alfonso-scarpa-va6m_wuzsou-unsplash

Bạn có đang chú ý tới những điều bạn đang chú ý tới?

Are you paying attention to what you’re paying attention to? Hay có thể nói cách khác là bạn có đang sống “chánh niệm” (mindfulness) không? Có lẽ nhiều người cũng đã từng nghe tới chữ “chánh niệm” rồi, nhưng vẫn còn chưa biết được nguồn gốc sâu xa của nó, nên tôi sẽ giúp bạn làm công việc nghiên cứu khó nuốt đó. Chữ “chánh niệm” trong tiếng Pali là sati, tiếng Phạn là smṛti, theo kinh Phật thì nó là điều kiện thứ 7 trong Bát Chánh Đạo, và cũng là yếu tố đầu tiêu trong Bảy Yếu Tố Giác Ngộ (Seven Factors of Enlightenment) (đó là căn cứ theo trang Wiki tiếng Anh, còn theo trang Wiki “Thất giác chi” tiếng Việt thì “Niệm” được xếp thứ 5 🤔), nó có nghĩa là:

Tỉnh giác, giữ được ý thức về thực tại (Pháp).

6 yếu tố còn lại theo thứ tự lần lượt là

2. (Investigation) Trạch pháp: Suy xét bản chất của thực tại, phân tích, biết phân biệt đúng sai

3. (Energy) Tinh tiến: chăm chỉ, kiên trì

4. (Joy / Rapture) Hỉ: tâm hoan hỉ, an vui

5. (Relaxation / Tranquility) Khinh an: tâm thức khinh an, sảng khoái, thư thái

6. (Concentration) Định: sự tập trung lắng đọng

7. (Equanimity) Xả: lòng buông xả, không câu chấp

Tôi nghe thấy có người hỏi, “Chánh niệm giúp được gì cho tôi? Tại sao tôi nên chánh niệm?” Socrates (được đa số mọi người xem là “ông tổ” của triết học) đã trả lời câu hỏi này vào năm 399 trước công nguyên, năm ông bị kết án tử hình vì tội làm hư hỏng giới trẻ, và bất kính với thần linh (không tin vào các vị thần Hy Lạp, thay vào đó ông liên tục nhắc tới một Thượng Đế duy nhất). Vào cuối phiên toà do chính ông tự bào chữa, ông nói rằng: “Một cuộc đời không được suy xét cẩn thận thì không đáng sống.” Socrates tin rằng mục đích của cuộc sống là để phát triển tâm linh và triết học.[1]

Bạn không thể trở thành một người tốt hơn nếu không luyện tập chánh niệm. Vì chỉ khi bạn ý thức được những gì đang diễn ra, bao gồm cả những ý nghĩ của bạn, và những gì khiến bạn chú ý, những đầu vào bạn hấp thụ, tiếp xúc mỗi ngày, thì bạn mới có thể đưa ra nhận định và lựa chọn điều gì thật sự tốt cho mình hay điều gì là nên bỏ đi. Trong tiếng Anh có câu “energy flows where attention goes”, khi bạn biết hướng sự chú ý của mình vào những gì quan trọng—những gì mang lại niềm vui, những điều chân-thiện-mỹ—là khi năng lượng của bạn được chảy đúng hướng, được hòa nhập với dòng chảy tiến hóa tự nhiên của vạn vật.

Bạn có biết sự chú ý, hay còn gọi là Ý Thức (awareness/consciousness), cũng chính là một trong những bản chất cốt lõi của bạn? Ý Thức này không phụ thuộc vào thân xác. Có nghĩa là trước khi bạn được sinh ra thì Ý Thức đã tồn tại, chỉ có điều là hầu hết mọi người đều không nhớ được khoảng thời gian trước khi sinh, nhưng đâu đó vẫn có những trường hợp ngoại lệ, Google biết rõ, và sau khi bạn chết thì Ý Thức vẫn tiếp diễn.[2]

“Chưa bao giờ ta không hiện hữu, ngươi và các vương hầu kia cũng vậy và sau này chẳng ai trong chúng ta ngừng hiện hữu.” – Đức Krishna (Chí Tôn Ca 2:12)

Theo kinh văn Vệ Đà thì Ý Thức là một trong 3 đặc điểm của God: Sat-Chit-Ananda (Existence-Consciousness-Bliss / Hiện hữu-Ý thức-Phúc lạc). Vì God là thường hằng nên Ý Thức cũng thường hằng. Trong thí nghiệm hai khe hở của vật lý lượng tử (https://bit.ly/3lN2qQG), Ý Thức quyết định phương trình. Ý Thức là cái quyết định xem thực tại là thô cứng hay chỉ là những khả năng vô hạn như một giấc mơ.

Cuộc đời bạn dường như được bắt đầu bằng ý thức, và nhiều người trong chúng ta có vẻ như cũng nghĩ rằng cảm giác chết chắc cũng giống cảm giác ngủ. Và ở giữa khoảnh khắc bắt đầu và kết thúc đó là thời gian bạn vun trồng phát triển nó, khiến nó trở nên tối ưu việt nhất có thể.

Sự quản lý Ý Thức, quản lý Tâm Trí này định hình thực tại của bạn, cai trị thế giới của bạn. Với một sự quản lý Tâm Trí tốt, bạn trở thành tác giả hay đạo diễn của đời mình. Bạn trở thành một Co-Creator, người đồng sáng tạo, thay vì chỉ là một tạo vật, creation. Khi đó bạn nhận ra rằng tự do đích thực thì nằm bên trong. Simone Weil[3] có câu,

“Sự chú ý tuyệt đối và không pha tạp là một lời cầu nguyện.”

Tất cả những chuyện này có thể nào giúp chúng ta chọn được một người bạn tốt không? Sao lại không. Bạn chọn một người bạn tốt bằng cách chọn một người có thể mang tới sự chú ý của bạn những gì khiến bạn kinh ngạc—“Kinh ngạc là phản ứng thích hợp dành cho thực tại.” (Terence McKenna)—những điều tuyệt vời, người có những chú ý thú vị có thể nới rộng trải nghiệm và thế giới quan, tri thức và trí tuệ của bạn.

Bạn có đang thật sự kiểm soát được tâm trí của chính mình không? Hay là tâm trí của bạn đã bị lập trình bởi văn hóa, tập thể, truyền thông, giải trí, tiêu thụ, chính trị? Khi bạn biết tu tập chánh niệm cũng là khi bạn nhận ra. Để kết thúc bài viết, chúng ta hãy cùng lắng nghe một thông điệp khác từ Terence McKenna:

“Cái gì thật chính là bạn, bạn của bạn, là những cơn phiêu, những lúc lên đỉnh, là niềm tin, những kế hoạch, những nỗi sợ hãi. Và, họ đã nói không, bạn không quan trọng, bạn là thứ yếu – kiếm một tấm bằng, kiếm một công việc, kiếm cái này, kiếm cái kia, và bạn trở thành một tay chơi. Bạn chẳng muốn chơi trò chơi này đâu. Cái bạn muốn là giành lại tâm trí của mình, đưa nó tránh xa bàn tay của những tên kĩ sư văn hóa, những người muốn biến bạn trở thành tên ngốc nửa mùa tiêu thụ hết tất cả mọi thứ rác rưởi được sản xuất ra từ xương máu của một thế giới đang chết.”

Hãy giành lại tâm trí của bạn. Hãy chú ý tới những gì bạn đang chú ý tới.

Tác giả: Huy Nguyen

Tham khảo

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top