1432669674736

Deep Web – Không phải một bộ phim dành cho những con cừu

tumblr_inline_nuze9zT0k21s09z1b_1280.png

“BÙMMMMMM!”

Tôi đang không mô phỏng tiếng bom hay pháo hoa giữa đêm giao thừa gì đâu, mà là tiếng của tâm trí khi nó nổ tung đấy các bạn ạ!

Một phần của sự nổ ấy bắt nguồn từ những tình tiết quá đỗi phức tạp dẫn đến việc não bộ của người xem phải làm việc hết công suất trong suốt 90 phút bộ phim tài liệu mang tên Deep Web về thế giới mạng “ngầm”, những phiên tòa và những câu hỏi bỏ ngỏ đầy ám ảnh. Phần còn lại vì những sự thật bất ngờ mang tính cách mạng sâu sắc đã được phơi bày về những đề tài khó xơi như chính trị, quyền con người, an ninh mạng và thậm chí cả tâm thức đa chiều.

Silk Road được mô tả là một web đen kinh doanh đủ mọi loại hàng cấm mà bạn có thể tưởng tượng được như cần sa, cocain, LSD, các thuốc giảm đau, chất kích thích, v.v… với nền tảng vật lý dựa trên sự kết hợp giữa phần mềm Tor và đồng tiền Bitcoin đã tạo nên một thị trường ẩn danh nằm ngoài sự kiểm soát của chính phủ. Đằng sau đó, cũng không kém phần quan trọng, là một nền tảng tinh thần tuyệt vời của những quản trị viên với những nguyên tắc chặt chẽ xuyên suốt mạch hoạt động của website dựa trên niềm tin lớn lao vào chủ nghĩa tự do, vô chính phủ và không bạo lực.

Câu chuyện về việc bắt giữ được Ross Ulbricht – kẻ được cho là một trong những người điều hành Silk Road, người cầm đầu mang cái tên Dread Pirate Roberts (DPR) cùng với phiên tòa xét xử chàng thanh niên 29 tuổi này đã trở thành một điểm nút quan trọng giúp mở ra rất nhiều những tư tưởng quan trọng mà chúng có thể sẽ làm thay đổi toàn bộ cuộc đời sau này của rất nhiều con người.

Tư tưởng đầu tiên mà bộ phim truyền tải thực chất chính là tư tưởng đến từ những người điều hành Silk Road, hay sâu thẳm là của bất kỳ linh hồn nào đang trải nghiệm cuộc đời trên Trái Đất này: Sống tự do.

Tự do ở đây có nghĩa là làm mọi điều mình thích mà không xâm hại đến bất kỳ một ai khác và cũng không để bất kỳ kẻ nào kiểm soát mình – kể cả đó là chính phủ đi chăng nữa. Vấn đề thật sự không phải ở việc Silk Road “buôn bán ma túy một cách trắng trợn” theo cách mà những nhà cầm quyền Mỹ đã nhận định, mà nó nằm ở việc DPR đã tự tạo nên thẩm quyền cho chính mình cũng như những thành viên trong cộng đồng, thách thức mọi sự “nhúng mũi” và thao túng của chính phủ, bằng việc biến những điều coi là phạm pháp trở thành hợp pháp (thật ra là chẳng còn “pháp” nào nữa.) Vậy nên, có thể coi Silk Road là một bản tuyên ngôn về tự do, còn DPR là chiến binh tử vì đạo.

Điều này giống như việc một kẻ nhờ thiền định hay một cách nào đó mà đã đi sâu được vào tâm thức của chính mình, hắn ta đã nhận ra được ma trận kinh hồn của tâm trí bây lâu nay đã dẫn cổ hắn như thể ông chủ bụng phệ dắt chihuahua đi tiêm phòng dại. Hắn đứng sang một bên và nhìn ra toàn bộ sự thật về mớ dây dợ lằng nhằng ấy và đã quay về được thế giới xinh đẹp của chính mình – sự tự do.

