“Chúng tôi khẳng định những chân lý này là hiển nhiên, mọi người sinh ra đều bình đẳng, họ được Tạo hoá ban cho một số quyền tất yếu bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.” (Câu thứ hai trong Bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ)
Mọi người ai cũng có quyền mưu cầu và khao khát sự trù phú, sung túc. Tuy nhiên điều quan trọng là liệu chúng ta đã hiểu rõ bản chất và chức năng của đồng tiền nói riêng hay vật chất nói chung chưa. Nếu không có góc hiểu đúng đắn và tích cực, thực tại của chúng ta sẽ bị đảo lộn trật tự và mâu thuẫn. Lúc này, thay vì góp phần biểu đạt giá trị tâm hồn, tiền bạc sẽ tiếp tay hủy hoại con người bạn. Thay vì sống một cuộc đời viên mãn và trọn vẹn trong hiện tại, bạn lại chạy đua với sự đói khát, tham thèm vật chất hay các hình thức thỏa mãn thân xác.
1. Bản chất và giá trị thực của đồng tiền
Tiền bạc không chỉ bao gồm các loại tiền, vàng, nhà đất, v.v.. mà còn bao gồm mọi thứ hữu hình khác, như thân thể, sức khỏe, các mối quan hệ, các xúc cảm và ý tưởng, các phẩm hạnh đạo đức. Tất cả những gì chúng ta có thể nắm bắt được bằng các giác quan, đều là tiền bạc.
Giá trị của tiền bạc phụ thuộc vào năng lượng đặt ở đằng sau. Hay cụ thể hơn, giá trị của tiền bạc mang tính chủ quan, phụ thuộc vào mức độ chú ý của ta dành cho nó. VD: Có người coi 1 triệu là quý giá và tìm đủ mọi cách để cất giữ bảo vệ. Nhưng cũng là 1 triệu ấy, có người sẵn sàng quyên góp hết cho quỹ từ thiện để giúp đỡ người nghèo. Sự chú ý của người thứ hai này đặt vào đồng tiền năng lượng là tình yêu thương, không đặt vào đồng tiền làm bằng giấy.
Điều này cũng giải thích cho cách bạn tiếp cận với những đồng tiền năng lượng mang tên “giận dữ”, “buồn khổ”, “bất mãn”. Chúng thực sự trở thành vấn đề, hay có uy lực, “quan trọng”, nghiêm trọng đối với bạn khi bạn liên tục dành sự chú ý cho nó. Khi xảy ra chuyện, bạn không có sự bình thản và xả ly, bạn nhăn mặt lại và bắt đầu suy nghĩ đủ thứ “người kia nói một lời làm mình khó nghe quá”, “ôi cái công việc này làm mình bực bội ghê”, “không biết bao giờ mình mới thoát khỏi cái cảnh nghèo nàn này”, v.v… Bạn chú ý đến cái gì, cái đó được nuôi dưỡng, trở nên “có giá”, và tiếp tục tồn tại. Đôi khi, những thứ đó lại là những thực tại tiêu cực. Vì không hiểu biết được giá trị của đồng tiền hay các loại vật chất có cội nguồn là từ bạn, nên bạn khiến cho chính bản thân mình yếu đuối trước chính những thứ bạn đã trao cho năng lượng.
Khi được phân chia, tiền bạc sẽ có 2 loại, một loại “trên Trời” và một loại “dưới Đất”. Loại “trên Trời” là các giá trị đạo đức không thể bị băng hoại như lòng nhân ái, đức tin, sự vị tha, đức can trường, sự dũng cảm, nhẫn nại, tự trọng, v.v… Loại “dưới Đất” là các giá trị hữu hình lệ thuộc vào điều kiện khác để tồn tại, như tiền của, bạc vàng, hình ảnh cá nhân, địa vị, công việc, sức khỏe, mạng sống, cảm xúc và tư tưởng, v.v… Về chủ đề này, Đức Jesus đã có lời dạy tương ứng:
“Nhưng hãy tích trữ của cải các con ở trên Trời là nơi mối mọt không thể hủy hoại và kẻ trộm cũng không khoét vách lấy được. Vì của cải các con ở đâu, lòng các con cũng ở đó.” (Mt 6:20-21)
2. Mối quan hệ giữa tiền bạc và Đạo lý
Thuận theo nguyên tắc âm dương, tiền bạc mang nguyên lý âm, chuyển động biến đổi thành muôn hình vạn trạng, là dòng chảy liên tục thay đổi. Trong tiếng Anh tiền tệ là “currency” (dòng lưu hành) là vì vậy. Hay người Việt Nam thì nói “Tiền vào như nước sông Đà, tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin.” Tiền mang tính âm như nước, là thứ linh động, dễ biến đổi. Và đặc biệt, nó có bổn phận quy phục và là đầy tớ cho nguyên lý dương, thường hằng bất biến, là Đạo lý, Chân Ngã, Thượng Đế, Tâm Hồn.
