spring-landscape-1081972_1280

Chí Tôn Ca – Những gì vẫn còn lại

“Sau bao nhiêu năm mình mới trông thấy những gì vẫn còn lại và những gì xóa đi mất.” — Goethe

Mưa dầm. Gió lạnh. Mặt trời vẫn còn chơi trò trốn tìm. Bầu trời phủ mấy lớp mây xám u buồn. Con đường dốc vắng người qua lại. Sáng sớm thành phố nhỏ chìm trong màn sương mờ ảo trắng xóa. Mấy cây thông già, mấy mái nhà bồng bềnh trôi giữa khói sương. Vài ba chú chim nhỏ hay đến hàng rào chơi mỗi sớm giờ trốn tiệt nơi đâu. Tôi ngồi biếng nhác trong căn nhà gỗ dưới thung lũng cạnh đồi thông nghe từng cơn gió lèn qua khe, khẽ ngó qua cửa sổ nhìn những cánh tường vi mỏng manh cố gắng bám chặt trên cuống hoa rồi chẳng mấy chốc bay theo cơn gió và đáp xuống nền xi măng. Những ngày mưa bão như vậy tôi tình cờ gặp gỡ Chí Tôn Ca (Bhagavad Gita). Tôi hờ hững lướt qua 700 câu trong Chí Tôn Ca trên màn hình của chiếc di động rất nhanh và rất vội.

Tôi biết có một mãnh lực níu kéo mình cho nên sau khoảng thời gian ngắn ngủi vội vàng lướt từ đầu trang tới cuối trang tôi đã quay trở lại chầm chậm đọc để những dòng chữ vô tri kia đọng lại trong mình sâu thêm một chút nữa. Căn phòng khá lạnh nên tôi xông một ít trầm thơm và lấy bút nắn nót chép vài câu tâm đắc trong Chí Tôn Ca lên quyển sổ tay. Những câu chữ bện với khói trầm trở nên có hồn hơn trên mặt giấy. Và rồi những bóng hình của quá khứ hiện tại và tương lai dần dần thị hiện.

Sống chết, chiến bại, khóc cười, vinh quang nhục nhã mọi thứ bày ra trước mắt. Giây trước là anh em là bạn bè giây sau đã là thù. Giây trước là bậc trưởng thượng, bậc tôn kính giây sau đã không còn. Thứ gì là có nghĩa? Thứ gì là vô nghĩa? Bi ai đau thương chua xót thống khổ tàn khốc tất cả đều thấy rõ, chàng trai trẻ Arjuna chùn chân bàng hoàng đứng trước chiến trận sắp xảy ra, những cơn sóng trong lòng ngổn ngang dâng lên hạ xuống. Ta sẽ làm gì tiếp theo? Ta nên làm gì tiếp theo? Tôi thấy thấp thoáng đâu đó dáng hình Bùi Giáng trên Con đường ngả ba: “Những ngả ba huyền hoặc dựng bóng hình sừng sững ở bên mỗi bước chân đi. Người tư tưởng chỉ còn cách hoặc là nhắm nghiền hai mắt lại nằm xuống ngủ vùi “quên quên đã mang trái tim người” hoặc là mở to hai mắt ra và chịu nhìn ngả ba một chút.”

Chàng trai trẻ Ajuna may mắn khi cơn sóng nhị nguyên trào dâng lên bên cạnh chàng có Krisna cùng đối thoại, giải thích mọi căn nguyên để từ đó chàng có chọn lựa đúng đắn.

“Hãy chiến đấu để làm trọn bổn phận của mình và đừng nghĩ tới sướng khổ, được mất, thắng bại. Khi hành động như thế, ngươi sẽ chẳng bao giờ phạm tội.”

“Hỡi con trai của Kunti, hạnh phúc và khổ đau nhất thời đến rồi đi như đông hạ đối mùa. Chúng nảy sinh từ nhận biết của các giác quan, hỡi người nối dõi của Bharata và con người phải biết học cách bình thản chịu đựng chúng.”

