i-me1bb99t-ngc3a0y-c491c3a0ng

Đi một ngày đàng học một sàng khôn

Tôi mới có một chuyến đi du lịch, tới một vùng đảo mình chưa từng đặt chân. Chuyến đi đó gặp rất nhiều trục trặc khi mọi chuyện đều trượt ra ngoài dự định và kế hoạch. Mọi thứ trở nên rối ren bung bét, làm lộ ra những kẽ hở kinh nghiệm, những khoảng ngu ngốc, dại khờ của bản thân. Nếu là trước kia thì có lẽ tôi đã nổi khùng lên và kêu la suốt cả quãng đường, nhưng chẳng hiểu sao lần này tôi cứ bình chân như vại, trong đầu chỉ có mỗi ý nghĩ rằng không được cách này thì ta bày cách khác. Khi dần dần đón nhận và điều chỉnh lộ trình thì tôi lại tới được nơi đẹp như thiên đường, hơn cả những gì mình kỳ vọng. Cũng chính từ chuyến đi đầy nghịch cảnh này mà tôi có cơ hội mở mang đầu óc và tinh thần thêm rất nhiều.

Khi tiếp xúc với con người, tôi thấy đa phần đều có lối tư duy “phải biết thì mới đi”, nhưng ít ai tiếp cận rằng “phải đi thì mới biết.” Và chính vì nỗi sợ hãi, e dè những điều nằm ngoài tầm hiểu biết của mình mà con người sẵn sàng chấp nhận ngồi trong cái ao làng bảo thủ hay ngồi dưới miệng giếng tù đày và không ngừng kêu ca than vãn trời đất rằng tại sao cuộc đời mình chán ngán, ngột ngạt.

Ngại thử ăn món mới, dè chừng trong giao tiếp, sợ bị mất mát trong những chuyến đi, kinh hoàng với sự thay đổi,… nhưng vẫn đòi hỏi được nếm sơn hào hải vị, được gặp gỡ những người bạn cool ngầu, được thưởng ngoạn muôn màu thế giới và được sướng vui tự do trong mọi khoảnh khắc cuộc đời. Đây phải chăng là một trong những trò hề của con người?

Các cụ xưa nay nói “đi một ngày đàng học một sàng khôn” chẳng bao giờ sai. Vì sự thông thái nằm trong khoảnh khắc con người bắt đầu trải nghiệm chứ chưa cần đợi đến khi kết thúc cuộc hành trình. Khi quyết định được đưa ra, tâm hồn của họ được dâng cao và những góc phần của cuộc đời cũng giãn nở để luồng ánh sáng tinh thần của người đó tiến vào. Cái biết nằm trong sự dấn bước, không phải trong việc ngồi ỳ hay giậm chân tại chỗ.

Hôm qua cãi nhau với bà hàng xóm chán chê rồi mà không đạt được kết quả hai nhà hòa thuận thì hôm sau phải thử cách khác là tặng quà hay tám mấy chuyện buồn cười vui vẻ. Người ta từ chối cuộc gọi thì đừng cố liên lạc, người ta không nhận quà thì đừng cố ấn vào tay. Ở nơi này sống không ổn thì đi nơi khác. Chơi với người này không vui thì chơi với người khác.

Nghe thì rất đơn giản nhưng không phải ai cũng dám thực hiện những khả năng khác đó mà luôn có xu hướng lặp lại những gì đã thành thói quen, truyền thống, dù biết rằng nó chẳng hề tốt lành gì cho mình. Các cụ dạy “đi” cũng có nghĩa là “tiến vào trong những trải nghiệm.” Còn sợ hãi run rẩy không hành động thì còn chưa bước theo trí tuệ cổ nhân, vẫn chỉ mãi mãi ở tầm con cháu trẻ ranh dù đã lên chức ông chức bà, đầu bạc răng long, râu dài chấm đất.

Mấy trò chơi tàu lượn siêu tốc kia, đi lần đầu kinh hoàng ói mửa. Năm sau quay lại đi lần nữa thả lỏng hơn thì hết ói. Năm sau đi lần nữa thư giãn hoàn toàn thì thấy sung sướng phê pha không sao tả xiết. Ấy chẳng phải là đi một ngày đàng học một sàng khôn sao.

Có người đi để đạt được tiền của, được sự sung sướng mãn nguyện, được danh tiếng quyền lực, nhưng có người đi để học hỏi, gia tăng hiểu biết. Vậy thì người nào trong số đó gần hơn với sự thành tựu, khi thế giới ngoài kia vạn biến khôn lường? Há chẳng phải kẻ neo đậu với tinh thần trí tuệ là hạnh phúc hơn tất thảy sao vì chẳng có gì mà ta không thể không học được khi đã sẵn sàng mở cửa tâm hồn.

Nếu bạn còn đang sợ hãi chuyện gì thì hãy cứ làm chuyện đó, nó không chỉ giúp mở rộng những giới hạn nhận thức mà còn mở rộng sự tin tưởng với chính mình và cuộc đời. Một người sẽ không thể biết mình mạnh mẽ ra sao khi không đối mặt với những điểm yếu kém, không biết mình tươi sáng ra sao khi từ chối xuyên qua đêm trường buồn khổ, và không biết mình tràn đầy sức sống khi co rụt rẩy run trước những điều mới lạ.

📌 Sợ gì làm nấy!

Trong Kinh Thánh, Jesus nói “kẻ nào có ta sẽ cho thêm”, còn trong dân gian Việt Nam thì có câu “nước chảy chỗ trũng”, tức là mọi thứ sẽ tiến triển theo vòng xoáy của nó, càng lúc càng nhân lên. Nếu bạn đã sợ hãi điều gì thì khối sợ ấy sẽ ngày càng lớn mạnh cho tới khi nó khiến bạn chết nghẹt, còn nếu bạn đã vượt qua những kìm kẹp một lần thì bạn sẽ có nhiều lần khác vươn lên khỏi những giới hạn tưởng chừng như khổng lồ với càng ít nỗ lực.

Đôi khi cái “sàng khôn” bạn nhận được sau một “ngày đàng” không phải là kinh nghiệm nhảy dù, leo núi hay ăn cua biển, nó chỉ đơn giản là sự can đảm. Và bạn biết điều gì không, trời đất yêu quý lòng can đảm.

“Đừng đi trên những con đường đã để lại, thay vào đó hãy đi vào nơi nào chưa có con đường để để lại những dấu chân.” — Ralph Waldo Emerson

Tác giả: Vũ Thanh Hòa
Ảnh minh họa: langll

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top