samuel-sng-nfs_9x5-v3g-unsplash

Nếu bạn nhạt nhẽo thì hãy nhạt nhẽo một cách duyên dáng

Đợi đã, có gì không đúng ở đây rồi? Sao lại là nhạt nhẽo? Phải là cái gì đó như cuốn hút hay quyến rũ mới hợp lý chứ? Nhưng nếu logic như vậy thì cần gì bàn luận với nhau nữa. Thật đấy, tôi không đùa đâu. Hãy giả vờ nhạt nhẽo trước khi bạn trở nên nhàm chán thật sự trong mắt người khác. Tôi đã rất đắn đo khi đặt ra nghi vấn có vẻ mâu thuẫn này để tìm ra hướng giải quyết cho những ai vẫn đang loay hoay định vị giá trị của bản thân mình.

Bạn chưa từng nghĩ mình sẽ trở nên cuốn hút đám đông hay ai đó thì thầm vào tai bạn rằng “Sao mày chán vậy, nói chuyện nhạt như nước ốc ấy?” Đừng vội chạnh lòng vì có thể bẩm sinh bạn là kiểu người chán thật sự. Không, tôi không có ý định bỡn cợt bạn, chỉ là tôi muốn an ủi và động viên bạn hãy nhìn vấn đề một cách thực tế để từ đó chúng ta sẽ cùng nhau tìm giải pháp chữa trị cho căn bệnh nguội lạnh này. Nếu lỡ nhàm chán thì hãy trở nên “nhàm chán một cách duyên dáng”.

Bạn đang nghĩ tôi đang đùa ư? Hay bạn đang lăn tăn về ý tưởng này?

Thôi được, tôi biết trong đầu bạn đang chạy ra dòng chữ “Con điên, nhàm chán mà đòi duyên dáng.” Không sao, tôi không buồn bạn đâu vì tôi biết bạn vẫn còn thắc mắc thêm một vài câu sau như “Cơ mà bằng cách nào mới được chứ?”

Có lẽ lòng bạn đang nảy sinh hoài nghi. Thế thì tôi phải giải thích thêm một điều rằng tôi biết được điều này vì bản thân tôi đã từng trải qua một khoảng thời gian u tối và lắm rắc rối khi bị chê cười như vậy đấy. Tôi không thể và cũng chưa bao giờ có ý định cải tạo lại giá trị của mình để trở thành người ăn nói khéo léo và thu hút. 

Tôi chán ghét bản thân mình, đêm nào tôi cũng thao thức, trằn trọc về sự tẻ nhạt của bản thân. Thậm chí tôi ước rằng mình có thể sống mà không giao du hay trò chuyện với bất kỳ ai để khỏi phải mặc cảm tính cách của mình. 

Và rồi nhiều năm trôi qua, tôi không cố tình cải thiện kỹ năng nhạt nhẽo của mình đâu các bạn à, thề đấy, nhưng không hiểu vì đâu mà sau này một vài người lạ khác bước ngang cuộc đời tôi, hét thẳng vào mặt tôi rằng “Mày nói chuyện có duyên thật đó Duyên.” 

Tôi tên Duyên, phải, lý ra ngay từ khi đẻ ra tính cách của tôi phải bị áp đặt bởi cái tên chứ, đúng không? Ấy thế mà nó đối lập hoàn toàn khi bạn bè và người nhà tôi nằng nặc lót thêm chữ “VÔ” bất chấp nỗi tủi hờn trong lòng tôi. Tôi ứa gan, tràn đầy lòng hận thù các bạn à, nhưng không dám phản kháng bởi tôi nhận thức được mình nói chuyện vô duyên thiệt. Haizz, thật xấu hổ khi thổ lộ điều này với các bạn , biết sao được cũng vì sự kiện này mà tôi muốn chia sẻ với các bạn mà. Thế cho nên nếu lỡ chúng mình có duyên gặp trực tiếp thì các bạn đừng đề cập đến chuyện quá khứ này nhé, đâu có hay ho gì đâu nhỉ? 

Các bạn cứ thoải mái xoáy sâu vào để lấy cớ cải thiện cho sự duyên dáng của mình nhé. Tôi sẽ không ngại vấn đề đó đâu trừ khi bạn đem chuyện tôi ăn nói vô duyên ra làm tiền đề bảo vệ cho sự vô duyên thật sự của các bạn (Nghiêm túc đấy).

Tôi từng đọc và nghiệm đi nghiệm lại câu nói đại loại như thế này: “Giả ngu là một nghệ thuật, đó là cảnh giới cao nhất của sự thông minh trí tuệ.” Hoặc bác Lê Thẩm Dương cũng từng khẳng định rằng “Thông minh mới giả ngu chứ ngu sẵn rồi không cần nữa.” Tôi hoàn toàn ngã quỵ trước sự thâm thúy của các bậc thầy này. Khi liên hệ với thực tế, cụ thể với những người mà bạn tiếp xúc hàng ngày trong cuộc sống, rất hiếm khi bạn nhận biết được một ai đó đang giả ngu bởi họ lồng ghép vào đấy cả sự chân thành. Tuy nhiên, chúng ta thường có xu hướng tìm cách nhận định họ ngu thật. Cũng hợp lý thôi bởi thành phần mang tính chất giả vờ rất hiếm mà thành phần nửa vời rất đông. Ai cũng mong được công nhận giá trị và khi giá trị thực sự được công nhận thì ta lại bị vây quanh bởi những “hiệu ứng xu nịnh” khiến não bộ của ta bị đánh lừa bởi những lời tán dương mà quên mất việc kiểm soát thái độ duy trì giá trị ấy. 

