061821_1213_toughie26645

Không thể tiếp tục sống một cuộc đời tầm thường sau khi đọc xong Gulliver du ký

thđp-review

Khoảng thời gian gần đây, tôi tự thấy bản thân mình có phần lơ là chuyện đọc và học, hay nói đúng hơn là tôi dần trở nên thụ động và chán nản với việc tiếp xúc với những kiến thức mới. Tôi thích ngồi bấm phone và hưởng thụ mấy thứ dễ chịu hơn là bỏ công sức ra tìm tòi nghiên cứu. Ngay khi tôi dần nhận thấy sự lơ đễnh chểnh mảng ấy thì một cuốn sách đã xuất hiện và lay lắc cho tôi bừng tỉnh. Nó đã khiến cho tôi phải thấy xấu hổ vì những thói hư mà mình mắc phải. Nhưng đồng thời, nó cũng không quên chỉ cho tôi thấy cách để vượt qua những mặt tối ấy thông qua những câu chuyện vừa uyên bác vừa mỉa mai.

Cuốn sách mà tôi đang muốn nói đến chính là Gulliver du ký của tác giả Jonathan Swift. “Nó được đọc ở khắp nơi, từ hội đồng nội các cho tới các nhà trẻ.” Đây là một trong những tuyệt tác văn học Anh kể câu chuyện phiêu lưu trong những lần đi biển của một bác sĩ ngoại khoa kiêm thủy thủ người Anh, tên là Gulliver. 

Hẳn nhiên ai trong chúng ta cũng thích được nghe kể về các chuyến phiêu lưu, đặc biệt là về những vùng đất mới lạ, lạ đến mức kỳ dị thì chúng ta lại càng thích thú. Theo một cách nào đó, chúng ta cũng được đi du ngoạn “chay” thông qua những câu chuyện của người trở về.

Ở đây, những chuyến đi của tác giả đều là bất đắc dĩ. Lần thì do tàu gặp bão lớn, lần thì do gặp cướp biển,… tác giả lại dạt vào một hòn đảo lạ nào đó và trải nghiệm đời sống ở thế giới mới. Khi nghe như vậy, chúng ta sẽ tò mò mà hỏi, những vùng đất ấy có gì hay ho? Nhờ kỹ năng gì mà ngài tác giả bác sĩ đáng mến lại sống sót được ở những vùng đất lạ? Ông ta có gì thay đổi gì không sau mỗi chuyến đi?…

Như thế, chúng ta lại tiếp tục khám phá ra thêm những nét đẹp về văn chương, cùng với đó là khả năng lý luận sắc bén của tác giả ở phần nội dung chính. Đặc biệt, các chuyến đi của Guliver hiện ra có tính chất tương phản, đối xứng rất rõ rệt.

Mỗi hòn đảo ông dạt vào sau khi gặp nạn đều là những nơi kỳ lạ, đảo lộn bất thường so với những gì ngày thường một người được nhìn thấy. Nếu Alice đi vào Xứ sở thần tiên được bầu bạn với con thỏ biết nói tiếng người và con mèo biết bay hút tẩu, thì ở đây tác giả người Anh được gặp đủ các hạng người từ tý hon đến khổng lồ, cả về ngoại hình lẫn nhân cách.

Tài năng của tác giả không chỉ là đưa bản thân mình vào những thế giới cực đoan, hoàn toàn lạ lẫm, mà còn là mô tả tường tận những thế giới ấy cho bạn đọc theo dõi. Khao khát được ra đi và khao khát được ở lại, sợ giẫm nát người khác và sợ bị người khác giẫm nát, bị người khác khinh thường và khinh thường người khác,… Sự tương phản, đối nghịch về nội dung giữa các chuyến đi đã đẩy người đọc trải qua nhiều điểm nhìn, nhiều cung bậc cảm xúc và nhiều những trăn trở suy ngẫm. Như đại thi hào người Anh, William Blake đã từng nói: “Con đường của sự cực đoan dẫn đến cung điện của trí tuệ.” Ở đây, trí tuệ không chỉ dành cho người phiêu lưu, mà còn dành cho mọi độc giả cùng say sưa thưởng thức câu chuyện về cuộc phiêu lưu ấy.

Với mạch truyện giản dị, hình ảnh chi tiết sống động và văn phong điêu luyện đến mức như việc hít thở tự nhiên, tác giả kể về văn hóa, lịch sử, địa lý, chính trị, triết lý sống của những nơi ông đến; những lối ăn mặc, cách người dân cư xử, cách các nhà vua quản lý quốc gia của mình,… Những gì là bình thường ở xứ lạ thì lại là sự lạ đối với người bình thường. Nên thành ra, toàn bộ cuốn sách là liên tiếp những sự bất ngờ, khơi dậy óc hiếu kỳ và khả năng xoay chuyển góc nhìn của bạn đọc. Quả đúng như Terence McKenna đã từng nhận định: “Kinh ngạc là phản ứng thích hợp dành cho thực tại.”

