(Trích đoạn chương 20 của truyện Lên Đà Lạt, hiện đang được chia sẻ trong SUYNGAM.VN Deep Club)
Khi mưa đã ngớt, chúng tôi về nhà và mở một bộ phim tiếp theo về chủ đề chất thức thần để theo dõi. Có lẽ, câu chuyện về chất thức thần có thể giúp mô tả cách tôi đã thay đổi góc nhìn cuộc đời của chính mình ra sao, và cách tôi đã trở nên bớt tự hào về những cái “biết” một chiều của mình thế nào. Để rồi từ đó, tôi biết yêu thương (tối thiểu là) người tôi đang ở gần bên nhất, anh, người mà tôi đã đặt cho danh hiệu “ego killer”, hoặc là “người gây ảo giác.”
Bộ phim tài liệu mang tên Have a good trip: Adventures in Psychedelics tổng hợp những góc nhìn khác nhau của nhiều người khác nhau về chất thức thần nói chung và LSD nói riêng. Chẳng hiểu sao khi xem phim, tôi cười liên tục từ đầu chí cuối. Có thể nội dung phim hài hước. Hoặc ngược lại, có thể là tôi đang thấy hân hoan trong người. Trời ơi, tôi có thể nhận ra rằng mỗi người ở đó có một góc nhìn khác nhau về trải nghiệm chất thức thần. Những quan điểm của họ được trưng bày đan xen như một dải cầu vồng rực rỡ, hoặc như một tông màu thường thấy khi ai đó đang ở dưới ảnh hưởng của LSD. Nếu ánh sáng có nhiều bước sóng khác nhau nằm phủ đều trên một dải thì những góc nhìn của những con người này cũng thuộc nhiều tầng mức khác nhau, từ cởi mở vô tư nhất cho tới co rút khiên cưỡng nhất. Hiển nhiên, sự co rút ở đây thuộc về những đoạn phim lá cải nói về các chất trên truyền thông của chính phủ để tẩy não con người.
“Nhảy từ cửa sổ lầu 3, oke,” mấy tay dắt mũi cừu nói, “nhất định phải có mấy cảnh liền về chuyện nhảy khỏi cửa sổ khi trip để ngăn cản lũ người có thể trở nên tự do và thông minh hơn khi dùng psychedelics.” Tôi đã nảy ra ý tưởng như vậy về cảnh hậu trường mỗi khi có một đoạn phim truyền thông lá cải xuất hiện. Thậm chí, tôi còn đoán được khi nào sẽ đến cảnh mấy nhân vật “được” nhảy lầu. Chuyện liên tưởng và dự đoán này làm tôi thấy thích thú hơn với bộ phim và nó khiến tôi nhớ đến câu nói của Terence McKenna, huyền thoại trong cộng đồng psychedelics,
“Chất thức thần bị cấm không phải là vì một chính phủ tốt bụng lo rằng bạn có thể nhảy khỏi cửa sổ từ lầu ba. Chất thức thần bị cấm bởi vì nó làm tan biến đi các cấu trúc nhận định và những kiểu mẫu hành vi được xã hội áp đặt, và quá trình xử lý thông tin. Nó mở bạn ra tới cái khả năng rằng mọi thứ bạn biết đều sai.”
Trong khi đó, với những người có trải nghiệm trực tiếp, tôi để ý thấy rằng họ cũng nói trên một dải nhận thức hoàn toàn khác. Nó cởi mở, chân thành và đôi khi là cụ thể đến từng chi tiết nhỏ. Đừng nhìn vào gương khi trip, hãy nhìn vào gương thật lâu, cần chuẩn bị tâm lý và bối cảnh, bad trip là gì và nó có thật sự là bad trip, những khoảnh khắc điên, sự mở ra của nhận thức mới, và những trải nghiệm khi quá liều. Tiếp tục, như một phân dạng hình học, “liều” cũng được diễn đạt trên một dải vô cùng, chẳng ai biết được liều nào là dành cho bạn vì mỗi người mỗi khác nhau. Tôi nghĩ, nếu ai xem bộ phim tài liệu này để thu thập dữ liệu cho chuyến trip đầu tiên của mình thì có lẽ là họ sẽ chẳng thu thập được gì tốt hơn ngoài một góc nhìn hoàn toàn cởi mở và sẵn sàng cho mọi điều có thể xảy ra, theo một cách cá nhân và tích cực nhất. Và nếu ai xem bộ phim là để phản đối việc dùng chất thì họ sẽ thấy quan điểm của họ chỉ là một góc nhìn rất nhỏ trong toàn bộ bối cảnh của vấn đề, như một tần số của màu đỏ tìm cách để tôn vinh chính mình trong toàn bộ tần số của những dải màu nhìn thấy được và không nhìn thấy được, và thậm chí, để công bằng, cần phải xét cả trên những tần số chưa tìm thấy được.
Trước khi xem bộ phim này, tôi đã đọc thấy một đoạn trong cuốn sách Power vs. Force của Tiến sĩ David Hawkins. Có thể đây là cách lý giải hợp tình hợp lý nhất cho cơ chế hoạt động của các chất lên con người.
