gic3a1o-vic3aan-tie1babfng-anh

7 ngộ nhận và 7 cách đánh giá chất lượng của một giáo viên tiếng Anh

(2415 chữ, 10 phút đọc)

Tôi viết bài viết này không nhằm vào một cá nhân hoặc một tập thể nào với mục đích dìm hàng hay chơi xấu mà với mục đích hướng dẫn những người có nhu cầu học tiếng Anh nghiêm túc có những quy chuẩn khách quan để đánh giá chất lượng của một giáo viên tiếng Anh để việc học có hiệu quả và đừng tiền mất tật mang.

I. Những ngộ nhận trong việc chọn giáo viên tiếng Anh 

Dù có thích học tiếng Anh hay không thì không ai có thể phủ nhận được tầm quan trọng của tiếng Anh trong cuộc sống hàng ngày. Tuy cơn sốt học tiếng Anh hiện nay không còn quá hot như cách đây mười mấy hai mươi năm trước nhưng người ta vẫn không vì thế mà không có nhu cầu tìm cho mình một chỗ học tiếng Anh đáng tin cậy mong cải thiện trình độ tiếng Anh của mình. Tuy nhiên để có những tiêu chí đúng đắn để đánh giá một giáo viên tiếng Anh thế nào là giỏi không phải là một điều dễ dàng. Người học thường dựa vào những tiêu chí rất chủ quan và thiếu cơ sở lý tính để đánh giá như:

  1. Thâm niên giảng dạy – Dạy càng lớn đồng nghĩa với lại việc dạy càng hay.
  2. Một lớp học cả trăm người theo học – Phải dạy hay thì người ta mới theo học đông như thế chứ.
  3. Học phí rất đắt – Tiền nào của đó.
  4. Giáo viên từng dạy ở những trung tâm nổi tiếng – Được những trung tâm lớn mời tất nhiên phải giỏi hơn người khác.
  5. Bảo đảm tỷ lệ đậu rất cao – Hình như đây là tiêu chí hàng đầu để chọn giáo viên hiện nay.
  6. Vui tính, có nhiều mẹo học hay – Học mà thoải mái vui vẻ lại được chỉ cho nhiều mẹo vặt làm bài nhanh ai mà chả thích.
  7. Từng học ở nước ngoài về – Nước ngoài tất nhiên phải giỏi hơn nước trong là cái chắc.

Đứng ở góc độ một giáo viên, tôi sẽ phân tích sự bất hợp lý của từng tiêu chí để mọi người có cái nhìn đúng đắn hơn:

1. Thâm niên giảng dạy: Một người dạy lâu chưa chắc là một người dạy hay vì điều quan trọng không phải là bạn làm công việc đó bao lâu mà trong quá trình làm công việc đó bạn có ý thức cập nhật thông tin mới và sửa những lỗi cũ không. Nếu một người dạy lâu năm nhưng vẫn mắc những lối sai sơ đẳng và không cập nhật được những cách dạy mới thì giáo viên đó không thể là một giáo viên dạy tốt được.

2. Lớp học càng đông đồng nghĩa với giáo viên giỏi: Tôi đã từng đi học những lớp luyện thi toán lý hóa hàng trăm học sinh ngồi chen chúc nhau như cá mòi hộp đến mức thở không nổi và giáo viên ở trên cứ dạy còn học trò ở dưới làm gì thì làm, hiểu hay không cũng mặc. Dạy học là một quá trình tương tác giữa thầy và trò, một giáo viên dù giỏi cách mấy cũng không thể tương tác và đáp ứng nhu cầu của hàng trăm học viên cùng một lúc. Hãy nghĩ thử xem, nếu bạn có thắc mắc gì hoặc lỗi sai gì, giáo viên đó làm sao sửa cho bạn?

3. Học phí đắt: Nhiều cơ sở ngoại ngữ tự phát nhắm vào nhu cầu học cấp tốc lấy bằng của các bạn đợi nước đến chân mới nhảy tha hồ mà hét những mức giá khủng khiếp (từ chục triệu trở lên) cho một khóa học ngắn hạn với lời hứa đầy cám dỗ: Bảo đảm đậu, không đậu sẽ hoàn tiền lại. Vấn đề ở chỗ là nếu bạn không đậu bạn nghĩ rằng họ có hoàn tiền lại cho bạn không? Có những nơi dồn một chương trình học quá tải (6 tiếng một ngày) vào một thời gian quá ngắn để học viên tự ngán ngẩm mà bỏ cuộc để rồi lúc đó bạn sẽ nghĩ rằng tại mình theo không nổi chứ không phải là tại trung tâm/giáo viên.

4. Những giáo viên dạy ở những trung tâm nổi tiếng chưa hẳn là những giáo viên dạy giỏi vì nhu cầu nhận giáo viên của các trung tâm rất lớn và những giáo viên đã từng dạy ở các trung tâm lớn bị sa thải cũng rất nhiều. Có những giáo viên dạy ở những trung tâm lớn lâu năm nhưng chỉ dạy được ở những trình độ thấp hoặc cũng có những giáo viên vào thử việc vài tháng không trụ nổi bị buộc thôi việc. Cả giáo viên nước ngoài cũng vậy. Dạy ở đâu không quan trọng, quan trọng là chất lượng giảng dạy của giáo viên đó như thế nào.

