inception

Inception – Anh vào trong mơ hay cõi mộng vào anh?

tumblr_inline_nuze9zT0k21s09z1b_1280

Một điều lạ lùng đã diễn ra trong quá trình theo dõi bộ phim Inception kéo dài 148 phút này, đó là tôi một mực cho rằng mình đang sống ở năm 2008, chậm hơn 2 năm so với ngày phát hành bộ phim lừng lẫy ấy. Chuyện đó khiến tôi cảm giác như mình đang được nhìn thấy trước tương lai vậy. Trong khi thật sự, tôi chỉ đang xem lại một nội dung đã được trình chiếu từ 8 năm về trước. Tổng thời gian chênh lệch giữa thực tế và cảm giác cá nhân là 10 năm. Chuyện này thật là kỳ cục!

Thôi, vào chủ đề chính nhé.

Bộ phim khoa học viễn tưởng Inception của đạo diễn Christopher Nolan kể câu chuyện về một người đàn ông có tên Dominick Cobb (do tài tử điện ảnh Leonardo DiCaprio thủ vai) đã chấp nhận một lời đề nghị, một nhiệm vụ bất khả thi là: “Ý tưởng khởi nguồn” (Inception) – cấy ghép ý tưởng của một người vào tiềm thức của một người khác. Nếu công việc này thành công, Saito – người đề nghị nó, sẽ đạt được mục đích của mình là phá vỡ được tập đoàn năng lượng của đối thủ là Maurice Fischer. Cùng với đó, Cobb sẽ được Saito xóa bỏ cáo buộc rằng Cobb đã giết vợ mình để anh có thể trở về Mỹ đoàn tụ với gia đình.

Bộ phim Inception là cuộc hành trình liều lĩnh của Cobb cùng đồng đội tiến vào một giấc mơ ba tầng, đồng thời là chuyến đi sâu vào tiềm thức nhức nhối của chính anh – nơi lưu giữ những ký ức hạnh phúc cũng như đau đớn nhất về người vợ đã qua đời của mình. Inception thật sự vĩ đại khi nó khơi mở một khối lượng ý tưởng khổng lồ, không chỉ về những giấc mơ, mối liên hệ giữa tiềm thức và ý thức con người, mối tương thông giữa các tầng thực tại mà còn về bản chất của cuộc sống, sự sáng tạo, những khao khát của con người và trên tất cả, là tình yêu.

Bộ phim có rất nhiều tầng ý nghĩa móc nối, chồng chất nhau không khác gì những cảnh phim là những tầng giấc mơ liên tục đan cài nên việc theo dõi diễn biến và nội dung muốn truyền tải của tác phẩm kiệt xuất này là điều không hề đơn giản.

Có khi nào các bạn thử đào sâu hơn một lớp nữa vào các hiện tượng xung quanh mình? Điều gì thật sự nằm sau một cơn giận dữ, một sự bất mãn hay một nỗi niềm thương tổn? Điều gì chìm dưới một ước mơ trở thành họa sĩ, một khao khát được ra ngoài tự nhiên hay đơn giản một ý muốn dưỡng nuôi một chú chó? Điều gì thật sự ẩn giấu đằng sau hình hài con người nhỏ bé này? Có khi nào các bạn hỏi như vậy và đi tìm câu trả lời chưa?

Tôi đã lăn lộn tìm kiếm và nhận ra rằng có vô hạn các thực tại/giấc mơ chồng chất lên nhau tại cùng một không gian. Nhưng tần số của mỗi thực tại đó khác nhau nên sự biểu hiện của chúng cũng khác nhau. Chúng như một biển nước vô hạn nơi hàng tỷ các tầng sóng giao thoa. Điều này có ý nghĩa gì? Nếu tần số rung động của bạn thay đổi, bạn sẽ dịch chuyển đến một thực tại khác, theo một cách ý thức hoặc vô thức.

“Chúng ta tạo ra và nhận thức thế giới cùng một lúc. Trí não chúng ta làm việc đó tốt đến mức chúng ta không biết nó đang diễn ra. Điều đó cho phép chúng ta nhảy vào ngay giữa quá trình này. Bằng cách nào? Bằng cách giành lấy phần kiến tạo.”

