Có những con người đã mãi nằm im trên nấm mộ phần, nhưng vẫn còn đó một tuổi trẻ chưa bao giờ bị lãng quên. Hàng ngày, hàng giờ, mỗi một giây một phút trôi qua, không biết bao người vẫn còn nhắc mãi về một cái tên, bao nhiêu câu chuyện kể mãi về một chuyến đi. Đó chính là hành trình xuyên châu Mỹ La Tinh, hành trình đi tìm kiếm tuổi trẻ của anh hùng huyền thoại khiến lịch sử mãi gọi tên “Ernesto Che Guevara.” Sau bao lần định viết rồi lại thôi, trái tim người trẻ hôm nay đã thực sự sẵn sàng để đặt bút viết lên.
Che Guevara là một nhà cách mạng Mác xít nổi tiếng người Argentina. Là một lý thuyết gia quân sự, nhà lãnh đạo phong trào cách mạng Cu Ba cùng đội quân du kích. Nhưng trong bài viết này, tôi chẳng muốn bận tâm người anh hùng đó là ai, không nói đến chính trị, không nói đến cuộc đời. Tôi chỉ đang gọi tên một anh chàng như bao người trẻ khác cùng với làn hương thơm mát mà anh ta đã thổi vào cuộc đời tôi, mùi hương ấy lay động và làm khuây khỏa trái tim tôi với bao nhiêu khát vọng đang chờ đợi được dấn thân vào cuộc đời.
Năm 23 tuổi, Che Guevara lúc ấy vẫn đang còn là một sinh viên y khoa. Quyết định lên đường chinh phục châu Mỹ La Tinh cùng người bạn thân Alberto Granado đang chuẩn bị bước vào tuổi 30 bằng chiếc motor cũ kĩ bệnh tật mà hai gã đã ưu ái đặt tên “Xế thần”.
“Nói thật, bố luôn mơ ước làm những việc như thế này, bố thừa nhận là nếu mình trẻ tuổi hơn, bố sẽ ngồi lên chiếc xe đó cùng con.”
Chỉ một lời dặn dò thế này trước lúc lên đường đã nói lên tất cả về một khởi sinh quá may mắn của chàng trai lãng tử, ngang tàng khi được sinh ra trong gia đình thuộc dòng dõi những người thích dấn thân vào những chuyến phiêu lưu, mạo hiểm. Và chàng trai trẻ đã lên đường nhận lấy sứ mệnh đó mặc cho căn bệnh hen suyễn từng bao lần siết lấy sự sống của Che từ lúc còn là một cậu bé 2 tuổi. Che chưa bao giờ có ý định chạy trốn nó, chiếc kim tiêm là thứ đã luôn bám riết lấy cuộc đời Che, nhưng Che không sợ hãi, quả thật là nó khiến Che ám ảnh, ám ảnh đến mức đã muốn trở thành một bác sĩ với ý định sẽ chữa lành bệnh cho các bệnh nhân khác với tư cách tôi cũng là một bệnh nhân.
“Mẹ ơi! Buenos Aires đã ở phía sau chúng con rồi, cũng như cuộc sống khốn khổ của bọn con, những bài giảng buồn ngủ, giấy má và bài kiểm tra. Phía trước bọn con, châu Mỹ La Tinh đang vẫy gọi. Từ giờ chúng con đặt niềm tin vào xế thần. Nếu mẹ mà nhìn, thì tụi con như lũ lang bạt, thu hút sự chú ý ở mọi nơi chúng con đi. Con thấy vui vì đã bỏ lại nền văn minh ở phía sau, và giờ đang tiến đến gần các vùng đất.”
Ngay từ thời thơ ấu, Che đã nghĩ mình thuộc về thế giới này và đất nước Argentina chỉ là nơi sinh ra anh chứ không phải là nơi trú ngụ của anh. Những chân trời mới lạ lùng, kỳ diệu và diễm tuyệt. Che được sinh ra để lên đường tìm kiếm chúng, không phải như những con chim nhút nhát, mà là “con chim tuổi trẻ bay đi, bay đi, nhưng không bay về.” Như lời của Granado đã nói về Che.
