maxresdefault

Hội thánh Đức Chúa Trời có phải là tà đạo không?

Người ta có thể tin vào những gì mà truyền thông trong nước đang nói về Hội thánh Đức Chúa Trời, tuy nhiên việc các phương tiện thông tin liên tục công kích một tôn giáo là một việc không hợp với đạo đức truyền thông cho lắm. Việc của truyền thông là đưa tin chứ không phải phán xét. Hơn nữa ở đây, báo đài liên tục quy chụp tôn giáo này là tà giáo là một việc vô cùng lố bịch nếu không muốn nói là vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tín ngưỡng. Việc nhìn nhận chính tà tốt nhất nên để các tôn giáo tự phân xử với nhau mà ở đây cụ thể là các tôn giáo thuộc hệ Cơ đốc hay là các nhánh của Kitô giáo có chung niềm tin vào Chúa Jesus cứu thế.

Dĩ nhiên, tôn giáo nào có cách hành đạo đi ngược với các chuẩn mực xã hội hoặc không phù hợp với văn hóa của một khu vực nào đó sẽ tự động bị cộng đồng phản đối và bài xích. Giáo hội Công giáo Roma trong quá khứ đã trải qua một cuộc cải cách lớn là công đồng Vaticano II nhằm thay đổi chính mình cho phù hợp với hầu hết các nền văn hóa trên thế giới mà đặc biệt là các nền văn hóa Á Đông. Từ đó mở đường cho Công giáo được lan truyền rộng rãi. Sự thay đổi này đã từng được thực hiện từ thuở sơ khai khi các tông đồ quyết định xóa bỏ phép cắt bì từ thời Môisen vốn gây nhiều đau đớn cho tín hữu để chỉ thực hiện phép rửa tội mà thôi.

Và Hội thánh Đức Chúa Trời là một tôn giáo lên tiếng chống lại những thay đổi, họ thường chỉ trích Công Giáo vì đã bỏ đi nhiều lễ trong thời Cựu Ước và thời Chúa Jesus hay thờ phụng ngày Chủ Nhật thay vì Thứ Bảy. Họ cũng nhân danh sự bảo vệ các giá trị nguyên bản để lôi kéo các tín đồ Kitô giáo khác. Việc ấy cũng không phải là gì nghiêm trọng nếu họ không động chạm đến nơi thẳm sâu nhất là niềm tin về Chúa Jesus cứu thế từ đó bị các tôn giáo khác chỉ trích là tà giáo và phạm thượng. Ahn Sahng-hong, người sáng lập Hội thánh Đức Chúa Trời đã tự xưng mình chính là Đấng Christ xuống thế lần thứ hai trong thân xác con người. Trong khi đó, các tôn giáo còn lại của Kitô giáo đều đang trong tâm thế chờ đợi điều ấy xảy ra và luôn im lặng trước mọi tin đồn về ngày tận thế.

Ngay từ khi ra đời tại Hàn Quốc, Hội thánh Đức Chúa Trời đã bị bài xích và chỉ trích thậm tệ tuy nhiên điều đó không làm cho họ ngừng thu hút thêm tín đồ. Việc họ có sử dụng bùa mê để mê hoặc tín đồ như truyền thông đã nói hay không vẫn chẳng có cơ sở nào để xác nhận. Nhưng nói đi rồi cũng nói lại, tôn giáo này chỉ mới tồn tại trên cõi đời chưa đến 50 năm và ngay cả những tôn giáo lớn được công nhận, được tôn sùng trên toàn thế giới thời gian đầu cũng đều bị người đời phỉ nhổ cả.

Con người ta mạnh mẽ nhất là khi được niềm tin chỉ lối, chúng ta hãy cùng nhau chờ xem tôn giáo này sẽ tiếp tục tồn tại như thế nào trước trăm sóng ngàn gió từ thế gian, tất nhiên đây là thế gian nhìn từ góc nhìn của họ.

Chúng ta biết một tôn giáo hoạt động nhờ sự liên kết giữa hai yếu tố, yếu tố bên ngoài là các nghi lễ, các hoạt động thờ phụng và yếu tố bên trong là niềm tin mà họ tuyên xưng, giáo lý mà họ dùng để răn dạy các tín đồ của mình dựa trên nền tảng tư tưởng của đấng mà họ tôn thờ. Hay nói ngắn gọn, hai yếu tố này chính là hình thức và nội dung của một tôn giáo. Không phải nói thì những ai có đạo cũng đều hiểu rằng nội dung thì quan trọng hơn là hình thức.

Theo Kinh thánh Tân Ước của Công giáo tường thuật lại cuộc đời rao giảng của Chúa Jesus thì người phê phán kịch liệt những ai theo đạo mà chỉ coi trọng hình thức bên ngoài và thực thi các giáo luật một cách cứng nhắc, máy móc. Điều đó có thể được dùng để giải thích cho việc Giáo hội Công giáo sau này chấp nhận thay đổi các nghi thức phụng vụ cũng như điều chỉnh các giáo luật sao cho phù hợp với nhịp phát triển của thế giới và thuận tiện cho các tín hữu ở các nền văn hóa khác nhau nhưng vẫn giữ lại những giá trị luân lý nền tảng, không làm thay đổi tinh thần Kitô.

Như đã nói, Hội thánh Đức Chúa Trời chủ trương giữ nguyên các kì lễ của dân Do Thái, và nếu như những tường thuật từ báo chí là chính xác thì họ còn có cách hoạt động gần giống với buổi đầu hoạt động của các cộng đoàn tín hữu Kitô giáo dưới sự dìu dắt của các môn đệ Chúa Jesus. Điều đó đã khiến cho các hoạt động tín ngưỡng của tôn giáo này trở nên lạc nhịp giữa xã hội hiện đại. Trong khi đó, về mặt tín lý, họ bị các tôn giáo bạn cho là phạm thượng và ngông cuồng, bị liệt vào hàng dị giáo. Như vậy, ở cả hai khía cạnh hình thức và nội dung, họ đều khó có thể hòa nhập với xã hội mà đặc biệt là xã hội Việt Nam vốn thiếu tự do và vẫn còn trong thời kì bán khai, nhập nhằng giữa các giá trị hiện đại và truyền thống, mơ hồ giữa tôn giáo và mê tín, con người mất cân bằng trong việc coi trọng tinh thần và vật chất. Một hiện trạng không mấy tốt đẹp, cho thấy một tương lai khá đen tối, dành cho một tôn giáo còn non nớt, ở một đất nước hỗn loạn.

Hãy bỏ qua những điều chưa sáng tỏ về cách thức mà họ thu hút tín đồ của mình hay việc họ có trục lợi dưới vỏ bọc tôn giáo hay không. Nếu có điều gì đó chúng ta học được từ Hội thánh Đức Chúa Trời đó là ý chí sắt đá và sự táo bạo của họ khi dám lao thân vào một nơi như Việt Nam để truyền đạo, để gõ cửa từng nhà, tìm đến từng người mà thủ thỉ những điều họ tin tưởng.

Và nếu chúng ta tự hỏi liệu họ có chùn bước khi cả xã hội Việt Nam từ chính quyền đến người dân đang chống lại họ thì câu trả lời sẽ là không. Chắc chắn họ đã được dạy rằng tất cả mọi sự bắt bớ, chèn ép của thế gian đều là những điều tất yếu của công việc truyền đạo, những người truyền đạo sẵn sàng chịu thiệt thân để hạt giống đức tin của họ được gieo vãi và vươn mầm.

Tác giả: Nguyễn Tài

KoE
Sponsored

Đánh giá nội dung bài viết

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to site top