Công nghệ tiếp tục làm mọi thứ trở nên dễ dàng hơn. Nhưng nó đã không bắt đầu với nhiếp ảnh số!
Công nghệ luôn được thúc đẩy bởi động lực Làm cho mọi thứ đơn giản hơn. Lấy những chiếc máy ảnh kỹ thuật số làm ví dụ, nó là câu trả lời của các nhà sáng chế trước nhu cầu của các lực lượng trên thị trường. Quay trở lại với những năm 1980, khi máy ảnh phim đang cực kì phổ biến, người tiêu dùng muốn một chiếc máy ảnh có thể chụp vô tận những bức ảnh. Các doanh nghiệp nhận thấy nhu cầu này và sử dụng các công nghệ mới được phát triển để đáp ứng đòi hỏi của khách hàng. Năm 1988, Fuji DS-1P, chiếc máy ảnh số thực thụ đầu tiên, được ra đời và nó đã thay đổi bộ mặt của nhiếp ảnh mãi mãi.
Sau những thế hệ đầu tiên với những vấn đề về giá thành sản xuất và cung ứng phụ kiện không thể tránh khỏi giống như mọi sản phẩm mới khác, việc chụp ảnh đã trở nên vô cùng dễ dàng với máy ảnh số. Bạn có thể ngay lập tức biết mình đã chụp hình hay chưa, cũng như không bị giới hạn bởi 24 hoặc 36 lần phơi sáng của cuộn phim. Bạn cũng không phải tốn thời gian và tiền bạc cho việc xử lý ảnh trong phòng tối. Cái bạn cần lúc này là máy in. Không chỉ thế, bạn còn có thể dễ dàng chỉnh sửa hình ảnh sau nhiều năm.
Chiếc máy ảnh đầu tiền dùng công nghệ số do Steven Sasson sáng chế vào năm 1975
Tuy nhiên, không có sự khác nhau rõ ràng giữa kĩ thuật chụp ảnh bằng máy ảnh phim và máy ảnh số. Việc máy ảnh tự động lấy nét có nghĩa là bạn không còn cần tới kỹ năng lấy nét thủ công? Chà, điều này thật là nực cười! Cho dù khả năng lấy nét lại sau khi chụp ảnh hiện vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, bạn cũng có thể thấy rằng nó là sản phẩm chủ lực của mọi máy ảnh số ra đời trong vòng năm năm qua.
Để giúp cuộc sống của con người trở nên tốt hơn thì cách phổ biến nhất là làm cho mọi thứ dễ dàng hơn. Lúc này, bộ não chúng ta nhanh chóng thích nghi và tìm cách dựa vào công nghệ mới để phát triển. Và khi công nghệ mới đó trở thành một phần cuộc sống, chúng ta có xu hướng biến chúng thành một thói quen để chuyển sự chú ý dành cho nó sang cho vào những thứ quan trọng hơn mà với nhiếp ảnh là làm thế nào để có thể chụp lại và lưu giữ khoảnh khắc tuyệt vời ở hiện tại cho thế hệ mai sau.
Chiếc máy ảnh số thực thụ đầu tiên: Fuji DS-1P
Hãy nhớ về những thời kì máy ảnh của chúng ta chỉ có 18, 12 hoặc 6 MegaPixels (Triệu điểm ảnh)! Chúng ta đã xử lý như thế nào chỉ với chín điểm lấy nét tự động thay vì một điểm duy nhất là toàn bộ cảm biến như máy ảnh của các phóng viên trong thập niên 80? Ngược dòng thời gian xa hơn nữa, hãy thử tưởng tượng điều gì xảy ra khi bạn nói với các họa sĩ của những năm 1500 rằng một ngày nào đó sẽ có một chiếc hộp ghi lại hình ảnh của người đó một cách chi tiết và tất cả những gì bạn cần làm là cho phép ánh sáng chiếu vào bên trong?
Máy ảnh kỹ thuật số đầu tiên mà tôi sử dụng chi có 0,5MP nhưng nó giống như một phép thuật. Bạn có thể nhìn thấy kết quả ngay lập tức và bạn không bao giờ phải trả tiền cho việc rửa ảnh. Ngay lập tức, tôi cảm thấy hết sức phấn khích. Tôi thậm chí đã tham gia một lớp học ban đêm để được vào phòng tối cùng với nó và chụp mọi thứ bằng hai màu màu trắng và đen. Và sau nhiều tháng tiết kiệm, tôi đã sở hữu chiếc máy ảnh Pentax 3 Megapixel. Ban đầu, chất lượng ảnh không thực sự tốt bởi tôi không kiểm soát được tốc độ màn trập hoặc khẩu độ. Nhưng sau hàng trăm bức ảnh lỗi như thế, tôi đã có thể tự tin tạo nên những bức ảnh theo ý mình.