Nhưng sự kỳ thú và thâm thúy của tác phẩm Gulliver du ký không chỉ dừng lại ở việc kể về những vùng đất lạ kỳ nơi có những câu chuyện làm người xứ ngoại sửng sốt, mà còn nằm ở việc chính những vùng đất lạ kỳ kia được dựng lên với một tác dụng như một tấm nền tương phản để phê phán những mặt tối đang hiện hữu trong đời sống của con người hiện đại. Đó là những thói hư tật xấu, những bất công xã hội, những hành vi và lối sống trái ngược với lý trí và đạo đức. Không ai mà không thấy xấu hổ vì chính mình một phần nào đó khi đọc cuốn sách trào phúng này.

Tôi xin trích một đoạn văn ấn tượng và lay động nhất đối với tôi trong vô số những đoạn văn giá trị từ cuốn sách để bạn đọc cùng thưởng thức. Nó thuộc những phần mô tả về đời sống của tác giả khi ở xứ Huin cao quý, hay cũng là mô tả về sự suy đồi của xứ con người.

“Sống ở đây tôi không hề biết bệnh tật là gì và tâm trí được hết sức thanh thản. Tôi không hề lo bị bạn bè phản bội bỏ rơi, không lo vấp phải những cạm bẫy của kẻ thù giấu mặt hay công khai. Tôi không phải nghĩ đến chuyện đút lót, hối lộ, nịnh bợ hoặc làm một tên ma cô dẫn khách để được vinh dự nấp dưới sự che chở của một ông lớn hoặc bộ hạ của ông ta. Tôi không hề bắt buộc phải dè dặt phòng bị chống lại sự giả dối và áp bức. Ở đây không hề có những ngài thị trưởng cả tin, láu cá, ngu ngốc và ác hại. Ở đây tôi không hề sợ danh dự của tôi bị những kẻ vu cáo vô lý làm hại, không sợ quyền tự do của tôi bị tước đoạt do những bè lũ bất nhân và do những lệnh trát bất ngờ. Ở xứ này không có những lang băm để đầu độc tôi, không có những luật sư quan tòa để làm tôi khuynh gia bại sản, không có những tên mật thám để nghe lóng những lời tôi nói, theo dõi những hành động của tôi, hoặc bịa đặt ra để vu cáo tôi nhằm kiếm tiền thưỏng. Ở đây không có những nhà phê bình, những kẻ đùa phỉnh, những thằng lừa bịp, những tên kẻ cắp, kẻ trộm, những kẻ khoa trương ầm ĩ, những trùm nhà thổ, những tên ma cô hèn hạ, những nhà chính trị, những tên lắm mồm ba hoa buồn tẻ, những kẻ cướp đoạt giết người, những tên khéo nói, không có những những kẻ cầm đầu gây rối, những đảng phái, không có những kẻ khoe khoang làm phách, chuộng hư danh, không có những tên nghiện rượu say mèm, những gái điếm, những bệnh hoa liễu giang mai, không có những nhà thông thái rởm ngu ngốc mà lại kiêu căng, không có những bạn bè ám ảnh, hay yêu sách, hay cãi lộn, ồn ào, luôn la hét, đầu óc rỗng tuếch, hay ra vẻ ta đây, mở miệng nói là đèo thêm tiếng nguyền rủa, không có những tên vô lại nhờ những hành vi xấu xa mà thoát khỏi bại bùn, không có những nhà quý tộc, những con người cao thượng bị nhấn chìm xuống bùn đen chỉ vì những hành vi đức hạnh, không có những ngài lãnh chúa, quan to, không có quan tòa, những nhạc công và những thầy dạy múa.”

Khi đọc cuốn du ký lừng danh này, chúng ta không chỉ được mở mang trí tưởng tượng và vốn hiểu biết, mà còn có cơ hội tẩy rửa tâm hồn của chính mình thông qua vô số những câu chuyện bóng gió sâu cay của tác giả.

Cụ thể là chúng ta có thể tiếp tục là một con vật tham lam nóng nảy, thường tranh giành vật quý và cắn xé đồng loại không? Chúng ta có thể tiếp tục là những kẻ thượng đẳng sống trên những tầng mây với những ý tưởng huyễn hoặc, luôn coi mình là thông minh nhất, trong khi lại vô cùng vụng về dốt nát trong cuộc sống thực tế hàng ngày không? Và chúng ta có thể tiếp tục là những thằng lùn hay ghen ăn tức ở, ranh ma hãm hại người khác để thỏa mãn cái lòng dạ hẹp hòi của mình không?

Chúng ta sẽ thấy quá đỗi xấu hổ và nhục nhã nếu vô tình nhận ra mình có nét giống với một thứ dân hay một giống loài bẩn thỉu, ngu dốt và đê tiện nào đó mà tác giả đã miêu tả kỹ càng trong truyện. Những câu chuyện và hình ảnh ấy ám ảnh bộ nhớ của chúng ta, theo sát chúng ta ở mỗi hành vi thái độ. Để nhờ đó, chúng ta được đẩy ngược về phía đối cực còn lại, sáng sủa, thông thái và quảng đại khi liên tục nỗ lực sửa mình.

Quả thực, chúng ta không thể tiếp tục sống một cuộc đời tầm thường sau khi đọc xong Gulliver du ký.

9.5/10 là điểm dành cho tuyệt tác này.

Tác giả: Vũ Thanh Hòa

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top