Ở đây, vật chất (tiền bạc) là bề tôi của Đạo lý, là nguyên liệu để Đạo được biểu lộ. Và đồng tiền chỉ thể hiện đúng giá trị và chức năng của nó khi phục vụ nguyên lý tối cao, hay phục vụ những điều tốt đẹp. Nói theo một cách khác, sự sự trù phú của tâm hồn luôn kéo theo sau sự sung túc về vật chất. Khi bạn có mục đích làm những điều thiện lành, bạn hiển nhiên được cuộc đời cung cấp đủ năng lượng, và nguyên liệu vật chất để thi hành việc đó. Nên những người có tư tưởng giàu rồi mới làm việc thiện, giỏi rồi mới giúp người khác, hay phải kiếm đủ tiền đề huề vợ con rồi mới tu Đạo là người không hiểu biết quy luật của Tự nhiên, và sẽ luôn gặp thất bại trong hành động thực hiện ước muốn của chính mình.
3. Cách sử dụng tiền đúng đắn, người biết sử dụng đồng tiền
Khi rơi vào tay một người không hiểu bản chất của đồng tiền và mối liên quan giữa nó với Luật Trời, đồng tiền sẽ được sử dụng với mục đích vô minh, tiêu cực. Ví dụ đơn giản là con người lo ăn uống hưởng thụ để chăm bẵm cơ thể béo tốt, hưởng thụ sự dễ chịu sung sướng về thân xác, chứ không hiểu được giá trị của thân thể mạnh khỏe là để đủ khả năng để trau dồi trí tuệ, lao động cống hiến, và để giúp đỡ những người yếu ớt thiệt thòi hơn mình.
Hay một ví dụ khác, đó là con người nhìn những cảm giác tiêu cực của bản thân là thứ xấu xa, và tìm cách để trốn tránh hay gạt bỏ và tạo nên những mâu thuẫn, cực đoan và bất hạnh nhiều hơn trong lòng. Trong khi mọi cảm xúc hay tư tưởng, dù tiêu cực đến đâu, cũng là một giá trị của cuộc đời, là một đồng xu của vũ trụ, nằm trong “dòng tiền” của vũ trụ, hay thuộc vào Ý Trời. Một người hiểu biết điều này thì biết đón nhận mọi điều diễn ra trong cuộc sống của mình như một ân sủng và thấy sự trù phú đang dạng của các trải nghiệm. Và chỉ nhờ có vậy, họ mới nhìn ra được giá trị quý báu, những bài học cuộc sống nằm sau những tình huống có vẻ ngoài tiêu cực. Thay vì đặt sự chú ý vào biểu hiện sần sùi thô ráp, anh ta đặt cược năng lượng của mình vào sự hiện diện đầy sinh động của tình huống đó. Đây chính là cách một người có thể sống với bình an và phúc lạc tràn ngập trong đời mà không hề bị vướng vào dòng vật chất anh ta đang đắm mình bên trong.
Ngoài ra, khi tiền của vật chất đã là tôi tớ của Trời Đất, thì bạn không có cớ gì để nói rằng tiền là của bạn và bạn phải sở hữu, tích lũy để hưởng thụ cho riêng mình. Ngay chính bạn, thân thể của bạn, sự thông minh của bạn hay lòng trắc ẩn của bạn, cũng thuộc về Trời Đất. Người nào tự nhận tất cả những thứ đó là của mình thì sẽ rơi vào lòng tham và sự vô minh, người đó sẽ phải chịu đau khổ khi những thứ đó bị tổn hại. Già ốm thì kêu than, đãng trí thì bất mãn và không giúp được người mình muốn giúp thì thấy khổ đau ghê gớm. Dù bạn có tốt đẹp đến thế nào, mà nhận những tốt đẹp đó là của bạn, thì không khác gì bạn đang vơ nhận tiền bạc của vũ trụ là của bạn. Đây là tư tưởng của kẻ bần tiện. Để thoát ra khỏi cạm bẫy tham lam và đau khổ này, chỉ có duy nhất một cách đó là xả ly, và hiến dâng tất cả cho God, bằng cách sống cống hiến mà không mong cầu được hưởng thụ điều gì và thường trực biết ơn mọi chuyện đang diễn ra trong hiện tại.