Tuổi trẻ lang thang, như con chim hót cất lên những khát vọng cháy bỏng. Nhưng cũng chính tuổi trẻ khát khao ấy đã cướp đi những gì yêu dấu nhất mà Che có. Một con dao hai lưỡi cho sự ác độc buông tên, để lưỡi dao còn lại kia làm tổn thương trái tim người trẻ.
“Trái tim tôi đung đưa như quả lắc, giữa cô ấy và con đường. Tôi không biết có sức mạnh nào đã lôi mình ra khỏi ánh mắt nàng, kéo xa vòng tay nàng. Nàng ở lại, chìm trong nước mắt vì sầu muộn, giấu mình sau cơn mưa và những ô cửa kính.”
Và quả thật sự độc ác đã bắn trúng tim Che. Che đã ra đi và mãi mãi nói lời vĩnh biệt nàng, không bao giờ còn được quay lại mảnh tình xưa, nụ hôn xưa giờ mãi chìm vào quên lãng. Người đi cứ hẹn, chưa kịp trở về thì người ở lại đã không còn muốn nói câu chờ mong. Nàng bảo nàng sợ phải chờ đợi đến héo mòn.
“Mẹ ơi! Bọn con đang bỏ lại gì phía sau khi băng qua biên giới? Mọi khoảnh khắc dường như đều chia ra làm hai. Nỗi buồn tiếc những gì đã bỏ lại. Mặt khác, là niềm vui phơi phới khám phá những vùng đất.”
Điều mà chuyến hành trình đã ban cho họ là vô cùng độc ác. Vượt hàng ngàn dặm đường qua nhiều quốc gia với biết bao tình huống nguy hiểm và rủi ro, đói khát, giá lạnh, đau khổ, trôi dạt trong không gian và thời gian. Nhưng chính nó cũng đã trả lại những điều bất khả mà không ngôn từ nào có thể vẽ ra. Chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ bí ẩn của châu Mỹ La-tinh, gặp rất nhiều người thuộc nhiều tầng lớp khác nhau và cũng tận mắt chứng kiến những cảnh sống khốn cùng, tuyệt vọng của con người…
“Mẹ ơi! Con biết mình không thể giúp được con người tội nghiệp này. Một tháng trước bà ấy vẫn còn làm hầu bàn, dù thở khò khè như con. Bà cố gắng để sống có phẩm cách. Trong ánh mắt đang hấp hối đó, con ước muốn được thông cảm, được an ủi mà giờ đang tan biến. Như thân xác bà ấy rồi cũng hóa cát bụi, và bay vào cõi hư vô vĩnh hằng xung quanh ta.”
Che đã tận mắt trông thấy những thân phận mà chính họ đã giết chết đi tất cả những sự thật anh chưa bao giờ biết đến. Đó là một phép lạ thân thiết gắn kết anh gần gũi hơn với cuộc sống của những người da đỏ, những người tận dưới đáy xã hội, những con người bị bọn nhà giàu bóc lột. Tất cả sự thật trần trụi ấy đã hiện ra khiến trái tim anh lần đầu tiên nhói lên sự đồng cảm.
“Đôi mắt họ ánh lên nỗi buồn bi thảm. Họ kể rằng các đồng chí của họ đã biến mất một cách kỳ lạ. Và có lẽ cuộc đời những người đó đã kết thúc ở đâu đó dưới đáy biển. Đó là một trong những đêm lạnh lẽo nhất đời tôi. Nhưng cũng nhờ họ mà tôi thấy gần gũi hơn với nhân loại. Điều này thật lạ thường, lạ thường với tôi.”
Từ đây thổi bùng lên ngọn lửa ước mơ và khát vọng của một con người muốn chinh phục và thay đổi thế giới xung quanh, lời nguyền rủa cho những bất công, cho những bóc lột. Sự bất công của cuộc sống này giờ biến thành thù địch của Che như một âm thanh bị vỡ vụn trong đêm tối lạnh giá. Che biết rằng anh đã kịp nhìn thấy một xã hội chưa bao giờ lấp lánh như trong ảo tưởng của chính anh. Và một ngày kia, tiếng gọi tuổi trẻ đã kịp nhận ra rằng, mình sinh ra là để xả thân vì lẽ sống, vì cuộc sống của mọi người, chống lại mọi bất công từ bất cứ phía nào, bất cứ là ai.