5. Bảo đảm tỉ lệ thi đậu cao trong thời gian ngắn: Nếu mục đích của bạn học tiếng Anh để đối phó, lấy cái bằng trả nợ hoặc thích học tủ mà không cần thực lực thì đây chính là những nơi bạn nên đăng ký vì nó sẽ đáp ứng nhu cầu bằng cấp nhưng không cần kiến thức của bạn.

6. Vui tính, dễ dãi và có nhiều mẹo hoặc bí quyết: Đây cũng là một chiêu đánh vào tính thích lánh nặng tìm nhẹ, học không chịu nỗ lực mà phải năn nỉ hoặc ngọt ngào thì mới học đồng thời thích học mẹo để làm bài cho nhanh của rất nhiều bạn trẻ. Tôi rất dị ứng với những giáo viên đùa giỡn với học viên của mình như kiểu bằng vai phải lứa hoặc suốt ngày rủ đi cafe trà sữa xem phim rồi chat nhảm. Là một giáo viên bạn phải có sự tôn nghiêm của bản thân mình và cần phải nghiêm khắc đúng nơi đúng chỗ. Hơn nữa, một giáo viên giỏi không cần phải lấy lòng học trò bằng sự dễ dãi hoặc những mánh khóe chiêu trò.

7. Những giáo viên từng du học về: Không phải ai học ở nước ngoài đều có thể dạy được tiếng Anh vì học đúng chuyên nganh sư phạm tiếng Anh ở các nước Anh, Úc, Mỹ, Canada…cực kỳ khó chứ không đơn giản. Một người từng học ở nước ngoài về có thể học một ngành không liên quan nhưng không kiếm được việc làm nên ra dạy tiếng Anh thì chưa chắc gì đã có kinh nghiệm và phương pháp sư phạm. Điều này cũng đúng khi xét đến trường hợp giáo viên nước ngoài.

II. Những đặc điểm nhận biết một giáo viên Anh ngữ giỏi và đáng tin cậy

Vậy là tôi đã hướng dẫn các bạn học tiếng Anh nghiêm túc tránh những ngộ nhận khi quyết định chọn một giáo viên Anh Văn để khỏi phải rơi vào tình trạng tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc để học nhưng vẫn không đạt được hiệu quả. Tiếp theo, tôi muốn nói về những đặc điểm nhận biết một giáo viên Anh ngữ giỏi và đáng tin cậy:

1. Phát âm tốt: Một giáo viên ngoại ngữ gây ấn tượng cho người tiếp xúc lần đầu về trình độ của mình chính là qua cách phát âm. Một giáo viên tiếng Anh giỏi thường chú ý đến việc luyện phát âm của mình cho thật tốt. Có thể họ phát âm không bằng người bản ngữ nhưng ít nhất họ sẽ không mắc những lỗi phát âm cơ bản thường gặp ở người Việt khi nói tiếng Anh. Thật lòng mà nói tôi rất dị ứng với những giáo viên tiếng Anh nhất là những giáo viên trẻ phát âm “is” thì đọc là “i”, “was” đọc là “quơ”, “because” đọc là “bì khơ” và hoàn toàn bỏ âm cuối. Tại sao ư? Vì đây là những từ rất dễ đọc đúng và rất dễ sửa. Là một giáo viên, điều quan trọng đầu tiên là khả năng tự học và tự sửa lỗi của bản thân mình, nếu những điều đơn giản này bao nhiêu năm đi học và đi dạy mà vẫn không chịu quyết tâm sửa thì nói thật giáo viên đó không đủ trình độ dạy người khác.

2. Có cách giải thích hợp lý và chứng minh những công thức một cách thuyết phục: Tiếng Anh là một ngôn ngữ mang tính logic cao. Tính logic của tiếng Anh tạo cho người dạy học một lợi thế là có thể đưa ra những công thức về cấu trúc câu nhưng điều này không có nghĩa là khi dạy chỉ bắt học trò học thuộc lòng công thức rồi đọc đi đọc lại như con vẹt vì công thức về ngôn ngữ còn dựa vào ý nghĩa chứ không 100% thuần lý tính như đối với các môn khoa học tự nhiên. Một giáo viên giỏi phải biết giải thích công thức hợp tình hợp lý và giải thích được chức năng của các thành phần câu chứ không phải đơn thuần là lặp lại những gì mình đã được học trước đây rồi bắt học trò nhai lại theo mình.

