brian-erickson-xfnec_rhr48-unsplash

Kỷ luật là biết yêu thương bản thân

Tôi nghĩ là ngoài kia sẽ có bạn nào đó đang gặp vấn đề về kỷ luật. Bạn phải gồng lên, phải đau khổ, phải kìm nén để có thể kỷ luật. Bạn sẽ mau chóng thất bại và bỏ cuộc thôi bởi vì nó là một tư duy và cách nhìn sai lầm về kỷ luật. Kỷ luật thực sự không phải ghét bỏ và hành hạ bản thân mình, kỷ luật là biết yêu thương bản thân.

Một ví dụ như bạn có thói quen chơi game, bê tha cả ngày. Bạn được bảo rằng bạn phải cai game ngay lập tức, phải bỏ điện thoại, phải kìm nén ham muốn. Thế là bạn đau khổ, bạn thấy cuộc đời này thật khó chịu. Nếu bạn nhìn điều này theo một cách khác, rằng bạn bỏ game vì muốn bản thân mình sống lành mạnh hơn, muốn mình thảnh thơi để tận hưởng cuộc sống hơn, có thời gian và năng lượng để tập luyện sức khỏe, để học hỏi và phát triển, v.v… thì đột nhiên bạn sẽ thấy việc cai game thực ra là một chuyện dễ dàng. Nếu có gặp khó khăn đến mấy thì tư duy theo cách này sẽ khiến bạn có nhiều ý chí và sức mạnh hơn.

Tương tự, một ví dụ khác về việc cai thủ dâm. Điều sai lầm là bạn cố đè nén dòng năng lượng tình dục của mình, kiềm chế nó, và bạn thất bại toàn tập. Bạn không nhận ra cai thủ dâm là yêu lấy chính mình, rằng nếu không cai bạn sẽ trở nên yếu đuối và điên loạn, rằng khi cai được thì bạn sẽ trở thành một người đàn ông mạnh mẽ, có thể dễ dàng điều hướng được dòng năng lượng đó trong những trường hợp thích hợp. Và khi đó, không phải đè nén dục năng nữa, mà là chuyển hóa nó, dùng nó vào việc có ích. Dục năng là một năng lượng cực kỳ mạnh mẽ và mãnh liệt. Đó là lý do tại sao một người lại thay đổi vô cùng ngoạn mục khi anh ta không còn phí phạm tinh túy của chính mình và đem nó để tạo ra giá trị.

Vậy nên khi từ bỏ một thói quen xấu nào, chúng ta phải xác định rõ xem sẽ tốt ra sao nếu ta bỏ nó, sẽ tồi tệ thế nào nếu ta tiếp tục bị nó cuốn trôi. Đối với tôi, mỗi lần ham muốn xem phim porn nổi lên, đứng trước một phản ứng nóng giận, lười biếng, lỗ mãng với người khác, hay có ham muốn khoe khoang, tự cao tự đại,… thì tôi đều tự nhủ với lòng rằng: “Okay boy, tao biết là mày thực sự muốn điều đó, nhưng nó không tốt cho mày chút nào đâu.” Câu nói này tôi học được trong một video về kỷ luật của Will Smith.

>>> Will Smith – Tự kỷ luật là yêu chính mình

Nhiều quan niệm sai lầm trong kỷ luật là phải hành xác, phải đau khổ tột bậc. Có vài pháp tu cổ xưa theo phương pháp hành hạ chính mình. Từ đó nó biến từ “kỷ luật” thành một thứ gì đó rất tiêu cực.

Từ khóa để cân bằng chuyện này là “yêu bản thân.” Nếu lười biếng làm bạn yếu đuối và phí hoài năng lượng của mình, thì hãy đi tập thể dục để khỏe hơn. Nhưng tập thể dục đến kiệt sức, lê lết, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống thì bạn cần phải cân nhắc lại chuyện này. Điểm cân bằng này ứng dụng trong tất cả mọi lĩnh vực, đời sống, công việc, học tập, rèn luyện, v.v… Đừng học quá nhiều, cũng đừng lười học, đừng làm việc quá nhiều, cũng đừng bê tha. Đừng thư giãn quá nhiều để trở thành lười biếng, nhưng cũng đừng quá khắt khe với bản thân, chặng đường dài cần những quãng nghỉ, nhưng không phải ngồi nghỉ ở đó luôn.

Và lưu ý cũng đừng nhầm lẫn giữa yêu thương bản thân với việc sống ích kỷ.

Đừng kỷ luật để tạo dựng hình ảnh về bản thân hay củng cố cái tôi (ego), cũng đừng kỷ luật vì các giá trị tiêu cực, hay các mục đích xấu xa. Yêu thương và hướng về các giá trị tích cực mới là cái động cơ vận hành chiếc máy kỷ luật ở đây. Và để trở thành một người mạnh mẽ và vững vàng, thì không thể sống mà không kỷ luật.

Tác giả: Bá Kỳ

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top