whiplash-1700x1133-1

Whiplash – Cái giá phải trả để trở nên vĩ đại

thđp review

(1349 chữ, 5.5 phút đọc)

Whiplash là một bộ phim về chủ đề theo đuổi đam mê của người trẻ, cụ thể là theo đuổi con đường âm nhạc. Nó kể câu chuyện về một chàng trai trẻ Andrew Neyman (Miles Teller) sở hữu thực tài chơi trống, có mơ ước một ngày có thể trở thành huyền thoại, sánh ngang tầm Buddy Rich. Cuộc gặp tình cờ với thầy giáo Terence Fletcher (J.K. Simmons) mau chóng đưa cậu đến với ban nhạc danh giá nhất ngôi trường. Tưởng rằng mọi chuyện sẽ suôn sẻ, ngọt ngào, nhưng sự thật rằng Andrew bắt đầu rơi vào một cơn ác mộng khủng khiếp không hề mong đợi khi phải đối mặt với thầy Terence khắt khe cực đoan, sẵn sàng sỉ nhục, chửi rủa, thậm chí sử dụng bạo lực đối với sinh viên nếu làm trái ý mình hoặc chưa đạt yêu cầu trong luyện tập.

Xem phim, người ta có thể dễ dàng thấy ấn tượng hơn với vai diễn thầy giáo Terence khắc nghiệt, tàn nhẫn và phức tạp trong nội tâm so với chàng trai trẻ mang trong mình đam mê chơi trống. Xuyên suốt bộ phim, thầy ấy chỉ diện trang phục màu đen, điều này lại càng tăng cường cảm giác căng thẳng, áp lực và bí hiểm trong bầu không khí. Việc Andrew tương tác với thầy Terence trong ban nhạc là hàm ý cho việc cậu phải đối mặt với góc tối của chính mình, tôi luyện mình trong áp lực. Vì người thầy thường khoét sâu vào những nỗi sợ hãi, những tự tôn của sinh viên để sỉ nhục, chế giễu. Thậm chí những lời khẳng định tồi tệ nhất ông cũng dùng để gia tăng sức ép cho học trò, đẩy họ vượt qua những giới hạn. Những sự yếu kém, những nhược điểm được thầy làm trỗi lên trên bề mặt để người nào thật sự mạnh mẽ và ý chí sẽ chiến thắng được, còn những ai không đủ sự kiên cường thì sẽ bị kéo tuột trở lại cùng những lời lẽ đau đớn găm vào tận tâm can.

Đối với thầy Terence Fletcher, những gì mà ông đang cố gắng thực hiện, bất chấp việc nó đi ngược lại với vấn đề đạo đức con người, đều nhằm mục đích tìm ra những vĩ nhân thật sự trong âm nhạc. Chỉ có họ mới là người khẳng định được bản thân trong những sự khắc nghiệt, không chỉ bằng tài năng mà còn bằng ý chí và nghị lực phi thường. Còn tất cả những người không vượt qua được cửa ải mà ông thầy đã cố gắng dàn dựng nên thì đều không xứng đáng.

Terence mang yêu cầu cao đối với học trò để thúc họ vượt lên trên chính bản thân mình, khiến họ không được tự hài lòng hay nằm lại với một chút thành công nhỏ. Ông cho rằng “good job” (làm tốt lắm) là hai từ nguy hại nhất trong tiếng Anh. Để trở nên thật sự vĩ đại (great), một người phải vượt lên cả sự tốt (good) thông thường.

J.K. Simmons vô cùng xứng đáng với giải Oscar và giải Quả cầu vàng hạng mục nam phụ xuất sắc nhất cho vai diễn ông thầy tàn nhẫn. Vẻ mặt lạnh lùng, đôi mắt rực lửa cuồn cuộn cùng những câu chửi không thương tiếc, và những sự thúc ép điên cuồng khiến học trò tập luyện tóe máu đã trở thành nỗi ám ảnh cho người xem. Thử đặt mình vào trong hoàn cảnh của Andrew và hình dung, nếu tình yêu với trống không đủ lớn thì chắc cậu chàng cũng hãi vãi ra quần mà bỏ cuộc.