“Người ta vẫn tin rằng cái mà con người nghiện chính là chất gây nghiện, vì khả năng của chất ấy trong việc tạo ra một trạng thái “thăng hoa”. Nhưng nếu nhìn lại thật kỹ bản chất của chứng nghiện thông qua phương pháp luận đã được miêu tả, chúng ta sẽ thấy xuất hiện một công thức khác của tiến trình này. Rượu hay drugs bản chất không hề có khả năng tạo ra cảm giác “thăng hoa”; điểm hiệu chỉnh của chúng chỉ ở mức 100 (bằng điểm của các loại rau quả). Cái gọi là “thăng hoa” mà người dùng rượu hay chất gây nghiện cảm thấy ấy, thực ra có thể được hiệu chỉnh ở mức điểm từ 350 đến 600. Hiệu ứng thực sự của drugs chỉ đơn thuần là vượt qua trường năng lượng thấp hơn, do đó cho phép người sử dụng thuốc chỉ trải nghiệm những trường năng lượng cao hơn. Như thể đó là một tấm màng lọc tất cả những tông thấp hơn trong một dàn nhạc để người ta chỉ còn nghe thấy những nốt cao. Việc kìm giữ nốt thấp này không tạo ra nốt cao; nó chỉ phô bày sự hiện diện của những nốt ấy mà thôi. Trong các cấp độ ý thức, tần số cao hơn đặc biệt có sức mạnh và rất ít người thường xuyên trải nghiệm những tần số ấy ở dạng trạng thái thuần khiết vì chúng bị che lấp bởi những trường năng lượng thấp hơn như lo âu, sợ hãi, tức giận, phẫn nộ, v.v… Một người bình thường rất hiếm khi được trải nghiệm tình yêu không sợ hãi, hoặc niềm vui đơn thuần, chứ chưa nói đến trạng thái thăng hoa. Nhưng những trạng thái thăng hoa ấy rất mạnh, đến nỗi một khi đã được nếm qua nó, người ta sẽ không bao giờ quên được, và do đó họ sẽ tìm kiếm nó.”
Khi đọc những lời này, tôi chợt lóe lên một ý tưởng rằng chẳng phải chất thức thần thay đổi con người, làm họ sống tốt lên và ảnh hưởng lên mọi mặt đời sống của họ, mà đó là tình yêu và trí tuệ, những thứ khiêm nhường ẩn giấu sau vẻ ngoài bé nhỏ của một búp hoa, một cây nấm hay một khúc xương rồng. Thứ con người ra sức tìm kiếm, thậm chí đấu tranh cho nó, bảo vệ nó, không phải chuyện hợp pháp hóa các chất, hay hợp pháp hóa thiên nhiên, mà là quyền được tự do, được sống trong yêu thương, và quyền được “tự thắp đuốc lên đi”, quyền được làm một con người độc lập và độc nhất.
Cá nhân tôi không có đủ định kiến để tự ngăn cản chính mình dùng chất thức thần. Trải nghiệm đầu tiên của tôi đối với nó đã chứng minh tất cả. Tôi bỏ qua bước trí não rườm rà vì tôi đã hoàn toàn tin anh, người đã chia sẻ những thông tin sớm nhất về psychedelics ở Việt Nam, và là người đầu tiên tặng tôi nấm thức thần. Dù ngày đó chưa đem lòng yêu anh nhưng tôi đã mang được bên mình một đức tin vào những gì anh nói là đúng đắn. Tôi đã trip “liều anh hùng” (“heroic dose” theo cách gọi của Terence McKenna) trong lần đầu của mình, “5 gram nấm trong màn đêm tĩnh lặng”, và đã đi đến cửa tử thần. Đến bây giờ, tôi vẫn chưa lý giải và hiểu hết được tất cả những gì diễn ra trong chuyến đi, nhưng tôi biết có một điều quan trọng hơn, đó là tôi đã có một cú phóng đức tin của riêng mình. Tôi đã có một trải nghiệm cá nhân hoàn toàn. Tôi đã nhúng một ngón chân vào dòng chảy cuộn trào luôn chờ đợi những người can đảm.
Nếu có thể nói chất thức thần thay đổi tôi như thế nào thì đó sẽ là nó phá vỡ các ranh giới tư duy của tôi, thay vì khiến tôi đóng cửa bảo vệ những quan điểm của mình thì nó thôi thúc tôi mở rộng bối cảnh của những quan điểm ấy. Không phải chỉ trong lúc trip, mà sau đó trong đời sống hàng ngày, tôi đã được Chúa trao cho khả năng “zoom out và zoom in” một điều bất kỳ. Con người chúng ta có thông minh không? Tuyệt nhiên là có. Nhưng anh ta chỉ tột đỉnh thông minh ở chính giới hạn của anh ta. Còn ở ngoài kia, sự thông minh ấy phải đối mặt với một vũ trụ của những điều “không biết.” Và nếu nó không làm anh ta kinh hãi, nó sẽ làm anh ta ý thức về bản thể của chính mình khi mọi tư tưởng và định kiến bị xé vụn bởi sự thay đổi chiều kích.