Thiết bị có làm cho bạn trở thành một nhiếp ảnh gia tốt hơn?
Là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, chắc hẳn bạn cũng đã từng hết sức thích thú với các thiết bị nhiếp ảnh mới. Hiểu điều này nên các công ty máy ảnh đã chi hàng triệu đô la để thuyết phục rằng chúng ta cần thiết bị mới. Nhưng liệu những chiếc máy ảnh Sony mới nhất với tính năng tự động lấy nét theo ánh mắt thực sự sẽ làm cho ảnh của bạn đẹp hơn? Không. Vậy phải chăng nó làm cho việc chụp trở nên dễ dàng hơn? Rõ ràng là thế. Và còn thông số MegaPixel thì sao? Liệu ảnh từ chiếc máy ảnh chuyên dụng với độ phân giải lên đến 60 MP có tốt hơn chiếc máy ảnh trên điện thoại với độ phân giải 20MP?
Trên thực tế, một máy ảnh điện thoại được căn chỉnh tốt hoàn toàn có thể chụp được những bức ảnh ngoạn mục đủ để mở một phòng trưng bày nghệ thuật. Ngược lại, một máy ảnh độ phân giải cao với ống kính tốt nhất nhiều khi chỉ có thể tạo ra những bức ảnh tầm trung. Một ví dụ khác là bức ảnh 50 năm tuổi đến từ mặt trăng trên đây. Bạn có thể thấy rằng, ảnh hưởng của thiết bị không nhiều như bạn đã nghĩ đâu.
Kỹ thuật số làm cho nhiếp ảnh dễ dàng hơn, nhưng nó cũng làm cho việc nổi bật trở nên khó khăn hơn.
Bức ảnh này được con trai sáu tuổi của tôi chụp bằng máy ảnh DSLR
Số lượng hình ảnh và đoạn phim chúng ta đang sản xuất thật sự là đáng kinh ngạc. Trung bình có chín mươi lăm triệu bức ảnh được tải lên Instagram mỗi ngày và ba trăm giờ quay được tải lên YouTube mỗi phút, và ước tính đã có hơn một nghìn tỷ (1.000.000.000.000) bức ảnh được chụp trong năm 2018 vừa qua. Quả thực, công nghệ số đã làm cho nhiếp ảnh dễ dàng, nhưng nó cũng khiến việc làm cho hình ảnh nổi bật trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Hãy đặt mình vào vị trí của một người đang tìm kiếm hình ảnh cho bài đăng, bạn làm thế nào để tìm thấy được những bức ảnh tốt? Trong một số trường hợp, bạn không thể duyệt hết những bức ảnh trong một chủ để. Và như vậy, có thể bạn đã bỏ lỡ những bức ảnh tuyệt đẹp hay một đoạn phim đột phá từ những nghệ sĩ vô danh. Nhưng bạn cảm thấy thế nào khi phải xem qua hàng ngàn hình ảnh có chất lượng trung bình và nội dung tương tự nhau? Cơ chế nào để những bức ảnh tốt được tự động nổi lên?
Chúng ta đang chìm đắm trong nội dung. Và nhiếp ảnh dường như đang là một cuộc thi đại chúng, hơn là một môn nghệ thuật đỉnh cao
Hãy nhìn cách Canon đối xử với Yvette Roman vì cô ấy không có tối thiểu 50.000 người theo dõi trên Instagram. Một nhiếp ảnh gia xuất sắc với phong cách được nhiều người ưa thích, đã được thanh lý hợp đồng chỉ đơn giản là do cô ấy không tập trung vào quảng bá hình ảnh trên mạng xã hội. Các mạng xã hội mà người chụp ảnh tham gia giờ đây được xem như là một kênh hữu ích để các công ty thực hiện chiến dịch tiếp thị của mình. Một người có thể có được hàng ngàn USD chỉ vì đã cho thấy mọi người thấy họ sử dụng một thiết bị cụ thể để chụp ảnh. Họ có thể đi du lịch khắp thế giới miễn phí đơn giản vì họ nổi tiếng trên Instagram.