Nghe thật nghịch lý nhưng trong biển thực tại đó, những con sóng có tần số thấp hơn (tầng đáy) sẽ bao trùm và chi phối những con sóng có tần số cao hơn (tầng bề mặt). Càng tiếp cận và hòa nhập được với các lớp sóng bằng phẳng hơn, một người sẽ càng nhìn nhận rõ động lực thúc đẩy một ý nghĩ, lời nói hay một hành động. Đó là bản chất của việc tự biết chính mình và thấu hiểu người khác. Thiền định, cầu nguyện, tập yoga, sử dụng mật chú, v.v… đều là các hình thức hạ thấp tần số rung động, giúp người thực hành đi tới một trạng thái nhận thức rộng mở hơn, tiếp cận gần hơn với cội nguồn của trí tưởng tượng, ý thức nguyên thủy, và hơn cả, tới gần hơn với con người đích thực của anh ta.

Xuyên suốt bộ phim là những hình ảnh về nước. Nhân vật chính tỉnh dậy trong một tầng giấc mơ trên bờ biển, những cú giật để thoát khỏi giấc mơ được thể hiện bằng cách đẩy người đó rơi/ngã/lao vào một khối nước. Nước là hình ảnh tượng trưng cho biển thực tại hay bể đời đau khổ. Đồng thời, nước cũng mang hàm ý về ý thức (awareness) hay Đạo.

“Vật cực mềm mà lại thắng được vật cực cứng (nước chảy đá mòn). Nước là vật cực mềm, nó luôn tìm chỗ thấp mà tới (khiêm nhường), ngày đêm chảy không ngừng, bốc lên thì thành mưa, chảy xuống thì thành sông rạch, thấm vào lòng đất để nuôi vạn vật. Nó không ngừng biến đổi, lại sinh ra mọi loài. Nó không tranh với ai, lựa chỗ thấp mà tới, gặp cái gì cản thì nó uốn khúc mà tránh đi, cho nên đâu nó cũng tới được. Đạo cũng ví như nước vậy.” – Lão Tử, Đạo Đức Kinh

Chưa dừng lại ở đó, bộ phim Inception còn thể hiện được vòng lặp, ma trận giấc mơ hay chính là sự không thể phân định được tuyệt đối chính xác các con sóng ở trong biển thực tại. Phi vụ “Ý tưởng khởi nguồn” bắt đầu từ một cảnh trên máy bay, trong đó Cobb và đồng đội tiến vào ba tầng giấc mơ. Khi phi vụ kết thúc, tất cả mọi người đều xuất hiện trở lại chiếc máy bay đó nhưng trong bối cảnh hoàn toàn khác khiến cho chúng ta cảm giác bối rối không biết đâu là điểm bắt đầu và đâu là điểm kết thúc.

Những giấc mơ/thực tại có sự liên đới với nhau, không thể tách biệt được. Cũng giống như vạn vật trong cuộc sống nằm trong một chỉnh thể hài hòa thống nhất. Trong đó, một đối tượng bất kỳ được định nghĩa dựa trên sự tương quan với toàn bộ phần còn lại của thế giới. Do vậy, việc cho rằng một cá thể tồn tại độc lập riêng biệt là một góc nhìn sai lầm.

“We are all connected in the great circle of life.” – Lion King (1994)

Nên:

“We are here to awaken from the illusion of separation.” – Thích Nhất Hạnh

Khi xem phim, chúng ta tưởng rằng Cobb và đồng đội đi từ giấc mơ này đến giấc mơ nọ, nhưng thật ra không phải. Họ vẫn đang ở trong một giấc mơ lớn duy nhất bao trùm với các phân cảnh nhỏ hơn tương thông với nhau, giống như một ngôi nhà có nhiều căn phòng vậy.

Nhờ việc chỉ ra được mối liên kết giữa các thực tại, Inception đã gợi ý cho người xem đâu là điểm khởi đầu của một giấc mơ – là tất cả mọi điểm. Vì chúng là lối vào ma trận vô hạn nên chúng cũng chính là lối đi ra khỏi đó. Tức là, sự tự do ẩn chứa trong tất cả các gông cùm và mỗi người đều có cơ hội ngang nhau chạm tới vùng đất hạnh phúc ấy.

