re1bbabng-nauy

Rừng Na-uy, Haruki Murakami – Những bài học đến từ bệnh tật và cái chết

tumblr_inline_nuze9zT0k21s09z1b_1280

Rừng Na-uy ư? Mình sẽ viết gì đây? Tình yêu ư? Hay lại tình dục? Đã có quá nhiều người nói về những điều đó ở trong cuốn sách này rồi. Sao giờ?”

Tôi đã bối rối như vậy khi đặt bút viết và cũng không phủ nhận rằng những nội dung của cuốn sách đã làm bản thân choáng ngợp ngay từ lần đầu tiên thưởng thức. Nhưng sau khi đã viết ra mọi thứ đánh động chính mình ở lớp bề mặt, tôi bắt đầu nhìn ra được những giá trị hoàn toàn khác. Chúng lẩn khuất ở những góc tối đến từ bệnh tật và cái chết.

Ung thư rồi chết, trầm cảm rồi tự vẫn là những câu chuyện xuyên suốt Rừng Na-uy. Chúng cứ gối chồng lên nhau hết lớp này đến lớp khác trong một sự âm thầm ám ảnh vì những yếu tố thu hút hơn – tình yêu, tình dục – đã lấn át đi phần đáng kể. Đặc biệt, tác giả đã dắt người đọc đi qua những tình huống bệnh và chết ấy rất đỗi nhẹ nhàng như thể chuyện hàng ngày hít thở không khí vậy.

Người ta nói rằng:

“Không có một tinh thần bạc nhược trong một thể xác tráng kiện, hay một tinh thần minh mẫn trong một thể xác bệnh hoạn.”

Còn bản thân tôi lại thấy con người ta sẽ đều cần đi qua những trạng thái thiếu cân bằng giữa tinh thần và thể chất (tức là tráng kiện và bạc nhược trộn lẫn nháo nhào) để có thể học được một điều gì đó đáng giá đằng sau đó. Nếu không thể đi qua thử thách này, thì đến một ngày không xa, họ cũng sẽ tiến về nơi 100% bệnh hoạn rồi chết – theo đúng nghĩa đen vậy.

Những tổn thương vật lý chính là hồi chuông cảnh báo người ấy cần quay trở về lắng nghe tiếng nói của chính bản thân mình và buông đi những tư tưởng hay thói quen sống tiêu cực. Những biểu hiện của bệnh tật là thứ nhắc nhở chúng ta về điều gì đó bất ổn sâu thẳm bên trong tâm hồn mình và cần được điều chỉnh lại.

Cơ thể là thứ vô cùng trung thực và thông minh, trong khi càng về sau, con người lại càng xa rời với trí tuệ thể xác. Họ đánh mất bản năng, đánh mất niềm tin vào sức mạnh vật chất của mình và để cho những viên thuốc, những mũi tiêm, những lần xạ trị làm mọi thứ càng trở nên tồi tệ. Tôi không nói rằng y học là điều gì đó không đáng tin cậy. Nhưng trong trường hợp một người không thấu hiểu được trạng thái tinh thần và thể chất của bản thân thì những hỗ trợ y khoa sẽ dễ trở thành nhát rìu cuối cùng vào thân cây sắp đổ.

Việc lắng nghe tiếng nói của cơ thể giúp người ta có thể đi đến tận cùng được nguyên nhân của bệnh tật và đau đớn. Tất cả chúng đều có một hạt mầm trước đó, nhưng họ chỉ loay hoay với việc gạt bỏ đi những triệu chứng khó chịu bên ngoài. Rừng Na-uy đã hướng người đọc đi tìm nguyên nhân của vấn đề khi đẩy những kết cục của các nhân vật đến điểm tận cùng.

Chúng ta biết tại sao Naoko lâm bệnh nhưng sự phục hồi của nàng lại vẫn là điều không thể dự báo được. Không phải cứ nhận ra nguyên nhân của vấn đề là mọi chuyện sẽ ổn thỏa. Mọi chuyện chưa dừng lại ở đó vì những bài học vẫn còn tiếp diễn. Quá trình tương tác với nhau giữa thể xác và tinh thần lại được đặt vào một thử thách mới đó là việc quyết định hỗ trợ lẫn nhau hay đổ lỗi cho phần còn lại. Tức là sẽ có hai loại độc thoại sau ở bên trong một người: “Cứ từ từ rồi mày sẽ khá lên thôi dạ dày ạ, tao biết mày căng thẳng vì chuyện gì rồi” hoặc là “Dạ dày đang đau vậy đấy, làm sao mà tao vui vẻ cho nổi”. Đó là một ranh giới rất mong mạnh giữa việc sử dụng phần mạnh khỏe hơn để xoa dịu phần đau ốm và việc để cho bệnh tật kéo dài thêm bằng việc dựa dẫm hay đổ lỗi.