Tôi đã từng tự hào rằng mình trải nghiệm nhiều chuyện và biết một số điều hay ho. Nhưng khi càng dùng cái ống kính zoom in zoom out nhiều lần cho tới khi nó trở nên linh động và trơn tru hơn, càng đặt mình vào thế giới quan của người khác và những bối cảnh khác lạ, tôi mới dần nhận ra rằng “nhiều” chỉ là một từ định lượng vô căn cứ, và “hay ho” chỉ là một nhận định xuất phát từ một thái độ thích thú nhất thời hoặc từ thói quen ưa chuyện kích thích giật gân. Nếu được nói lại thì nó sẽ là “tôi tự hào rằng mình đã có những trải nghiệm riêng của bản thân và biết được thêm một số điều mà trước đó chưa được biết.”
Giống như chất thức thần, anh là người góp phần khơi mở “ống kính” nhìn đời của tôi. Khi ở cùng anh, ego của tôi bị vạch trần và thiêu đốt. Tôi đã từng phẫn nộ, lý lẽ, chửi bới, đập phá đồ đạc vì ánh sáng của anh làm lộ ra những giới hạn và yếu đuối trong tôi. Nhưng rồi, theo thời gian, vị Chúa chữa lành những thương tổn, tôi đã dần được hiểu ra rằng khi ở bên anh, tôi được gột rửa cặp mắt của chính mình. Tôi có một cơ hội lớn lao để thanh tẩy linh hồn. Có thể, tôi sẽ vẫn không thật sự hiểu ý anh muốn nói, nhưng ít nhất, tôi đã biết gạt sang bên cái bộ lọc của chính mình. Và nếu được đem ra sử dụng thì cái bộ lọc ấy sẽ giúp làm nên một câu chuyện hài hước để tôi chọc cho anh cười, để tôi được thầm biết ơn anh vì đã luôn sống như một phiên bản độc nhất, bất chấp mọi sự hiểu lầm. Vậy đấy, mọi thứ vẫn chỉ do những góc nhìn.
Khi càng tiếp xúc với anh nhiều hơn, tôi mới càng hiểu ra những giá trị mà anh đang mang lại cho người Việt. Đó là những góc nhìn mới và cơ hội để có được những góc nhìn mới. Anh đã đấu tranh, đã nỗ lực, đã dấn thân cho quyền lợi của con người. Nhưng đa số “con người” lại hiểu không đúng về anh. Có người thì tưởng anh chia sẻ thông tin về chất thức thần là để bán nấm. Có người thì tưởng anh nói về Chí Tôn Ca là để thiết lập một giáo phái tâm linh mới. Có người thì tưởng anh đưa ra lời khuyên là để áp đặt tư tưởng và thống trị.
Chất thức thần bị hiểu lầm và bị gán với những định kiến như thế nào thì anh cũng như thế vậy, và tình yêu, sự thật cũng chẳng khác là bao. Nhưng tôi đã dùng nấm, đã yêu anh và đã quy phục chân lý. Bởi vì, tôi biết, Thượng Đế toàn năng, vĩ đại và khiêm nhường luôn ban phước cho những điều giản dị, trong sáng, hiền lành. Thượng Đế giao cho cây nấm một sứ mạng cũng như giao cho anh, và cho SUYNGAM.VN một sứ mạng. Sứ mạng đó là gì, tôi có thể gọi rằng: đưa con người bước vào “chuyến đi tốt lành” của cuộc đời, trong vai trò của một chất xúc tác.
Buổi tối sau khi xem xong bộ phim tài liệu ấy, tôi đã nằm mơ thấy mình zoom in vào một cái đinh sắt và thấy nó biến thành một cái cây cổ thụ sần sùi. Và tôi thấy, Albert Hofmann, cha đẻ của LSD, hiện ra như một vị thiên thần quảng đại và thông thái tới Trái Đất để nâng cao nhận thức nhân loại. Vậy đấy, quả mít có thể trở thành một quả sầu riêng không? Cái bóng đèn có thể “suy nghĩ” không? Bạn có thể treo ngược người trên cành cây giống nhân vật The Hanged Man không? Bạn có thể trở thành người mạnh nhất hành tinh đạp đổ được cái cây cổ thụ không? Bạn có thể sống dũng cảm không? Có thể cởi mở không? Vô tư không? Câu trả lời là: Có thể. Không ai có thể tước đi quyền được đặt câu trả lời “có thể” đó của bạn vào bất kỳ mệnh đề nào. Và không ai có thể tước đi quyền đặt ra một mệnh đề bất kỳ để bản thân được bước vào trong một tâm thế của sự khả thi. Mở rộng nhận thức, theo tôi, là biểu hiện của tình yêu. Và độ linh hoạt của nhận thức sẽ quyết định tất cả chất lượng những phần còn lại trong cuộc đời của một con người. Chuyến đi tốt lành chính là chuyến đi vượt khỏi những giới hạn. Và nếu chất thức thần làm được điều đó, hoặc đẩy đưa con người đến điều đó, nó đã mang đến một phúc lành.
Tác giả: Vũ Thanh Hòa