Rất nhiều lần trong bộ phim, Cobb đã nhìn thấy những đứa con ngay trước mắt mình và có cơ hội để trông thấy gương mặt yêu dấu của chúng, nhưng anh đã lựa chọn cách từ chối vì anh cho rằng cảnh đó không phải là thật, không phải thực tại anh đang sống. Nhưng rồi cho đến cuối cùng, cảnh kết thúc bộ phim – Cobb được đoàn tụ với gia đình, thật ra vẫn là một giấc mơ.

Ai đó đã từng nói: Hạnh phúc ở đây và ngay bây giờ. “Ở đây” hoàn toàn không liên quan đến bối cảnh vật lý, “bây giờ” không liên quan đến dòng thời gian vì khoảnh khắc hiện tại không phải một dấu mốc lịch sử mà là một không gian (space). Bộ phim Inception đã nêu bật lên một ý nghĩa rất quan trọng nữa, đó là: Hạnh phúc là một cách sống, là một sự lựa chọn.

Nếu mỗi người không thể gây dựng một thái độ sống, một cách tiếp cận cuộc sống cho riêng mình thì chúng ta sẽ mãi đắm chìm trong vòng xoáy cuộc đời – một chương trình máy tính đã bật nút khởi động với vòng lặp vô hạn. Khi ấy, chúng ta sẽ không có sự lựa chọn hay điểm nhìn tách biệt nào khi đứng trước một hoàn cảnh bất kỳ. Ta tự động phản ứng dựa trên những động lực không được ý thức soi sáng. Ta có mắt nhưng không thấy đường, sống chẳng khác nào chết.

Ý tưởng này được thể hiện trong phim bằng chi tiết các nhân vật tạo riêng cho mình những totem để xác định họ đang ở trong hiện thực hay trong giấc mơ. Hình ảnh này khiến tôi liên tưởng đến việc một người không xây dựng kỷ luật cho chính mình thì sẽ rất dễ sa ngã vào những cám dỗ, những thói nghiện độc hại (ma túy, tình dục, danh vọng, tiền bạc, quyền lực,…)

“Cô chưa từng thực sự nhớ được khởi đầu của một giấc mơ đúng không? Cô luôn nhảy ngay vào giữa những gì đang diễn ra. Vậy chúng ta đến đây bằng cách nào?”

Nếu đã nhìn thấy cửa ngõ ra/vào một giấc mơ/thực tại/ảo tưởng thì chúng ta còn bận tâm tới việc thoát ra khỏi nó nữa không? Vì một khi “sự thấy” xảy ra, ngay lập tức, bạn trở thành lối thoát. Việc sống trong hoàn cảnh nào không còn quan trọng nữa, đau đớn không còn quyền uy nữa, cái chết không còn đáng sợ nữa. Vì lúc đó, mọi thứ chỉ đơn giản là bạn đang sống.

Nói đến đây tôi lại nhớ tới câu chuyện Alice ở xứ sở thần tiên, khi cô bé gặp chú mèo Cheshire đang ngồi trên cây. “Tôi nên đi đường nào đây?” cô bé hỏi. “Cô muốn đi đâu?” chú mèo trả lời. “Tôi không biết,” Alice đáp. “Thế thì,” chú mèo nói, “đi đường nào cũng vậy thôi.”

1000726_745627508785049_1741687516_n

Inception không những thể hiện được góc nhìn về khoa học giấc mơ mà còn thể hiện được tính triết lý trong đó nữa. Bên cạnh những khía cạnh liên quan đến ý thức (awareness), bộ phim còn nêu bật lên tiềm năng sáng tạo vô hạn của con người bằng việc nâng cao trí tưởng tượng khi tiếp cận thế giới. Nó khuyến khích chúng ta nhìn nhận vấn đề theo góc độ đa chiều, vượt lên trên giới hạn của cơ thể vật lý để sáng tạo nên thực tại của riêng mình. Trong phim, Cobb và Mal – vợ mình, đã đi vào tầng limbo để xây dựng nên một thành phố khổng lồ của riêng hai người trong suốt 50 năm. Ở đó, họ cảm thấy mình như một đấng sáng tạo. Tất nhiên, họ chỉ có thể làm được điều đó trong giấc mơ – nơi vượt ra ngoài giới hạn vật lý của cơ thể.

