“Bốn năm qua phần lớn là lãng phí, không thể phủ nhận điều đó. Những công việc lung tung, những khoảng thời gian dài không có việc làm và tình trạng thoái chí tất yếu vì không có tiền, rồi bắt đầu giao du với những kẻ ngu ngốc, ngớ ngẩn để không phải cô đơn, hoặc vì họ có thể tạm thời cung cấp cho anh một thứ gì đó, như Marc Priminger chẳng hạn.”
- Review Chỉ Thời Gian Có Thể Cất Lời – Jeffrey Archer
- Review Sách: Cánh Buồm Đỏ Thắm – The Scarlet Sails
- Review sách Người Lạ Trên Tàu – Patricia Highsmith
Đây có lẽ là một trong những câu khiến tôi rất thích vì nó miêu tả được tình trạng chán chường của Tom Ripley – cũng chính là căn nguyên của mọi tội lỗi sau này mà anh chàng sẽ gây ra.
Có lẽ rất hiếm khi các nhà văn dùng ác nhân làm nhân vật chính trong tác phẩm của mình. Ấy thế mà Patricia Highsmith thì đã tận dụng sự trái ngược ấy để tạo ra điểm nhấn khác lạ cho “Quý ngài tài năng” (The Talented Mr.Ripley). Nhưng chính vì sự kỳ lạ trong cách xây dựng hình tượng nhân vật đã làm cho đọc giả vô cùng tò mò và thích thú với nghi vấn: Liệu sự ngược đời này sẽ được thể hiện thế nào qua cốt truyện về cuộc đời của nhân vật Ripley – một kẻ tài năng như hắn liệu có đánh mất chính mình? Và các giá trị đạo đức và chuẩn mực cũ liệu có còn phù hợp khi đem vào phân tích tác phẩm này hay không?
Dưới góc độ trực quan, chúng ta có thể xem cuốn sách này kể lại hành trình tẩu thoát của Mr.Ripley Tom chơi với Dickie – một công tử nhà giàu, chính vì cuộc sống xa hoa của Dickie đã vực dậy trong lòng Tom khao khát sống trong nhung lụa. Từ đó, ác tâm trỗi dậy và Tom sát hại Dickie với động cơ là thừa hưởng cuộc đời hoa mỹ từ nạn nhân. Biệt tài bắt chước người khác đã được Tom sử dụng triệt để nhằm giả danh thành Dickie. Từ khả năng giả giọng và mô phỏng chữ ký điêu luyện cho đến tài “tùy cơ ứng biến” trong mọi tình huống, anh ta đã trót lọt qua mặt được sự điều tra của cảnh sát. Sự nhẫn tâm trong tính cách của Tom đã khiến anh ta quyết tâm trở thành Dickie cho bằng được và thành công trong việc tạo hiện trường giả cho cái chết ấy đã chứng minh sự tỉ mỉ và khéo léo bên cạnh dã tâm vô cùng lớn của anh ta. Điều khiến tôi thích thú nhất với nội dung là rất nhiều lần Tom có nguy cơ bị lật tẩy nhưng trong những giây phút “ngàn cân treo sợi tóc” nhất thì hắn đều lươn lẹo thoát được và trở thành nhân vật phản diện hấp dẫn đọc giả một cách lạ kỳ. Chính vì các tình huống “mèo vờn chuột” xảy ra trong truyện như thế mà bất thình lình, tôi có lúc lo lắng rằng Tom sẽ bị bắt và thậm chí là hy vọng hắn đừng bị lộ tẩy vì nếu không thì câu chuyện sẽ kết thúc mất. Cảm giác kịch tính này tương tự như lúc xem phim “Trò chơi ma sói”, khi người xem lúc nào cũng lo lắng việc các con ma sói ẩn náu trong đám dân làng bị phát hiện và phim sẽ kết thúc sớm.
