darius-bashar-wsypuoupof4-unsplash

Luật bù trừ: Được cái này, mất cái kia

Đã rất nhiều lần, khi tôi buồn phiền chuyện gì đó về bản thân mình và tâm sự với người bạn thân, thì anh ấy thường hay nói rằng: “Được cái này, mất cái kia. Được chiếc giày, mất chiếc hia.” Kỳ lạ là chỉ cần nghe như vậy, tôi bỗng thấy nhẹ lòng và bình an trở lại. Nhiều khi tôi chỉ biết tập trung vào mặt tối của câu chuyện, vào phần thiếu thốn mất mát. Hay nói cách khác, tôi cứ mải nhìn vào một nửa còn thiếu của ly nước, mà không nhớ ra rằng phần nước vẫn còn đang nằm ở nửa dưới của chiếc ly, rồi cảm thấy thật đau khổ.

Tuy nhiên, sự bù trừ lẫn nhau của hai mặt đối lập là quy luật chung của cuộc đời. Nó biểu hiện ở mọi ngóc ngách phương diện và chúng ta không thể tránh khỏi được quy luật ấy, dù có chống cự thế nào. Nhiều khi, chính bởi sự chống cự mà chúng ta cảm thấy đau khổ, chứ không phải do các sự kiện đó có bản chất đau khổ.

Khi nhìn xung quanh, bạn có thể thấy người có nhiều tham vọng thì lại ít sự ngơi nghỉ, người có nhiều sự thư giãn thoải mái lại ít có động lực làm việc. Người có được nhiều kinh nghiệm sống thi phải trải qua nhiều gian truân thử thách, người được được bao bọc trong nhung lụa thì lại có nguy cơ trở thành “em bé bột”. Người mềm mại thì được lòng người nhưng lại dễ bị lấn lướt, người cứng rắn giữ được vị trí của mình nhưng đôi khi người khác lại không ưa. Người có tài thì dễ sinh sự kiêu ngạo, người bình thường không quá nổi bật thì lại dễ có được đức khiêm nhường. Người mong manh thì lại không chịu được áp lực, người chịu được áp lực thì lại không còn vẻ mong manh, v.v…

Vô số những ví dụ xung quanh có thể chứng minh sự bù qua sớt lại của tự nhiên. Nếu bạn nhìn kỹ thì sẽ thấy ông Trời rất công bằng. Ổng không để ai phải hoàn toàn chịu thiệt thòi hay hoàn toàn được hưởng sung sướng. Trời luôn đặt đằng sau sự khắc nghiệt là những bài học tinh thần rực rỡ, và đằng sau sự ấm êm sung sướng là những cái giá đớn đau phải trả. Với quy luật bù trừ, khi bạn nhún xuống, bạn sẽ được kéo lên. Khi bạn trồi lên, bạn sẽ bị vùi xuống. Nhờ vậy, bạn sẽ dần tìm thấy được điểm cân bằng.

Nhìn lại cuộc sống của chính mình, tôi chợt nhận ra rằng có những chuyện biến động tưởng chừng như tai họa đang giáng xuống đầu, nhưng hóa ra lại là sự rục rịch mở ra một giai đoạn đầy tiềm năng tươi sáng. Còn những khi tôi đang vui thú mê say, tưởng là đã đạt tới đỉnh cao của thành công và hạnh phúc thì lại có những tai họa bất ngờ xảy đến để tát cho tôi một cú bừng tỉnh. Không chỉ trong cuộc sống biểu hiện như vậy mà tôi còn nhìn thấy quy luật được/mất này biểu hiện trên bàn cờ. Khi cờ lâm vào thế yếu thì người chơi tỏ ra thận trọng, tập trung hơn, thậm chí bung được ra khí chất hiên ngang bất khuất và giành lại chiến thắng. Còn khi cờ được thế thì lại sinh tâm lý chủ quan, khinh suất nước đi làm tiêu tan cơ đồ hùng mạnh chỉ trong phút chốc.

Nói “được cái này mất cái kia” cũng hàm ý về một sự hi sinh nào đó là cần thiết trong cuộc sống mà chúng ta phải dám chấp nhận. Nếu bạn muốn sống xa nhà tự lập thì bạn buộc phải đánh đổi những giờ phút gần gũi mẹ cha, hay những cơ hội được gia đình bao bọc nâng đỡ. Nếu bạn muốn được thân hình cường tráng thì phải đánh đổi bằng mồ hôi và công sức luyện tập. Nếu bạn muốn được một sự khiêm nhường thì phải đánh đổi bằng việc không phải lúc nào cũng được là người về nhất hay được là người đúng. Nếu bạn muốn được sự tĩnh lặng tâm hồn thì phải đánh đổi bằng việc cảm thấy khó chịu trong quá trình tắt đi sự lải nhải của tâm trí…

Ngày xưa khi tôi học cấp 3, cô giáo từng hỏi chúng tôi một câu rằng: “Có phải hạnh phúc như một tấm chăn, người này kéo bên này thì người kia bị mất bên kia? Người này được sung sướng thì người khác phải chịu đau khổ?” Ngày đó tôi từng nghĩ rằng cô giáo nói chuyện cao siêu gì đó, thân ai người ấy chịu chứ liên quan gì đến nhau. Nhưng bây giờ khi nhìn lại quy luật bù trừ này trên một bình diện lớn hơn, tôi chợt nghĩ rằng có thể cô giáo đã nói đúng. Vì ngay trong cuộc đời một con người thì lúc này hưởng vinh quang thì ắt sẽ có lúc nào đó sa xuống vũng lầy. Vậy nếu tất cả con người chúng ta đều có kết nối như một cá thể lớn, như một khối thống nhất thì người này được hưởng sung sướng ấm êm thì hẳn sẽ có một người nào đó phải lâm vào khổ nạn.

Vậy giá trị của quy luật này là gì khi đặt trên một bình diện tập thể như vậy? Tôi nghĩ rằng đó là tình yêu và sự chia sẻ. Chúng ta hưởng sung sướng phúc lạc không phải chỉ cho riêng bản thân mình, mà là để lan tỏa niềm vui đến cho người khác.Và chúng ta chịu đựng khốn khó cũng không phải chỉ với riêng bản thân mình, mà là để hi sinh, làm tấm gương cho người xung quanh, và đôi khi có thể làm người dẫn đường để có thể truyền động lực, tầm nhìn để giúp đồng loại vượt qua những thử thách.

Vậy là sự được hay mất trong con mắt của phàm nhân có thể được thấy như là hạnh phúc và khổ đau, là phần thưởng quý giá và thử thách đáng gờm. Chúng có những ý nghĩa và bài học dành cho mỗi con người. Nhưng biết đâu đấy trong con mắt của ông Trời, chúng lại hiện ra là nốt thăng và nốt trầm của cùng một giai điệu xinh đẹp, là tay trái và tay phải của cùng một cơ thể đang nhảy múa hoan ca, và là thượng nguồn và hạ nguồn của cùng một dòng sông đang in bóng con người tận hưởng.

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top