71357ac0b4e42b8d92f6cad8e3170b86

Leonardo da Vinci (Walter Isaacson) – Con người hay Thần Thánh?

“Hãy mô tả lưỡi của chim gõ kiến?” (Trích trong sổ tay của Leonardo da Vinci)

1. Thiên tài là những đứa con hoang

Leonardo da Vinci cũng là con hoang giống như nhiều cái tên nổi bật trong lịch sử khác là Tần Thuỷ Hoàng, Steve Jobs hay Casere Borgia, chủ nhân Leonardo từng phục vụ là một trong những người con của Giáo hoàng Alexander VI. Ngoài ra, rất nhiều các tên tuổi trong thời kì Phục Hưng là con hoang. Sau này khái niệm con hoang được văn học phương Tây coi là quân bài tẩy có tính chất thay đổi cả cục diện và vận mệnh. Điển hình là John Snow trong Game of Thrones.

Cái hay của Isaacson nằm ở chỗ ông luôn tìm được nhiều chi tiết hô biến sự thần thánh hoá các nhân vật này trở thành những con người bình thường mà bất cứ ai đều có thể đạt đến tài năng của họ. Isaac cho rằng tất cả những thiên tài đều có thể đạt được sự tinh hoa là từ chính mình, chứ không nhờ đến ân sủng của các vị thần. Leonardo da Vinci cũng không phải là ngoại lệ.

Nếu như ai đã đọc Steve Jobs thì sẽ biết rằng Jobs là con nuôi của bố mẹ ông, thì Leonardo da vinci là con hoang của một chưởng khế chuyên viết công văn và khế ước tên là Piero da Vinci với một thiếu nữ 14 tuổi tên là Caterina. Cuộc đời Leonardo bắt đầu theo một cách không đơn giản nên những gì sau này ông học hỏi và tiếp thu cũng rất khác biệt.

2. Đi tìm bí mật của thần thánh

Vì là con ngoài giá thú nên Leonardo da Vinci sẽ không được kế nhiệm vị trí của cha mình cũng như chẳng được hưởng một cuộc sống bình thường. Về học hành, ngay từ nhỏ Leonardo da Vinci hầu như không đi học, thậm chí còn không biết nhiều về tiếng Latin, thứ ngôn ngữ dùng trong công việc của nước Ý lúc đó và cũng không biết phép toán chia. Một cái tên được gắn với nhiều giai thoại, sự thật và phép màu của thần thánh phủ lên mà cũng có những góc không toàn vẹn như bất cứ ai.

Theo mình, có lẽ hai chữ “thiên tài” với các góc cạnh hoàn hảo luôn nói về các con người vĩ đại là không đúng. Steve Jobs cũng không biết lập trình nhưng di sản ông để lại là một công ty công nghệ với các sản phẩm đỉnh cao với nghệ thuật tối giản. Thiên tài đúng hơn là sự chênh vênh và mâu thuẫn kì lạ giữa việc biết quá nhiều và không biết gì. Leonardo Da Vinci theo học ở xưởng vẽ của Andera del Verrocchio, bậc thầy nổi tiếng nhất thành Florence. Leonardo da Vinci hơn cả người dẫn dắt mình hai khía cạnh: khả năng vẽ và xao nhãng trong công việc. Trong thế giới hiện đại, việc xao nhãng và không tập trung ảnh hưởng rất lớn đến khả năng làm việc và Leonardo da Vinci cũng giống như những con người lười biếng nhất. Ông hiếm khi hoàn thành các tác phẩm của mình bởi trí tưởng tượng siêu phàm luôn dẫn dắt ông hướng đến những điều mới mẻ, những câu hỏi thay vì tập trung vẽ.

Suốt cuộc đời Leonardo da Vinci chỉ hoàn thành 15 bức tranh. Trong đó có những bức liên tục được vẽ và chính sửa trong thời gian dài như “Mona Lisa”, “Bữa tiệc ly” hay “Chúa Cứu thế.” Nghịch lý là Leonardo da Vinci luôn luôn nhắc nhở mình về sự xao nhãng bằng cách ngày nào cũng viết vào sổ tay mấy chữ “Nói ta nghe, nói ta nghe ngươi đã làm được những gì?”

