asian-1870022_1280

Tại sao tất cả chúng ta đều được giáo dục như nhau?

Chào các bạn, đầu tiên mình xin chúc mừng các bạn đã thi xong một kỳ thi khá là quan trọng (mặc dù nhiều bạn ngày mai mới xong), ít nhất là cho đến tại thời điểm bây giờ của các bạn, và, cũng chào mừng các bạn đến với một thế giới… tự do hơn.

Chắc hẳn trong các bạn đã từng một lần suy nghĩ về lý do của việc học những môn toán, lý, hóa, sinh. Và rồi trong số các bạn hầu như cũng sẽ quên sạch sẽ những định luật, định lý của các môn học này. Vì vậy, hôm nay mình hy vọng chia sẻ được đôi điều suy nghĩ của bản thân với các bạn.

Mình hay tưởng tượng rằng khoa học như là một gã mập khổng lồ lười biếng, được cho ăn liên tục nhưng mỗi lần ăn rất ít, và sự lớn mạnh của chàng mập này chắc chắn không phải ngày một ngày hai mà thấy được. Cũng giống như việc các bạn đút cho đứa trẻ một muỗng cháo, xong lại hét lên không hiểu đút cho nó ăn chén cháo này để làm gì, vì đút xong có thấy nó lớn lên miếng nào đâu, vậy thôi khỏi cho nó ăn nữa?! Các bạn thấy cái phát biểu kiểu như vậy rất là vớ vẩn, đúng không? Bởi vì khoa học là một sự tiếp nối vô cùng nhỏ nhặt, và vì trí tuệ của mỗi người là có hạn, vậy nên người này mới nối tiếp người kia, cùng nhau bón cho gã khổng lồ háu ăn kia một chút, để hy vọng một ngày gã ta lớn lên, thì loài người sẽ sử dụng được sức mạnh phi thường của gã. Vậy nên không dễ gì mà các bạn có thể liên hệ ngay được những điều mình học với những ứng dụng mà nó tác động và ảnh hưởng lên đời sống.

Trong lịch sự phát triển của khoa học, nếu không có nhà vật lý thiên tài Isaac Newton thì có lẽ sẽ chẳng bao giờ có bộ óc siêu phàm của Albert Einstein, không có người phát minh ra pin điện Alessandro Volta thì cũng có thể sẽ chẳng có các nhà khoa học vĩ đại như Humphry Davy hay Michael Faraday, cũng như nếu không có nhà vật lý Henri Becquerel thì ắt hẳn sẽ không có người phụ nữ đoạt cả hai giải Nobel Marie Curie. Tất cả những nhà khoa học trên thế giới này đều bắt đầu những nghiên cứu của bản thân từ những công trình của người đi trước, để phát hiện ra những hạn chế còn tồn tại, rồi đi tiếp, mở mang, khai phá với hy vọng sẽ ứng dụng những công trình khoa học vào trong cuộc sống, mà đôi khi ngay tại thời điểm đó, chính bản thân các nhà khoa học này cũng chưa biết ứng dụng những nghiên cứu của họ vào việc gì, và đôi khi họ nghiên cứu chỉ vì tính tò mò cố hữu của loài người. Ví như nhà nữ khoa học Marie Curie nghiên cứu về phóng xạ vậy, bà có biết là sau này nó sẽ được sử dụng trong lĩnh vực y học và hàng không vũ trụ đâu, nhưng bà vẫn nghiên cứu đấy thôi, vì bà tin rằng trong tương lai sẽ có người tiếp tục nghiên cứu của bà, và ứng dụng được những giá trị nghiên cứu này trong cuộc sống. Bà thậm chí còn từng đem lọ đựng rađi ra ngắm cái ánh sáng mê hoặc chết người của nó vào mỗi đêm mà không màng hay chính xác là không hề hay biết về tác hại của phóng xạ. Vậy nhưng bà vẫn làm, vẫn nghiên cứu, vẫn say mê.

Vậy chúng ta học để làm gì?

Nếu đem toàn bộ lịch sử Trái Đất gói gọn lại trong vòng 24h của một ngày, thì chúng ta, con người hiện đại – sinh vật đang tự cho mình là chủ nhân của Trái Đất, chỉ mới xuất hiện vào lúc 23 giờ 59 phút 56 giây, chỉ 4 giây cuối cùng trước khi qua ngày mới. Đúng vậy, chỉ 4 giây, nhưng đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt của cả hành tinh. Vậy, bạn có biết trong 4 giây đó, con người đi xa được như vậy là nhờ cái gì không? Đó là nhờ sự chia sẻ, điều này đã, đang và sẽ tiết kiệm thời gian rất nhiều cho loài người.