Sức mạnh và sự yếu đuối tồn tại cùng một lúc, trong cùng một thực thể và khiến cho sự lựa chọn của mỗi người trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Không thể đơn giản nói một câu rằng: “Hãy đứng về phía sức mạnh và mọi thứ sẽ ổn cả”, mà là phải sống trong câu nói đó từng phút giây. Tức là, bản thân phải tự sản sinh ra sự tỉnh táo, kiên trì và nhiệt huyết, dù cho bệnh tật có đang khiến người ấy trở nên mệt mỏi, nóng vội và yếu đuối.

Quá trình quan sát chính mình khi bị bệnh thật sự rất thú vị đối với những ai muốn phát triển và học hỏi. Và chỉ với thái độ đó thì người ấy mới có thể quan sát được. Nếu không thì tất cả những gì họ biết là lịch hẹn gặp bác sĩ, số liều thuốc phải uống sau mỗi bữa ăn và những hình dung mơ hồ về chữ nghĩa khắc trên bia mộ của mình. Hoặc là người đó sẽ tinh chiết ra được sự kiên nhẫn, niềm tin và sự mạnh khỏe khi rơi vào mớ hỗn độn của sự nghi ngờ, hoang mang và lệch lạc hoặc là họ đánh mất dần đi những tinh túy của chính mình khi ngày ngày ở trong vòng xoáy đó.

Rừng Na-uy đã diễn tả được hầu hết những trạng thái của con người trong quá trình vươn lên này. Có kẻ vật vã lâu dài rồi cũng tự kết liễu đời mình, nhưng cũng có kẻ tưởng rằng mãi mắc kẹt thì lại vươn lên vào một phút giây huy hoàng nào đó. Cuốn sách đã trải ra trước mắt người đọc cả một con đường, cả một cuộc chiến dù khi đọc lên người ta chẳng thấy nó có gì đáng chú ý, nhưng thật sự nó lại đang sục sôi hơn lúc nào hết chỉ chực vỡ òa. Rừng Na-uy như một ngày trước bão nhưng lại đang mang cả cơn bão trong mình!

Chưa dừng lại ở những bài học cá nhân của những người trải qua đớn đau và bệnh tật, thần Bệnh còn mang đến những bài học liên đới dành cho những người xung quanh chúng ta. Đó là sự đồng cảm, yêu thương và chia sẻ. Nhìn vào cuốn tiểu thuyết này, chúng ta không thể không nhìn thấy tình yêu của các nhân vật dành cho nhau, sự kiên trì bền bỉ của họ khi đi qua những quãng đường gian khổ nhất của cuộc đời. Họ nâng đỡ nhau dù chẳng biết rằng ngày mai sẽ nhìn thấy điều gì: Sự tái sinh của người kia hay một màn tự vẫn đường đột. Đó là cách con người trưởng thành và kết nối với nhau. Chỉ trong chông gai thử thách, chúng ta mới nhận ra đâu thật sự là người thương yêu mình.

Câu chuyện của Wantanabe, Naoko, Kizuki, Reiko khiến tôi chợt nhớ đến một loạt những tiểu thuyết như Nhật ký, Đoạn đường để nhớ của Nicholas Sparks và Khi lỗi thuộc về những vì sao của John Green. Ở đó, người đọc cũng được chứng kiến sức mạnh của tình yêu và sự kiên trì trong những hoàn cảnh ốm đau ngặt nghèo. Chẳng bệnh nào giống bệnh nào nhưng sự đồng cảm, sẻ chia và đồng hành cùng nhau thì vẫn luôn làm nên những câu chuyện có sức lay động mãnh liệt.

Thần Bệnh mang đến cho ta tình yêu, sức mạnh và sự thông thái thông qua quá trình biến đổi và thanh lọc. Còn Thần Chết cũng mang cho ta bằng đấy món quà nhưng bằng một con đường quyết liệt khác: Buông bỏ.

Người chết, những cái quan tài, những đám ma xuất hiện chỉ là những dấu hiệu nhắc nhở về một sự kết thúc hoàn toàn và đi theo đó là sự tái sinh mới mẻ. Một cánh cửa đã đóng lại và hãy sẵn sàng để đón nhận những cánh cửa khác mở ra. Một vài nhân vật trong Rừng Na-uy đã chết theo đúng nghĩa đen để thấy rằng bản thân họ không thể buông bỏ được những nỗi đau đớn trong quá khứ, những hình bóng cũ đã mục rữa theo thời gian. Họ không thể làm được hành động buông bỏ đó trong tâm hồn nên sự chết chóc đeo bám họ đến tận nơi thể xác. Những con người đó mãi đi cùng với cánh cửa đã khép chặt.