Tuy nhiên, nếu những hiệp sĩ trắng vùng lên phá tan xiềng xích thì phù thủy đen cũng nhào tới với những phép thuật tinh vi mới. Deep Web đã chỉ ra rất rõ ràng sự thao túng, giật dây của chính phủ đã khiến cho sự thật khi đến được với dân chúng thì chỉ còn là một thứ giả dối kinh tởm. Điều đó cũng có nghĩa rằng chính phủ có thể biến tất cả thành cừu, một thành phố cừu, một dân tộc cừu với một hệ tư tưởng cừu, cừu toàn tập. Đó chính là điều thứ hai đáng để luận bàn ngay bên cạnh bản tuyên ngôn tự do và những chàng chiến binh thời đại số, như thể chúng ta đang nói về hai mặt của một đồng tiền vậy!

Việc mô tả phiên tòa xét xử Ross Ulbricht đã “chụp được” cận cảnh “những phép màu” lấp lánh sự lộng quyền, giả dối và không hề công bằng của chính phủ khi những luận điệu tranh cãi của bên khởi tố thì xả tới như mưa rào, trong khi những bằng chứng để bảo vệ bên bị cáo thì chẳng được cho phép đem ra soi xét. Rồi kết hợp với việc sử dụng truyền thông để tạo nên những làn sóng hoài nghi trong lòng người dân, gây nên những bất lợi, đồng thời bôi nhọ danh tiếng của chàng thanh niên Ross khi phiên tòa chưa hề đưa đến kết luận cuối cùng là cậu “có tội” hay không. Chưa kể, bộ phim còn vạch mặt sự thiếu trong sạch trong quá trình điều tra và trong diễn biến phiên tòa đầy chấn động này, đó là việc bên khởi tố đưa ra những bằng chứng không khớp với những gì nêu ra trong bản cáo trạng. Điều này có thể được hiểu rằng chính phủ đã sử dụng kỹ thuật đen tối để kết tội kẻ có hành vi ấy giống như mình. Hẳn đây là một loại phép màu nực cười!

Tôi cho rằng đó là hai nội dung song song quan trọng nhất bộ phim muốn truyền đạt. Nó xoay quanh nhận thức tự do của con người trước sự thao túng, áp đặt và bóc lột của chính quyền. Đây là điều mọi người nên dành sự quan tâm cho nó càng nhiều càng tốt. Vì rằng trải nghiệm ở thế giới vật lý này của mỗi chúng ta đa phần đang bị kiểm soát trong cái bọc nô lệ của những kẻ cầm đầu một chế độ. Đến khi nào chúng ta mới nhận ra xã hội cần hướng đến một dạng thức như Flower of Life chứ không còn quanh quẩn nơi tận đáy của hình Tháp Một Chóp nữa?

Điều này tiếp tục mở ra một nội dung thứ ba đó chính là Bản Chất Của Bạo Lực. Silk Road đáng là một thứ gì đó để thế giới đem ra nghiên cứu và học hỏi thay vì lên án một cách mù quáng. Vì rằng bằng cách thức giao dịch online mà các vấn đề bạo lực liên quan đến ma túy đã được giải quyết đáng kể. Nó đã tránh được việc sa chân vào cuộc chiến phân cực trong chính trị giữa chính phủ và tội phạm thế giới ngầm. Vấn đề không nằm ở việc buôn bán, sử dụng ma túy có hại hay không, mà vấn đề nằm ở việc hợp pháp hóa chúng hay không, và quyết định tuyên chiến với chúng hay không.

Chính tư tưởng chia rẽ, phán xét, áp đặt là gốc rễ của mọi động thái bạo lực.

Nói không đâu xa, ngay trong chính bản thân mỗi người đã đầy những phân mảnh rồi và chúng đang đấu đá nhau suốt ngày khiến ta chẳng làm được gì nên hồn ngoại trừ việc thể hiện toàn bộ những sự rối loạn và xung đột đó ra thế giới bên ngoài. Tổ hợp của vài tỷ cá thể bạo lực như vậy ắt sẽ cộng hưởng nên một phức hợp nhân loại bạo lực. Vậy nên, cuộc chiến chống ma túy, nhà tù chính phủ hay tư nhân, chuyện đánh bom, giết người, cướp bóc các thể loại cứ thế mà thành hình. Và rồi chúng lại được lên TV báo đài như một sự vụ gì đó gây sốc ghê lắm. Chẳng có cái quái quỷ gì đáng phải ngạc nhiên khi bản chất bạo lực từ trong những tư tưởng chẳng hiểu gì về sự tự do và hợp nhất đã được phơi bày trần truồng hết thảy.

