152318654_1311418572568092_5638232036593689750_o

Làm thế nào để làm chủ khả năng sáng tạo?

Có lẽ ai trong chúng ta cũng đã từng sáng tạo một thứ gì đó, một bài hát, một bức vẽ, một đoạn văn, hoặc bất cứ thứ vẩn vơ nào chúng ta tình cờ tạo ra mà có giá trị nghệ thuật hoặc giá trị sử dụng. Vấn đề là, những khoảnh khắc sáng tạo này rất hiếm hoi, ngẫu hứng, và dường như rất “cà dựt”. Chúng ta phải “hứng” thì chúng ta mới có khả năng tạo ra, còn không thì dường như sáng tạo là một điều xa xỉ, ép buộc và không còn tự nhiên nữa.

Thật ra sáng tạo có một quy trình, thông thường chúng ta dùng nó một cách vô thức, và gọi đó là cảm hứng. Khi không thể nắm bắt được quy trình và cách vận hành của sáng tạo, bạn chỉ là những amateur (người nghiệp dư). Ngược lại, chỉ khi nắm bắt được nó, bạn mới sở hữu và làm chủ khả năng sáng tạo của mình, thay vì bị “thời tiết” đẩy đưa.

Tôi sẽ lấy chính mình làm ví dụ cho quy trình này, hiện tại tôi là một người sáng tạo bằng viết lách, và viết nhạc Rap. Mặc dù tôi vẫn là một người nghiệp dư, nhưng tôi luôn hướng đến sự chuyên nghiệp của mình theo cách này.

Quy trình này có thể chia làm 4 bước:

1. Góp nhặt nguyên liệu, công cụ

Sáng tạo chính là tạo ra một thứ gì đó mới mẻ từ những nguyên liệu có sẵn. Bạn không thể sáng tạo với hai bàn tay trống rỗng. Bạn không thể tạo ra một chiếc bánh chỉ với xoong, nồi và chảo. Nguyên liệu thiết yếu cần có như là bột, muối, đường,…

Góp nhặt nguyên liệu, đó là điều hiển nhiên phải làm. Trước khi viết lách, tôi đã đọc hàng chục cuốn sách về tâm linh, đối chiếu thực hành chúng, xem rất nhiều video về phát triển cá nhân, đọc những bài viết về triết học trong vài năm. Trước khi viết nhạc Rap, tôi đã nghe hàng trăm bài nhạc Rap ở trong nước và nước ngoài, dần quen với nhịp phách, cách gieo vần, chơi chữ, cách biến đổi flow. Đó là những nguyên liệu phải có khi tôi bắt đầu quá sáng tạo những sản phẩm đầu tiên của mình.

Nhưng có một nguyên liệu quan trọng bậc nhất, đó chính là bạn. Bạn là độc nhất, không một ai giống bạn. Nhận thức, góc nhìn, thế giới quan, lý tưởng, mục đích sống của bạn chính là thứ tạo ra sự khác biệt. Đó chính là cái hồn trong bất kỳ sản phẩm nào của bạn, là chất riêng của bạn. Đó chính là thứ khiến mọi người chú ý đến sự sáng tạo của bạn. Nguyên liệu bạn có thể mượn và góp nhặt, nhưng cái hồn thì bạn đừng nên bắt chước ai cả.

Ngay cả cuộc đời bạn cũng là một sản phẩm mà bạn sáng tạo ra, sao phải bắt chước cuộc đời của người khác?

2. Cô đọng ý tưởng

Đây là khi bạn sáng tạo ở mặt tâm trí, khi trong đầu bạn bắt đầu lắp ghép những nguyên liệu, ý nghĩ, giai điệu, và đặt vào đó lõi động cơ – cái hồn của bạn.

Tôi nhận ra khi mình đủ nguyên liệu, thì quá trình này diễn ra một cách tự nhiên, lúc tôi cho phép mình có những khoảng trống. Mấu chốt là hãy cho mình những khoảng trống, hãy để tâm trí của bạn được lang thang, góp cái này, nhặt cái kia, để cô đọng được một ý tưởng sáng tạo. Bạn có nhận ra bạn thường hay nảy ra những ý tưởng sáng tạo bất chợt khi bạn tắm, thư giãn, đi dạo phố, lao động tay chân không? Đó là khi tâm trí bạn có khoảng trống, thư thái. Sáng tạo chỉ xảy ra khi bạn thư thái, sáng tạo không xảy ra khi bạn bạo hành với tâm trí, ép buộc và nặn ra ý tưởng.

Bình thường tâm trí chúng ta bị lấp đầy với những vọng tưởng, ham muốn, thông tin. Thời đại này càng khó cho sự sáng tạo của chúng ta hơn, khi chúng ta ăn thông tin xổi, tiêu cực, kích thích hằng ngày, chúng ta không bao giờ để cho mình “nhàm chán”. Trong khi “nhàm chán” chính là một phần của sáng tạo. Khi trong đầu bạn không còn nháo nhào, chỉ có ở đó sự tĩnh lặng, sáng tạo sẽ xảy ra, một cách tự nhiên.

