lc3bd-thuye1babft

Lý thuyết có cần thiết, hay chỉ cần trải nghiệm?

Tôi thấy cái sai lầm lớn của các bạn trẻ khi kháo nhau rằng cứ đi đi, cứ làm đi nhưng chẳng ai nhắc rằng hãy kiểm tra và nghiên cứu cho kỹ. Các bạn nói mở mắt dậy và đi thật xa, đó mới là tuổi trẻ. Đi khi trong người không có gì kể cả kinh nghiệm nhỏ như vá lốp xe, xăng dự trữ, đồ ăn,… Đi như thế thì cũng được, cũng vui, cũng hay, cũng thú vị.

Nhưng các bạn bắt đầu áp dụng vào tất cả mọi việc trong cuộc sống bằng cách đó. Chơi nấm, LSD, DMT, không cần biết nó là gì, không cần có kinh nghiệm. Chơi vì người ta rủ chơi cho vui. Đi làm hả? Làm cho vui, thích thì nghỉ. Công việc hả? Không thích thì bỏ. Các bạn bắt đầu trở thành một con người bất ổn định, bắt đầu làm người khác mất sự tin tưởng. Cái việc thích gì làm đó biến thành sự ích kỷ và vô trách nhiệm. Tôi không nghĩ tuổi trẻ là cần phải điên loạn, cuồng nhiệt, phải đi đây đó, trải nghiệm v.v… nhưng đến cuối cùng vẫn không để đúc kết được gì cho bản thân.

Với tôi, tuổi trẻ nên có một chút nổi loạn nhưng vẫn luôn có quan điểm vững chắc, hướng đi và mục đích sống rõ ràng. Nhiều bạn còn lớn hơn mình nữa, vẫn đi lông ba lông bông rồi gắn cái mác tuổi trẻ vào người. Làm việc mỗi chỗ một ít rồi bỏ đi, liên lụy bao nhiêu người khác. Có những bạn đi mãi rồi lạc luôn mục đích ban đầu.

Có người hỏi tôi rằng tôi đọc sách mãi có đạt đến cái ngưỡng thấy mọi cuốn sách đều nói chung chung vài vấn đề không? Và mọi cuốn sách đều không hiệu quả bằng cách vứt sách đi, đứng dậy và trải nghiệm. Những trải nghiệm của tôi có thể ít thật, có nhiều cái tôi vẫn còn chưa từng trải qua, chưa biết đến. Nhưng tôi vẫn nghĩ sách chính là nền tảng cho mọi việc trước khi bắt đầu thực hành nó.

Khi trải qua một việc mà ta biết tên, biết việc ấy diễn biến ra sao, sau đó ta sẽ thế nào luôn tốt hơn là việc ta hoang mang bước vào sự việc ấy, lần mò, đơn độc, đau khổ mà còn không biết gọi tên nó là gì? Rồi sau đó, kết quả chung của cả hai trường hợp là ta học được một bài học. Nhưng, quan trọng là trên con đường, mắt ta tỏ tường mọi việc luôn tốt hơn là không biết gì.

Sách này nói cái này, luận điểm, luận cứ chắc như bắp. Sách kia nói ngược lại cũng chắc nịch không kém cạnh. Lúc đó ta tìm ra được cái con đường phù hợp để bước theo.

Người đã từng trải, tất nhiên luôn am hiểu hơn người chỉ ôm mớ lý thuyết suông. Nhưng người ôm mớ lý thuyết ấy, có cơ hội được trải nghiệm tất nhiên sẽ hiểu tường tận hơn, rõ ràng hơn.

Sách cũng giúp ta gỡ rối nhiều vấn đề tâm lý. Vấn đề tâm lý là vấn đề tất cả người trẻ đều gặp phải. Ủa, sao mình vô dụng vậy ta? Sao mình mệt mỏi vậy ta? Mình làm cái này để làm gì? Làm cái kia để làm chi? Sao mình sống không có mục đích? Sao thấy bản thân ăn hại quá?

Những vấn đề sâu xa hơn, về những chuyên ngành tôi tìm hiểu. Ví dụ khi đi phượt, tôi là người dẫn đoàn. Đương nhiên kinh nghiệm nhiều lần đi cùng đó là cần thiết nhưng nếu tôi đọc sách tìm hiểu về vị trí địa lý, đặc điểm đặc biệt, cách nhận biết đường đi, nhận biết cây cỏ ăn được, cây thuốc quý, v.v… chắc chắn sẽ giỏi hơn người chỉ biết dẫn đoàn đi sao cho không bị lạc.

Ví dụ khi muốn nghiên cứu về thiền, tôi có thể xin đại vào một cái thiền viện rồi người ta hướng dẫn. Nhưng tôi có thể đọc sách tìm hiểu sâu rằng thiền có nhiều loại, thiền sao cho phù hợp.

Còn nếu muốn trở thành một nhà văn, nhà thơ đương nhiên việc đầu tiên là phải đọc thật nhiều, đọc nhiều hơn những người khác gấp chục lần, và đọc kỹ hơn người khác nữa. Người bình thường sẽ đọc chỉ để lấy thông tin. Người viết thì cần nắm bắt chắc thông tin, biết cuốn sách cấu tạo mở đầu, cao trào, lắng đọng nằm ở đâu, biết tìm những từ ngữ hay để ghi nhớ.

Tóm lại, người nào nói đọc sách không cần thiết, quan trọng là trải nghiệm, tôi phản đối hoàn toàn. Người đó chỉ đơn giản là một người lười đọc sách hoặc toàn đọc vớ vẩn không đúng mục đích, nội dung người đó cần tìm hiểu. Chúng ta có thể trau dồi kinh nghiệm ở khắp mọi nơi ta chạm vào, ta học hỏi được từ lời nói, hành động của người này người kia. Nhưng sách vẫn luôn đem lại nguồn kiến thức khổng lồ, không bao giờ là đủ, là giới hạn.

Tác giả: Bà Năm

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top