Một cách gần gũi nhất, nếu với bộ óc của Giáo sư Ngô Bảo Châu mà để cho ông tự đi tìm tòi những điều cơ bản của toán học, để mặc cho ông tự tìm ra những phép vi phân, tích phân rồi ứng dụng nó vào công trình nổi tiếng đạt giải thưởng Field của mình, thì liệu thời gian để hoàn thành tất cả là bao lâu? Câu trả lời sẽ là hàng trăm năm! Bật mí cho các bạn một chút, nhà vật lý học nổi tiếng Isaac Newton chính là người đã hoàn thiện phép tính vi phân, tích phân, từ những thập niên cuối cùng những năm 1600. Vậy rõ ràng, những năm tháng khi học THPT, Giáo sư Ngô Bảo Châu đã tiết kiệm được hàng trăm năm trời để tích lũy được một kiến thức vô cùng quý báu đó.

Một ví dụ khác trong hóa học, các bạn có biết là đã có một thời kỳ người ta cho rằng oxy có trong mọi thành phần của axit? Chữ “oxy” có nghĩa là “tạo ra axit” là vì vậy. Và cái tên gọi này xuất phát từ nhà hóa học nổi tiếng người Pháp Antoine Lavoisier, người được mệnh danh là một trong bốn vị cha đẻ của nền hóa học hiện đại, những bậc vĩ nhân đã tách bỏ chiếc bóng tối u ám và nguyên thủy của thời kỳ giả kim thuật ra khỏi ngành khoa học còn rất non trẻ này. Trong khi các bạn học sinh phổ thông bây giờ thì dư sức biết được rằng axit là phải có hiđro, chứ không phải là oxy (ví dụ như HCl là một loại axit, chứa hiđro mà không chứa oxy). Và thật trớ trêu khi cái tên “hiđro” cũng chính do ông tổ hóa học Antoine Lavoisier đặt tên thì lại có nghĩa là “tạo ra nước” chứ không phải là “tạo ra axit”. Vậy đó, để đọc được một kiến thức, hiểu được một lý thuyết, biết được một sự thật nhỏ xíu trong phút chốc, chúng ta phải biết ơn cả trăm năm tìm tòi và nghiên cứu của các bậc tiền nhân. Vậy, mục đích đầu tiên của việc học, là để tiết kiệm thời gian.

Vậy tại sao chúng ta không gom những học sinh giỏi lại rồi dạy cho họ học? Tại sao lại bắt tất cả học sinh đều học những thứ vốn không phải là thế mạnh của mình?

Bạn có biết trong một lần phóng tinh, con đực phóng bao nhiêu tinh trùng vào con cái không? Ở loài người là hơn 20 triệu tinh trùng! Vậy bao nhiêu tinh trùng gặp được trứng? Hầu như chỉ có một. Cho nên nếu bây giờ bạn hỏi lại câu hỏi với hàm ý như ở trên, thì câu hỏi đó sẽ là “sao chúng ta không lựa chọn những tinh trùng ưu việt, khỏe mạnh rồi cấy nó vào con cái?”.

Tất cả chúng ta đều được giáo dục như nhau là vì chúng ta đang mong muốn tạo ra cơ hội để ai ai cũng có được một nền tảng trí tuệ như nhau, để sau này khi đã có một nền tảng, sẽ tiếp tục tìm tòi và nghiên cứu, đóng góp cho nhân loại, đút được một muỗng cháo nho nhỏ nào đó cho gã khổng lồ mang tên là khoa học. Giáo dục đang tạo ra sự bình đẳng cho tất cả mọi người, để ai cũng có thể được quyền bón cho gã khổng lồ đó. Tuy nhiên, chắc chắn là phải có nền tảng cơ bản rồi thì con người ta mới dám bón cho gã khổng lồ ăn, chứ giả như đưa cho một người tay ngang, thay vì đút cháo vào miệng thì lại đổ vào lỗ mũi, hay như thay vì đút cháo, lại đi đút shit chẳng hạn, há chăng chẳng phải tai hại hơn sao? Đó là lý do mà tại sao các bạn đều được đi học, vì đó là quyền bình đẳng mà các bạn đều có, đó cũng chính là mục đích thứ hai của việc học. Vì vậy, đừng bao giờ từ bỏ quyền lợi này của mình, hãy nhìn xuống một xíu để thấy rằng vẫn còn nhiều bạn bè khác không được may mắn như các bạn, luôn khao khát được hưởng đặc quyền này như các bạn!