Miles Teller trước khi tham gia bộ phim vào vai Andrew là một người tập chơi trống từ năm 15 tuổi. Tuy nhiên, cậu thích thể loại rock n’ roll trong khi nhạc jazz lại là chủ đạo của bộ phim. Teller đã phải học thêm những kỹ thuật chơi trống sao cho phù hợp với dòng nhạc này. Cậu luyện tập 3-4h mỗi ngày trong vòng 2 tháng cùng với người hướng dẫn Nate Lang – người cũng vào vai đối thủ của Andrew trong phim.

Để lên cảnh phim thì chơi trống khó thể làm giả hơn so với các nhạc cụ khác. Nếu là chơi piano thì bàn tay của diễn viên có thể ẩn khỏi ống kính máy quay. Nhưng đánh trống thì không thể ẩn đi được. Việc lấy nội dung xoay quanh những chiếc trống là một sự mạo hiểm và nó đòi hỏi sự đầu tư công phu của những người làm phim để cho ra mắt được những cảnh quay chân thực và chính xác nhất.

Trong gần 2 tiếng của Whiplash, người xem được chứng kiến sự thay đổi trong thái độ, thần thái của Andrew. Từ một chàng trai với vẻ non nớt, ủy mị lúc ban đầu dần dần trở nên một người đàn ông với đam mê cháy bỏng và ý chí quật cường. Andrew đã không chỉ đánh đổi máu, mồ hôi, nước mắt, thậm chí mạo hiểm tính mạng mình trên con đường trở thành một tay trống vĩ đại, cậu còn vứt bỏ cả những mối quan hệ, những nỗi sợ hãi thất bại, hay sự sĩ diện của bản thân trước đám đông. Tất cả đều được gạt đi hết để chỉ còn cậu hiện diện với dàn trống cùng tình yêu mãnh liệt của mình.

“I’d rather die drunk, broke at 34 and have people at a dinner table talk about me than live to be rich and sober at 90 and nobody remembered who I was.” – Andrew

Bên cạnh ý tưởng “làm trai đứng ở trong trời đất, phải có danh gì với núi sông,” một thông điệp được truyền tải rất rõ ràng ở Whiplash đó là “Practice makes perfect.” Luyện tập, luyện tập, luyện tập không ngưng nghỉ. Không biện hộ, không bỏ cuộc thì một người mới có thể tiến tới được những đỉnh cao mơ ước. Không chỉ trong âm nhạc mà trong các lĩnh vực khác cũng tương tự.

Whiplash chủ yếu đi sâu vào những buổi tập luyện trống của Andrew một mình hay với thầy Terrence Fletcher. Mọi tình tiết bên lề khác chỉ được xuất hiện nhằm mục đích khẳng định niềm đam mê âm nhạc của Andrew. Cấu trúc của phim được lược giản và tinh lọc tối đa khiến người xem càng tập trung chú ý sâu sắc hơn vào cuộc hành trình âm nhạc của cậu. Lúc ban đầu tôi cảm thấy bộ phim có phần nhạt nhẽo, đơn điệu, thầm nghĩ trong bụng rằng có mỗi một bài mà tập mãi không xong. Nhưng chỉ đến khi chứng kiến cái kết tôi mới thấy được những gì dàn dựng đều có lý do và hoàn toàn đúng đắn.

Bộ phim có cấu trúc đầu cuối tương ứng đều là màn chơi trống của Andrew nhưng mở đầu và kết thúc thì nhân vật chính ở trong hai trạng thái, hai đẳng cấp khác biệt. Điều đáng chú ý ở đây đó là Whiplash chỉ có những cảnh quay dành cho người nghệ sĩ mà không thấy chú trọng đến phản ứng của khán giả. Sự hò reo, tán thưởng hay tung hô đều không xuất hiện. Điều này như thể một lời nhắn nhủ rằng để trở nên vĩ nhân, một người phải bỏ qua sự liên đới với đám đông và chỉ tập trung vào con đường của chính mình một cách triệt để nhất. Phản ứng của thế giới chỉ là thứ đến sau một màn trình diễn xuất chúng.

Có thể nói, Whiplash mang trong mình một nguồn cảm hứng to lớn dành cho người xem. Nếu bạn đang trên đường khẳng định bản thân, phát triển niềm đam mê thì tác phẩm điện ảnh này xứng đáng là một nguồn khích lệ tuyệt vời. 9/10 là điểm dành cho Whiplash.

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top