bfs05

Thế chiến từ một góc nhìn không phải Hollywood

Battle for Sevastopol (tiếng Nga “Битва за Севастополь”), còn tiêu đề tiếng Ukraine là “Незламна” (Không thể hủy diệt – người viết tạm dịch) là một bộ phim về cuộc đời của người nữ thiện xạ bắn tỉa huyền thoại Lyudmila Pavlichenko. Tôi đã viết thêm về tiểu sử và cuộc đời của bà và sẽ gửi đến các bạn trong thời gian tới.

Nhiều năm về trước, người Mỹ thực hiện một bộ phim về thế chiến thứ hai mang tên “Enemy at the Gates: The Battle for Stalingrad” (Kẻ thù trước cổng: Trận đánh vì Stalingrad”), và dựa trên tiểu sử của nhân vật Vasily Grigoryevich Zaytsev, ông cũng là người lính bắn tỉa nổi tiếng của Hồng quân và cũng được phong danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Bộ phim này cũng rất hay, nhưng người Nga không thích và chỉ trích rằng các nhà làm phim của Hoa Kỳ “sáng tác” lịch sử quá nhiều và xây dựng nhân vật Vasily Zaytsev khác hoàn toàn so với thực tế, mang đậm màu Hoa Kỳ chứ không có chút “Tính cách Nga” nào hết.

Poster phim Battle for Sevastopol

Battle for Sevastopol thì khác, là một bộ phim hợp tác giữa Nga và Ukraine, do những người Nga và những người Ukraine thực hiện, khắc họa chân dung và tính cách của một huyền thoại Xô-viết và vì thế bộ phim này trung thành hơn với thực tế. Và tất nhiên lần nữa, nếu bảo Battle for Sevastopol giống hệt thực tế thì cũng sai, để đáp ứng thị hiếu của người xem bây giờ và để giảm bớt sự nặng nề của một bộ phim đề tài lịch sử, thì đương nhiên các nhà làm phim phải lồng ghép một vài yếu tố “thị trường” vào phim cho nó hấp dẫn khán giá, như tình yêu và thậm chí là tình dục.

Nhưng chính những cái thêm thắt ấy lại làm cho bộ phim chân thực hơn – nhân vật Lyudmila Pavlichenko được xây dựng không phải là một cỗ máy giết chóc thấm nhuần lý tưởng cao đẹp, mà chỉ là một cô gái trẻ bình dị và cũng biết yêu, cũng có ước mơ về gia đình, ước mơ được làm mẹ như bao người phụ nữ khác. Nhưng chiến tranh tàn bạo ập đến, nó cướp đi tất cả của cô, từ cuộc đời bình thường êm ấm cho tới những người đồng đội, đồng chí và cả người cô yêu thương. Nỗi đau ấy khiến trái tim của Lyudmila Pavlichenko mang một mối căm thù sâu nặng với phát xít, và chính từ nỗi đau ấy, Quý bà Tử thần ra đời.

Diễn viên Evgeniy Tsyganov (trái – nhân vật Leonid Kitsenko) và Yulia Peresild (phải, nhân vật Lyudmila Pavlichenko)
Nguồn: TASS/ITAR-TASS

Những chi tiết bình dị đời thường được các nhà làm phim chuyển vào trong nhân vật Lyudmila Pavlichenko cũng gợi nhắc đến đoạn tùy bút nổi tiếng của nhà văn, nhà báo Ilya Ehrenburg: “Lòng yêu nước ban đầu là yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùa cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh. Chiến tranh khiến cho mỗi công dân Xô-viết nhận ra vẻ thanh tú của chốn quê hương”.

Cảnh quay trong phim đẹp đến hút hồn. Từ những nét thanh bình ở công viên, bãi biến quanh thành phố Odessa, bữa ăn thân mật của một gia đình trí thức Xô-viết, rồi cảnh ác liệt trải dài từ chốn thao trường cho đến chiến trường – những người lính tập sự lấm lem bùn đất, những người lính ngã xuống với dòng máu đỏ tươi hòa vào đất mẹ, hay những cảnh phục kích gian khổ của người xạ thủ bắn tỉa, và cả cảnh quay hoành tráng khi đoàn tàu di tản về Sevastopol không quân phát xít Đức tấn công… Bản thân tôi thích nhất đoạn phim (xin lỗi các bạn vì làm lộ nội dung phim) khi Lyudmila Pavlichenko cùng người đồng đội, cũng là người yêu của cô, đi trên cánh đồng hoa tím ngắt và rơi vào ổ phục kích, những loạt pháo đuổi theo họ trên cánh đồng, và hình ảnh người yêu của Lyudmila Pavlichenko lấy thân mình che chở cho cô và hy sinh. Một cảnh tượng đầy bi tráng.

