Buổi sáng đi bộ dọc những con đường của thành phố Đà Lạt, tôi thường để ý nhặt nhạnh những hạt cây để mang về trồng. Không hiểu sao, các hạt giống có một sức hút kỳ lạ đối với tôi. Lúc thì tôi nhặt được hoa cánh bướm, hoa cúc mặt trời hay cúc vạn thọ, lúc thì nhặt được những hạt bồ công anh, cà chua bi, hay tía tô dại. Những hạt này đều vẫn còn trên cây và đang đợi ngày phát tán. Khi ra tới đường lớn, tôi nhặt được hạt của những loài cây thân gỗ cao to già cội.
Dù rằng rất vui vì nhặt được những hạt cây còn khỏe mạnh nhưng trong tôi bỗng nảy ra những ý nghĩ: Nếu không có ai nhặt về ươm mầm thì số phận của những hạt giống này, đặc biệt các cây gỗ lớn, sẽ đi về đâu? Vì nơi chúng rơi xuống đều là nền gạch hoặc nền bê tông. Đất ẩm ở đâu để cho chúng nảy mầm, để cho chúng phát triển những thế hệ mới? Phải chăng những cái cây trong thành phố không khác gì một người vô sinh hoặc bị triệt sản? Phải chăng những hạt giống tuyệt vời đang rơi vãi trên vỉa hè kia đang bị phung phí, đang sinh ra không để làm gì ngoài việc bị bỏ rơi, bỏ qua và hủy hoại. Trong khi đáng ra nó có thể trở thành một cái cây cao lớn, cho ra hàng trăm hàng ngàn hạt giống mạnh khỏe khác. Đáng lẽ ra, nó đã có thể tạo ra cả một khu rừng tươi tốt?
Bạn cứ nghĩ thử mà xem, chuyện này có khác gì với việc con người phung phí những nguồn lực trong cuộc sống của mình, coi thường, chối bỏ hay bất lực trong việc sử dụng những điều giá trị đang nằm ngay trước mắt? Đáng lẽ ra chúng ta đã trở nên duyên dáng, tự tin và tràn trề sức sống. Đáng lẽ ra, chúng ta có thể yêu thương, giúp đỡ và san sẻ niềm vui với nhau. Nhưng luôn có điều gì đó cản trở chúng ta trở nên như vậy, cản trở chúng ta nhận ra và sống một cuộc đời đáng sống.
Khi nhìn những hạt cây rụng la liệt trên nền đất cứng nhắc, tôi không khỏi nhớ đến câu chuyện ngụ ngôn người gieo giống trong Kinh Thánh. Đức Jesus đã kể rằng:
“Có một nông gia kia đi ra gieo giống. Trong khi gieo, một số hạt rơi bên đường đi, chim đáp xuống ăn hết. Một số rơi trên đất đá, có rất ít đất thịt. Hạt giống ấy mọc lên mau vì có ít đất cạn. Nhưng khi mặt trời mọc lên thì cây non chết héo vì rễ không sâu. Một số hạt rơi vào đám cỏ gai, gai mọc lên chèn ép cây non. Một số hạt rơi trên đất tốt, mọc lên và sinh hoa quả nhiều. Có cây ra một trăm hạt, có cây sinh ra sáu chục, có cây sinh ra ba chục. Ai có tai để nghe, hãy nghe cho kỹ.” (Mt 13:1-9)
Khi các môn đệ hỏi Ngài về ý nghĩa của các hình ảnh ẩn dụ trong này thì Đức Jesus đã giải thích rằng:
“Các con hãy nghe ý nghĩa của ngụ ngôn về nông gia. Hạt giống rơi bên đường đi nghĩa là gì? Hạt ấy như người nghe dạy về nước thiên đàng mà không hiểu. Kẻ ác liền đến cướp lấy hạt đã trồng trong lòng họ. Còn về hạt giống rơi nhầm chỗ đất đá thì sao? Hạt ấy giống như người nghe lời dạy liền vui nhận. Nhưng người ấy không để lời dạy ăn sâu vào trong lòng. Chỉ giữ một thời gian ngắn thôi. Khi khó khăn và bạo hành xảy đến do lời dạy thì họ liền bỏ cuộc. Còn hạt giống rơi nhằm cỏ gai nghĩa là gì? Hạt ấy giống như người nghe đạo nhưng lại để những lo âu đời này và cám dỗ của giàu sang cản trở khiến lời dạy không nảy nở và kết quả được trong đời sống người ấy. Còn về hạt giống rơi trên đất tốt là gì? Hạt ấy giống như người nghe đạo và hiểu nên có kết quả, một hột ra một trăm, sáu chục hoặc ba chục.” (Mt 13:18-23)
Các bạn có để ý thấy rằng thế hệ con người ngày nay sống cách xa thiên nhiên và Mẹ Trái Đất không? Chúng ta không còn tiếp xúc trực tiếp với mặt đất nữa, vì sự tiếp xúc đã bị cản trở bởi những công trình bê tông, những con đường nhựa phẳng lì. Cây cối ở những nơi đô thị cũng vậy. Chúng cô độc và vô vọng với giống nòi của mình.