3. Sự ám ảnh của người phàm

Bất cứ ai cũng đều có những lúc phóng đại về bản thân mình và Leonardo da Vinci cũng làm vậy khi gửi các lá thư đến mấy vị bảo trợ cho mình. Ông giới thiệu bản thân đến Ludovico Sforza là vương công xứ Milan bằng một bức thư tâng bốc quá đà Ludovico lẫn bản thân mình được bắt đầu bằng “Thưa vị chủ nhân tiếng tăm lẫy lừng bậc nhất”. Sau đó Leonardo da Vinci liệt kê ra 11 điều tài giỏi liên quan đến kiến trúc, toán học, chế tạo vũ khí, thuỷ lợi, điêu khắc và vẽ được mọi thứ. Leonardo da Vinci sau này khi giới thiệu mình đến những quân vương, Giáo hoàng tiếp theo cũng tán tụng bản thân bằng sự huyễn hoặc chứ không phải thực tế.

Leonardo da Vinci cũng bị ám ảnh với sự nổi tiếng và tiền tài trong một thời gian. Ông luôn tìm cách chứng minh mình với đám vương công bằng kĩ năng chơi nhạc hay thiết kế các vũ khí được lưu lại trong sổ chép tay của mình. Thậm chí Leonardo da Vinci còn hướng tài năng của mình và chiến tranh với những bức phác hoạ đẫm máu và các thiết kế vũ khí sát thương để làm chiều lòng các nhà vua.

Vậy một người được coi là “á thần” như Leonardo liệu có ghen tức với ai không? Có, vì đó cũng là một “á thần” của thời kì Phục Hưng có tên Michelangelo.

Leonardo da Vinci cảm thấy ghen tức với bức tượng David của Michelangelo khi được đặt ở trung tâm Florence cũng như việc Michelangelo nhận được sự bảo trợ tốt hơn từ những người giàu có hơn ông. Chính Leonardo góp ý rằng bức tượng David nên đặt ở một chỗ nào đó “kín đáo” để nhiều người không phải xấu hổ với chỗ kín của David phô bày ra. Dù rằng chính ông không bao giờ che giấu mình là người đồng tính và có nhiều bạn trai trẻ tuổi.

Sự mâu thuẫn luôn tồn tại là một ân huệ và lời nguyền với các tài năng. Leonardo da Vinci là người đứng đầu trong các thiên tài về sự mâu thuẫn tồn tại trong mình. Khả năng quan sát, sự tò mò và trí tưởng tượng là những yếu tố tạo nên sự vĩ đại và phủ lên Leonardo da Vinci sắc màu thần thánh. Nhưng đó cũng chính là những gì mà cá nhân mình hay bất cứ ai trong các bạn đều có sẵn.

Leonardo da Vinci chỉ là một trong những người kết hợp với tất cả những điều đó để đem đến tới những bức hoạ vô giá của mình. Ngoài khả năng vẽ mọi thứ là điều được công nhận, thì Leonardo là người tiên phong về giải phẫu, vẽ bản đồ, nước, cây cỏ và đặt những câu hỏi “Tại sao bầu trời có màu xanh? Mô tả như thế nào về lưỡi của chim gõ kiến?” Da Vinci cũng sớm nhận ra rằng với một lối sống ăn chay sẽ giúp cho cơ thể tốt hơn, ông tìm được cách ngủ ít để dành thời gian tối đa cho việc tưởng tượng và quan sát.

Trong cuốn Leonardo da Vinci của Walter Isaacson còn viết chi tiết về giới tính của Vinci. Leonardo da Vinci là một người đồng tính nhưng ông không bao giờ giấu giếm điều đó. Một mâu thuẫn lớn nhất trong những bức hoạ của Leonardo da Vinci là ông vẽ về phụ nữ khá nhiều và nổi tiếng nhất là bức Mona Lisa. Tuy nhiên tất cả những bức họa về phụ nữ đều là đơn đặt hàng chứ không phải là niềm say mê của Leonardo. Ông đam mê thân thể nam giới và choáng váng trước vẻ đẹp của các chàng trai.