Có một thí nghiệm về năm con khỉ được nhốt vô một cái chuồng, trong chuồng có một quả chuối. Tạm gọi năm chú khỉ này là A, B, C, D, E. Người ta sẽ xịt nước vào cả năm chú khỉ nếu có bất kỳ một chú khỉ nào trong năm chú khỉ này chạm vào quả chuối. Sau vài lần cả bọn bị xịt nước, chúng dường như lờ mờ hiểu ra rằng đừng nên tơ tưởng gì vào quả chuối ấy. Lúc này, chú khỉ A sẽ được thay ra, một chú khỉ F nào đó mới toanh sẽ được đưa vô chuồng. Và người ta nhận thấy khi chú khỉ F tội nghiệp kia chẳng hiểu chuyện gì, cứ vô tư tiến lại cầm quả chuối thì ngay lập tức bị cả đàn còn lại vây đánh. Cứ thế, người ta thay dần chú khỉ B, rồi C, rồi D và E bằng những chú khỉ mới toanh khác. Bây giờ trong chuồng chả còn chú khỉ nào từng bị xịt nước cả, nhưng cả bọn đều không ai dám chạm vào quả chuối, và cả bọn đều vây đánh bất cứ cá thể nào dám đụng vào quả chuối, mặc cho chả hiểu tại sao.

Có đôi khi, chúng ta đã cư xử như những chú khỉ này vậy.

Vì mỗi chúng ta đều được sinh ra và lớn lên với sự tương tác thế giới bên ngoài khác nhau, mỗi người lại có cấu tạo cơ thể và quá trình phát triển khác nhau, cũng như có những môi trường sống khác nhau, cho nên mỗi người trong chúng ta đều có những ưu nhược điểm khác nhau, chỉ khi đặt vào trong một hoàn cảnh cụ thể nào đó, thì những ưu điểm đó mới được bộc lộ và phát huy. Đâu có nghĩa những tinh trùng khỏe mạnh nhất mới đến trứng đầu tiên, cũng đâu có nghĩa đến trứng đầu tiên thì sẽ chui được vào trứng. Cũng như vậy, đâu phải các bạn học giỏi thì sẽ đậu Đại học, không giỏi thì sẽ rớt, cũng như đâu phải học giỏi ở phổ thông thì học cũng giỏi ở Đại học, rồi cũng không chắc là học giỏi ở Đại học lại ra trường đúng hạn, rồi thì ra trường đúng hạn cũng chưa hẳn kiếm được việc làm tốt, kiếm được việc làm tốt lại chưa hẳn lại hạnh phúc, vân vân và mây mây. Nói tóm lại, không phải vì các bạn không giỏi là các bạn dở. Các bạn dở là do người ta đánh giá các bạn dở, theo cái cách mà người ta đánh giá. Vậy lấy gì để khẳng định cái cách mà người ta đánh giá các bạn là đúng? Chả có gì cả, ngoài trừ số đông.

Người ta thấy rằng số đông ai cũng làm như vậy, và làm được như vậy, nên nghĩ rằng nếu bạn không làm được như vậy thì bạn là dở. Người ta nhầm rồi. Bạn hoàn toàn khác. Bạn là một thực thể duy nhất, bạn không có bản sao trên Trái Đất này, và có lẽ là cả vũ trụ này. Vậy nên đừng để người khác đánh giá bạn qua cái cách mà họ muốn. Đừng là những con khỉ! Tuy nhiên, vì hầu như các bạn đang còn là học sinh thì đành phải chịu thôi, chắc chắn rồi theo thời gian, giáo dục sẽ phát triển theo cách hiện đại hơn thì hy vọng cách đánh giá cũng sẽ thay đổi theo. Còn bây giờ, khi buộc phải chấp nhận làm một con cá để người ta đánh giá qua khả năng leo cây, thì, chúng ta phải làm gì? Mình nghĩ là các bạn cần thích nghi, số đông các bạn nên cần sự thích nghi.

Giống như các bạn từng thấy, có những người chơi đánh bài rất giỏi (đừng nghĩ là bài bạc đỏ đen, nó là cả một ngành khoa học về xác suất đấy, trừ khi bạn dở toán thì mới đen thui thôi), là vì họ nắm rất tốt các luật lệ chơi bài, biết nhìn nhận, ghi nhớ những quân bài đã ra của từng đối phương, tính toán xác suất bài còn lại trên tay mỗi người, từ đó có chiến thuật chơi hợp lý. Giống như các bạn thấy một ông chủ doanh nghiệp nghiên cứu thị trường, biết thị trường cần gì, khi nào mua, khi nào bán để thu được lợi nhuận tối đa. Vậy học toán, lý, hóa, sinh cũng giống vậy. Hãy nhìn các môn khoa học này theo góc độ như là các game. Bạn “chơi” chưa giỏi, có phải vì bạn chưa hiểu luật đúng không, bạn chưa thuộc luật đúng không? Có bao giờ cứ mỗi lần chơi game bạn lại giở luật cũng như các ngoại lệ ra để coi không? Vậy tại sao mỗi lần học hay làm bài tập các môn này các bạn lại mở sách và tập vở ra, tra lại các định luật, định lý, công thức để xem. Tại sao không học thuộc lòng nó, rồi vận dụng xoay sở để làm bài tập?