3. Có sự hiểu biết nhất định về văn hóa Anh-Mỹ: Một giáo viên dạy tiếng Anh giỏi nhất định phải có những hiểu biết về văn hóa Anh/Mỹ/Úc vì thời buổi này bạn không cần ra nước ngoài mới có thể hòa nhập được với môi trường văn hóa mà qua phim ảnh, sách báo, internet bạn vẫn có thể học được rất nhiều thứ hay ho để dạy cho học trò mình. Ngôn ngữ là một sản phẩm của văn hóa và mang đặc trưng của nền văn hóa đó. Một người dạy ngôn ngữ nhưng không chịu tương tác và tiếp xúc với văn hóa thì không thể là một người dạy ngôn ngữ giỏi được. Nhiều giáo viên dạy tiếng Anh mười mấy năm nhưng tác phong vẫn rất lề mề chậm chạp, ngại giao tiếp với người bản ngữ, không bao giờ đọc sách hoặc những trang web bằng tiếng Anh, không chịu xem phim, nghe nhạc tiếng Anh thậm chí font điện thoại cũng chuyển sang tiếng Việt nốt thì đừng mong họ dạy bạn được những gì cao siêu.

4. Luôn hướng dẫn cho học viên cách suy luận tư duy: Một điều nữa mà tôi khá dị ứng trong cách dạy tiếng Anh ở các trung tâm với những học viên người lớn là việc gõ bảng bắt học viên đọc đi đọc lại công thức cho tới khi thuộc bài vì đó là cách dạy trẻ con. Trẻ con khác với người lớn là tư duy logic chưa đủ phát triển để suy luận và liên kết các vấn đề lại với nhau nên để các bé nhớ bài nhanh, cách tốt nhất là bắt đọc nhắc lại nhiều lần đến khi nhớ công thức. Người lớn thì muốn học tốt phải dựa trên khả năng suy luận kết nối các vấn đề lại với nhau để nếu có quên thì họ vẫn có thể lần tìm được mấu chốt vấn đề nếu biết cách tư duy. Một giáo viên giỏi phải làm được việc hướng dẫn cách tư duy logic thay vì nhồi vào đầu thông tin nhưng không cần hiểu.

5. Hướng dẫn cho học viên cách luyện tập đúng cách: Một giáo viên giỏi chắc chắn sẽ có những cách học đúng đắn. Tuy nhiên có người sẽ giữ làm của riêng sợ chia sẻ với người khác để học viên lệ thuộc vào mình. Có người vì chạy theo doanh số hoặc thu nhập thay vì chỉ cho học viên cách học đúng thì lại chỉ những mẹo vớ vẩn rồi hứa hươu hứa vượn về kết quả. Giáo viên có tâm sẽ không làm điều đó mà họ sẽ đưa ra lời khuyên thực tế nhất về cách học dựa trên trình độ, thói quen học tập và ưu nhược điểm của từng học viên. Và họ không bao giờ khuyến khích học cấp tốc.

6. Luôn hướng dẫn cho học sinh sự tương quan giữa tiếng Anh và tiếng Việt: Nếu bạn là một giáo viên ngoại ngữ nghiêm túc, bạn sẽ không chỉ dạy học sinh những gì có trong sách giáo khoa mà mở rộng kiến thức theo hướng bám sát thực tế. Một trong những vấn đề mà người học ngoại ngữ ít để ý tới nhất là sự tương quan giữa tiếng mẹ đẻ và ngôn ngữ mình học. Một giáo viên ngoại ngữ giỏi là người luôn chú ý đến những sự khác biệt và tương đồng này để dạy cho học trò của mình phân biệt đừng mắc phải những lỗi ngớ ngẩn dịch câu theo kiểu “google translate” mà phải hiểu được nghĩa của câu khi dịch sang tiếng Việt hoặc tiếng Anh. Có rất nhiều giáo viên dạy lâu năm bị đứng hình khi tôi hỏi hai từ “realize” và “recognize” khác nhau về nghĩa thế nào, hoặc dịch câu: “Tôi thèm ăn những món ăn mẹ tôi nấu” sang tiếng Anh như thế nào? Một giáo viên không sửa học trò mình khi dịch câu: “If you don’t behave, I won’t let you invite your friends to our house this weekend” thành “nếu bạn không cư xử tốt, tôi sẽ không để bạn mời bạn bè của bạn về nhà của chúng ta cuối tuần này” là một giáo viên quá xoàng. (Một người chú ý đến sự khác biệt về văn hóa sử dụng đại từ trong tiếng Anh và tiếng Việt sẽ dịch câu này thành: Nếu con không ngoan, bố/mẹ sẽ không cho con mời bạn về nhà chơi cuối tuần.)

7. Chấp nhận sự chất vấn, phản biện của học trò và dám nhận sai: Một giáo viên có bản lĩnh không bao giờ sợ hoặc né tránh những thắc mắc của học viên liên quan đến kiến thức mình đang giảng dạy. Đừng bắt học viên phải nghe lời những gì mình dạy như lời Chúa phán mà hãy chuẩn bị để trả lời những câu hỏi chính đáng hoặc đón nhận những phản biện. Khi sai hãy dũng cảm nhận sai và sửa sai. Đó mới là cách giữ được hình tượng tốt đẹp trong lòng học trò của mình.

Tác giả: Vien Huynh
Biên tập:
*Featured Image: Pexels 

📌  ➡️

📌   ➡️  

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top