Hệ thống này gần như hoàn hảo khi nhìn từ góc độ tiếp thị. Tuy nhiên, những nền tảng này là nơi hầu hết chúng ta dành thời gian cho việc khám phá nội dung mới. Do đó, chúng ta cần các thuật toán hiệụ quả để kiểm soát hình ảnh chúng ta tiếp xúc. Vấn đề ở đây là các thuật toán ngày nay chưa đủ mạnh để đánh giá trực tiếp chất lượng. Việc xác định như thế nào là một bức ảnh tốt chủ yếu được tính toán gián tiếp qua số lượng tương tác (xem, thích, chia sẻ và bình luận) của người dùng để từ đó phân loại nội dung phổ biến và đề xuất nó cho mọi người. Và điều này đã làm nhiều những bức ảnh thực sự chất lượng bị bỏ rơi vì không có tương tác trong khi nhiều nội dung vô bổ đang được quảng bá rộng rãi hơn.
Máy ảnh không biết cách kể một câu chuyện như thế nào
Đúng lúc, đúng thời điểm là những gì bạn cần ở đây
Chúng ta đang sống trong một thời đại mà bạn có thể phô diễn tác phẩm của mình ra cho cả thế giới thấy một cách hết sức dễ dàng. Đứa con sáu tuổi của bạn hoàn toàn có thể vận hành chiếc máy ảnh một cách thành thạo để chụp nên những bức ảnh sắc nét về những khối xếp hình mà nó ưa thích. Nhưng chắc chắn con bạn chưa biết kể một câu chuyện như thế nào còn bạn lại không cần vận dụng tới quá nhiều công nghệ mới để có thể kể một câu chuyện hay.
Mọi bức ảnh tuyệt vời luôn hàm chứa một câu chuyện bên trong. Nó làm cho chúng ta muốn biết thêm về khoảng khắc chụp hình. Nó cũng cho phép chúng ta tạo ra câu chuyện của riêng mình nhờ hòa trộn những gì chúng ta thấy trong hình ảnh và thế giới quan của chúng ta. Và như vậy, câu chuyện tôi và bạn thấy trong cùng một bức ảnh có thể sẽ khác nhau, dẫn tới cảm xúc chúng ta dành cho nó sẽ khác nhau.
Để kể một câu chuyện, bạn không cần đến máy ảnh lớn nhất hay nhanh nhất. Vâng, máy ảnh ngày nay có thể chụp được trên 24 khung hình mỗi giây. Nhưng bạn không thể giữ nút bấm cả ngày cũng như không có phần mềm nào có thể xác định đâu là thời điểm hoàn hảo để bấm vào nút chụp. Bạn cần tìm góc chụp và đóng khung đối tượng theo cách bạn mong muốn trước khi nhấn nút chụp. Thực sự, các khía cạnh kỹ thuật lúc này không phải là quyết định tất cả giá trị bức ảnh. Nó cũng không nằm ở góc độ sắc nét – nhiều bức ảnh tuyệt vời không sắc nét. Nó nằm ở câu chuyện bạn kể qua bức hình có hấp dẫn hay không. Và bạn cần phải học tập và luyện tập rất nhiều để câu chuyện mà bạn kể trở nên hấp dẫn hơn.
Tương lai
Cuối cùng thì nguy cơ nhiếp ảnh gia mất việc làm vào tay các chương trình tự động hóa đã xảy ra khi một cặp vợ chồng đã thuê một robot để chụp lại đám cưới của họ! Vâng, có thể hiện giờ nó chỉ là một kiểu máy chụp ảnh tự động để thay thế tạm thời, nhưng đó là gợi ý cho tương lai. Chúng ta sẽ sớm quen với những máy bay không người lái tự động chụp những bức ảnh cưới đẹp hơn con người có thể chụp Những bức ảnh này sau đó có thể được cô dâu và chú rể tùy chỉnh ngay lập tức chỉ bằng một nút bấm (hoặc khẩu lệnh?). Sau đó tự động chia sẻ lên tài khoản mạng xã hội và đính kèm bạn bè của cặp đôi.
Vậy với tư cách là chủ cửa hàng nhiếp ảnh, liệu tôi có cần sở hữu nhiều robot không? Liệu mọi người có cần đến những người chụp ảnh chuyên nghiệp nữa không khi ai cũng có thể chụp ảnh? Liệu thiết bị chụp ảnh có được tích hợp vào các thiết bị hàng ngày và chúng ta sẽ trở nên vô dụng đến mức luôn có một thiết bị dõi theo xung quanh để nắm bắt cuộc sống hàng ngày và sử dụng thuật toán tự động để chọn những khoảnh khắc đẹp nhất rồi chia sẻ cho bạn bè của chúng ta? Phiên bản đứa trẻ mười tuổi của tôi mong rằng điều này là đúng nhưng phiên bản hiện tại thì không.