“Người ta nói chúng ta mới chỉ dùng một phần nhỏ tiềm năng thật sự của não khi chúng ta tỉnh. Khi chúng ta ngủ, trí não có thể làm được hầu như mọi thứ.”

Việc nhìn nhận thế giới theo một cách khác đi là khả năng đạt được khi một người sử dụng chất thức thần. Psychedelics làm thay đổi tần số rung động của bạn và khiến bạn chứng kiến thực tại ở một dạng biểu hiện khác, từ đó thay đổi cảm giác, thái độ của bạn về thực tại.

Nhưng sau đó, thay vì tự rèn luyện cách đổi mới góc nhìn của bản thân, người ta lại lún sâu hơn vào việc sử dụng chất thức thần/chất kích thích/ma túy như một cách để trốn tránh thực tại vật lý, tìm kiếm một thứ gì đó cao siêu hơn cuộc sống thường ngày, hoặc để thức tỉnh/giác ngộ. Những người đó sẽ không bao giờ tìm ra được hạnh phúc chân thực vì thứ họ nhìn thấy trước và trong khi trip chỉ khác nhau ở vẻ bề ngoài, nhưng về bản chất chúng là một – cùng là những con sóng trong biển thực tại. Nếu không thấy vẻ đẹp ở thế giới hiện sống thì vẻ đẹp ta thấy trong chuyến trip chỉ là màn huyễn hoặc. Khi ấy, psychedelics không phải người dẫn đường mà trở thành thứ bịt mắt ta chặt hơn.

Trong bộ phim, có những người hàng ngày đều dành ra 3-4 tiếng để ngủ trong phòng thí nghiệm đặc biệt và mơ những giấc mơ có thể kéo dài 40 tiếng. Không ai có thể đánh thức họ dậy được nữa vì họ cho rằng mình đi ngủ để tỉnh dậy.

“Hạt giống mà chúng tôi cấy vào trí não người này sẽ nảy mầm thành một ý tưởng. Ý tưởng đó sẽ định hình anh ta. Nó có thể thay đổi mọi thứ về con người anh ta.”

Những ý tưởng Inception thể hiện khiến tôi không khỏi liên tưởng tới rất nhiều những bộ phim khác về đề tài giấc mơ trong suốt, thực tại song song và sự tự đánh lừa của tâm trí như: Vanilla Sky, Avatar, The Matrix, Truman Show, Interstellar, Arrival.

Inception là một bộ phim khoa học viễn tưởng nhưng không phải vì thế nó không thể hiện được những mặt gần gũi trong cuộc sống đời thường. Bộ phim đã khai thác những khía cạnh tâm lý (mối quan hệ gia đình, tổn thương trong quá khứ) ảnh hưởng đến xu hướng hành động, hành vi của con người trong tương lai. Chưa hết, những khao khát thẳm sâu nhất của con người là được yêu thương, sáng tạo và phát triển cũng được lật mở trong bộ phim đầy lôi cuốn này. Ngoài ra, sự ảnh hưởng của những người quyền lực, giàu có, nổi tiếng lên cục diện thế giới cũng được đề cập một cách tinh tế. Quả thực, phải có một đầu óc vĩ đại và kiệt xuất thì Christopher Nolan mới có thể tạo dựng nên tuyệt phẩm Inception này.

Về mặt kỹ thuật, tôi không nói nhiều nữa vì những giải thưởng bộ phim đạt được đã nói lên tất cả. Inception đã đoạt bốn Giải Oscar cho Quay phim xuất sắc nhất, Biên tập âm thanh xuất sắc nhất, Hòa âm hay nhất và Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất, và được đề cử ở bốn hạng mục khác: Phim hay nhất, Nhạc phim hay nhất, Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc nhất và Kịch bản gốc xuất sắc nhất.

Tóm lại, Inception là một bộ phim đáng giá và đáng xem, không chỉ một lần mà nhiều lần. 9.5/10 là điểm tôi dành cho kiệt tác này.

Điều cuối cùng tôi muốn nói ở đây, đó là:

“Ai nắm bắt được những ý tưởng, kẻ đó nắm bắt được tương lai.”

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top