“Người nào luôn tràn trề ý thức về Ta và hiểu rằng rốt cục chỉ có Ta hưởng thành quả của mọi hy lễ và khổ hạnh, rằng Ta là vị chúa tể tối cao của mọi tinh cầu và tất cả á thần, là ân nhân và người hảo tâm của mọi chúng sinh, người đó thoát khỏi những khổ đau vật chất và có được sự an lạc.” – Sri Krishna, Chí Tôn Ca (5:29)
Đa số con người hiện nay không hiểu được nguyên lý âm dương giữa vật chất và Thượng Đế để nương theo mà sống sao cho hữu ích và chính đáng. Chúng ta đều bị tẩy não rằng phải kiếm tiền, phải làm giàu bằng mọi giá và cho rằng tiền bạc quan trọng hơn Đạo Lý. Chúng ta chỉ biết so đo nhau chuyện cái nhà cái xe, chuyện cao thấp béo gầy, có hình ảnh đẹp trên mạng xã hội, có bữa ăn sang trọng, có chỗ làm ổn định lương cao, có hiểu biết nhiều hơn người kia, ngầu hơn, oách hơn, nhiều thú vui hơn, đôi khi là “tâm linh” hơn, v.v… Nhưng chẳng mấy khi quan tâm rằng bản thân mình có biết rõ Đạo lý và những quy luật chi phối cuộc đời không. Vì nếu biết, ta chẳng bao giờ phải nhỏ một giọt chú ý đến những thứ hào nhoáng bên ngoài, thứ hiển nhiên sẽ biểu lộ tương ứng theo sau trí tuệ tâm hồn.
Khi sống trong cuộc đời này, sự nghèo đói mà một người trải nghiệm là do góc nhìn của anh ta nghèo nàn, đói khát ánh sáng trí tuệ, hay sinh lực bên trong anh ta thấp kém nên tạo ra lăng kính tiêu cực, không phải do bản chất của thực tại đó nghèo nàn. Chẳng có đồng xu nào trong kho chứa của Trời Đất lại không là quý báu. Chỉ có những kẻ bị lòng tham và sự u mê che phủ con mắt trí tuệ thì mới thấy cuộc đời này nghèo đói và cần bon chen.
“Những lời hoa mỹ khuyên con người thực hiện đủ loại hành động vì thành quả được tiến tới thiên đường, được sinh ra trong gia đình quý phái giàu sang, để có quyền lực, và nhiều thứ khác trong bộ kinh Vệ Đà vô cùng hấp dẫn những kẻ nghèo tri thức. Đầy lòng khát khao lạc thú giác quan và cuộc sống xa hoa, những kẻ đó nói rằng chẳng có gì hơn thế.” — Sri Krishna, Chí Tôn Ca (2:42-43)
“Lòng quyết tâm phục vụ tận tụy cho Đấng Tối Cao chẳng bao giờ nảy nở trong tâm trí những kẻ ham mê lạc thú giác quan và của cải vật chất, những kẻ bị tất cả những thứ đó làm rối trí.”– Sri Krishna, Chí Tôn Ca (2:44)
Sự giàu có và trù phú sẽ luôn đến với một người tuân theo Luật Trời. Giống như người vợ biết cung phụng chồng, làm đúng bổn phận của mình, thì chẳng có lẽ nào người chồng lại không làm đúng bổn phận của anh ta là cung cấp mọi thứ người vợ cần. Tiền bạc vật chất là vợ, Đạo Lý là chồng. Người nào muốn giàu có sung túc thì trước tiên phải biết quy luật của sự sống, phải cúi mình trước Trí Tuệ Vĩ Đại. Còn người nào muốn sang giàu mà không hiểu biết quy luật này thì cuộc sống của họ có thể sẽ mang những đặc điểm sau:
- Lao động luôn mong hưởng thụ thành quả, sống với lòng tham và không thể toàn tâm toàn ý cho việc đó.
- Luôn cân đong tính toán trường hợp nào có lợi hơn về mặt vật chất và thường rơi vào mâu thuẫn, đắn đo hoặc trì hoãn hành động.
- Làm lụng vất vả khó nhọc, tâm trí mơ tưởng về sự quyền quý xa hoa.
- Bất mãn với hiện tại, không nhận ra giá trị của những điều bé nhỏ.
- Khi kế hoạch và kỳ vọng không được như ý thì buồn khổ và bực bội.
- Nếu trở nên giàu có thì sướng vui ngây ngất, không biết rằng cái giàu đó tiềm tàng đối cực là sự bất an, thèm khát, khó chịu và đau khổ. (Trong khi đối cực tiềm tàng trong sự giàu có của người quy thuận Đất Trời, đó là trí tuệ về Đạo lý, sự bình an chân thật và trách nhiệm sống hữu ích cho đại đồng. Người này khi giàu có thì không mừng vui hớn hở, mà vẫn ung dung điềm nhiên như lúc trước khi họ có nhiều tiền của.)
4. Kết luận
Nói tóm lại, việc tích lũy tiền bạc chỉ vô minh, lệch lạc
- Khi mục đích tích lũy không phải để cống hiến hay giúp đỡ người khác
- Khi tiền đó không xoay quanh các giá trị đạo đức cơ bản
- Khi chỉ dùng để thỏa mãn 5 giác quan
- Khi cho rằng tiền đó là của mình
- Khi cho rằng hạnh phúc đến từ tiền bạc vô thường, trong khi hạnh phúc đã chính là bản chất nội tâm đích thực của bạn, Chân Ngã – ông chủ của mọi loại vật chất, lang quân của nữ thần của cải.
Tác giả: Hòa Taro
>> Download Chí Tôn Ca Free – bit.ly/CTC_