waterfall-828948_1280

Chí Tôn Ca – Bài ca bất diệt

Mình bắt đầu đọc và tìm hiểu về các vấn đề tâm linh, triết học từ cách đây 3 năm. Bắt đầu từ các cuốn sách của dịch giả Nguyên Phong, sách của thầy Nhất Hạnh, đến các cuốn sách của Osho, Krishnamurti, Kahlil Gibran, Rumi, … Sau một thời gian đọc sách mình hiểu rằng mỗi cuốn sách mình đọc qua trong đời là một cơ duyên, nó đến vào lúc mình cần nó và sẽ dạy cho mình điều gì đó. Và duyên lành đã đưa mình đến với , đến với Chí Tôn Ca.

Bối cảnh của Chí Tôn Ca là cuộc đối thoại trên chiến trường giữa hoàng tử Arjuna và Đấng Tối Cao Krishna, bằng tri thức siêu tuyệt của mình Đấng Chí Tôn đã tháo gỡ mọi khúc mắc, mọi trở ngại về tâm lý, tinh thần cho Arjuna và đồng thời cho cả người đọc chúng ta. Tác phẩm đề cập đến rất nhiều vấn đề từ thiền định, trau dồi tri thức, cho đến lòng mộ đạo, vị tha… nhưng tư tưởng mà mình ấn tượng nhất là về việc hành động, phụng sự trong tinh thần tận hiến đồng thời từ bỏ mọi thành quả của nó (Karma yoga), pháp Yoga này dung hòa cả con đường đời lẫn con đường đạo, mang đến cái nhìn về tính nhất thể của đời sống cũng như mục đích tối cao của kiếp người.

Đọc Chí Tôn Ca, giống như một đốm lửa của siêu thức được thắp lên trong tâm hồn, nếu như ta nâng niu ngọn lửa ấy thông qua sự suy ngẫm và thực hành không ngừng nghỉ nó sẽ lớn dần lên và thiêu đốt mọi dục vọng, mọi sợ hãi, vô minh từ đó làm hiển lộ chân lý tối hậu, bình an và phúc lạc. Có lẽ để nói về tác phẩm này thì bao nhiêu cũng là không đủ bởi kiến thức của nó bao trùm lên mọi vấn đề của tôn giáo, triết học, huyền học,…, giá trị của nó là bất diệt, là vượt thoát khỏi thời gian và sẽ giúp cho người đọc nó, tin nó, tìm hiểu nó, thực hành nó, chiêm nghiệm nó không bao giờ còn thấy lạc lối hay tuyệt vọng nữa.

Theo suy nghĩ của mình, con đường tâm linh là con đường mang tính cá nhân, mỗi người phải tự bước đi và tự trải nghiệm nó theo cách của riêng mình, nó là con đường cô đơn nhưng đẹp đẽ vô cùng. Giống như lời của nhà văn Edgar Allan Poe:

“Và những gì tôi yêu, tôi đều yêu đơn độc.”

Một câu mà mình rất thích trong Chí Tôn Ca đó là:

“Thứ đối với mọi chúng sinh là màn đêm thì lại là lúc bừng tỉnh đối với người tự chủ, còn lúc mọi chúng sinh thức giấc lại là màn đêm đối với bậc hiền giả nội quan.”

Ở đây mình xin phép được trích dẫn một bài thơ của nhà thơ Rumi có ý rất tương đồng với câu này, hi vọng mọi người sẽ có thêm động lực và năng lượng trên chuyến hành trình đi tìm Thượng Đế, đi tìm chính mình:

“Hỡi em xinh đẹp của tôi ơi, một đêm thôi, xin đừng ngủ,
Em sẽ thấy kho báu vĩnh hằng xuất hiện.
Mặt trời của Đấng Vô Hình sẽ sưởi ấm em suốt đêm;
Huyền bí sẽ mở đôi mắt em.
Đêm nay ta van em, chiến đấu bản thân đừng ngủ gục
Để em thấy những huy hoàng, mở ra hân hoan vô tận
Chỉ có về đêm, những vẻ đẹp hiển lộ;
Còn kẻ ngủ mê có bao giờ nghe được tiếng gọi dịu dàng?
Chẳng phải Moses đã thấy những bụi cây cháy rực trong đêm?
Và nghe tiếng mầu nhiệm gọi về gần Thượng Đế?
Chính đêm ấy ngài đi mãi
Rồi cuối cùng ngài thấy bụi cây ngập tràn trong ánh huy hoàng.
Ban ngày để kiếm sống, còn ban đêm thì dành cho yêu thương
Để những đôi mắt ghen tị thôi rình rập.
Phần thế giới còn lại có lẽ say ngủ;
Còn những người yêu mến Chúa thực lòng
Suốt đêm thường chuyện trò với Ngài từ bên trong…
Suốt đêm Thượng Đế đang gọi ta,
“Dậy đi, hãy tận dụng thời khắc này, con đáng thương của ta!
Nếu không thức dậy, rồi con sẽ bỏng cháy tâm can trong hối tiếc
Khi linh hồn con xa rời thể xác.”

Vậy đấy, đối với một người theo đi theo con đường tâm linh, ban ngày là để dành cho những phận sự rất đời, đó có thể là đi làm kiếm tiền, chăm lo cho gia đình, xã hội,… một cách hết mình với tâm không vướng mắc còn đêm xuống lại là lúc họ được ở một mình, dành thời gian cho những chiêm nghiệm sâu sa, cho tịch lặng, cho tình yêu đối với Thượng Đế… Nếu như trước đây mình thường chán ghét đời sống vật chất, bất mãn và chán chường thì nay ý tưởng này đã truyền rất nhiều cảm hứng cho mình để mình sống trọn vẹn hơn, dũng cảm hơn và kiên định hơn.

Trong những cuốn sách trước đây mình đã từng đọc qua, mình đã bắt gặp không ít những nhân vật, những con người đã dành cả cuộc đời của họ để nghiền ngẫm và thực hành theo Chí Tôn Ca, đó là những con người có gì đó trầm lặng, minh triết, họ đã sống cuộc đời đẹp đẽ và đầy ý nghĩa. Một trong số những người đó là Mahatma Gandhi, ông đã nói về Chí Tôn Ca như sau:

“Khi những nghi ngờ bủa vây tôi, khi những nỗi thất vọng nhìn chằm chằm vào tôi khiến tôi không thấy được bất kì một tia sáng nào, tôi lại quay trở về với Chí Tôn Ca. Tôi tìm chỗ này một câu, chỗ kia một câu, và tôi bắt đầu mỉm cười trong khi tai họa đang tràn ngập khắp nơi. Cuộc đời tôi đầy những tai họa đến từ bên ngoài và nếu như chúng không để lại bất kì một vết sẹo nào dù là hữu hình hay vô hình đối với tôi, tôi mang ơn những lời dạy trong Chí Tôn Ca.”

Còn đối với mình Chí Tôn Ca thực sự đã thổi vào mình một thứ tinh thần hướng thượng cao cả, nó hào sảng nhưng cũng nhẹ nhàng, nó thống khoái nhưng cũng đầy kỷ luật, nó răn dạy nhưng cũng đầy vỗ về an ủi. Chí Tôn Ca chắc chắn là một trong những cuốn sách mình sẽ còn lật đi lật lại mãi trong cuộc đời, rất cảm ơn đã lan tỏa cuốn sách này đến cộng đồng!

Tác giả: Trần Tùng

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top