Có thực mới vực được đạo, câu này nên hiểu như thế nào?
Có người nói rằng “thực” tức là ăn, phải no cái bụng thì mới nói chuyện đạo lý, phải lo kiếm tiền đầy đủ rồi mới bắt đầu tu. Nghe thì có vẻ hợp lý nhưng khi suy xét kỹ, cách lý giải ấy không trọn vẹn triệt để. Tư duy này khiến người ta nghĩ rằng đạo và đời là hai thứ tách biệt, trong khi chúng là một. Bởi cách suy nghĩ như vậy nên một người sẽ có xu hướng không cần tự rèn luyện chính mình trong khi kiếm ăn, khi làm việc, khi giao tiếp với thế giới. Họ phải sống vô đạo trước rồi mới lo chuyện có đạo nếu “thực” đó không hề liên quan đến chuyện tu luyện chính mình – thứ họ để lại làm sau. Và việc “thực” là nền tảng cho “đạo” thì lại càng là ý tưởng sai lầm, không khác gì nói vật chất quyết định ý thức. Các nhà khoa học vật lý lượng tử hiện đại đã chứng minh ý thức quyết định vật chất chứ không phải điều ngược lại.
“Ý thức (consciousness) không thể diễn giải được trong những thuật ngữ vật lý. Bởi ý thức là nền tảng tuyệt đối. Nó không thể được diễn giải trong thuật ngữ của bất cứ thứ gì.” – Erwin Schrödinger
⭐️ Thí nghiệm hạt cơm: Ý thức ảnh hưởng đến vật chất như thế nào? – http://bit.ly/31O5jY9
Tất nhiên, no cái bụng hay ổn định về tài chính là điều kiện cần cho chuyện tu tập, nhưng không phải điều kiện đủ. Một người không cần quá no hay quá giàu để có thể chạm tới những giá trị tinh thần cao quý, thứ họ cần là ý chí hướng thiện và sự tinh tấn thực hành. Nhẫn nại, kỷ luật, thanh sạch và biết thương yêu mọi người là phẩm hạnh không phụ thuộc vào sự dư dật đồng tiền hay thể xác. Nó thuần thuộc về đời sống tinh thần, và cần một sự cơ bản về sức khỏe để đáp ứng.
Chuyện “vực được đạo” kia không phụ thuộc vào việc ăn uống hay kiếm tiền. Nó có thể xảy ra ngay lúc này, ngay tại đây mà không cần thêm điều gì khác. Đấy là chưa kể, đời sống “thực tế” của con người chỉ có thể được dồi dào ý nghĩa nhờ thực hành đạo lý. Hay nói cách khác là “có đạo mới vực được thực.”
Theo mình, chữ “thực” nên hiểu là thực hành, áp dụng đạo lý vào trong đời sống, tự mình kiểm chứng đạo lý bằng những trải nghiệm trực tiếp. Đó là cách hiện thực hóa “đạo”. Ví dụ luyện tập ăn uống tiết độ là đạo, giao tiếp nhẹ nhàng với khách hàng là đạo, làm tấm gương sáng cho con cái là đạo, kiên trì rèn luyện sức khỏe là đạo, điềm tĩnh trong những giai đoạn khó khăn thiếu thốn là đạo, v.v…
Lý thuyết mà không được áp dụng vào thực tế thì chỉ là chuyện hô hào suông, suy nghĩ mà không có hành động cụ thể thì chỉ là viển vông nghĩ quẩn sinh ra hoang tưởng hoang đường.
“Bậc thượng sĩ nghe đạo thì gắng sức thực hành. Người bình thường nghe đạo thì nửa tin nửa ngờ. Kẻ thấp kém nghe đạo thì cười lớn. Nếu không cười thì đạo không phải là đạo nữa.”
— Lão Tử, Đạo Đức Kinh (Vũ Thế Ngọc dịch)
Hay Đức Phật cũng đã nói:
“Này quý vị Kalama, đừng tin vì nghe truyền khẩu, đừng tin vì đó là truyền thống, đừng tin vì nghe đồn đại, đừng tin vì được ghi trong kinh điển, đừng tin vì lý luận, đừng tin vì suy diễn, đừng tin vì đã tư duy trên mọi lý lẽ, đừng tin vì dựa theo ý kiến đã được cân nhắc, đừng tin vì vị ấy có vẻ có uy quyền, đừng tin vì nghĩ rằng vị ấy là thầy của mình. Khi nào quý vị tự mình biết rõ: ‘Các pháp này là bất thiện; các pháp này là đáng chê; các pháp này bị người trí chỉ trích; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận, sẽ đưa đến bất hạnh khổ đau’, quý vị hãy từ bỏ chúng. Khi nào quý vị tự mình biết rõ: ‘Các pháp này là thiện; các pháp này là đáng khen; các pháp này được người trí ca ngợi; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận, sẽ đưa đến lợi lạc hạnh phúc’, quý vị hãy đạt đến và an trú.”