Thói nghiện thông tin và xao lãng sẽ giết chết khả năng sáng tạo của bạn. Cho nên hãy tập thiền, hãy chánh niệm, hãy ra ngoài thiên nhiên nhiều hơn, bỏ mạng xã hội xuống, bắt đầu tập thể dục hay những thứ tương tự vậy. Khi đó khả năng sáng tạo của bạn sẽ bộc lộ.

Tôi thường nảy ra ý tưởng viết bài và viết nhạc khi tôi đang chạy bộ, tắm, khi đi dạo, tập thể dục. Đây là một sự tự nhiên khi tôi để tâm trí mình được thả trôi và chỉ tập trung vào các hoạt động thể chất. Sau đó tôi sẽ ghi chú những ý tưởng của mình lại vào một kho lưu trữ để dành cho việc tạo ra sản phẩm – ở bước 3.

3. Hiện thực hóa ý tưởng

Nếu gọi “cô đọng ý tưởng” là sáng tạo ở mặt ý nghĩ, tinh thần, mặt cuộn vào của thực tại (fold)/mặt vô hình; thì “hiện thực hóa ý tưởng” là sáng tạo ở mặt vật chất, mặt trải ra (unfold)/mặt hình tướng.

Thay vì thả trôi cho sự lang thang để sáng tạo ở bước 2 thì đây là bước bạn cần sự tập trung cao độ, kỷ luật bản thân. Mọi người thường nhầm lẫn ở bước 2 và 3, dẫn đến họ dùng ý chí ép buộc mình phải nảy ra ý tưởng sáng tạo đột phá, nhưng lại buông thả, thiếu kỷ luật, xao lãng ở phần hiện thực hóa. Điều này khiến họ khổ sở nhưng chẳng hiệu quả đến đâu.

Rất nhiều người có rất nhiều ý tưởng, nhưng họ chẳng bao giờ bắt tay vào làm việc. Đây là một sự ảo tưởng và bỏ phí của sáng tạo. Để tạo ra di sản, bạn phải trải qua một quá trình lao động miệt mài, rèn luyện và phát triển các kỹ năng cần thiết. Tiểu thuyết gia Murakami Haruki đã chia sẻ rằng ông dành mỗi sáng để viết tiểu thuyết, cho dù ông có cảm hứng hay không. Đây chính là sự chuyên nghiệp của một người sáng tạo, cam kết với sự lao động của mình.

Để viết được tạm ổn như ngày hôm nay mình đã phải viết rất nhiều bài viết trước đó, dù có những bài dở tệ. Nhưng nhờ đó kỹ năng viết của mình mới có thể phát triển, và việc viết sẽ trôi chảy hơn một chút. Trước khi có thể ngồi freestyle rap trước mặt nhiều người thì mình đã từng ú ớ từng con chữ trên nhịp beat một mình. Practice makes perfect. Điều này đúng ở bước này. Nếu bạn có ý tưởng, có mục tiêu nhưng bạn không có khả năng thực hiện nó, bạn chỉ là một kẻ mộng tưởng.

Cho nên điều cần làm là bạn phải master/làm chủ kỹ năng sáng tạo của chính mình. Luyện tập, thử, sửa sai, rút kinh nghiệm, cải thiện. Đây là điểm quyết định bạn là người chuyên nghiệp hay chỉ là kẻ nghiệp dư.

4. Liên tục học hỏi và lặp lại vòng tròn quy trình trên

Nhiên liệu cho sự sáng tạo chính là việc học hỏi. Khi bạn càng học, bạn đang tiếp liệu thêm cho mình một kho tàng nguyên vật liệu phong phú để sử dụng. Việc học là không bao giờ dừng lại, thứ bạn biết chỉ là một phần nhỏ của thứ bạn chưa biết. Đừng để một đầu óc cố chấp, kiêu ngạo, thiên kiến kìm hãm sự phát triển của bạn, dù là trong cuộc sống hay bất cứ lĩnh vực chuyên sâu nào khác.

Khi luôn học hỏi, mang nó vào vòng tròn sáng tạo. Bạn sẽ có khả liên tục tạo ra những điều mới mẻ, thú vị và có giá trị.

TỔNG KẾT

Không hẳn là bạn cứ phải rập khuôn theo quy trình trên. Khi nắm bắt được bản chất, bạn có thể sáng tạo cả cái cách mà bạn sáng tạo. Bạn có thể áp dụng bước 2 và 3 cùng một lúc, đó là cách mà một số người hay sử dụng.

Nếu bạn biết sứ mệnh của cuộc đời mình là sáng tạo một thứ gì đó chứ không phải sống và làm việc rập khuôn như một cái máy. Vậy hãy nắm giữ khả năng sáng tạo của mình.

Tác giả: Bá Kỳ

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top