Càng đọc thêm về những lời Krisna nói với Ajuna tôi hình dung đàn voi chiến say trận không kể lằn tên mũi đạn, mạnh tiến giữa rừng gươm đao giáo mác nhưng vẫn thản nhiên vững bước trên con đường phạm hạnh. Phải rồi, những cơn sóng đến rồi đi đến rồi đi nó chỉ là mặt nổi của vấn đề còn sâu thẩm dưới đại dương kia thì vẫn thường hằng tĩnh lặng. Nếu đã giữ được tâm thái thanh thanh thản thản ở trong lòng thì còn sá gì sống chết, còn sá gì gươm đao chiến trường còn sá gì danh vọng? Những tòa nhà cao ngất trời, những tòa thành dày nhiều lớp, đám mây ngang trời xuất hiện, tồn tại rồi hủy hoại. Có gì phải thương tiếc đau xót? Còn gì để mà nuối tiếc? Bậc trí tuệ chứng ngộ được điều này, chấp nhận tất cả đến với mình rồi làm tròn bổn phận của mình với thái độ bình thản. Xưa nay vốn dĩ đều không phải như vậy sao?

Thoáng một chút mà mùi trầm đã dứt. Làn khói trầm không còn nhảy múa trong gian nhà gỗ. Bên ngoài cửa sổ những bông tường vi hồng mỏng manh vẫn còn chơi đùa với làn gió lúc mạnh lúc suy lúc đến lúc đi. Tôi châm thêm ít trầm để chép thêm vài dòng nữa. Thật ra trong lòng tôi có nhiều buồn đau và mất mát đến từ việc ra đi của người thân yêu nhất trong cuộc đời, và khi đọc những dòng chữ viết về linh hồn trong Chí Tôn Ca thì dường như trong lòng có phần được an ủi.

“Giống như con người mặc quần áo mới, bỏ quần áo cũ, linh hồn cũng nhập vào các cơ thể vật chất mới sau khi trút bỏ phần thân xác già nua và vô dụng.”

“Người ta nói rằng linh hồn vô hình, bất khả tri và bất di bất dịch. Biết như thế thì ngươi chẳng nên tiếc thương cho phần thân xác.”

“Ai sinh ra rồi cũng phải chết, và sau khi chết nhất định lại tái sinh. Vậy nên, khi làm tròn bổn phận không thể tránh né của mình, người đừng nên thương tiếc.”

Tôi lại ngó ra bên ngoài cửa sổ. Mưa bão lá rụng đầy sân, lòng người có buồn có xót thương khi một ai đó thân yêu không còn ở trên cõi đời này? Dĩ nhiên là có. Nhưng hiểu rõ được sự tuần hoàn trong vũ trụ này hiểu rõ quy luật của sống chết thì đau khổ sẽ vơi đi. Và khi nhìn một áng mây qua, nghe một con chim nhỏ đang hát hay bất chợt thấy một chiếc lá rơi bỗng nhiên thấy được linh hồn người thương vẫn thị hiện đâu đó quanh ta ở một dạng hình tướng khác lòng xót thương tiếc nuối cũng sẽ dịu lại và chuyển hóa.

Gặp gỡ với Chí Tôn Ca và đọc được những dòng chữ như vậy quả là một tình cờ may mắn của tôi. Thiết nghĩ Chí Tôn Ca không phải là sách chỉ để đọc một lần. Có nhiều khía cạnh nhiều vấn đề trong quyển sách cần thời gian để suy ngẫm và chiêm nghiệm. Và vài vấn đề thì cần thêm sự trải nghiệm của chính bản thân mỗi người để đi đến giác ngộ chân ngã.

Giả dụ một lúc nào đó yếu mềm, mệt mỏi hay bế tắc thì việc lật mở Chí Tôn Ca và bớt chợt bắt gặp một dòng tâm đắc nào đó cũng có thể giúp ta giải tỏa. Chỉ cần một câu thôi là cũng có thể đủ dùng. Khi gặp phải một điều gì khó quyết, khi cần tìm một thứ gì rất khác với những bận rộn mải miết thường ngày thì Chí Tôn Ca có thể là một gợi ý hữu ích.

Những cánh hoa tường vi mỏng mảnh khi rớt xuống đất rồi vẫn còn lưu lại nét hồng dịu nhưng ngày mai ngày mốt nó sẽ trở nên khô héo và tan biến. Và khoảng khắc đó và vẻ đẹp đó lưu lại trong tôi kẻ chứng nhân tình cờ. Cũng vậy qua bao nhiêu năm tháng chiến địa Kurukshetra chỉ là trong truyện kể. Ajuna cũng không còn, cung điện tòa thành của chàng cũng không còn. Nhưng có thứ vẫn còn lại. Đó chính là tư tưởng. Đó chính là linh hồn. Và ta thấy điều đó trong từng câu chữ trong Chí Tôn Ca.

Tác giả: Nguyễn Hạnh Phước An

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top