4. Bao nhiêu sự thật trong truyện của Dan Brown?

Trong cuốn Mật mã da Vinci của Dan Brown viết rằng John ngồi cạnh Chúa Jesus là Maria Madalena vợ Người, nhưng nếu ai biết rõ về Leonardo da Vinci thì đó là một bịa đặt nhằm câu khách của Dan Brown.

Leonardo da Vinci mê mẩn vẻ đẹp lưỡng giới và luôn vẽ các nhân vật nam với khuôn mặt xinh trai, nhỏ nhắn cùng một cơ thể đẹp. Và trên hết Leonardo không quan tâm tôn giáo cũng như không hề gia nhập vào bất cứ một hội nhóm nào cả. Quan trọng nhất, Leonardo không khác chúng ta là bao ngoài sự tò mò vô hạn.

5. Học hỏi ở Leonardo da Vinci

“Người có tài năng hướng tới mục tiêu mà không ai khác có thể hướng tới. Thiên tài hướng mục tiêu mà không ai khác có thể nhìn thấy.”

Không chỉ trong cuốn sách này mà Leonardo da Vinci luôn được nhắc đến là thiên tài của các thiên tài ở thời kì phục hưng và trong thế giới hiện đại ông còn được nói đến nhiều hơn nữa. Nhiều sử gia, các nhà nghiên cứu không ngớt tán tụng về những gì ông đã làm và câu hỏi rằng hậu thế liệu có ai sánh được với Leonardo da Vinci và điều gì đã tạo nên Leonardo da Vinci?

Leonardo là một hình ảnh thu nhỏ của trí tuệ vạn năng, luôn nỗ lực tìm hiểu tạo hoá theo vô hạn cách cũng như đưa con người hoà vào trong sự vô hạn đó. Ông là con người và cũng là thần thánh. Chúng ta cũng như vậy.

Trí tưởng tượng, tò mò không giới hạn và khả năng quan sát là những điều cơ bản tạo nên một con người, nhưng ít ai có thể tận dụng tốt nó như Leonardo da Vinci. Đối với mình khi đọc xong cuốn tiểu sử này thì câu hỏi đúng là “bạn sẽ làm gì với những thứ mình cũng có như Leonardo da Vinci?” và mình tin rằng trong hiện tại và tương lai sẽ xuất hiện những Leonardo da Vinci khác bằng chính các phương pháp của ông như :

  • Hãy tò mò không nghỉ ngơi
  • Tìm kiếm tri thức vì tri thức
  • Quan sát
  • Bắt đầu với các chi tiết
  • Nhìn ra những thứ khó nhìn thấy
  • Đừng ngại mạo hiểm
  • Hãy để mình xao lãng trong sáng tạo
  • Tôn trọng sự thật
  • Trì hoãn để cảm nhận sự hoàn mỹ
  • Tránh tư duy hạn hẹp
  • Không ngừng vươn xa
  • Say sưa tưởng tượng
  • Sáng tạo cho bản thân chứ không vì khách hàng
  • Ghi chú vào giấy và sổ
  • Cởi mở trước những điếu bí ẩn

Đáp án về mô tả lưỡi của chim gõ kiến mà Leo quan sát và ghi chú lại:

“Lưỡi của chim gõ kiến có thể kéo dài gấp 3 lần chiều dài mỏ, khi không dùng đến nó thụt sâu vào trong sọ và cấu trúc giống như sụn của nó tiếp tục đi xuyên qua hàm để bao quanh đầu sau đó vòng xuống lỗ mũi. Ngoài đào bới giun trong thân cây, cái lưỡi dài còn bảo vệ não của con chim khi liên tục thục mỏ vào thân cây với lực tác động lên đầu nó lớn gấp 10 lần có thể làm chết mình. Cái lưỡi kì lạ này cũng cũng đóng vai trò như một cái đệm, giúp bảo vệ não con chim khỏi bị tổn thương.”

Tác giả: Đức Nhân
Biên tập: SUYNGAM.VN

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top