Vậy nên để đạt đến cảnh giới của trí tuệ cần phải mất rất nhiều thời gian và cần ý thức được khiếm khuyết của bản thân. Dựa trên ý niệm về câu nói này tôi muốn áp dụng trong trường hợp của sự tẻ nhạt. Tôi mạn phép phân cấp trong bài này thành ba loại người tẻ nhạt đáng chú ý nhất hiện nay. 

Đi từ thấp đến cao sẽ là “tẻ nhạt tầm thường”, “tẻ nhạt bình thường” và cuối cùng là “tẻ nhạt khác thường” mà tôi dùng bằng cụm từ mĩ miều “nhàm chán duyên dáng”.

Bạn sẽ dễ dàng nhận thấy một người tẻ nhạt tầm thường và bình thường lẫn trong đám đông với những biểu hiện căn bản như:

  • Luôn ít lời và tiết kiệm nụ cười: Nhiều trường hợp còn phớt lờ buổi trò chuyện bằng cách tập trung vào công việc riêng của họ như: chơi game, lướt web… khi được nhắc đến tên, người tẻ nhạt thường đưa ra vài ba lời phủ nhận. Hoàn toàn không chủ động cân nhắc và bàn luận cùng số đông. Vì vậy mà họ cũng không hiểu được quan điểm của người khác.
  • Phức tạp sự nghiêm túc dưới mọi tình huống: Người tẻ nhạt thường dành phần lớn thời gian để nghiên cứu thông tin và kêu ca mọi thứ khi có cơ hội.
  • Không thường xuyên đổi mới bản thân: Bởi lẽ họ không hứng thú về việc người khác nghĩ gì về mình và cũng chẳng quan trọng chuyện hình thức khi những thời gian rảnh rỗi họ chỉ muốn một mình, không muốn đi chơi.
  • Phản hồi thông tin bằng một cách duy nhất và luôn lặp đi lặp lại: Họ thiếu vốn từ vựng và kiến thức để mô phỏng ý niệm và cảm xúc của bản thân khi cần. Từ đó hạn chế khả năng pha trò hoặc không biết cách làm mọi người cười.
  • Một điểm đáng lưu ý để phân biệt giữa 3 nhóm người tẻ nhạt:
  • Tẻ nhạt tầm thường:  Luôn mang trong mình nguồn năng lượng tiêu cực. Ngoài việc không thấu hiểu quan điểm của người khác, bản thân họ cũng không ý thức được mong muốn của chính mình, tức không nhận thức được hành vi và suy nghĩ của mình là lệch lạc. Thường xuyên so sánh với người khác để tự nâng cao hay hạ thấp bản thân mình.
  • Tẻ nhạt bình thường: Trên đà nhận thức được sự nhàm chán và kém hiểu biết của bản thân. Mong muốn cải thiện và ra sức nỗ lực cải thiện từng ngày. Có dấu hiệu thay đổi ở cách nói chuyện và bàn luận một vấn đề. Luôn mang những kiến thức mà mình vừa thu thập được ra làm chủ đề khi có cơ hội. Còn khi gặp những câu chuyện vượt ngoài vốn kiến thức đang có họ thường im lặng và lơ đãng. Không tập trung lắng nghe cùng mọi người hoặc tìm cách tua nhanh ý kiến của người khác.
  • Tẻ nhạt khác thường: Sở hữu nét mặt lạnh lùng, nghiêm nghị. Họ chế ngự cảm xúc và những biểu cảm trên gương mặt rất tốt. Sử dụng ngôn ngữ hình thể để diễn đạt quan điểm trong một số trường hợp. Họ cố tình lơ đễnh vào những hoạt động khác nhưng vẫn lắng nghe câu chuyện của người khác và ngầm quan sát hành vi của người nói hoặc người mà họ để ý. Không đưa ra bất kỳ ý kiến hoặc tranh cãi đến khi cần phải đúc kết vấn đề và rời đi. Nhóm người này rất hiếm, thường rơi vào vị trí lãnh đạo hoặc làm công việc độc lập không thích sự náo nhiệt ồn ào và xu nịnh. Tuy nhiên, họ biết cách điều khiển cảm xúc của đối phương để đạt được lợi ích cá nhân, tập thể khi cần. Điều đó khiến những người xung quanh thường e dè và không lường trước được hành vi của những người tẻ nhạt khác thường vì bản thân họ là người nhiều tri thức, luôn thấu hiểu được bản thân thực sự muốn gì.

Giờ thì bạn và tôi cùng liên hệ xem mình thuộc nhóm người nào để từ đó nâng cấp sự tẻ nhạt của mình lên một tầm cao mới nhé.

Tác giả: VRSP

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top