Chúng ta đều cần những cái chết trong tâm hồn, những sự sụp đổ của tượng đài niềm tin hay kỳ vọng. Nếu một người không thể nhận ra được sự sụp đổ đó thì sớm muộn trạng thái ấy sẽ kéo tới thế giới vật lý của họ. Những vỡ nát bên trong là để mỗi người nhận ra rằng chúng không còn phù hợp, không thể cứu vãn được nữa và cần buông đi hoàn toàn để gây dựng nên một hệ thống mới vững chãi hơn. Kizuki đã chết nhưng Naoko vẫn còn quanh quẩn nơi những ký ức xưa cũ, đến mức không thể hiện diện trong thực tại mới có Wantanabe đang thương yêu hết mực. Rồi đến khi Naoko chết thì Wantanabe lại rơi vào một bài học tương tự… Nhưng cậu ấy đã vượt qua được. Đó là những gì khiến cho Rừng Na-uy trở nên đáng giá!

(Nếu lần sau các bạn có nhìn thấy một đám tang thì đừng vội đi ghi số đề, hãy quan sát bên trong mình, hẳn là vừa có điều gì đó kết thúc!)

Bệnh tật và chết chóc có thể trở thành những thứ đáng sợ và ám ảnh chúng ta. Nhưng chúng là một phần của sự sống, mà sự sống luôn trù phú. Vậy nên nếu mỗi người dám đón nhận những món quà mà những trải nghiệm đau đớn mang lại thì kẻ đó sẽ sớm trở nên giàu có và rộng mở về tâm hồn. Bạn đang bị bệnh ư? Đừng vội bỏ cuộc, con đường thành công đang ở ngay trước mặt kia rồi!

Cuốn tiểu thuyết Rừng Na-uy này là một sản phẩm xuất sắc, nơi rất nhiều khía cạnh khác nhau được lồng ghép. Nó không chỉ để cho người ta nghiền ngẫm nhiều ngày về những giá trị của tình yêu, tình dục, bệnh tật, cái chết mà chính là nơi họ nhìn thấy được sự đan xen chồng lớp của thực tại sống. Những gì tôi vừa đề cập qua chỉ là một lớp của tác phẩm này, chỉ là một góc của bức tranh mà thôi.

Âm hưởng chung của cuốn sách là một sự trầm buồn, lúc tỏ lúc mờ, cảm giác như không gian và thời gian đều đang bị kéo giãn ra theo đúng như dòng hồi tưởng của tác giả. Rừng Na-uy mê hoặc người đọc bởi sự âm thầm mà đầy sục sôi của sức mạnh và nghị lực sống. Vì đến cuối cùng tất cả mọi chuyện, chúng ta đều cần quay về với ý chí của chính mình ở thẳm sâu bên trong. Đó là thứ giúp chúng ta định hướng và tồn tại trong cuộc đời. Khi hai ông Thần kia gõ cửa thì hãy sẵn sàng vì những lão già tinh quái đó sẽ bắt đầu lung lay gốc rễ của chúng ta để kiểm tra mức độ bám trụ của mỗi người.

Rừng Na-uy đã vẽ nên bức tranh tường tận về cuộc đời của vô số con người khi chỉ kể chuyện của một vài cá nhân. Tác giả đã khiến người đọc nhìn thấy mình trong mọi nhân vật. Nếu như mất 10 giờ để đọc xong cuốn sách thì 10 giờ đó chúng ta được đi qua hàng loạt những góc phần của chính mình như một thước phim sống động.

Tuy nhiên, chính vì sự quá cuốn hút khiến độc giả dễ dàng chìm đắm mà cuốn sách có thể kéo người ta đến với điểm cực của sức mạnh hoặc dẫn họ tới tận đáy của sự tuyệt vọng. Lần đầu tiên, mọi góc tối của bản thân đều được phơi bày hết thảy chỉ thông qua việc đọc một cuốn sách. Lúc đó, tôi cảm thấy như thể mình đã rơi vào giữa một vùng hiểm họa. Để rồi sau này, tôi nhận ra đây chính là điểm nút của cuộc khai sáng.

9/10 là điểm mà tôi dành cho tác phẩm này. Rừng Na-uy không phải là một thứ để giải trí chơi bời, nó là một thử thách đáng gờm.

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top