godfather-part-2-the-al-pacino-lee-strasberg-00n-kjo-1000x750-e1505719093718-1

Những bộ suit quyền lực của đàn ông qua nhiều thời đại

Có nhiều bài viết cứ nhắc về “bộ suit quyền lực”. Tôi nghĩ quái lạ, phải chăng họ dịch từ chữ “power suit” ra? Đó là một loại suit công sở lên ngôi vào những năm 1980, với vai rộng và đường nét cứng cáp. Nó phù hợp với người cao lớn vạm vỡ – mốt của những năm ấy là kiểu trai hành động cơ bắp như Arnold Schwarzenegger mà. Kể ra thì nó cũng có chút quyền lực, nhưng không phải kiểu quyền lực của Bố Già mà các bài viết nọ thường đính ảnh đi kèm. Những bức ảnh ông trùm ngầu nhất là khi ông ta tựa người hoặc ngồi trên ghế bành, một sự thoải mái tự tin của con cá mập ám ảnh không gian.

Thời gian trong phim “Bố Già” phần một là quãng những năm 1950, 1960 và thời gian thực ngoài đời khi phim được trình chiếu là năm 1972. Quanh các mốc thời gian đó thì thời trang không có gì quá khác biệt. Các  nhân vật trên phim chủ yếu mặc kiểu “Ivy League sack suit”.

Sack cut là kiểu may dễ dàng sản xuất hàng loạt, rất tiện lợi trong xã hội công nghiệp hối hả và chỉ chú ý đến tính thực dụng những năm 1950 của nước Mỹ. Như tên gọi, “bao tải”, người ta cắt thân trước và thân sau rất nhanh không cần tính toán làm ôm ngực hay eo. Chiếc áo nhìn xuôi thẳng từ vai xuống đuôi vậy. Và nó thường không có xẻ đuôi – cũng vì mục đích tối giản khâu sản xuất; và phần nào đó là gần gũi với chiếc sport coat – thích hợp cho việc đứng ngồi, hoạt động nhiều. Thiết kế này giúp người mặc có thể thoải mái vận động cả ngày, dù là đi làm hay đi ngoại giao quan hệ.

Ivy League (Liên Đoàn Ivy) – cụm từ chỉ một nhóm trường Đại học tư thục ưu tú và lâu đời nhất nước Mỹ, cũng là nguồn cảm hứng cho nhiều phong cách thời trang sau này. Đặc tính “Ivy League” trong trang phục còn là sự tăng thêm chất “sinh viên”, “thoải mái”. Chiếc áo khoác được giảm nhẹ tính “truyền thống” nhiều cúc, mà thường sẽ là kiểu 3-to-2, tức có 3 cúc, nhưng 1 cúc gần giấu lên mặt sau ve áo mất rồi, nên thực dụng chỉ có 2 cúc. Ngoài ra còn những phục trang khác như giày loafer và áo len…

Thực tế thì những bức ảnh ông trùm ngầu nhất là khi ông ta tựa người hoặc ngồi trên ghế bành, một sự thoải mái tự tin của con cá mập ám ảnh không gian.

Đôi giày loafer của Micheal Corleon. Source: “British Film Institute”

Một cúc được giấu trên ve áo mất rồi nên gần như chỉ có tác dụng trang trí

Nói chung giữa rừng suit công nghiệp có phần nhàm chán thì một bộ tuxedo sẽ giải quyết được vấn đề đáng kể. Do thiết kế trang trọng với phần ngực mở rộng và ve áo xếch (peak lapel) to bản khiến chiếc bao tải trở nên oai vệ hơn.

Kiểu ve áo xếch (peak lapel) rộng bản của bộ tuxedo này khiến ông trùm Victor Corleon trông thực sự uy quyền.

Những đặc trưng của phong cách suit Mỹ như nhiều người chỉ ra là : không có đường chiết eo ở thân trước, không có hoặc chỉ có một đường xẻ đuôi, thoải mái phóng khoáng… thực tế đều là từ khởi nguồn sack suit mà ra.

Sack suit ngày nay đã gần như tuyệt chủng. Nói “gần như” bởi vì tồn tại những người thích tạo dựng phong cách riêng hoặc phục cổ – họ sẽ tìm cách lưu giữ nó. Đương nhiên với nhiều nhấn nhá điệu đà cho gần gũi hơn với con mắt thẩm mỹ hiện nay.

Có thể nói vào những năm kỳ lạ của thế kỷ 20, người ta rập khuôn theo trào lưu một cách đáng ngạc nhiên. Một phần vì kiểu tư duy sản xuất hàng loạt để đáp ứng tính toán lợi nhuận, và khách hàng cũng không sẵn lòng bỏ nhiều tiền và thời gian cho sản phẩm mang nét cá nhân. Cho nên bỗng nhiên một ngày ta thấy toàn cạp quần cao tới nách hoặc bỗng nhiên toàn tóc dài quần ống loe. Ngày nay, thế kỷ 21 này thì tâm lý đám đông thực ra cũng không khác, nhưng cơ cấu sản xuất đã đa dạng hơn nhiều, những thợ thủ công, handmade và may đo tài hoa đã sống được bằng nghề, và tiếng nói của những cá tính, phong cách riêng được cất lên mạnh mẽ hơn hẳn.

Nói qua về những “bố già” ngày nay – các tổng thống và tỷ phú đứng tuổi của Mỹ đều ưa thích mặc một bộ suit kiểu continetal hơn. Không chỉ riêng Trump.

Continental có thể coi là kiểu may của phong cách Ý và Pháp. Kiểu may này tạo ra những chiếc áo nom khá “nhẹ nhõm”. Tính toán ôm ngực và eo, tạo phom đồng hồ cát hơn, không độn ngực dày, vai ôm tròn, kiểu ráp vai thì không câu nệ gì mấy : spalla camicia, con rollino… tùy ý người mặc.

Trải qua năm tháng, với sự lưu luyến lịch sử, ngày nay người ta tiêu chuẩn hóa phong cách Mỹ thành những điều cơ bản như sau : thân trước không có đường chiết eo, ngoài ra vai áo thường ôm tròn với đệm mỏng hơn kiểu Anh; đường ráp ve áo và cổ áo hạ thấp (gorge line); dáng áo xuông và rộng rãi.

Hình ảnh một quý ông người Nhật đã thể hiện được rất rõ nét và đẹp đặc điểm của suit Mỹ.

Quý vị thấy bộ suit nào “quyền lực” nhất? Thiết nghĩ quyền lực nhất là khi chúng ta hiểu được chính bản thân mình. Có nâng cao quan điểm không khi tôi nghĩ về giáo lý nhà Phật “kiến chân tính”?

Quý vị cần hiểu chính mình, thân hình và khuôn mặt cũng như phong cách của bản thân – để đưa ra yêu cầu cho người thợ giúp họ may nên một tác phẩm ưng ý.

Chúc quý vị sáng suốt.

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top