Có thể ai đó sẽ nghĩ rằng điều này không có liên quan gì đến con người, chúng ta cứ việc sống với kỷ nguyên bê tông cốt thép, còn những cái cây, những hạt giống muốn ra sao cũng chẳng liên quan đến chúng ta. Nhưng không, đáng tiếc rằng mọi chuyện không diễn ra như vậy. Sớm hay muộn, bạn cũng sẽ nhận ra rằng thế giới bên ngoài chính là biểu tượng thể hiện thế giới bên trong của con người. Cái cây kia là sự lao động miệt mài của bạn, hoa trái kia là thành quả và niềm vui của bạn, và hạt giống kia là trí tuệ tiềm năng ẩn giấu trong bạn. Chưa hết, càng nhiều máy móc tân tiến, con người càng chai cứng lạnh lùng. Càng nhiều bê tông cốt thép, con người càng kém hấp thu trí tuệ. Càng xa rời mặt đất, con người càng sống hoang đường ảo tưởng. Những gì chúng ta làm với thiên nhiên chính là những gì chúng ta làm với chính mình.
Như trong truyện ngụ ngôn người gieo giống, một hạt rơi xuống nền đất cứng không nảy mầm được cũng là biểu tượng cho việc một trí tuệ, một ân sủng từ Trời rơi xuống lòng người mà không thể bén rễ nổi. Vì sao? Vì lòng dạ con người đã chai cứng, kháng cự và từ chối sự giao hòa cùng những trí tuệ thiêng liêng. Trong khi đó, mọi thứ trong thế giới hiện tượng đều là các câu lệnh được viết bằng ngôn ngữ biểu tượng. Và việc chúng ta xây dựng cuộc sống hay môi trường xung quanh ra sao chính là việc chúng ta đang tạo ra các câu lệnh để điều phối cuộc sống mà cá nhân mình đang trải nghiệm. Có thể nói, thế giới này là kết quả của tâm thức tập thể, tích hợp mọi hành động, suy nghĩ của con người. Cuối cùng tâm thức ấy ảnh hưởng đến từng người trong tập thể không chừa một ai. Thực tế là, chúng ta không chỉ chịu ảnh hưởng bởi nhận thức của bản thân mình mà còn của tất cả mọi người. Đồng thời, chúng ta không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của chính mình mà còn đến cuộc sống của tất cả mọi người. Không ai có thể trốn tránh trách nhiệm xây dựng tập thể và cũng không ai có thể trốn tránh sự chi phối của năng lượng tập thể lên bản thân.
Vậy chúng ta có thể làm gì để thay đổi vận mệnh của bản thân, của thế giới? Câu trả lời không là gì khác ngoài việc đoàn kết với nhau, cùng tu dưỡng bản thân, và đặc biệt cùng trân quý và gìn giữ thiên nhiên. Chưa bao giờ tôi có một niềm tin mãnh liệt như bây giờ về tương lai của con người sẽ hướng đến, kỷ nguyên mới của chúng ta sẽ được sánh bước cùng thiên nhiên, tình yêu và hòa bình. Màu xanh tươi mát sẽ tràn ngập không chỉ bên ngoài, mà còn bên trong trái tim mỗi chúng ta. Hãy nhớ rằng, khi bạn lưu trữ và gieo trồng một hạt giống là bạn cũng lưu trữ và gieo trồng đức hạnh bên trong mình. Khi bạn chăm sóc một cái cây là bạn cũng đang chăm sóc sự mát mẻ tâm hồn và cổ vũ cho năng lực lao động của bản thân. Khi bạn ngắm một bông hoa là đang vun đắp niềm vui, khi bạn ăn một trái ngon là bạn đang thưởng thức thành quả và giá trị sống mà mình tích lũy. Và đặc biệt, khi bạn lan tỏa hạt giống là bạn đang lan tỏa sự sống và trí tuệ đến với thế gian.
Hãy cố gắng sống gần gũi với Thiên Nhiên và cùng Thiên Nhiên tạo nên những câu lệnh tốt đẹp cho cuộc sống của cả hai. Vì bạn và Thiên Nhiên là một.
Tác giả: Vũ Thanh Hòa
Ảnh: Markus Spiske on Unsplash