Tôi không quan tâm rằng bằng cách nào mà những kẻ đứng đầu Silk Road có được hệ tư tưởng sâu sắc đến vậy (ngay đến cả chính phủ cũng phải thừa nhận lợi ích của cách thức hoạt động trong cộng đồng này mang lại thông qua những giao thức buôn bán đứng tách ra khỏi vòng bạo lực.) Tôi quan tâm rằng DPR đã tạo ra được niềm tin và nguồn cảm hứng về một con đường dành cho mỗi người để có thể đi tới được trạng thái quan trọng – Tự do và Hòa bình.

Chưa dừng lại ở đó, bộ phim tài liệu này tiếp tục gieo rắc những ý tưởng về vấn đề quyền riêng tư và sự bảo mật khi chính phủ đã nhúng mũi quá nhiều vào đời sống của người dân. Những ý tưởng đó được thể hiện thông qua việc đào sâu mô tả về cơ chế hoạt động của những phần mềm ẩn danh cũng như phương thức giao dịch sử dụng đồng tiền đã được mã hóa Bitcoin. Sự thao túng và lộng hành của chính phủ càng khiến cho những phát minh bảo vệ quyền riêng tư của người dùng internet được sinh sôi nảy nở và càng lúc càng tinh tế hơn. Điều này giúp ta có thể nhìn nhận bức tranh về hai cực âm dương rất rõ ràng giữa: Nguy Hiểm và An Toàn. Các bạn có thấy rằng nơi nào chúng ta phải ra sức để dành lấy sự yên ổn cho chính mình thì chính là nơi náo loạn nhất, và chốn nào chúng ta phải vật vã để kiếm tìm tự do thì đó là vùng đất mà sự áp đặt và kìm kẹp xuất hiện nhiều nhất.

Sự lên ngôi của những dạng thức ẩn danh trên mạng, sự nổi loạn của đồng tiền Bitcoin chỉ cho thấy một sự thật rằng chúng ta đang sống trong một xã hội ít quyền riêng tư nhất, kẻ đứng đầu thì bạo lực nhất, còn bản thân mỗi người thì lại “cừu” nhất. Nhưng đồng thời nó cũng chiếu những tia mừng vui le lói vào lòng những kẻ ưa chuộng sự tự do rằng trong một tương lai không xa, những công cụ mang tính bảo mật chặt chẽ này sẽ được tích hợp vào mọi mặt cuộc sống, để rồi chính phủ sẽ tự cảm thấy sự tồn tại của mình là vô nghĩa và sẽ quyết định dùng Bitcoin để mua một cái khăn tay trắng vẫy xin thua cuộc.

Nếu như ở khúc dạo đầu, kẻ tham thiền đã nhận ra được mớ bòng bong của tâm trí, thì bây giờ hắn đã phát minh ra được một mật chú tương đương với Bát Nhã Tâm Kinh để truyền đạt đến hàng triệu người khác vậy. Cuộc cách mạng trong tâm thức sẽ kéo theo những pha chuyển mình vĩ đại ở thế giới vật lý. Và khi chứng kiến những làn sóng thay đổi trong thế giới vậy lý ấy, chúng ta lại thấy được con đường để biến mình thành một phượng hoàng lửa. Vấn đề không nằm ở thời gian, mà nằm ở sự lựa chọn có tiến tới cuộc biến động ấy hay không. Vì lúc nào chúng cũng nằm ngay trước mũi ta rồi.