Còn trong Chí Tôn Ca có câu:
“Sự hiến dâng trí tuệ thì tốt đẹp hơn bất kỳ loại hiến dâng vật chất nào khác, Arjuna. Vì đích đến của mọi hành động là sự sáng suốt tâm linh.”
⭐️ Download miễn phí Chí Tôn Ca-SUYNGAM.VN Version: http://bit.ly/CTC_
Câu nói này đã khẳng định đạo lý là thứ cao quý và quan trọng bậc nhất trong đời người, bất kể người đó làm việc gì. Nếu việc làm ấy không nhằm hướng đến trí tuệ tâm linh thì nó chưa phải là điều tuyệt vời nhất. Cái “thực” nên được hiểu là việc một người đưa đạo vào trong đời sống, thấm nhuần vào chính mình mỗi phút giây, giúp người đó sống hướng thượng tiến hóa, chứ không phải “thực” là bỏ cơm vào miệng, đút tiền vào túi còn tâm linh thì để mặc trống rỗng, và sống như một người vô hồn. Việc sống đời sống tinh thần sẽ không cùng một thực tại với sự trì hoãn, vì khi bạn trì hoãn, bạn mở đường cho sự thoái hóa nhân phẩm được chen vào.
Có lẽ chính bởi việc hiểu sai câu nói “có thực mới vực được đạo” mà con người càng ngày càng rời xa chân lý và những giá trị đạo đức cơ bản. Hoặc nếu có ý tưởng chạm tới thì nó rất dễ lung lay, họ dễ dàng bị kéo ngược trở lại việc cần tích lũy vật chất nhiều hơn nữa để cảm thấy an toàn. Dần dà, họ lấy thích thú trong việc kiếm tiền thay vì sướng vui trong việc trau dồi phẩm hạnh. Nên con người thời nay thà dối trá để trục lợi về mình hơn là học cách biết đủ, biết hài lòng với cuộc sống. Vì hiểu sai câu nói nên người ta trì hoãn thực hành đạo lý để tập trung cho sự ấm no thân xác và những phẩm chất phù du khác: danh tiếng, quyền lực, nhan sắc, v.v…
Tóm lại, “có thực mới vực được đạo” nên được hiểu là một người cần tiếp xúc và ứng dụng các giá trị đạo đức vào trong đời sống, hoặc có thể hiểu thêm rằng sự ổn định tài chính và sức khỏe của họ là một trong các điều kiện thuận lợi (không phải quyết định) cho sự phát triển, tiến hóa tâm linh. Mục đích cuối cùng của tất cả mọi việc là sự tăng trưởng trí tuệ. Khi trí tuệ được vực dậy, con người mới có thể ngẩng cao đầu. Hay theo cách nói của Terence McKenna là, “Ta bỏ lại đằng sau thân xác của loài khỉ. Ta dang cánh bay.”
Tác giả: Hòa Taro
Ảnh minh họa: winner01/pixabay
Giới thiệu về SUYNGAM.VN Deep Club (SUYNGAM.VN Online Ashram)
“Hỡi người chinh phục kẻ thù, sự hiến dâng trí tuệ thì tốt đẹp hơn bất kỳ loại hiến dâng vật chất nào khác. Vì đích đến của mọi hành động là trí tuệ tâm linh.” – Đức Krishna (Chí Tôn Ca 4:33)
Các chủ đề, nội dung có thể được chia sẻ, thảo luận trong Deep Club
“Có ánh sáng ở cuối đường hầm. Vấn đề là cái đường hầm đó nằm sau tâm trí của bạn. Và nếu bạn không đi đến đằng sau tâm trí của mình thì bạn sẽ không bao giờ thấy được ánh sáng ở cuối đường hầm. Và một khi bạn đã thấy được nó, nhiệm vụ của bạn là đưa nó vào chính mình và người khác. Lan truyền nó như một thực tại. God đã không nghỉ ngơi, về hưu ở tầng trời mật độ 7, God là một châu lục đã bị thất lạc trong tâm trí con người.” – Terence McKenna