“Lúc rời khỏi khu mỏ, bọn con cảm thấy thế giới đang dần thay đổi. Hay chính bọn con nhỉ? Càng đi sâu vào dãy Andes, con càng gặp gỡ nhiều người bản xứ, những người không có nỗi một mái nhà ngay trên chính mảnh đất ông cha họ.”
Chính chuyến hành trình, chính những thù địch mà Che vừa bập bẹ gọi tên ấy đã đánh cắp đi giấc mơ được trở thành một bác sĩ của Che, để biến Che thành một nhà cách mạng quyết tâm đem cả tâm huyết và sinh mệnh của mình để đấu tranh cho tự do, cho quyền được sống bình đẳng và ấm no của những con người còn bị áp bức trên thế giới.
“Tôi biết điều này và tôi thấy điều đó in dấu trên nền trời đêm. Tôi biết rằng, tôi sẽ vượt lên trên những học thuyết giả dối, chủ nghĩa giáo điều, cầm lấy vũ khí, vượt qua những rào cản và tiến lên. Và tôi thấy tôi hy sinh trong một cuộc cách mạng chân chính, mang lại công bằng và bình đẳng cho con người. Tôi thấy tôi đang hít thở mùi khét lẹt của khói súng và máu quân thù. Tôi rèn luyện bản thân, sẵn sàng chiến đấu và chuẩn bị cho một vùng trời thiêng liêng, trong đó khúc hát khải hoàn của những người vô sản sẽ âm vang vô tận, cùng với sức sống mới và niềm hy vọng mới.”
Xưa kia, người trẻ khao khát biến mình thành con chim nhỏ bay đi phiêu bạt khắp mọi miền chỉ để thỏa ước mơ phiêu lãng bềnh bồng, được phiêu lưu mạo hiểm, gần gũi với thiên nhiên cuộc sống, sống một cuộc đời rồi chết đi thật ý nghĩa. Cái nghĩa giản đơn của tất cả những người trẻ bình thường khác. Thế rồi chàng trai trẻ đã lên đường với khát vọng dịu dàng trìu mến. Nhưng với những gì vây bọc và quá gần gũi bên cạnh mà Che đã nhìn thấy, nếu chàng ta quay lưng và chạy trốn tất cả những bước chân đang dồn dập vội vã trong tâm trí, Che biết mình chẳng khác gì một tên hèn yếu bước trên con đường mù lòa.
“Suốt thời gian sống trên đường đi, có gì đó đã xảy ra. Những điều sẽ khiến tao phải suy nghĩ trong một thời gian dài. Quá nhiều điều bất công.”
Lời chia tay mà Che đã thủ thỉ cùng với Granado sau khi kết thúc chuyến hành trình hơn 9 tháng xuyên suốt châu Mỹ La Tinh. Từ một sinh viên y khoa đầy tình người, vốn bản tính không chấp nhận sống một cuộc đời chật chội, bó hẹp với những khuôn khổ, những lối mòn đã định sẵn, can đảm nhận lấy sứ mệnh tuổi trẻ của mình và lên đường. Một cuộc đời cách mạng sau ngày trở về đã được ông viết lên trên trang lý lịch cuộc đời mình, trên trang lịch sử của dân tộc Cuba, và để cho nhiều người trên thế giới kính phục ca ngợi.
Cuộc đời Che là bảo vệ cho lẽ phải, cho những người bị áp bức không phân biệt dân tộc. Và bất kể có bao nhiêu chính kiến khác nhau về con người này thì với Che: “Tình người là không biên giới.” Đối với tôi, Che Guevara mãi là biểu tượng của hy vọng và niềm tin tuyệt đối, một tấm gương sáng ngời tinh thần quốc tế vô sản, một con người cương trực, thông minh không bao giờ chịu khuất phục.
Tôi viết bài này sau khi đã xem đến lần thứ ba bộ phim Hành trình Nam Mỹ (tựa tiếng Anh là The Motorcycle Diaries).
Tác giả: Ni Chi