Trong bộ phim cũng có một vài chi tiết tôi rất chú ý. Một cô gái lao ra làn đạn để dìu người đồng đội bị thương của mình về, và lôi anh vào một cái hố do đạn pháo đào lên. Trong hố có một tên lính phát xít Đức bị thương nặng, hắn chĩa súng về phía hai người lính Xô-viết. Cô gái rất sợ, nhưng vẫn chìa bi đông nước cho tên lính phát xít, và rồi vẫn băng bó cho hắn. Phải nói rằng các nhà làm phim vô cùng tinh tế và sâu sắc khi chắt lọc được chi tiết nhân văn ấy trong cuộc chiến tranh tàn bạo, và gửi gắm vào trong bộ phim.

Có vô vàn những chi tiết nhỏ khắc họa hình tượng những người lính Xô-viết trong thế chiến thứ hai, như những người lính Hải quân Đánh bộ của Hạm đội biển Đen không hề muốn bỏ bộ quân phục, niềm tự hào của họ, để mặc quân phục của bộ binh chẳng hạn… Và tôi thích nhất một câu nói trong phim: “Không nên sống chỉ để báo thù. Chiến tranh không chỉ có cái chết, nó vẫn còn … đại khái là cuộc sống. Nếu em không thể tìm ra lý do để sống trong cuộc chiến này, thì nó sẽ giết (cô)…”

Chúng ta biết đến điện ảnh Xô-viết với những tác phẩm kinh điển như “Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân», “Moskva không tin vào nước mắt”, “ Hãy đến mà xem», hoặc vui vẻ hơn, “Hãy đợi đấy”… Kế thừa những vinh quang của điện ảnh Xô-viết, điện ảnh Nga và một số nước thuộc Liên Xô cũ vẫn có những tác phẩm xuất sắc như “Pháo đài Brest”, hoặc vui vẻ như bộ phim hài tình huống “Кухня – Nhà bếp”…

Và như bao bộ phim, Battle for Sevastopol cũng có những câu chuyện hậu trường. Battle for Sevastopol được ghi hình tại thành phố Sevastopol vào tháng 11 và 12 năm 2013, khi ấy ở Ukraine đâng diễn ra sự kiện (nổi loạn) Maidan ở Kiev, và người ta chứng kiến sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi mang màu sắc phát xít ở chính nơi từng là tiền đồn chống chủ nghĩa phát xít.
“Tôi nghĩ là chúng tôi không được phép ngừng quay phim, kể cả chuyện gì xảy ra đi chăng nữa”, đạo diễn Sergey Mokritsky hồi tưởng, “Càng nhanh càng tốt, vì nếu để sau thì chẳng biết có còn làm được nữa không”.

Sự khác biệt về tiêu đề bộ phim phải chăng còn “vô tình” mang một ẩn ý chính trị, thể hiện niềm cay đắng khủng khiếp ở thời kỳ chia rẽ sâu sắc giữa Nga và Ukraine.

Cái tên “Chiến đấu vì Sevastopol” trong tiếng Nga dường như gắn với tiếng vang của lòng tự hào dân tộc trong người Nga, song hành với sự kiện “Krym trở về đất mẹ” tháng ba năm ngoài. Còn tên gọi “Không thể hủy diệt” trong tiếng Ukraine dường như ám chỉ tinh thần bất khuất của những người nổi dậy ở miền đồng Ukraine.

Moskva tỏ thái độ ủng hộ bộ phim này (chắc hẳn các bạn cũng hiểu lý do), nhưng thật ngạc nhiên là cả Kiev cũng có những quan điểm tích cực về bộ phim. Tất nhiên, một phát ngôn viên của Kiev tuyên bố rằng “Chúng tôi coi đây là một bộ phim Ukraine”, ông lập luận rằng đến chính phủ và các nhà đầu tư tư nhân của Ukraine góp 79% trong tổng số vốn đầu tư của bộ phim.

Còn ở Nga, Bộ trưởng Bộ văn hóa Vladimir Medinsky lại có một phát biểu khiến người ta bất ngờ, khi ông nói bản thân mình mong rằng bộ phim này sẽ nhắc nhở những người đang đối đầu (trong cuộc khủng hoảng Ukraine) hãy nhớ lại rằng họ đã có lúc sát cánh chiến đấu bên nhau, sống chết có nhau. “ Đó là một sản phẩm hợp tác giữa Nga và Ukraina và vì thế nó rất quan trọng. Bộ phim này nói về chiến thắng chung của tất cả chúng ta», Vladimir Medinsky cho biết.

Thôi, tôi không viết thêm nữa, bởi ngay lúc này đây bạn nên thưởng thức bộ phim tuyệt vời này…

Nguyễn Tiến

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top