Gợi ý một xíu cho các bạn, nếu như các bạn đang thấy việc học khó khăn và chán nản thì hãy đi kiếm cái gì đó thú vị về môn học này, một trong những cách mình hay làm là đọc lịch sử về các nhân vật cũng như hoàn cảnh lịch sử khi ấy. Kiểu như bạn học thì biết kali, natri điều chế bằng phương pháp điện phân nóng chảy, nhưng có biết ai là người đầu tiên điều chế được nó không, bạn có biết là vẫn có thể vẽ được một tam giác với ba góc vuông không, bạn có biết là Marie Curie có một vụ scandal tình ái không, bạn có biết những lời trăn trối cuối cùng của Einstein không, bạn có biết là cây táo mà bạn luôn ao ước là cây sầu riêng của Newton vẫn còn sống và xanh tốt không, bạn có biết Nguyễn Tuân của Người lái đò sông Đà là diễn viên điện ảnh đầu tiên của Việt Nam không, bạn có biết MC Minh Vũ là con của Xuân Quỳnh, tác giả bài thơ tình Sóng nổi tiếng nhưng lại không phải là con ruột của bà không,… Vậy đó, khi chán nản về những bài toán nhức đầu, những bài thơ dài dòng lê thê, hãy tìm tòi một xíu về nhân vật đó, về hoàn cảnh lịch sử giai đoạn đó, để thấy chút thú vị và cảm hứng để học tập trở lại.

Quay lại chủ đề của chúng ta, hãy nhớ là, để vừa thực hiện được quá trình xây dựng nền tảng (như ở trên mình đề cập) cho tất cả mọi người, vừa đánh giá được mức độ tư duy của bạn về khả năng suy luận ở một chừng mực nào đó, thì người ta đã thiết kế ra bốn game mang tên toán, lý, hóa, sinh để các bạn chơi. Rõ ràng, để chơi giỏi một game nào đó, bạn phải hiểu luật, nhớ luật, rút kinh nghiệm mỗi lần thua đau (làm sai bài tập chẳng hạn), và quan trọng là phải cày!

Còn đối với các môn khoa học xã hội, việc học các tác phẩm văn học, nghiên cứu sử, địa sẽ giúp các bạn sau này định hình được gu thẩm mỹ của bản thân, để gu đó là độc đáo, sáng tạo, đẹp đẽ nhưng không lệch lạc khỏi giá trị văn hóa chung của xã hội (nhưng đôi khi cái gu đó của bạn đi quá nhanh so với thời đại thì đành chấp nhận thôi). Học các môn khoa học xã hội còn giúp các bạn học cách lập luận, phản biện, biết cách sử dụng ngôn từ hợp lý, biết viết thư, trình bày ý kiến, tư tưởng thông qua chữ viết, biết viết hoa khi nào, chấm phẩy ra sao, biết viết thư xin việc, thư tình khác nhau như thế nào. Học sử còn giúp chúng ta biết được rằng tại sao quá khứ lại xảy ra như vậy, và kết quả ra sao, để từ đó mà có thái độ và hành động hợp lý cho những vấn đề thời sự bây giờ. Trong khi học địa thì lại giúp chúng ta vẽ được các biểu đồ, biết nhận xét, phân tích các thông tin qua biểu đồ, những thứ mà các bạn sau này chắc chắn ít nhiều rồi cũng sẽ tiếp xúc và làm việc.

Những lời cuối cùng mình xin chia sẻ, khi các bạn đã thi xong một kỳ thi đã được chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt, thì hãy nhớ rằng sau này khi bước chân ra ngoài xã hội khắc nghiệt, cuộc sống sẽ cho các bạn những bài kiểm tra trước rồi sau đó mới dạy cho các bạn những trải nghiệm, đôi khi là tốt đẹp, nhưng đa phần sẽ là niềm đau.

Sau kỳ thi này, đừng buồn bã, đừng hân hoan, điều đó rồi cũng sẽ qua thôi.

Hãy bắt đầu tận hưởng sự tự do, hãy làm những điều mình thích, học những điều mình thích, sống một cuộc sống mình thích. Nhưng trước mắt, hãy học ngoại ngữ, bớt mơ mộng và nhấc mông lên để thực hiện ước mơ của mình.

Đừng nghe những lời phán xét, hãy nhớ rằng các bạn là duy nhất, và các bạn không hề dở!

Hãy dám mơ ước, dám thực hiện, dám phiêu lưu và dám nhận trách nhiệm!

Và, hãy tận hưởng, thật sự đó, một thế giới tự do hơn rất nhiều!

2606XVIII
Tác giả: Nguyễn Bình Nguyên

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top