re1bbabng-nanuy1

Rừng Na-uy (Murakami Haruki) – Đưa ta về với tình yêu

Tôi luôn bị nhập tâm quá mức khi đọc một cuốn tiểu thuyết nào đó. Tôi sẽ tảng lờ mọi việc diễn ra ngoài đời thực và ngơ ngáo như một kẻ tâm thần. Tôi vừa đọc xong Đồi gió hú nhưng nó chẳng đọng lại gì nhiều nên tôi không review về nó mà bắt đầu ngay vào việc chọn một cuốn sách mới. Kệ sách của tôi cũng khá sơ sài, vài cuốn vứt rải rác và hơn nửa số đó tôi chưa đọc. Tôi có thói quen mua sách về vứt đấy và mỗi khi bắt đầu một cuốn mới tôi sẽ đứng ở cái kệ đấy, suy xét một lúc và chọn một cuốn sách hợp lý. Đôi lúc cũng sai, sai tức là vì tôi đọc xong nó mà chẳng thấy có gì thú vị, sai tức là tôi nghĩ nó không đúng thời điểm. Nhưng đôi lúc nó rất đúng, ngay thời điểm đó, tôi cần một lời giải đáp, một câu trả lời và cuốn sách tôi chọn đọc đã làm được.

Vậy là tôi bắt đầu suy xét về việc nên đọc cuốn nào tiếp theo. Tôi nghĩ đến Murakami Haruki, tôi có quá nhiều cuốn của ổng nhưng lại chưa động vào cuốn nào. Có lần tôi đã thử đọc 1Q84 nhưng rồi lại bỏ dở. Vậy là tôi quyết định sẽ đọc Rừng Na-uy, cuốn sách kinh điển.

Ban đầu tôi có ấn tượng khá xấu vì tôi ghét những cuốn sách rườm rà, nào là những lời khen dành cho tác giả, lời khen dành cho tác phẩm, rồi cuộc đời tác giả và hoàn cảnh ra đời tác phẩm. Tôi chỉ muốn đọc phần nội dung và tự tôi sẽ phê bình nó. Tại sao cứ cố gắng tâng bốc nó trước khi người độc giả đọc nó? Để họ phóng chiếu những lời khen vào tác phẩm? Nếu họ thấy nó không hay thì họ sẽ hoang mang rằng tại họ không cảm thụ được sao?

Vậy là tôi cũng bắt đầu đọc nó, khá giống Bắt trẻ đồng xanh. Nhưng tôi thích nó vì nó chứa đựng nhiều âm nhạc. Và rồi tôi nhập vào câu chuyện lúc nào không hay. Tôi tưởng như mình đang đứng cạnh thằng nhóc Toru và nhìn nó đang làm mọi việc vậy. Ban đầu thì tôi bình luận nó giống một cuốn truyện sex. Nhưng lúc sau thì cũng có nhiều so sánh hay. Như cách mà bà chị Reiko miêu tả về việc thế giới có hai loại người: Loại có thể dạy người khác và loại không thể. Loại có thể dạy người khác thì phát huy tốt cái của người hơn là của mình. Nó giống như phần nhám nhám của hộp diêm. Nó giúp que diêm bùng cháy nhưng nó thì trông chẳng có gì thú vị. Đó là một cách so sánh hay.

Và khi mà tôi đang ngập lụt trong câu chuyện thì tôi nghe được bản nhạc vừa khớp. Tôi nghĩ bạn nên nghe nó khi đọc Rừng Na-uy. Không phải Norwegian Wood của The Beatles, mà là Wish you were gay của Billie Eilish. Nó giống như khi Toru Wantanabe gắn liền một bài nhạc với mối tình của hắn.

“I just wanna wish you be okay
But all you do is look the other way.”

Kiểu như cảnh Midori viết bức thư cho Toru Wantanabe trong khi hắn đang đi mua nước. Cô nàng đã cố làm bộ tóc mới nhưng Toru đếch quan tâm và hắn vẫn đang nằm trong cái màng bọc của mình, không để ai có thể bước vào.

Là một câu chuyện tình yêu, nó đem lại khá nhiều sự đồng cảm và cảm xúc thật. Một người yêu mình, rồi mình lại yêu một người khác, người khác lại yêu người khác nữa. Tình yêu rất phức tạp và nó làm đảo lộn mọi thứ, không theo một quy chuẩn nào và cũng không ai có quyền chê trách hay gán ghép nó vào bất kỳ một định nghĩa nào. Nếu có tình yêu giữa hai người thì nó sẽ có người nào yêu nhiều hơn, chẳng có cặp đôi nào mà cả hai đều mãnh liệt.

Câu chuyện phủ đầy một màu u tối và ảm đạm, xoay quanh chết chóc, bệnh tật, chia lìa, tình dục và tình yêu không được trọn vẹn, sự giằng xé giữa quá khứ Naoko và tương lai Midora của thằng nhóc Toru. Nhưng với tất cả sự đau đớn ấy, với tất cả những hoàn cảnh tiêu cực ấy Murakami vẫn vẽ nó thành một bức tranh vô cùng hoàn hảo, nó tuyệt vời và đẹp đẽ, nhẹ nhàng, tình cảm và chứa đầy tình yêu.

Từ đầu đến cuối câu chuyện, cái chết luôn được nhắc đến xuyên suốt. Và như tác giả đã nói:

“Sự chết tồn tại, không phải như một đối nghịch mà là một phần của sự sống.”

“Bằng cách sống cuộc đời của mình, chúng ta đang nuôi dưỡng sự chết.”

Xoay quanh chết chóc, đau buồn và sau khi gấp cuốn sách lại, tôi thấy nó thật tuyệt vời. Nó không phải một cuốn sách chứa nặng trĩu triết lý, nó chứa đầy tình yêu.

Nó khiến ta phải nghĩ về sự chết, sự chết có thật sự bi thảm như ta tưởng? Hay nó là một mở đầu mới mẻ, tươi đẹp? Và tại sao khi đến lúc chết con người mới nói những lời chân thành với nhau?

Đọc xong Rừng Na-uy, tôi liền nghĩ ngay đến dòng máu đang chảy trong người, đến người tôi yêu thương, tôi sẽ không thể biết lúc nào họ không còn là một thân thể toàn vẹn cạnh mình nữa? Và điều phải dây mơ rễ má với ai đó thật khủng khiếp. Tôi không muốn phải trao tình cảm đến ai nữa nhưng rồi tôi không thể dứt bỏ những người thân bên cạnh. Nếu họ chết, tâm hồn tôi có giống như bị xé rách một nửa không? Tôi sợ phải sống với một phần trong tâm hồn bị chết đi. Nhưng nếu điều đó thú vị thì sao nhỉ? Đó là những giằng xé nơi đầu óc tôi sau khi đọc xong Rừng Na-uy.

Họ thường gán ghép rằng những cuốn sách tình yêu thì luôn rẻ tiền hoặc quá yểu điệu. Với Rừng Na-uy thì không, tôi cần phải đọc nó, bạn cần phải đọc nó. Vì nó giúp ta trau dồi cảm xúc của tâm hồn, nó đưa ta về cội nguồn của cuộc sống, đó là tình yêu. Và cho dù thế giới này tận thế thì tình yêu vẫn tồn tại, như cuộc đối thoại giữa mặt trời và trái đất.

Trái đất hỏi Mặt trời rằng: Tại sao anh lại làm tổn thương họ?

Mặt trời trả lời: Bởi vì họ làm tổn thương em.

Tình yêu sẽ tồn tại vĩnh hằng như vậy đó.

Tác giả: Bà Năm

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top