Review sách Quý ngài tài năng của tác giả Patricia Highsmith
Tôi nghĩ việc tạo ra được hiệu ứng trái ngược này đều là nhờ vào tài năng xây dựng nội tâm nhân vật của Patricia Highsmith. Chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy được sự mâu thuẫn trong tâm lý của Tom, một mặt hắn ta chỉ đơn giản là ước ao một cuộc sống giàu sang đúng nghĩa, mặt khác thì ác tâm trỗi dậy trong lòng là những giây phút cám dỗ quá lớn khiến hắn không kiểm soát được lý trí – tựa như thật sự không muốn làm nhưng vẫn ra tay vì một phút yếu lòng. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở việc xây dựng cuộc đấu tranh tâm lý của nhân vật thì quyển sách này đã không nổi tiếng đến vậy. Đằng sau sự tàn ác của nhân vật chính là sự mỉa mai và bóc trần của tác giả dành cho xã hội ấy. Tom có thể thoát khỏi việc bị bắt không chỉ nhờ âm mưu và sự lươn lẹo mà mọi thứ trở nên hoàn hảo như thế đều có sự góp phần của những người xung quanh. Bức tranh về một xã hội u tối đã được Patricia Highsmith vẽ ra đầy thuyết phục và chính sự thối nát về mặt đạo đức đã khiến cho tội ác nghiễm nhiên tồn tại mà không để lại dấu vết.
Thực ra, nếu chiêm nghiệm kỹ về “Quý ngài tài năng”, chúng ta có thể nhìn thấy được chính mình ở nhân vật Tom Ripley. Một thời tuổi trẻ cuồng dại với khao khát được chứng tỏ bản thân và tìm kiếm giá trị sống cho cuộc đời. Ước mơ về một cuộc sống giàu sang thì tôi tin là ai cũng có và lòng tham luôn là một trong ba thói xấu tồn tại trong chúng ta. Chính vì tác giả xây dựng một nhân vật gần gũi với bản chất con người như thế nên đã tạo được sự đồng cảm cho bạn đọc. Có một câu nói của Tiến sĩ Lê Thẩm Dương như sau: “Bạn cảm thấy đạo đức là vì bạn chưa có cơ hội làm sai.” Khi chúng ta rơi vào tình huống như Tom, chắc gì trong lòng không trỗi dậy ác tâm vì một cuộc sống xa hoa phú quý. Và có thể nhiều người còn tàn nhẫn và tinh vi trong việc dàn dựng hơn cả Tom ấy, chẳng qua là chưa rơi vào tình huống ấy thì còn nghĩ bản thân cao đẹp mà thôi. Cái giá phải trả dĩ nhiên rất đắt vì khi đánh đổi mạng sống của người khác để giả danh và “sống hờ” cuộc đời của họ, chúng ta không còn là chính mình nữa. Vậy thì bạn có chấp nhận cách sống ấy như Mr.Ripley không?! Hãy nhớ thêm một điều kiện là bạn được sinh ra trong một hoàn cảnh thấp hèn, nghèo mạt, thiếu sự giáo dục về nhân cách, thiếu tình yêu thương của mọi người và luôn cảm thấy cuộc đời bất công. Dĩ nhiên là tôi không cổ xúy cho tội ác nhưng tôi thực lòng có chút đồng cảm cho cuộc đời của nhân vật. Về nguyên tắc, tôi ác nào cũng đáng bị trừng phạt dù có là vì nguyên cớ gì. Mà ở đây, Tom không chỉ phạm một tội ác, đáng lẽ ra không nên cổ vũ và thương cảm cho hắn. Nhưng một chút tình và một chút phân tích sâu xa hơn cần được đưa ra để có góc nhìn đa chiều hơn.
“Quý ngài tài năng” là một quyển sách đáng đọc khi nó cho chúng ta thấy được khía cạnh đen tối nhất trong sâu thẳm tâm hồn con người cũng như góc tối của xã hội thời bấy giờ. Yếu tố tâm lý tội phạm đã được tác giả khai thác gần như hoàn hảo. Sự chân thật đến từng hành vi của nhân vật đã được bộc lộ một cách tinh tế khiến chúng ta cảm giác tâm tư của bản thân cũng hệt như Tom. Thế mới biết khi tham sân si là những điều không thể tránh khỏi thì việc một người bình thường hóa thành kẻ sát nhân cũng không có gì đáng kinh ngạc.
Nguồn: Bách Việt Books