Bằng việc tích hợp mọi góc nhìn, cùng việc liên kết, đối chiếu thông tin, Deep Web đã dựng lên một bức tranh đa chiều, một cách nhìn nhận vấn đề khách quan nhất về sự thật đằng sau vụ việc Ross Ulbricht bị bắt giữ và xét xử. Thông tin được cung cấp từ rất nhiều nguồn khác nhau, như: Người bán hàng trên Silk Road, đặc vụ ngầm phỏng vấn DPR, tư liệu về cuộc sống của Ross, gia đình, bạn bè, luật sư của cậu, nhân viên FBI, các thượng nghị sĩ, các chuyên viên an ninh mạng và truyền thông.

Tuy nhiên, phần quan trọng nhất đó là những thông tin đến từ chính Ross Ulbricht thì chẳng hề xuất hiện chút nào vì bộ phim cũng đã nêu rõ rằng việc phỏng vấn người bị gán cho quá nhiều tội danh nguy hiểm là không được phép. Sự nực cười ở đây đó là những tội danh ấy chưa được xác thực và những luận điệu nêu ra chỉ dựa vào cảm tính (hoặc mưu đồ) của chính phủ. Vậy là ngay bản thân bộ phim này cũng đã bị ảnh hưởng bởi sự thao túng của giới cầm quyền. Có thể chúng ta sẽ không bao giờ biết được sự thật rằng Ross có tội hay không, nhưng chúng ta lại có thể biết được chắc chắn rằng mọi chuyện ở trước mắt mình chẳng còn nguyên vẹn. Chúng chỉ là một nửa sự thật, hoặc không có một sự thật nào cả!

Deep Web đã cho người ta thấy được những nguy hại dành cho con người khi đặt mình vào trong sự kiểm soát của chính phủ. Nó đã làm gợn lên những câu hỏi như: Tôi có thật sự đang được tự do dưới sự dẫn dắt của nhà nước? Những gì mà chính phủ cung cấp có đang phục vụ cho lợi ích của xã hội trong đó có tôi? Và thậm chí đơn giản là Những cuộc chat sex trên điện thoại của tôi với nàng liệu có bị đang bị nghe lén?

Bộ phim đã chỉ ra rằng: Chúng ta đang sống trong một đất nước chẳng hề an toàn và công bằng chút nào vì nó vẫn nằm dưới sự cai trị của nhà nước.

Bằng việc sử dụng hình thức là phim tài liệu với trích dẫn giá trị cao cùng cách hành văn đơn giản nhưng đầy nội lực, tác giả của Deep Web đã truyền tải một cách tối đa những thông tin trực quan nhất cho người xem, thay vì viết tất cả trên một tập truyện ngắn. Nó cũng là tiếng nói của khát khao tìm kiếm sự thật và công lý khi người dân chỉ đơn thuần đứng bên ngoài nhìn vào vụ việc và chẳng hiểu chuyện gì đang diễn ra dù chỉ một tấc.

Tuy nhiên, bộ phim này sử dụng rất nhiều những kiến thức chuyên môn về pháp luật, an ninh mạng cũng như truyền đạt những tư tưởng chính trị sâu sắc nên người xem khó lòng nuốt trôi được ngay từ lần đầu thưởng thức. Vậy nên, việc tiếp cận và đánh động phần đông khán giả là điều không hề đơn giản. Chưa kể bên cạnh đó luôn có một sự thật rằng ta không thể thay đổi được một kẻ u mê, mà chỉ có thể trợ giúp và làm mạnh hơn những kẻ đã thức tỉnh mà thôi. Deep Web không sinh ra để dành cho những con cừu!

Câu chuyện về Silk Road, DPR sẽ trở thành con sư tử ám ảnh chính quyền, là tiếng gầm của những kẻ đi tìm tự do và là bản anh hùng ca của những con người nhất định đứng về phía sự thật. Ma túy chẳng là điều gì đáng bàn ở đây khi cuộc nổi dậy của những linh hồn mang trong mình dòng máu cách mạng đã thật sự bùng nổ.

“You can take down a man but cannot take down an idea.”

(Hạ gục một con người thì dễ nhưng hạ gục một ý tưởng thì không thể.)

8.5/10 là điểm dành cho thước phim tài liệu tuyệt vời này.

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top