuệ tâm linh, và gia tăng giá trị của một con người, hạnh phúc sẽ nảy nở, và vật chất sẽ đến. Còn TDVC thì ngược lại, họ đuổi theo vật chất, rồi nghĩ rằng hạnh phúc sẽ đến sau đó. Sự khác biệt nằm ở chỗ họ tin thứ nào là đầu tàu kéo thứ còn lại tới, Vật chất hay Tâm linh. Cũng giống như những cuộc tranh cãi xuyên suốt bao thế kỷ, đó là câu chuyện Vật chất quyết định Ý thức hay Ý thức quyết định Vật chất.

Chẳng quan trọng là cái nào đúng cái nào sai. Mỗi niềm tin sẽ kéo theo một thực tại khác nhau. Nếu ai đó tin rằng Vật chất quyết định ý thức, thì họ sẽ bị hoàn cảnh và những thứ nằm ngoài họ chi phối không ngừng nghỉ. Họ sẽ chao đảo từ thái cực này sang thái cực khác vì họ đã phụ thuộc vào một thứ vô thường và biến đổi không ngừng đó là Vật chất. Điều tất yếu là thực tại của họ sẽ đầy rẫy khổ đau, liên tục thất vọng và lo âu sợ hãi. Trong khi đó, TDTL đã nhận thức được việc mọi thứ vật chất đều là vô thường, nên họ đầu tư vào những thứ bền vững hơn, đó là trí tuệ, phẩm hạnh và giá trị của con người. Họ sẽ là người định nghĩa thực tại của họ, làm chủ và sáng tạo ra nó bằng năng lực tâm thức và sự vững chãi của chính mình. Hoàn cảnh sẽ giảm bớt ảnh hưởng đối với họ, mà chính họ mới là người ảnh hưởng tới hoàn cảnh, hay môi trường xung quanh.

Để thấy rõ điều này, chúng ta cứ thử quan sát kỹ xung quanh xem. Chẳng phải môi trường bên ngoài là biểu hiện tâm thức của một người hoặc một tập thể hay sao. Hãy nhìn vào căn phòng gọn gàng của một tâm hồn ngăn nắp, hãy nhìn vào căn phòng bựa bộn của một tâm hồn phóng đãng, hãy nhìn những người đầy lòng yêu thương xung quanh một tâm hồn bao dung, hãy nhìn một trái đất ngày càng cằn cỗi, dơ bẩn, khắc nghiệt bắt nguồn từ một ý thức tập thể vô tâm và ích kỷ. Quá rõ ràng và hiển nhiên cho chúng ta thấy.

Tôi có nghe một câu nói ở đâu đó không nhớ rõ nhưng đại khái là:

“Giàu có không được định nghĩa bởi số tiền của và vật chất mà bạn đang có, giàu có định nghĩa bằng những gì bạn còn lại khi bạn mất hết chúng.”

Chúng ta không nhận ra rằng tiền của được tạo ra bởi giá trị mà chúng ta trao gửi cho xã hội, mối quan hệ được hình thành từ phẩm hạnh chúng ta có, sự tinh khôn của một người nằm ở trí tuệ chứ không nằm trong những kiến thức mà anh ta tích góp được. Tâm linh là nền tảng của biểu hiện Vật chất, là thứ thu hút vật chất như một hệ quả, là gốc rễ để sinh ra hoa lá cành. Mà thứ TDVC đi tìm lại là hoa lá cành, đến khi cuồng phong thổi đến, rất dễ bị cuốn phăng do không có nền tảng và gốc rễ đủ vững chắc. Đau khổ sẽ nảy sinh từ đây.

TDTL không hề chối bỏ vật chất, vì vật chất là nhu cầu căn bản của bất cứ ai, họ chỉ xem đó là một công cụ duy trì cuộc sống hiện tại hay để thi hành những đạo lý và những giá trị tinh thần họ hướng tới. TDTL theo đuổi các giá trị tinh thần: trau dồi phẩm hạnh (yêu thương, bao dung, trắc ẩn, hào sảng,.. thay vì mối quan hệ), xây dựng giá trị của bản thân (thay vì của cải và danh tiếng), đi tìm bản chất của chính mình, hiểu biết bản chất và quy luật vận hành của vũ trụ thông qua trải nghiệm (thay vì kiến thức).

Đáng tiếc là, chúng ta đang sống trong một thời đại với sự thắng thế của TDVC. Sinh viên mới bước ra xã hội đã bị nhồi vào tư tưởng Duy vật vào những năm đầu tiên Đại học. Và cả một thế hệ chạy theo lợi ích kinh tế, một xã hội tôn thờ chủ nghĩa tiêu thụ mặc kệ sự tàn phá đối với môi trường vì chúng ta tin rằng điều ý nghĩa nhất cuộc đời đó là tích lũy Vật chất. Nghiệp quả đến là một điều tất yếu, nói đúng hơn thì nó chỉ là kết quả của tổng hòa những hành động do chúng ta lựa chọn trong quá khứ. Với dịch Covid 19, trái đất nóng lên và ngày càng khắc nghiệt hơn, tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, con người ngày càng rơi vào khó khăn. Tận thế đã đến với chúng ta rồi, chỉ là chúng ta vẫn còn quá an toàn để nhận ra nó.

“Tận thế không phải là điều gì đó sẽ đến. Tận thế đã đến rồi ở nhiều nơi trên hành tinh này, và chỉ vì chúng ta sống trong một cái bong bóng của những đặc quyền tiện nghi và chúng cách ly với thế giới nên chúng ta vẫn còn đang tận hưởng những xa xỉ từ việc chờ đợi tận thế. Nếu bạn đi tới Bosnia hay Somalia hay Peru hay hầu hết các nước nghèo trên thế giới bạn sẽ thấy tận thế đã xảy ra rồi.” – Terence Mckenna

Theo quan điểm của tôi, TDVC sẽ là một niềm tin sai lầm và chỉ dẫn đến đau khổ cho một đời người. Nhưng tôi không lôi kéo bạn theo một tư tưởng nào, bạn là người lựa chọn cách bạn sống cuộc sống của chính mình. Cái tôi đang làm là chỉ ra những thứ tôi thấy, hiểu và trải nghiệm với hy vọng chúng ta sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn, xây dựng một xã hội nơi con người sẽ đối xử với nhau bằng lòng yêu thương và tôn trọng.

Tác giả: Bá Kỳ

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top